Ông Địa trong tâm thức dân gian miền Nam

Đăng lúc: Chủ nhật - 09/09/2012 20:33
Ở Nam Bộ, Ông Địa thường được thờ chung với thần tài - vị thần được xem là đem tài lộc đến cho muôn nhà. Người ta đóng một cái trang để thờ hai ông, trang thờ này được đặt ở gian trước nhà và để dưới đất, đôi khi chỉ để ở một góc nào đó.
Phía trong trang là một bài vị, kế đến là lư hương, giữa lư hương là Ông Địa và Thần Tài. Một số người làm ăn kinh doanh thì thờ Ông Địa và ông Thần Tài trong tủ kính - nơi họ bày biện bán buôn. Và người ta cho rằng, khi lấy cắp tượng Thần Tài hoặc Ông Địa ở những nơi buôn bán đắt đem về nhà mình để thờ thì nhà mình cũng nhanh chóng ăn nên làm ra. Vì vậy, những người buôn bán kinh doanh “canh giữ” hai vị thần này rất kỹ, sợ bị mất cắp thì gia đình sẽ làm ăn sa sút. Lại có nơi, trên trang thờ Ông Địa với ông Thần Tài người ta để thêm một dĩa tỏi, hoặc treo một chùm tỏi sát bên. Người ta tin rằng làm như vậy nhà mình sẽ mua may bán đắt.

Về hình tượng Ông Địa, ở Nam Bộ, tượng Ông Địa hay tranh vẻ thường là một người trung niên mập mạp, bụng bự, vú lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá... trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phong thịnh. Và nó cũng mang chút hơi hướm của sự hài hước. Đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nam Bộ. Người Nam Bộ thường có tâm lý tin vào thần thánh nhưng đôi khi họ cũng không tuyệt đối hóa sự thờ phượng này. Họ tin Ông Địa, thờ cúng Ông Địa quanh năm nhưng đôi khi mùa màng thất bát, buôn bán lỗ lã họ van vái Ông Địa nhiều lần, nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn, họ sẵn sàng đem Ông Địa bỏ ở gốc cây, kẹt đá, hoặc quăng xuống sông. Có người còn lấy Ông Địa đang thờ đập bỏ rồi hôm sau ra chợ thỉnh Ông Địa mới về. Cũng như hiện tượng người Nam Bộ thờ cọp, họ sợ cọp nên thờ, gọi cọp là “Sơn quân chi thần”. Nhưng khi cọp đến phá phách nương rẫy, đe dọa đến tính mạng của con người thì họ cũng sẵn sàng tổ chức đánh đuổi cọp đi, hoặc giết cọp, giết xong lại lập miếu thờ.

Vì lẽ đó mà Ông Địa ở Nam Bộ dường như có khoảng cách rất ngắn với con người, ông như một vị thần dân dã luôn luôn gần gũi với cuộc sống của con người. Chính điều này đã dẫn đến hàng loạt các giai thoại về Ông Địa do dân gian sáng tác, nhằm giải thích các đặc điểm về hình thể ông cũng như để giải thích một số sự việc, hiện tượng mà người ta không thể lý giải được trong cuộc sống của mình. Như truyện Sự tích Ông Địa bụng bự chẳng hạn. Truyện kể rằng: “Ngày xưa, Ông Địa có cái bụng bình thường như bụng của mọi người. Thuở ấy, Ông Địa kết thân với Hà Bá. Trong vùng có một mụ góa tính khí chua ngoa, nhưng mụ lại có cô con gái rất đẹp. Mụ phải cái tật, hễ cất tiếng chửi con thì y như có mấy lời đầu lưỡi:

- Hà Bá đ... mày!

Thấy vậy, Ông Địa mới gặp Hà Bá, vừa thiệt, vừa giỡn, bảo: 

- Nè, anh tốt phước quá! Ở đây, ngày nào cũng có người nói muốn hiến con gái cho anh đó. Mà lại con gái đẹp kia chớ.

Hà Bá mừng quá liền hỏi:

- Thiệt vậy không? Mà ai vậy? Nhờ anh làm mai dùm tôi liền đi nghe.

Ông Địa bằng lòng và dẫn bạn đi.

Hôm sau, trời vừa sáng, Hà Bá theo Ông Địa đến cổng nhà mụ góa nọ. Còn sớm, cô con gái út ngủ chưa dậy, chỉ mới có bà mẹ dậy quét dọn sân nhà. Giữa sân có con chó cái, ý chừng phải thức canh nhà nên vẫn còn nằm lì đó, đuổi chẳng buồn đi. Đuổi hoài chẳng được, mụ ta nổi xung trở cán chổi đập con chó một cái, chửi:

- Cái đồ Hà Bá !

Thiệt nào ngờ? Hà Bá giận quá chừng liền đạp cho Ông Địa một đạp và chửi:

- Đồ khốn! Dám lừa tao! Dẫn tao đi để gả cho con chó cái này hả?

Ai ngờ mới có một đạp, Ông Địa đã rớt xuống kinh. Không tính tới sự oái oăm này, nên Ông Địa mắc cười quá, té xuống kinh mà vẫn cười ngất, thành thử ông uống phải nước kinh nhiều quá. Đến nỗi, cái bụng ông phình ra, rồi cứ lần lần bự dần, đến chang bang như bây giờ”.

Tóm lại, trong suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ Thần Đất nói chung, thờ Ông Địa nói riêng đã có nhiều thay đổi, nó không còn giữ nguyên sơ của dạng tín ngưỡng ban đầu. Đặc biệt khi vào Nam Bộ, tín ngưỡng này càng thay đổi mạnh mẽ hơn. Trong tâm thức dân gian Nam Bộ, Ông Địa được xem là một vị phúc thần, không chỉ có vai trò bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà còn có nhiệm vụ đưa rước Thần Tài đến nhà, nghĩa là làm cho gia chủ phát đạt giàu có, và kiêm luôn việc giúp cho gia chủ mau lành bịnh và tìm kiếm được những món đồ đã mất. Và với nhiệm vụ này, sáng sớm khi mở cửa tiệm, cửa nhà Ông Địa thường được gia chủ thưởng cho một ly cà phê đen, một điếu thuốc, có khi lại là cà phê sữa, thuốc ba số hẳn hoi. Nhiều lúc có cả bánh bao, thịt heo quay nữa.

Dù sao Ông Địa cũng gắn bó với cư dân Nam Bộ trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành cùng cư dân Nam Bộ khẩn hoang lập ấp ngót ba trăm năm nên giờ đây, Ông Địa tỏ ra rất gần gũi với cư dân Nam Bộ. Mặc dù họ vẫn tôn thờ ông như thuở nào nhưng trong thâm tâm họ, ông luôn gần gũi, hiền từ, ít trách cứ ai... nên họ mới tạc nên hình dáng ông như vậy, và hàng loạt câu chuyện liên quan đến ông xuất phát từ tâm lý này. Chẳng vậy mà, khi người ta làm việc gì hết mình, hoặc chơi hết mình người ta hay nói: “Chơi mát trời ông Địa luôn”...!

LHVV tổng hợp
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Ông Địa, Nam bộ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 224
  • Khách viếng thăm: 220
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 52769
  • Tháng hiện tại: 2497659
  • Tổng lượt truy cập: 48871786