Lực lượng vũ trang góp phần quan trọng trong khai hoang ĐTM

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/08/2014 23:36
Năm 1976, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã điều động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2009B, Tiểu đoàn 213, cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Trại quản huấn và lực lượng của các huyện tiến quân vào Nông trường Mỹ Đông, thuộc xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy. Đây là một trong những lực lượng đầu tiên vào khai hoang Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Tiền Giang.

Tháng 5-1976, các đơn vị chính thức bước vào khai hoang, sản xuất, mặc dù thiếu cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất nhưng các đơn vị của nông trường bước vào khai hoang, sản xuất với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”.

Bước đầu chủ trương trồng lúa nhưng thất bại, lúa chết do đất nhiễm phèn nặng. Sau thất bại, nông trường tiến hành đào hệ thống kinh mương chuyển sang trồng cây khóm thành công trên đất phèn; cùng lúc nông trường xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng tại nông trường và công trình ở Láng Biển (xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy); đồng thời tiến hành phá tháo dỡ trên 21.000 quả mìn, lựu đạn, tạo điều kiện khai hoang gần 400 ha đất hoang hóa tại đây.

Đến tháng 4-1981, các lực lượng vũ trang tỉnh đã thành lập thêm 7 nông trại trực thuộc các Ban chỉ huy Quân sự huyện làm nhiệm vụ kinh tế, trong đó có 4 nông trại ở khu vực ĐTM như: TP. Mỹ Tho, Nông trại 3 - 2 (ở huyện Châu Thành nay là huyện Tân Phước); Nông trại Ấp Bắc; Nông trại Ngô Văn Nhạc (huyện Cái Bè); Nông trại Lê Phước Hải (huyện Châu Thành)…

Các Nông trại sau khi thành lập nhanh chóng đưa lực lượng tập trung khâu làm đất, đào mương lên liếp, tự trồng rau xanh quanh bếp. Đến năm 1982, Nông trường Mỹ Đông được bàn giao lại cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 16-7-1987, Bộ CHQS tỉnh thành lập Tiểu đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) với phiên hiệu 637 trực thuộc Xí nghiệp liên hiệp Rau quả Tiền Giang đứng chân tại Nông trường Tân Lập. Tháng 5-1989, Bộ CHQS tỉnh thành lập thêm 3 Tiểu đoàn KTQP, trong đó có 2 Tiểu đoàn KTQP ở vùng ĐTM là Tiểu đoàn 514 (đổi phiên hiệu Tiểu đoàn 637) và Tiểu đoàn 2009.

Cho đến năm 1992, lực lượng KTQP tiếp tục phát triển, Trung đoàn 2 Khung thường trực được giao nhiệm vụ khai hoang, sản xuất 256 ha tại Láng Cát, phát triển thêm một đại đội KTQP khai hoang vùng Bắc Đông. Trong lúc này, các đơn vị KTQP hoạt động trên 2 lĩnh vực kinh tế và quốc phòng có hiệu quả khá tốt, đã được kiểm nghiệm qua các năm 1990, 1991 tỉnh điều động một lực lượng lớn của 2 Tiểu đoàn KTQP 514 và 2009 đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và tham gia đợt chống lũ ở địa bàn phía Bắc thuộc các huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

Năm 1994, tỉnh thành lập huyện Tân Phước, Bộ CHQS tỉnh sáp nhập Đội khai hoang ĐTM vào Tiểu đoàn 2009, tách Tiểu đoàn 514 và 2009 thành 2 tiểu đoàn độc lập trực thuộc Bộ CHQS tỉnh; Trung đoàn 924 về lại xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) làm nhiệm vụ quản lý quân dự bị.

Qua quá trình hơn 10 năm các lực lượng vũ trang Tiền Giang nhận nhiệm vụ tiên phong vào khai hoang, sản xuất vùng ĐTM, với phiên hiệu đơn vị KTQP đã luôn sát cánh cùng với các lực lượng khác không ngại gian khổ, thiếu thốn, cùng sống chung với phèn, với lũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và sản xuất, góp phần rất quan trọng trong công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành công vùng ĐTM của Tiền Giang như ngày hôm nay.

Lê Hồng Lâm
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 213
  • Khách viếng thăm: 210
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 46183
  • Tháng hiện tại: 505965
  • Tổng lượt truy cập: 49652442