“Hoa xuân” hay khúc hoan ca của mùa xuân

Đăng lúc: Thứ ba - 02/02/2010 10:12
“Hoa xuân” hay khúc hoan ca của mùa xuân

“Hoa xuân” hay khúc hoan ca của mùa xuân

Hàn Mặc Tử đã có những câu như thế này: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý bóng xuân sang…”. Xuân đã chớm về theo xanh tươi cành lá, trong mơ màng khói tỏa cùng chút nắng hồng ửng lên mái nhà tranh. Chỉ với vài câu chữ, một bức tranh xuân tuyệt đẹp, vừa rực rỡ, vừa dịu nhẹ đã mang đến cho người đọc thoáng mơ màng, bâng khuâng. Đó là tài của Hàn thi sĩ vậy!

Nếu như trong thơ ca, câu chữ là men say của sự chưng cất cái tứ, cái tình, thì trong âm nhạc, mỗi nốt nhạc có thể là một cung bậc của cảm tính, là sự giao thoa của những run rẩy, choáng ngợp, bềnh bồng hay mênh mang, dịu dàng, thanh thản trong miền thế giới riêng của thính giác. Mùa xuân của Hàn thi sĩ dịu mát đến say lòng người đọc. Mùa xuân trong “Hoa xuân” của Phạm Duy tươi tắn rộn ràng mà cũng không kém phần thi vị.

“Xuân vừa về trên bãi cỏ non/Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn”.

Nét nhạc đơn giản chỉ với 4 nốt “đô, mi, sol, la” nhưng ta đã thấy xuân về nhè nhẹ, êm ái như lời ru. Cái lạ của khúc mở đầu ở đây là tại sao Phạm Duy lại đưa hình ảnh của lá vàng vào đầu của khung cảnh mùa xuân? Phải chăng ông muốn gửi gắm rằng sự kết thúc chính là mở đầu cho hồi sinh? Lá vàng rụng về cội để cho chồi non đâm lộc? Xuân của Phạm Duy đã bắt đầu từ lúc lá vàng rơi xuống, xuân của Phạm Duy là xuân của nguồn cội. Ta cảm được tiếng lá rơi tuy rơi nhẹ nhưng là sự lẩy nhịp tạo nên bước chuyển của không gian khiến bức tranh xuân bừng lên từng mảng rực rỡ:

“Hoa cười cùng tia nắng vàng son/Lũ ong lên đường cánh tung ròn”.

Xuân không chỉ có sắc mà còn có hương, không chỉ có “tĩnh” mà còn có “động”. Hình ảnh của ong bướm vui đùa bên  cái e ấp, thanh tân của hoa xuân rất sống động với hai chữ “tung ròn” hạ xuống cuối câu nhạc. Dường như trong hình ảnh lại cài hình ảnh, trong thanh âm lại lồng thanh âm tạo nên sự náo nức, giòn giã của tâm hồn đang dần đắm trong gió xuân đang về trên cành lá.

“Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi/Muốn yêu anh vác cày trên đồi/Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi/Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời.”

Đã có “hương”, có “sắc”, có “âm thanh” nhưng nếu thiếu cái “tình” thì chưa phải là xuân đúng nghĩa. Tình xuân ở đây là tình của thiên nhiên, đất trời, hoa lá, tình chân thành dành cho những con người đang cần cù xây dựng, bảo vệ quê hương chứ không phải cái tình hời hợt lả lơi, vụn vặt, ve vãn tầm thường. Hoa bừng lên sức sống để vun đắp chứ không phải để tô điểm hào nhoáng giả tạo. Nhạc cứ trôi dìu dặt mà nhẹ nhàng, mang cái xuân sắc thơ tình quyện vào lòng người nghe làm dậy nên niềm lạc quan khó tả. Không réo rắt, không dồn dập, xuân cứ dịu dàng mà tràn ngập.

“Xuân! Hoa còn tươi mãi / Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui/Xuân! Hoa nở vì ai/ Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai…”

“… Có một chàng thi sĩ miền quê/Ngắt bông hoa biếu người xuân thì/Có một đàn em bé ngoài đê/Hát câu i tờ đón Xuân về”.

Bức tranh xuân dần hiển hiện ra đầy đủ từng mảng màu tươi tắn, khoảng khoát nhưng có lẽ sẽ kém sinh động nếu thiếu mất đi chủ thể cùng hòa nhịp theo từng bước xuân về. Nhành hoa mà chàng thi sĩ ngắt tặng cho cô gái không rõ là hoa gì nhưng có lẽ hương thơm của nó đã ngan ngát qua khung nhạc, đem đến sự miên man, say đắm. Và trên bước đường làng xôn xao tiếng mục đồng đánh vần con chữ cho rộn ràng thêm xuân sắc. Hoa xuân, hoa của tình yêu ngọt ngào, hoa của tâm hồn trẻ thơ bừng nở trong chớm chạm vào ánh sáng của tri thức. Hoa trở thành người hay người cũng chính là một bông hoa đang khoe hương sắc giữa mùa xuân cuộc đời. Cánh nhạc đơn sơ chỉ phác họa vài nét chấm phá mở toang ra thế giới mùa xuân rất riêng của miền thính giác, âm thanh trở thành màu sắc, trở thành hình họa, dựng nên bức tranh của mùa xuân.

Hình như đã không còn ranh giới giữa thính giác, thị giác, cảm giác, ta nghe để cảm, cảm để nghe. Xuân cũng không còn là hình ảnh hiển hiện ra mà lại tan theo sóng âm tạo thành phép màu, thôi thúc sự chuyển động của chủ thể. Chủ thể đó không phải gói gọn trong câu chữ bản nhạc nữa, chủ thể đó bao gồm luôn cả ta, cái ta chìm trong vi diệu của âm nhạc.

“… Những đoàn người trên luống cầy nâu/ Thấy hoa xuân phép lạ ra màu/Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu/Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu/Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao/Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu/ Người cùng mùa đã thoát vực sâu/ Sức reo hoa nở lúc Xuân đầu…”

“… Xuân! Hoa tỏa hương mới /Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui/Xuân! Hoa là tình tôi /Đua nở cùng ai cùng quyến luyến mọi nơi…”.

Lời nhạc đẹp đầy chất tượng hình và giàu sức biểu cảm, lay động lòng người. Thiết nghĩ không cần phải bàn thêm nữa bởi câu chữ để bình lúc này gần như bất lực trước lối diễn tả quá tuyệt vời của nét nhạc. Ẩn sau sự đơn sơ, nhẹ nhàng mà đơn giản của từng nốt nhạc là từng lớp hình ảnh sắc nét, sống động mang đậm cảm xúc của tâm hồn con người đang rung động trước vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, mùa xuân con người. Mùa xuân là mùa của hạnh phúc, là mùa của sự thỏa mãn những niềm vui mang tính nhân bản trong sự giao hòa với thiên nhiên. Âm nhạc lúc này đã trở thành văn chương, thành hội họa.

“Có một bầy thôn nữ nhìn hoa/Chúc cho Xuân vui vẻ thái hoà/Có một vài tóc trắng thầm mơ/Ước cho hoa nở mãi không già”.

Hẳn là có sự sắp đặt trong đoạn cuối của bản nhạc này. Đây là đoạn nhạc của luân chuyển thời gian. Thanh xuân được đặt cùng với bạc đầu tạo nên sự quay vòng không tránh khỏi được của thời gian. Phạm nhạc sĩ đã gửi gắm mơ ước xuân sẽ mãi trường tồn cũng như mong ước cái thanh xuân của đời người sẽ được tiếp nối trọn vẹn để vun đắp nên không khí vui vẻ, thái hòa - một ước mơ của nhân thế muôn đời!

Xét về nhạc lý, “Hoa xuân” thật giản đơn, không có những đoạn dồn dập cao trào, không có những đỉnh cao mê mẩn. Xét trong hoàn cảnh sáng tác, năm 1953, ta còn nhận thấy bản nhạc là sự rung cảm hết sức tinh tế của tâm hồn của người nghệ sĩ trước sự kì vọng vào mùa xuân thanh bình của đất nước mà mỗi một con người chung tay xây dựng, bảo vệ là một đóa hoa xuân khoe hương sắc, không bao giờ tàn cùng mùa xuân chung dân tộc. Bản nhạc cứ dịu nhẹ đi vào lòng người, chậm rãi vẽ nên bức tranh sinh động của thiên nhiên đất trời trong thanh sắc mùa xuân, ở đó có chuyển động của hình họa, có quay vòng của thời gian. Âm nhạc đạt đến cảnh giới khác, hòa trộn vào đó cả văn chương, cả hội họa và nhân học. Những nốt nhạc tưởng chừng như đơn giản nhưng khắc họa nhiều mảng, nhiều hình tượng tạo nên không gian sâu lắng mà rộn ràng, mênh mang mà tươi tắn đồng thời cũng gửi gắm tình cảm, ước mơ mang đậm tính nhân văn, nhân bản. Đó là cái tài của Phạm nhạc sĩ vậy!
Cung Đàn Xưa
(Theo Văn nghệ trẻ TG xuân 2010)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 221
  • Khách viếng thăm: 214
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 16720
  • Tháng hiện tại: 2516106
  • Tổng lượt truy cập: 48890233