Bình Phục Nhứt: Duy trì đều đặn hoạt động CLB đờn ca tài tử
- Thứ tư - 19/06/2013 06:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Và cũng nhờ có sân chơi này mà xã Văn hóa Bình Phục Nhứt có phong trào đờn ca tài tử phát triển vượt trội hơn so với những xã văn hóa khác trong tỉnh với 7 nhóm đờn ca tài tử rải rác ở các ấp và một CLB đờn ca tài tử của xã.
Ông Châu Văn Em, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Một trong những điều kiện để phong trào đờn ca tài tử tồn tại là nhờ vào nhà văn hóa xã được hỗ trợ nhạc cụ, bàn ghế… cùng tinh thần đam mê văn nghệ của bà con.
Mỗi năm, Nhà Văn hóa xã được UBND huyện hỗ trợ gần 100 triệu đồng để tu bổ, mua sắm nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh.
Đờn ca tài tử là một hoạt động giải trí lành mạnh mà UBND xã rất quan tâm, duy trì và hỗ trợ nhằm phát triển phong trào văn văn nghệ của xã trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới.
Đồng thời, qua phong trào này, đã phát hiện nhiều hạt nhân, nhiều cây văn nghệ có sở trường để dự thi các hội thi của huyện và tỉnh. Cụ thể như trong liên hoan văn nghệ quần chúng các xã văn hóa của huyện vừa tổ chức tại Nhà Văn hóa xã Thanh Bình, 3 tiết mục của xã Bình Phục Nhứt tham gia đều đoạt giải xuất sắc, được chọn dự thi cấp tỉnh.
Một trong những người sáng lập ra sân chơi (chương trình “Vầng trăng tri âm”) cho phong trào đờn ca tài tử của xã Bình Phục Nhứt là ông Nguyễn Tấn Tài, trước đây là Phó Chủ tịch UBND xã, nay là Chủ tịch UBND xã. Được biết, trước đây trong những lần đi công tác xuống các ấp, ông Tài được nghe nhiều bà con khoái hát vọng cổ ngỏ ý về việc thành lập một CLB đờn ca tài tử để tham gia cho vui.
Một điều lý thú và thuận lợi là ý tưởng này đều được lãnh đạo UBND xã tán thành rất cao vì họ cũng là những người yêu thích và ca vọng cổ rất “mùi” như Bí thư xã Nguyễn Văn Hải, nguyên Chủ tịch UBND xã Lê Văn Vũ…Từ đó, việc thành lập các nhóm đờn ca tài tử ở các ấp được tiến hành và một CLB đờn ca tài tử của xã ra đời với các hạt nhân là những những ngón đàn của các ban nhạc lễ trong xã cùng và giọng ca lão luyện như: ông Tư Qưới, anh Tấn Tài, anh Nguyễn Anh Kiệt…
Cách hoạt động của các nhóm đờn ca tài tử ở xã Bình Phục Nhứt rất vui và đúng với nghĩa là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn. Hàng tháng, các nhóm đờn ca tài tử của ấp (ít nhất từ 6 người trở lên, trong đó có người biết đờn cổ nhạc) luân phiên họp mặt và sinh hoạt định kỳ ở nhà từng thành viên.
Nội dung sinh hoạt là giao lưu, tập hát các bản trong nhóm 3 nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 oán (Tứ đại, Giang Nam, Phụng hoàng, Phụng cầu)… để chuẩn bị tiết mục nổi trội tham gia chương trình “Vầng trăng tri âm” của xã theo lệ rằm hàng tháng. Một đặc điểm rất mộc mạc của thôn quê được thể hiện tùy theo tấm lòng mà mỗi thành viên tự nguyện đóng góp trái cây, gói trà để cùng chủ nhà “đăng cai” buổi giao lưu tổ chức uống trà hoặc nhâm nhi ly rượu bên chiếu tài tử.
Ngoài những thành viên trong nhóm, số bà con xung quanh đến dự sinh hoạt nếu thích có thể tham gia đôi bài ca cho không khí thêm rôm rả. Một số nhóm đờn ca tài tử hoạt động mạnh, bài bản và thường xuyên có các tiết mục đặc sắc của xã là nhóm ông Tư Qưới, nhóm Tư Chương...
Để duy trì, phát triển phong trào đờn ca tài tử, Nhà văn hóa xã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu với các CLB đờn ca tài tử ở các xã văn hóa của huyện, tỉnh. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, hội kỳ yên còn có các hội thi hát dân ca, đờn ca tài tử… để các nhóm có điều kiện giao lưu, trao đổi ngón nghề với nhau.
Cụ thể như trong ngày 16-10 vừa qua, Nhà Văn hóa xã Bình Phục Nhứt đã tổ chức thành công hội thi hát dân ca, đờn ca tài tử với 20 tiết mục tham dự. Qua đó, Ban Tổ chức đã phát hiện ra nhiều giọng ca tài tử nổi trội như anh Lê Tấn Tài (Bình Khương 1), anh Hoàng Danh (ấp Bình Khương 2)…, đặc biệt là có nhiều bài vọng cổ tự biên của các thầy giáo Văn Vân, Văn Chẻ (trường THCS Bình Phục Nhứt), Tấn Cường (trường Tiểu học Bình Khương 2) với nội dung ca ngợi Bác Hồ và tình yêu đôi lứa rất cảm động.
Anh Lê Minh Sơn, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa xã cho biết: Nhà Văn hóa sẽ cố gắng duy trì các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, giao lưu đờn ca tài tử định kỳ tạo môi trường cho các nghệ nhân bậc thầy trao đổi rút kinh nghiệm về cách thể hiện các bản nhằm phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân đờn ca tài tử ở địa phương.
Ông Tô Hoàng Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Chợ Gạo nhận xét: Phong trào đờn ca tài tử của xã Bình Phục Nhứt trong nhiều năm qua đã phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã, góp phần bảo tồn, gìn giữ phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, đồng thời góp phần tích cực đối với công tác phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới. Điều có ý nghĩa lớn nhất là nó tạo ra một sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích văn nghệ trong xã và cũng là nơi phát hiện nhiều hạt nhân văn nghệ địa phương.