UBND tỉnh tiếp đoàn công tác liên Bộ kiểm tra tình hình thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em

Đăng lúc: Thứ hai - 11/11/2013 08:24
Sáng ngày 8/11/2013,ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020. Đoàn do ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội làm trưởng đoàn.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu.

Tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em năm 2013. Kết quả thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe và suy dinh dưỡng, các cấp chính quyền cùng  ngành y tế tập trung thực hiện công tác củng cố hệ thống y tế cơ sở, đến nay đã tăng cường bác sĩ về công tác trạm y tế ở 169/169 xã, phường, thị trấn và duy trì 100 % ấp, khu phố có cán bộ y tế phục vụ.  Tổ chức nói chuyện chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống mù lòa do thiếu vitamin A; tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh trẻ em, nhất là sốt xuất huyết, bệnh tiêu chảy, tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, tuyên truyền hướng dẫn nấu bữa ăn mẫu, tư vấn nhóm về dinh dưỡng trẻ em.

Đồng thời tăng cường hoạt động của y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 26,4% năm 2012, ước thực hiện đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 25,4%; thể nhẹ cân từ 13,9% năm 2012, ước thực hiện đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 13,5%, hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em suy dinh dưỡng nặng.

Trẻ em khuyết tật luôn được đặc biệt quan tâm, hàng năm tỉnh đều tổ chức các đợt khám và cấp thuốc miễn phí cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Y Bác sĩ Thiện Nguyện TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đợt khám bệnh và  phẫu thuật cho trẻ em mắc các khuyết tật ở các huyện, thành, thị.

Về mục tiêu giáo dục, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm đầu tư ngân sách cho giáo dục, các chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, cho trẻ em khó khăn cùng với trách nhiệm của gia đình và cộng đồng…đã tạo điều kiện tốt cho trẻ em được đi học. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học từng bước củng cố, đồng thời tiến hành phổ cập trung học cơ sở trong toàn tỉnh.

Cụ thể: Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi vào mẫu giáo từ 64,4% năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 tăng 65,2%, ước tính đến cuối năm 2013 tăng 68,6%. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi 6 tháng đầu năm 2013 là 95,2%, ước thực hiện đến cuối năm 2013 là 95,6%. Tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp tiểu học từ năm học 2011 - 2012 là 99,9%, năm học  2012 - 2013 là 99,99%.Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS từ 97,9% năm học 2011 - 2012, năm học 2012 - 2013 là  97,91%. Tăng tỷ lệ trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập năm 2012 là 87,40%, ước tính đến cuối năm 2013 là 88%.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: thăm hỏi tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp khó khăn, tặng học bổng cho trẻ em nghèo nhân dịp tổng kết năm học 2012 - 2013. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng theo Quyết định 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện, thành, thị và 25 xã điểm thực hiện mô hình; tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt tham dự trại hè liên tỉnh “Ước mơ hồng” tại tỉnh Đồng Tháp. Tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà Trung thu năm 2013 cho 1.015 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các huyện, thành, thị và trung tâm công tác xã hội tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được trên 7 tỷ đồng,  đạt 140,90% kế hoạch. Từ kết quả vận động, tỉnh đã tổ chức giúp đỡ cho 13.970 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng giá trị tiền và hàng hóa đã chi hơn 6,9 tỷ đồng.

Về chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em, trong thời gian qua, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thành, thị. Toàn tỉnh đã có 64 nhà văn hóa ở xã, phường văn hóa với vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Các trung tâm, nhà văn hóa này thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trong đó có phục vụ vui chơi, sinh hoạt trẻ em, đặc biệt là nhân dịp các ngày lễ, tết,… Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe, tổ chức giải bóng đá truyền thống “Thiếu niên - Nhi đồng” cho các huyện, thị tham dự; ngoài ra còn kết hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí đa dạng và phong phú cho trẻ em như: Hội diễn văn nghệ, Ngày Hội tuổi thơ làm theo lời Bác, Hội thi tiếng hát hoa phượng đỏ, Hội khỏe Phù Đổng, thi kể chuyện, đố vui, cắm trại, dã ngoại về nguồn, tìm hiểu lịch sử,… thu hút hàng ngàn trẻ em tham gia.

Nhà thiếu nhi tỉnh hàng năm đã tổ chức phục vụ hàng chục ngàn trẻ em đến vui chơi giải trí và học các lớp năng khiếu. Toàn tỉnh chỉ có Nhà thiếu nhi tỉnh và Nhà thiếu nhi thị xã Gò công hoạt động tốt, 11 xã, phường được đầu tư xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em. Phần lớn các xã đều có điểm, sân bóng đá mini do tư nhân đầu tư. Bên cạnh đó, hàng năm các ngành còn tổ chức trại hè, họp mặt hoặc các cuộc dã ngoại cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp hè.

Về chăm sóc sức khỏe trẻ em, qua nhiều năm thực hiện, việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi dần được ổn định và đi vào nề nếp. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 144.498/146.149 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, chiếm tỷ lệ 98,9%.

Để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tỉnh đề xuất  Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về tổ chức bộ máy công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cấp tỉnh,  vì hiện nay có địa phương thành lập Chi cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em, có địa phương thành lập Phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cũng có nơi ghép nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em với bình đẳng giới chung thành một phòng thuộc Sở LĐ-TB&XH.  Đề nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ cho Chương trình Bảo vệ trẻ em theo nội dung Quyết định 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho địa phương để  thực hiện Chương trình có hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá tốt công tác phối hợp của các ngành, các cấp của tỉnh trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Từ đó giúp cho công tác này đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS; quy định xã, phường phù hợp đối với trẻ em,... Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Tỉnh ủy - UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em với tinh thần “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”,... để trẻ em được chăm sóc, giáo dục tốt nhất.

Quý Minh
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 527
  • Khách viếng thăm: 522
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 32397
  • Tháng hiện tại: 1113921
  • Tổng lượt truy cập: 50260398