Tiền Giang mở hội “Sông hóa Rồng cho cây lành trái ngọt”

Đăng lúc: Thứ tư - 14/04/2010 05:17
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc

Từ ngày 19 đến ngày 24-4-2010, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sẽ diễn ra Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất. Đây là lần đầu tiên, một sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia về chủ đề trái cây của Việt Nam, với nhiều chương trình hoạt động đa dạng, sôi động, ấn tượng… được tổ chức tại một trong những vựa trái cây lớn nhất nước ta, nhằm tôn vinh các nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp - những người đã góp phần làm ra những sản phẩm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời là dịp quảng bá những đặc sản cây trái Việt Nam với bạn bè thế giới.

Đồng chí Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban chỉ đạo Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, nhấn mạnh:

- Việt Nam là một nước nông nghiệp có nhiều chủng loại cây trái phong phú, chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các vùng có thế mạnh trồng trái cây xuất khẩu chủ yếu tập trung ở phía Nam, chiếm gần 70% tổng diện tích vườn cây ăn quả hiện có của cả nước. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất và kinh doanh những mặt hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế do chúng ta chưa biết cách tạo thương hiệu mạnh cho trái cây Việt Nam; đặc biệt tình trạng “thua trên sân nhà” đang là một thực tế bức xúc cho nhà nông và các nhà quản lý. Vì vậy, tổ chức Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Tiền Giang, ngoài việc tôn vinh những người đã góp phần tạo nên những đặc sản “trái ngọt cây lành”, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam ra thế giới… đây còn là dịp cung cấp các giải pháp xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân hoạt động hiệu quả hơn trong sản xuất và kinh doanh, giúp trái cây Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

* Lần đầu tiên tổ chức festival trái cây tầm cỡ lễ hội quốc gia, Ban tổ chức gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa đồng chí?

- Thuận lợi là chúng tôi được sự chấp thuận của Chính phủ, sự chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương… và các ngành chức năng; đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo bà con nông dân và các nhà làm vườn. Nhưng khó khăn trở ngại cũng rất lớn. Khó khăn trước hết là kinh nghiệm tổ chức festival của địa phương chưa có. Thứ nữa là kinh phí, theo chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh là phải hết sức tiết kiệm, hạn chế dùng ngân sách để tổ chức. Đặc biệt về mặt thời gian khá eo hẹp, tính từ khi được Chính phủ chấp thuận đề án đến ngày khai mạc chỉ chưa đầy 3 tháng chuẩn bị. Nhưng không thể lùi thời gian tổ chức được vì tháng Tư là dịp rộ nhất của trái cây miệt vườn. Vả lại, nếu lùi sang những tháng sau thì đụng mùa mưa, sẽ rất bất tiện. Hơn nữa, Festival trái cây còn là một hoạt động lễ hội chào mừng 35 năm Đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước (30-4). Đồng thời, đây cũng là hoạt động hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

* Và địa phương đã có những biện pháp để khắc phục những khó khăn trên đây như thế nào?

- Về kinh nghiệm, chúng tôi được sự chia sẻ và hỗ trợ của các tỉnh bạn đã từng tổ chức thành công những festival khá ấn tượng gần đây, như: Festival lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long; festival “Quả điều vàng” tỉnh Bình Phước, lễ hội hoa Đà Lạt v.v… Về kinh phí dự kiến hơn 20 tỉ, tỉnh chủ trương xã hội hóa các chương trình lễ hội và kêu gọi các nhà tài trợ trong và ngoài nước, nhờ vậy đến nay đã huy động được nguồn kinh phí cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Ban chỉ đạo đã thành lập các tiểu ban phụ trách từng mảng công tác và các tiểu ban này đang hoạt động rất tích cực, hiệu quả; đặc biệt là các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, cảnh quan môi trường…

* Theo thông báo của Ban tổ chức thì Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ có nhiều chương trình hoạt động đa dạng, sôi động và ấn tượng?

- Ngoài 2 buổi lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức hết sức hoành tráng và ngoạn mục, festival lần này sẽ có khu triển lãm và hội chợ trái cây. Cùng với một số cuộc hội thảo chuyên đề, sẽ có nhiều hội thi văn hóa - nghệ thuật đậm đà bản sắc miệt vườn, như: Duyên dáng miệt vườn; Trái cây ngon và an toàn; Tạo hình bằng trái cây; Con đường nông sản miền Tây; Nhiếp ảnh và vẽ tranh về trái cây v.v… Ngoài ra còn có một loạt các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao và các lễ hội vệ tinh, như: Lễ hội chợ nổi cái Bè; Lễ hội xoài cát Hòa Lộc; Lễ hội hóa trang và chương trình giao lưu các kỷ lục Việt Nam…

* Đồng chí có thể giới thiệu kỹ hơn về những kỷ lục Việt Nam dự định sẽ ra mắt tại Festival trái cây lần này?

- Kỷ lục thứ nhất là hình con rồng được vẽ bằng nghệ thuật graffiti dài 400 mét trên đường Hùng Vương, do Đại học Mỹ thuật Huế thực hiện. Trước đây, Đại học Mỹ thuật Huế đã lập kỷ lục vẽ rồng 200 mét khá ấn tượng, nhưng vẽ trên bờ tường, còn lần này là vẽ trên mặt đường. Kỷ lục thứ hai là bản đồ Việt Nam được kết bằng nhiều loại trái cây, cao 6 mét, chiều ngang 4 mét. Kỷ lục thứ ba là bộ tứ linh Long - Lân - Qui - Phụng “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” được kết bằng trái cây có bề ngang 18 mét, chiều cao 5 mét. Đây cũng là sân khấu tổ chức một số hội thi như đã kể trên, và là nơi công bố, giới thiệu “Những cái nhất của Tiền Giang”, như: Họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu của mình (NSND Hoàng Tuyển); Nhà văn có nhiều tác phẩm nhất Việt Nam (Hồ Biểu Chánh); Nữ nghệ sĩ Cải lương sống thọ nhất Việt Nam (NSND Phùng Há); Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam; Con kinh đào đầu tiên ở Nam Bộ v.v…

* Có một thực tế đáng buồn là trái cây Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà và một vấn đề bức xúc là điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Festivan trái cây lần này có biện pháp gì góp phần giải quyết những tình trạng trên đây?

- Tiêu chí của festival là “Toàn cộng đồng cùng tham gia và thưởng thức”. Ban chỉ đạo và Ban tổ chức hết sức quan tâm vấn đề quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến toàn cộng đồng, từ khách mời, khách du lịch, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh, thông qua việc tham gia và thưởng thức trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh khu triển lãm và hội chợ với khoảng 700 gian hàng đặc sản trái cây khắp mọi miền quê, sẽ có 3 cuộc hội thảo lớn, tập trung vào các vấn đề: Trái cây Việt Nam trong thời hội nhập; Gắn vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái; Làm sao liên kết “4 nhà”?... Ngoài ra còn có nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư - thương mại… nhằm quảng bá và nâng cao tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.

* Thưa đồng chí, vì sao khẩu hiệu quảng bá của Festival trái cây Việt Nam lần này là “Tiền Giang mở hội - Sông hóa Rồng cho cây lành trái ngọt”?

- Tiền Giang vinh dự được đăng cai Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, nơi hội tụ những cây lành trái ngọt khắp mọi miền đất nước, tập trung nhất là ở hai vùng châu thổ Sông Hồng và sông Cửu Long. Cửu Long là chín nhánh sông chở nặng phù sa được ví như chín con rồng ngàn đời nuôi dưỡng những cánh đồng, vườn cây tươi tốt. Cả nước đang hướng về đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất “Rồng bay” tiêu biểu của văn hiến Việt Nam. Vì vậy chúng tôi chọn khẩu hiệu quảng bá cho festival trái cây lần này là “Tiền Giang mở hội-Sông hóa rồng cho cây lành trái ngọt”. Đó là chủ đề trang trí cho không gian chính trong hai chương trình khai mạc và bế mạc, với một dòng sông được cách điệu bằng dải lụa nhũ bạc dưới ánh đèn chảy dài giữa trục lộ Hùng Vương, có những con xuồng xuôi ngược và một con rồng ẩn hiện nhờ nghệ thuật graffiti. Xen giữa lòng sông là những “cù lao” miệt vườn được kết bằng trái cây. Hai bên lề đường là những mảng mềm trang trí bằng tranh ảnh nghệ thuật về cây trái, ruộng vườn…

* Theo dự kiến, sẽ có khoảng 10 vạn lượt người đến tham gia các hoạt động lễ hội. Liệu cơ sở hạ tầng và các loại dịch vụ sinh hoạt có đáp ứng được, thưa đồng chí?

- Đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của Ban chỉ đạo. Mọi tình huống đều đã được trù liệu biện pháp giải quyết. Cùng với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của các địa phương láng giềng như tỉnh Bến Tre, TP Hồ Chí Minh… về phương tiện giao thông và hệ thống khách sạn, nhà nghỉ. Riêng về vấn đề ăn nghỉ, hệ thống sản phẩm “du lịch miệt vườn” hình thành từ nhiều năm nay ở Tiền Giang chắc chắn sẽ hỗ trợ một phần không nhỏ cho hệ thống khách sạn và nhà nghỉ “chính qui”. Địa phương cũng đã có những biện pháp ngăn ngừa tình trạng lợi dụng lễ hội để tăng giá một số loại hình dịch vụ. Với lòng mến khách của nhân dân Tiền Giang, sự nỗ lực của các ngành chức năng và sự ủng hộ, chia sẻ của bè bạn gần xa, hi vọng du khách muôn phương sẽ hài lòng khi đến với Festival trái Cây Việt Nam lần thứ nhất - Tiền Giang 2010!

* Xin cảm ơn đồng chí và chúc festival thành công tốt đẹp.

Mai Nam Thắng
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 347
  • Khách viếng thăm: 341
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 51538
  • Tháng hiện tại: 2724173
  • Tổng lượt truy cập: 49098300