Thạc sĩ Phạm Văn Nghi: Đam mê nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Đăng lúc: Thứ năm - 25/03/2010 16:05
Nhiều năm qua, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi - Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang luôn được mọi người mến mộ, bởi anh dành nhiều tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trải qua gần 30 năm công tác với nhiều cương vị khác nhau, nhưng dù ở bất cứ lĩnh vực nào, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi cũng thể hiện được khả năng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vốn là kỹ sư chăn nuôi thú y, rồi lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Chăn nuôi động vật vào năm 1999, Thạc sĩ Nghi từng giữ nhiều vị trí trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Tiền Giang. Trước đây, anh từng là Giám đốc Công ty Chăn nuôi Tiền Giang, rồi Trưởng các phòng chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cũng đã trải qua chức danh Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp Tiền Giang và Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang...       

Đầu năm 2005, khi Trường Đại học Tiền Giang được thành lập, trong đó có Khoa Nông nghiệp là ngành học mới được mở để tuyển sinh viên vào học. Lúc này, do mới được thành lập nên Khoa Nông nghiệp thiếu người đủ tầm "cầm lái" để đưa khoa đi vào hoạt động thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh. Do đó, đến đầu năm 2006, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang điều động đến nhận công tác tại Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, giữ chức vụ Trưởng khoa cho đến nay.

Dù ở môi trường nào thì niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp luôn luôn trỗi dậy trong quá trình công tác của Thạc sĩ Phạm Văn Nghi. Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang vốn là địa phương có phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với số lượng đàn gia súc, gia cầm dẫn đầu toàn vùng. Tuy nhiên, đa số hộ dân đều nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tập quán sản xuất cũ, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Xuất thân là kỹ sư chăn nuôi, đồng thời luôn trăn trở và thấu hiểu những nỗi khó khăn của nông dân, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đã ngày đêm dày công mày mò, suy nghĩ tiến hành thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung bằng việc thay đổi con giống, phương thức chăn nuôi, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân vươn lên làm giàu một cách căn cơ và bền vững. Tính từ năm 1999 đến nay, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đã cho "trình làng" hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có nhiều đề tài được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao bởi tính thực tiễn trong ứng dụng vào hoạt động sản xuất. Điển hình như các đề tài: Nghiên cứu các biện pháp tổng hợp để nâng cao chất lượng giống, tỉ lệ nạc của đàn heo tỉnh Tiền Giang; Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương; Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất thức ăn heo con cai sữa sớm giúp heo con mau lớn, ít bệnh; tăng năng suất heo nái; Nhân rộng mô hình ứng dụng các kỹ thuật giảm chi phí sản xuất lúa; Nghiên cứu các biện pháp tổng hợp để phòng trị bệnh viêm mủ tử cung, viêm vú trên heo nái sinh sản và bệnh tiêu chảy trên heo con sơ sinh; Nghiên cứu, ứng dụng các công thức lai và khảo sát khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống bò lai theo hướng sản xuất kiêm dụng và chuyên thịt tại Tiền Giang...

Trong số những đề tài trên, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi "tâm đắc" nhất là đề tài "Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương" được công bố vào năm 2008. Thạc sĩ Phạm Văn Nghi cho biết, đề tài này được thực hiện vào thời điểm những năm 2003-2004, khi dịch cúm gia cầm bùng phát ở các tỉnh Tiền Giang, Long An và sau đó lan rộng cả nước làm cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang, đặc biệt là ở huyện Châu Thành, Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho bị thua lỗ nặng và phải dẹp bỏ vì không thể tiếp tục nuôi gia cầm do điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn vốn, con giống... Trước tình hình đó, nhiều người đã quyết định chuyển đổi giống vật nuôi, trong đó con dê là đối tượng được lựa chọn hàng đầu. Thời điểm đó, do nhu cầu về con giống tăng cao, kỹ thuật chăn nuôi dê chưa được phổ biến rộng rãi, chất lượng con giống chưa tốt vì trong một thời gian dài nghề chăn nuôi dê chỉ là tự phát, chưa có sự đầu tư thỏa đáng về công tác giống, thức ăn, thú y, ... dẫn đến thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng con giống; người chăn nuôi dê gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chọn tạo, nhân giống, nuôi dưỡng chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn dê.

Từ thực tế trên, cộng với những am hiểu sâu rộng về kỹ thuật trong chăn nuôi, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đã quyết tâm bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu trên bằng cách đi thực tế tìm hiểu thực trạng nghề chăn nuôi dê, để từ đó đưa tiến bộ kỹ thuật và con giống phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi dê bằng cách cải thiện chất lượng giống để làm tươi máu và nâng cao tầm vóc, chất lượng thịt - sữa, đồng thời lưu giữ được những đặc điểm tốt cho đàn dê địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đã tiến hành các bước như: Điều tra về tình hình chăn nuôi, đặc điểm giống, qui mô, những kinh nghiệm về nuôi dưỡng, chăm sóc, sử dụng thức ăn, nước uống, phòng trị bệnh cho dê; khảo sát các chỉ tiêu về trọng lượng, chiều cao vai, dài thân chéo, vòng ngực, để đánh giá, so sánh khả năng sinh trưởng phát triển của đàn dê tại địa phương với các giống dê cao sản; thu thập những thông tin về sinh lý sinh sản của đàn dê địa phương, những kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc chọn và nhân giống dê của người chăn nuôi, đồng thời chọn lọc và bấm số tai dê nái nền để chuẩn bị cho việc lai giống với các giống dê cao sản. Đề tài được thực hiện trong thời gian 36 tháng, triển khai nghiên cứu tại các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho với tổng số dê nhập 25 con (trong đó có 14 dê cái) thuộc 05 giống. Kết quả đề tài đã nhập nuôi thành công 5 giống dê có năng suất, chất lượng thịt, sữa cao và được nhiều nông dân chăn nuôi dê đồng tình hưởng ứng tham gia; dê thuần cao sản nhập nội đã thích nghi và phát triển khá tốt tại Tiền Giang; có 630 dê cái Bách Thảo được phối giống và 1.283 dê con được sinh ra, trong đó có 313 (49,68%) dê cái được phối với dê đực cao sản tạo ra 589 dê con, gồm 65 dê thuần thế hệ F1 (11,04%) và 524 dê lai F1 (88,96%) giữa các dê đực giống cao sản với dê cái Bách Thảo. Có thể nói, từ thành công của đề tài "Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương" mà phong trào chăn nuôi dê ở Tiền Giang trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể và trở thành mô hình xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Hết lòng theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, mong muốn của Thạc sĩ Phạm Văn Nghi là ngày càng có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất phục vụ người dân. Hiện nay, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi cũng đã đăng ký thực hiện thêm một số đề tài nghiên cứu khoa học mới như: "Nghiên cứu tính thích nghi, khả năng tăng trưởng và sinh sản của các giống thỏ địa phương, thỏ ngoại nhập (California, Newzeland)"; "Nghiên cứu các biện pháp bảo quản và sử dụng phụ phẩm của khóm làm thức ăn nuôi gia súc nhai lại" và đề tài "Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa theoVietGap ở địa bàn TP.Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo".

Ngoài việc nghiên cứu khoa học, hiện tại, với vai trò là người "đứng mũi chịu sào" ở Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi đang âm thầm "ươm mầm" xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phục vụ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương. Mặc dù được thành lập chưa lâu, nhưng thời gian qua, Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang đã có những đóng góp nhất định trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.Với phương châm "đào tạo là phải gắn với đáp ứng nhu cầu xã hội", đặc biệt là hướng vào các cơ sở quản lý và sản xuất nông nghiệp, qua gần 5 năm công tác tại Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, Thạc sĩ Phạm Văn Nghi cùng với đồng nghiệp đã đào tạo được 80 sinh viên nông nghiệp ra trường bao gồm các chuyên ngành như: Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phục vụ cho các địa phương trong tỉnh. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn...  Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng hình thức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân để nâng cao trình độ tay nghề cho nông dân.

Từ chỗ người làm công tác chuyên môn thuần túy nay chuyển sang làm "thầy", Thạc sĩ Phạm Văn Nghi gặp không ít khó khăn, vất vả để thích nghi với môi trường làm việc mới khi về nhận nhiệm vụ tại Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang. Thạc sĩ Phạm Văn Nghi tâm sự: "Do yêu cầu của môi trường giáo dục, tôi phải tự nghiên cứu, nâng cao kiến thức về công tác đào tạo, quản lý chuyên môn để có thể hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, tôi cũng có những thuận lợi riêng là có nhiều kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm trực tiếp gắn bó và đồng hành với quá trình sản xuất của người nông dân". Theo Thạc sĩ Phạm Văn  Nghi, điều này rất quan trọng, bởi những kiến thức tích lũy được qua thực tế giúp ích cho anh rất nhiều trong quá trình truyền đạt kiến thức cho sinh viên hiện nay.

Bước đầu, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp của Khoa Nông nghiệp đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ, dù vẫn còn nhiều khó khăn thử thách cần phải vượt qua trong thời gian tới. Thạc sĩ Phạm Văn Nghi bộc bạch: "Hiện việc thu hút sinh viên vào học ở Khoa Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, người học không chuộng ngành nông nghiệp do không phải là ngành học thời thượng, dù nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp luôn thiếu". Trước thực tế trên, theo Thạc sĩ Phạm Văn Nghi để thu hút ngày càng nhiều sinh viên theo học ngành nông nghiệp, Nhà nước cần có những ưu đãi đối với sinh viên ngành nông nghiệp. Có như thế, thì mới đào tạo được đội ngũ tri thức khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Công Trí
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 361
  • Khách viếng thăm: 357
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 77870
  • Tháng hiện tại: 2750505
  • Tổng lượt truy cập: 49124632