Ông Phạm Văn Nam: Điển hình vượt khó, vươn lên

Đăng lúc: Thứ ba - 13/01/2015 10:45
Vốn là công nhân làm công tác khảo sát thủy lợi tại TP.Hồ Chí Minh (vợ làm giáo viên) nhưng đồng lương quá thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn cộng với việc vợ sinh con, năm 1977, ông Phạm Văn Nam quyết định xin nghỉ việc về quê ấp Khu phố, xã Tân Hội Đông (Châu Thành) làm ruộng, chăm sóc gia đình phụ vợ.
Ông Phạm Văn Nam nhận Bằng khen của UBND tỉnh ngày 7-1 vừa qua.
Ông Phạm Văn Nam nhận Bằng khen của UBND tỉnh ngày 7-1 vừa qua.

Cuộc sống gia đình đã khó khăn càng thêm khó. Lúc bấy giờ, gia đình ông được cha, mẹ vợ cho 4,5 công ruộng trồng lúa. Tuy nhiên, do đồng ruộng bị nhiễm mặn, phèn nên năng suất lúa rất thấp, chi phí sản xuất lại tăng cao nên hiệu quả kinh tế không cao.

Cộng thêm đó, bắt tay vào nghề nông, mọi thứ đối với một cựu công nhân khảo sát thủy lợi là công việc quá mới mẻ. Bản thân lại không có kiến thức cơ bản về nông nghiệp, không có kỹ thuật chăm sóc lúa.

Trong khi sản xuất lúa ở Tân Hội Đông lúa bấy giờ rất khó khăn. Hàng năm, khu vực này chịu ảnh hưởng 1 mùa lũ, dưới chân ruộng có 3 thành phần nước gồm mặn, phèn và ngọt. Dù giống lúa mới được đưa vào sản xuất nhưng bệnh đạo ôn, rầy nâu gây hại vẫn thường xuyên diễn ra.

Không ngại khó, ngại khổ, ông Nam đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng lúa và học từ sách báo, nghe đài phát thanh, xem truyền hình trong các chương trình chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho nhà nông; học hỏi kinh nghiệm từ những người nông dân trong xã, ấp. Ngoài ra, ông còn được hướng dẫn kỹ thuật từ câu lạc bộ khuyến nông, cơ quan bảo vệ thực vật…

Kinh nghiệm trồng lúa theo thời gian cùng với kỹ thuật tích lũy được qua học hỏi đã làm phong phú thêm kiến thức nông nghiệp, hoàn thiện kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa của mình. Ông Nam còn may mắn được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh chọn làm điểm trình diễn các loại giống mới, giống lúa chất lượng cao và được trung tâm cử tham gia các lớp chọn tạo giống lúa đã giúp ích rất nhiều cho ông trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Năm 2001, ông được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cử đi học lớp về kỹ năng chọn tạo giống lúa do Đại học Cần Thơ tổ chức; dự lớp ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và dự lớp học ngắn hạn về kỹ năng truy cập Internet. Với kỹ thuật mà ông tích lũy và áp dụng vào sản xuất, năng suất ruộng lúa của ông tăng lên theo thời gian.

Cụ thể, năng suất lúc đầu từ 4 - 5 tấn/ha/vụ, giờ tăng lên 6 - 7 tấn/ha/vụ, riêng vụ đông xuân đạt 8 tấn/ha, từ đó hiệu quả kinh tế tăng theo. Theo khái tính, tổng thu từ trồng lúa 3 vụ trong năm khoảng 75 triệu đồng, lợi nhuận trên 30 triệu đồng.

Dù đạt được nhiều thành công trên cây lúa nhưng điều làm cho ông cũng như nhiều nông dân lo lắng, bất an là lúa thường xuyên gặp cảnh “được mùa rớt giá”. Trong tình hình giá lúa bấp bênh, giải pháp để hạn chế rủi ro là tìm cách giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất.

Qua khuyến cáo cũng như nhận thức được lợi ích của các mô hình do các nhà khoa học đưa ra, ông Nam không ngần ngại áp dụng ngay vào đồng ruộng của mình như sản xuất lúa theo mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất lúa; bón phân hợp lý, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; sản xuất giống lúa chất lượng cao theo yêu cầu thị trường.

Ông Nam còn nuôi heo để tăng thu nhập với hình thức chủ yếu là nuôi heo nái để bán heo con kết hợp với nuôi heo thịt (khi giá heo thấp, ông để heo con lại nuôi bán heo thịt). Từ 1 con heo nái ban đầu đến giờ, chuồng nhà của ông đã có 4 con heo nái.

Theo ước tính của ông, nguồn thu từ nuôi heo khoảng 69 triệu đồng/năm, trong đó lợi nhuận trên 20 triệu đồng/năm. Thu nhập gia đình khá hơn, ông dành dụm tiền sửa sang nhà cửa và mua thêm 8,5 công đất ruộng. Từ hộ khó khăn, qua trồng lúa, chăn nuôi heo, đến nay cuộc sống gia đình của ông Nam đã ổn định, vươn lên khấm khá.

Không chỉ vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, ông Nam còn tham gia tích cực vào câu lạc bộ khuyến nông, tổ sản xuất lúa giống, góp phần hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật đến với nông dân thông qua các mô hình nêu trên. Từ cuộc sống gia đình ổn định, có của ăn của để, ông có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội.

Giờ đây, 3 đứa con của ông đều đã thành đạt: Người thứ nhất là Bác sĩ Thú y, người thứ 2 là Ths. Kinh tế và người thứ 3 Cử nhân Sinh học cùng làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Những năm qua, ông tham gia tích cực các phong trào ở xã như hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, tham gia ban giám sát làm đường trong ấp. Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, ông Phạm Văn Nam vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

N. Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 179
  • Khách viếng thăm: 178
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 13276
  • Tháng hiện tại: 2629015
  • Tổng lượt truy cập: 49003142