Ngành Y tế Tiền Giang: Phát huy tốt truyền thống, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/02/2010 09:54
Ông Trần Thế Ngọc

Ông Trần Thế Ngọc

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02 hằng năm đã trở thành ngày hội của ngành Y tế Việt Nam. Những người Thầy thuốc Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đã kế tục xứng đáng truyền thống "Lương y như từ mẫu", tận tụy, hy sinh phục vụ thương binh, bệnh binh và nhân dân qua các thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Chúng ta bồi hồi nhớ lại, trong chiến tranh, biết bao Thầy thuốc đã cống hiến tất cả tuổi trẻ, tâm huyết, sức lực, kể cả xương máu, cho công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Có những Thầy thuốc đã từng trải qua các cuộc kháng chiến, với biết bao kỷ niệm không thể nào quên! Có những Thầy thuốc đã ngã xuống, có người còn sống, nhưng đã cống hiến một phần thân thể cho quê hương đất nước và cả những Thầy thuốc đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống yên vui của nhân dân...; tất cả đã viết nên những trang lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Y tế.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và nhân dân Tiền Giang mãi mãi trân trọng những đóng góp vô cùng quý báu đó. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2009, toàn thể cán bộ, công chức ngành y tế các cấp đã  nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn về thiếu thốn nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí..., cùng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể có liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Điểm nổi bật nhất là, công tác ở hệ điều trị và hệ dự phòng đều đạt những kết quả tiến bộ đáng ghi nhận. Trong năm qua, toàn tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng chống các dịch bệnh. Với sự tham mưu kịp thời và có hiệu quả của ngành Y tế, đến nay các dịch bệnh đã tạm thời ổn định, khống chế không để xảy ra 11 bệnh và 7 bệnh có số mắc giảm, so với năm trước.

Công tác tuyên truyền, khám sức khỏe, cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm được hình thành và hoạt động. Từ đó, đã từng bước nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm an toàn của người dân và trách nhiệm của người sản xuất thực phẩm.

Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, được triển khai thực hiện đúng theo tiến độ và duy trì được tính bền vững, khống chế tốt các bệnh xã hội như: Lao, phong, sốt rét, tâm thần, mắt hột..., chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đặc biệt hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và đảm bảo các chính sách về phát triển dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Đồng thời, công tác khám chữa bệnh cũng được ngành quan tâm đầu tư, năm qua, số lần khám bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng đều khắp các tuyến y tế, do tăng số lượng bệnh nhân từ bảo hiểm y tế tự nguyện và khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 06 tuổi. Điều này đã gây quá tải cho các bệnh viện và vì thế cũng tăng khối lượng công việc cho ngành Y tế. Song, các Bệnh viện trong tỉnh đã tích cực phục vụ nhân dân và hưởng ứng phong trào xây dựng "Bệnh viện xuất sắc toàn diện", nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân toàn diện.

Thực hiện chính sách quốc gia về Y học cổ truyền, các huyện đều có thành lập Ban Chỉ đạo để quản lý, điều hành các hoạt động về y học cổ truyền tại địa phương; đã có 163/169 trạm y tế xã thành lập Phòng chẩn trị (tỷ lệ 94,45%), phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho nhân dân.

Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2009 là 13 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đến nay là 164/169 xã, đạt tỉ lệ 97,04%.

Ngoài ra, ngành Y tế đã tích cực khắc phục các khó khăn để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện, liên huyện, đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Do đảm bảo yêu cầu về quản lý, tổ chức bộ máy của ngành y tế thời gian qua có nhiều biến động, nhưng nhờ có sự lãnh đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự đoàn kết của toàn ngành và chủ động của các ngành có liên quan, nên hệ thống tổ chức  ngành y tế nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Bên cạnh, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ cũng được chú trọng. Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các Trường để tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ ngành y tế.

Mặt khác, các Dự án hợp tác quốc tế về Y tế triển khai tại Tiền Giang như: Phòng chống HIV/AIDS, Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Y tế nông thôn, Hỗ trợ Y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long..., cũng đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11-CT/TU của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân là công tác rất quan trọng, vì trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng, và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tôi mong rằng ngành y tế sẽ tiếp tục có kế hoạch thật cụ thể, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn trong công tác phát triển hệ thống y tế trong toàn tỉnh; kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư, và đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế; thực hiện tốt quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

* Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng những việc làm hết sức cụ thể. Đó là không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ Y tế. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần quan tâm nhiều hơn đến điều kiện công tác của cán bộ, bệnh nhân ở những nơi khó khăn về cơ sở vật chất, vùng sâu, vùng xa; cần có các biện pháp để tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở, nhằm bảo đảm có đủ cán bộ Y tế ở những nơi này.

* Thứ hai, phải tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở. Nghiên cứu để có giải pháp giải quyết tốt việc quá tải ở các bệnh viện; chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ "Lương y như từ mẫu", giảm phiền hà cho người bệnh. Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải hết sức quan tâm quản lý chặt chẽ các quy chế hoạt động, quản lý thuốc, vật tư y tế, và kinh phí...theo đúng quy định.

* Thứ ba, tích cực đề xuất với lãnh đạo tỉnh về xây dựng, kiện toàn hệ thống y tế tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý ngành, công tác điều trị lẫn dự phòng; quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng  hoạt động, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về phát triển dân số và công tác kế hoạch hoá gia đình.

Về việc xây dựng các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, Sở Y tế tích cực phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở ngành có liên quan giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Quy hoạch quỹ đất, cấp giấy chủ quyền, xây dựng cơ sở vật chất và hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ để các xã này đạt chuẩn theo kế hoạch đề ra (đạt chuẩn 100% vào năm 2010).

* Thứ tư, về công tác dự phòng, tiếp tục đề cao cảnh giác với các loại dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch, hạn chế, không để dịch bệnh xảy ra.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham mưu cho tỉnh có kế hoạch củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Y tế phải phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, tham mưu giải quyết triệt để vấn đề xử lý chất thải y tế.

* Thứ năm, về công tác đào tạo nguồn nhân lực, ngành Y tế phải có kế hoạch phối hợp với các Trường Đại học, các cơ sở y tế tuyến trên ,với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, để tăng cường hợp tác trong công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cán bộ y tế (kể cả cán bộ y, dược, Y học cổ truyền) về mọi mặt.

* Thứ sáu, về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, ngành Y tế cần chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện, liên huyện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ;  phải tập trung cao nguồn lực cho việc xây dựng cơ bản, mua sắm các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo điều kiện cao nhất có được, nhằm phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

* Thứ bảy, về xã hội hóa, ngành Y tế cần tiếp tục tuyên truyền, vận động,  khuyến khích tư nhân tham gia các hình thức dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Khuyến khích các hoạt động xã hội hóa công tác y tế, nghiên cứu tổ chức thí điểm các hoạt động dịch vụ y tế phục vụ tại nhà.

Bên cạnh đó, cần quản lý, thực hiện tốt các dự án hợp tác quốc tế về y tế đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đồng thời tranh thủ thu hút thêm các dự án khác từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, để tạo nguồn lực cho việc phát triển các chương trình Y tế.

Dân tộc ta có truyền thống quý trọng và biết ơn những người Thầy thuốc đem lại sức khoẻ, giành lại sự sống cho mình. Kỷ niệm "Ngày Thầy thuốc Việt Nam" hàng năm không chỉ là dịp để các cấp, các ngành quan tâm, chúc mừng đội ngũ cán bộ ngành y tế, mà qua đó để cùng chia sẻ trách nhiệm của toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Với ý nghĩa đó, tôi tin tưởng rằng sắp tới, các cấp ủy Đảng, Chính quyền,các ban ngành, đoàn thể... sẽ tiếp tục đồng tâm hiệp lực cùng ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Toàn ngành Y tế và đội ngũ cán bộ y bác sĩ của Tiền Giang sẽ không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, và y đức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã tin tưởng gửi gắm.

Trần Thế Ngọc
(Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 521
  • Khách viếng thăm: 520
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 104164
  • Tháng hiện tại: 893884
  • Tổng lượt truy cập: 50040361