Đầu năm đi lễ chùa, những điều nghe, thấy...

Đăng lúc: Thứ ba - 26/02/2013 13:39
Một năm có 3 ngày rằm lớn: Thượng ngươn (rằm tháng Giêng), Trung ngươn (rằm tháng 7) và Hạ ngươn (rằm tháng 10). Đó là những ngày hội lễ Phật cầu an, cầu siêu cho người thân.
Viếng chùa Vĩnh Tràng.

Viếng chùa Vĩnh Tràng.

Riêng rằm tháng Giêng năm nay, theo ghi nhận, khách thập phương, phật tử viếng chùa lễ Phật đông hơn mọi năm và đằng sau đó là những dịch vụ ăn theo, có khi làm ô nhiễm cửa thiền.

DẬP DÌU TÀI TỬ, GIAI NHÂN…

Mới 18 giờ, chùa Vĩnh Tràng đã đông người đến lễ Phật. Những người có tuổi đến chùa lễ Phật cầu nguyện rồi về sớm. Bà Nguyễn Thị Sương ngụ phường 8 (TP. Mỹ Tho) tâm sự : “Cứ ngày rằm, ngày vía tôi bảo con trai chở đi chùa lạy Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho đất nước bình yên để mọi người làm ăn thuận lợi và cầu phúc cho gia đình, con cháu là lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Đành rằng Phật tại tâm, song rằm lớn đi chùa vừa thanh thản vãng cảnh vừa chiêm bái”.

19 giờ thì sân chùa và chánh điện mù mịt khói hương, đủ mọi lứa tuổi đua nhau thắp hương lạy Phật. Người cúng chưa rời chỗ thì sư, sãi túc trực phải nhanh tay nhổ nhang đang cháy đem ra ngoài để hủy cho bớt khói và để tránh xảy ra điều đáng tiếc. Ngay sau đó các bát hương lại đầy, hơi người, khói hương xông lên nồng nặc. Ai nấy “sụt sùi” chảy nước mắt, nước mũi mà khấn nguyện.

Nhiều gia đình mang theo cả trẻ con và dạy các cháu lạy Phật; đông nhất vẫn là nam thanh, nữ tú đến chùa với gương mặt hớn hở, thắp nhang lạy Phật và thì thầm khấn nguyện. Phải chăng nhằm ngày thứ bảy sẵn ngày nghỉ và hương xuân vẫn còn mà nhiều đôi đưa nhau lễ chùa!?

Tại Bửu Lâm cổ tự, người đến lễ chùa khá đông đúc. Theo chân hai bạn trẻ Kim Châu và Thanh Phúc đi một vòng quanh chùa lễ Phật, qua lân la hỏi chuyện, Kim Châu bộc bạch: “Tụi em còn là sinh viên, sẵn ngày nghỉ nên đưa nhau viếng chùa lễ Phật cầu nguyện cho tình duyên của mình tốt đẹp, ra trường xin được việc làm tốt…”.

Thanh Tuyền, kế toán Nhà thuốc Trung tâm Dược phẩm TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Ngày rằm em thường đi chùa để cầu nguyện cho cha mẹ bình an. Những rằm lớn em không ghé chùa Vĩnh Tràng vì chùa này rất đông người đến viếng, chen lấn mệt lắm. Em vừa ghé Tịnh xá Ngọc Tường rồi ghé chùa Bửu Lâm lạy Phật. Đi 2 chỗ đã đủ rồi. Rằm lớn, chùa nào cũng đông người”.

NHỮNG DỊCH VỤ ĂN THEO

Những ngày bình thường, một số chùa có những cửa hàng phục vụ khách du lịch như: bán nhang đèn, kinh Phật, tượng Phật, tượng linh vật, chuỗi hạt và nhiều loại quà lưu niệm khác…, giá cả hơi “cứng”. Ngày rằm, đoạn đường vào cổng chùa Vĩnh Tràng như cái chợ “chồm hổm”,  người người chen chúc bày đồ may sẵn, bong bóng, đồ chơi trẻ em, cá cảnh, cá viên chiên, bán sách bói toán, bán vé số và đặc biệt là lực lượng ăn xin; trong đó dịch vụ bán nhang là đông nhất, cơ động nhất.

Khách vừa từ bãi gởi xe ra thì lập tức năm, ba đứa trẻ chừng 7 đến 13 tuổi cầm những lọn nhang be bé sấn đến, kè theo chào mời. Ở ngay cổng chính thì các cô, các chị giăng hàng chặn lại, ép khách mua nhang, bảo vệ phải ra tay nhưng rồi đâu cũng vào đấy.

Hiện nay, chùa có cả dịch vụ ăn uống sẵn sàng phục vụ khách thập phương, một tô hủ tiếu chay 14 ngàn đồng với một tai nấm rơm chẻ đôi, hai ba lác đậu hủ, chổng chơ ít rau giá; kèm theo bán nước giải khát: cà phê, nước chai, nước lon, sữa chua…

Chúng tôi ghé qua quán chay có tiếng của một nhà chùa, gọi 6 miếng đậu hủ chiên xù và một cái lẩu chua 3 người ăn với ít đậu hủ và rau muống, kèo nèo kèm theo dĩa bún nhỏ. Hóa đơn tính tiền là 132 ngàn đồng (đậu hủ chiên xù 7 ngàn đồng một miếng), người bạn đi cùng bảo: “Tính ra thì đắt lắm lại không ngon, nhưng nhà chùa bảo cửa hàng kinh doanh để nuôi trẻ mồ côi thì xem như mình làm từ thiện!”. Có người lại cho rằng, lợi dụng từ tâm của mọi người mà kinh doanh đắt đỏ thì hơi quá.

ĐIỀU ĐỌNG LẠI PHÍA SAU SỰ TÍN NGƯỠNG

Là một phật tử đã quy y, chị Nguyễn Thị Kim Loan (Cái Bè) nhận xét: “Những rằm lớn tháng giêng, tháng bảy, tháng mười tôi hay về Mỹ Tho lễ chùa. Tôi cảm nhận, đa phần người đến chùa đều mưu cầu sinh lợi, có người ngoài đời làm chuyện ác đức, đi chùa mong sám hối tội lỗi; không ít người khá giả thấy người khác đến chùa cúng thì cũng đem tiền đến cúng nhiều hơn như để làm nổi, thay vì lấy tiền đó làm từ thiện có lẽ thiết thực hơn. Không thiếu người vào chùa lễ Phật mà ăn mặc phản cảm, nhất là các cô gái…”.

Phía sau sự tín ngưỡng tôn nghiêm, nhiều chùa khuếch trương mở rộng, xây mới, tổ chức nhiều chuyến hành hương giao lưu, tổ chức làm từ thiện để chùa có tiếng tăm nhằm thu hút thêm phật tử…

Chúng ta hãy đến chùa lễ Phật bằng chính cái tâm và lòng thành sẽ làm cho tinh thần phấn chấn, vơi đi khổ đau, bớt cảm giác tội lỗi mà mình trót vướng vào. Chốn Phật đường như nơi nương tựa tinh thần để con người hướng thiện, nhưng không thiếu những kẻ lợi dụng sự tín ngưỡng để bon chen tư lợi, đến chùa thiếu sự thành kính, nghiêm túc…

Chúng tôi không dám bàn sâu vào chuyện này, chỉ ghi nhận những điều tai nghe, mắt thấy không chỉ ở ngày lễ hội rằm tháng Giêng năm nay…

Ái Quỳnh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 219
  • Khách viếng thăm: 207
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 57808
  • Tháng hiện tại: 647613
  • Tổng lượt truy cập: 49794090