Bưu điện tỉnh Tiền Giang: Mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ

Đăng lúc: Thứ tư - 31/08/2016 15:20
Trước đây, muốn cấp, đổi giấy phép lái xe hay thực hiện thủ tục hành chính nào đó, người dân phải đến các cơ quan chức năng, vừa tốn chi phí, vừa mất thời gian. Giờ đây, họ có thể ở nhà hay đến Bưu điện địa phương vẫn có thể thực hiện các thủ tục trên. Không chỉ lĩnh vực hành chính công, Bưu điện tỉnh còn thực hiện nhiều dịch vụ khác góp phần mang lại tiện ích cho xã hội.
Bưu điện tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bưu điện tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ.

Được tách ra từ Bưu điện tỉnh (trước đây hoạt động cả lĩnh vực bưu chính và viễn thông) vào năm 2008, Bưu điện tỉnh hiện nay được giao nhiệm vụ hoạt động trong lĩnh vực bưu chính với 3 nhóm dịch vụ chính gồm bưu chính chuyển phát (bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh…); tài chính bưu chính (chuyển tiền, thu hộ, chi hộ, điện hoa, quà tặng…) và phân phối truyền thông (kinh doanh sim thẻ viễn thông, đại lý phân phối hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp, xuất bản phẩm, cho thuê văn phòng…).

Mới “ra riêng”, đơn vị không khỏi gặp khó khăn, lúng túng trong bước đầu hoạt động, nhân sự chưa ổn định. Một phần còn là do một bộ phận nhân viên lớn tuổi, trình độ hạn chế không đáp ứng được yêu cầu mới, cơ sở vật chất ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, nhất là các Bưu điện văn hóa xã, bưu cục cấp 3 bị xuống cấp. Làm gì để khắc phục khó khăn tiến đến phát triển ổn định bằng chính ngành nghề sản xuất, kinh doanh được giao là bài toán mà lãnh đạo đơn vị luôn trăn trở.

“Từ đơn vị hàng năm được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bù lỗ (sau năm 2008), đến năm 2015, Bưu điện tỉnh đã có nộp điều tiết về Tổng công ty Bưu điện Việt Nam 1,8 tỷ đồng” - ông Trọn cho biết
.

Có an cư mới lạc nghiệp, năm 2007, Bưu điện tỉnh được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đầu tư xây dựng trụ sở mới (năm 2009 đưa vào sử dụng) dùng làm nơi làm việc và cho thuê.

Tận dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bưu điện các cấp, từ năm 2015, Bưu điện tỉnh tiến hành rà soát, cải tạo, sửa chữa lại các Bưu điện văn hóa xã và bưu cục cấp 3 theo đúng nhận diện thương hiệu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ là yêu cầu mà ngành luôn đặt ra. Thời gian qua, ngành Bưu điện đã không ngừng rút ngắn thời gian chuyển phát, nâng cao chất lượng phục vụ của các giao dịch viên theo phương châm “Tất cả vì khách hàng”. Nếu trước đây, việc chuyển phát trong nội tỉnh khoảng 2 ngày thì nay giảm xuống còn chỉ từ 12 giờ đến 24 giờ; còn ngoài tỉnh thời gian chuyển phát rút ngắn còn khoảng từ 2 - 3 ngày rưỡi so với từ 4 - 5 ngày trước đó.

Thực hiện chủ trương của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về mở rộng dịch vụ, nhất là đẩy mạnh dịch vụ phục vụ hành chính công, Bưu điện tỉnh đã tích cực làm việc với các sở, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn thực hiện cung ứng các dịch vụ hành chính công đến các tổ chức, cá nhân. Năm 2009, Bưu điện tỉnh Tiền Giang là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công dịch vụ chuyển phát chứng minh nhân dân đến người dân.

Đến năm 2013, Bưu điện tỉnh mở rộng thêm các dịch vụ chuyển phát giấy phép lái xe; kết quả giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp và bản sao hộ tịch; hộ chiếu đến địa chỉ người theo yêu cầu. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên phạm vi toàn tỉnh và đến nay là thực hiện chi bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện thu hộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Và từ tháng 6-2016, thêm dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện chính thức được thực hiện tại đơn vị góp phần phục vụ an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, Bưu điện tỉnh đang phối hợp với sở, ngành tỉnh xúc tiến dịch vụ thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và dịch vụ chi trả chế độ cho người có công.

Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính bưu chính, thông qua chương trình phối hợp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với doanh nghiệp bảo hiểm, Bưu điện tỉnh đã triển khai dịch vụ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Tiền Giang triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng qua mạng lưới Bưu điện.

Nói về việc mở rộng và nâng chất dịch vụ của đơn vị, ông Nguyễn Tấn Trọn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết việc rút ngắn thời gian chuyển phát, mở rộng dịch vụ, nhất là dịch vụ hành chính công ngoài việc giúp tăng lợi nhuận cho đơn vị còn mang lại nhiều tiện ích cho xã hội.

“Thay vì trực tiếp đến cơ quan Nhà nước nộp hồ sơ và nhận kết quả, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện việc đó qua Bưu điện. Dịch vụ này giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Mặt khác, việc người dân tham gia dịch vụ còn giúp giảm bớt áp lực cho bộ phận 1 cửa của các cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Trọn cho biết.

Xác định yếu tố con người mang tính quyết định đến sự phát triển của đơn vị, ngoài đổi mới, nâng cấp, chỉnh trang bưu cục, điểm giao dịch tạo tiện lợi, cảm giác thoải mái cho khách hàng khi đến giao dịch, Bưu điện tỉnh còn chú trọng xây dựng đội ngũ điều hành, quản lý, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp.

Theo đó, Bưu điện tỉnh thường xuyên cử cán bộ lãnh đạo, quản lý, giao dịch viên, bưu tá tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ do Tổng công ty tổ chức, qua đó từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Không dừng lại ở đó, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị, Bưu điện tỉnh đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhận sự mới theo hướng chuẩn hóa trình độ, nâng chất lượng phục vụ.

Tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng chất lượng dịch vụ và phục vụ. Ông Trọn cho biết, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành, thị để phối hợp triển khai các dịch vụ hành chính công còn lại; tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa các dịch vụ trong lĩnh vực phân phối truyền thông.

Đơn vị cũng xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Bưu điện văn hóa xã gắn với triển khai mô hình thí điểm Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, tiến đến nhân rộng mô hình đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn.

Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 480
  • Khách viếng thăm: 473
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 53511
  • Tháng hiện tại: 716888
  • Tổng lượt truy cập: 49863365