35 năm chia cách - Mẹ con trùng phùng

Đăng lúc: Thứ ba - 27/07/2010 15:13
Anh Thành cùng vợ và 2 con

Anh Thành cùng vợ và 2 con

Vì hoàn cảnh chiến tranh, để đảm bảo an toàn cho đứa con trai vừa mới chào đời, người mẹ đã phải gạt nước mắt ký thác đứa con cho cô nhi viện. Từ đó, mẹ con thất lạc nhau trong dòng đời dài đến 35 năm. Sau bao lần tìm mẹ không có kết quả, người con đã gởi hồ sơ đến Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để nhờ tìm giúp. Và đoạn cuối của câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng đã kết thúc có hậu. 

* Nỗi đau chia lìa

Sinh ra trong gia đình cách mạng, lớn lên cô Nguyễn Thị Nguyệt (Chín Nguyệt), ấp Hậu Phú A, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè cũng theo cha, mẹ, anh, chị làm cách mạng trong đội hình Cơ yếu (thông tin liên lạc) thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho. Kết quả của mối tình với người đồng đội là bào thai đã tượng hình và lớn dần trong bụng. Do hoàn cảnh chiến tranh và yêu cầu của công việc nên cô Chín phải rời bỏ đội hình chiến đấu, ra vùng địch tạm chiếm ở Cầu Xéo (nay là cầu Thông Lưu, thuộc xã Hậu Thành, huyện Cái Bè), tá túc nhờ nhà của cô Lê Thị Út để chờ ngày sinh nở. Đến ngày 20-12-1972, cô Chín Nguyệt sinh được một bé trai bụ bẫm.

Sau khi sinh được 4 ngày thì không thể ở nhà cô Út được nữa, vì cô Chín Nguyệt bị lính theo dõi, trong khi cô lại không có giấy tờ tùy thân và đang có con nhỏ. Sợ bị lộ, cô Chín phải bồng con đến An Hữu (huyện Cái Bè) để ở nhờ nhà người chị ruột (thứ 6) là bà Nguyễn Thị Lan đang tản cư ở đây. Lúc bấy giờ, An Hữu cũng là vùng địch quản lý. Để đảm bảo an toàn cho đứa bé, cô Sáu Lan bàn với cô Chín Nguyệt đem cháu gởi vào cô nhi viện. Lúc đầu với tình mẫu tử thiêng liêng nên cô Chín Nguyệt không đồng ý, nhưng sau đó do địch càn quét liên tục, sợ bị lộ nên cô Chín Nguyệt gạt nước mắt để cho cô Sáu Lan bồng con đi gởi vào cô nhi viện Thánh Bảo Lộc ở Vĩnh Long. Lúc ấy, đứa bé mới 10 ngày tuổi. Từ đó, đứa trẻ đáng thương ấy bắt đầu cuộc hành trình lưu lạc kéo dài đến hơn 35 năm.

Mẹ con trùng phùng sau 35 năm chia cách

Khi người quản lý cô nhi viện hỏi tên cha và mẹ của đứa bé để ghi vào tờ ủy thác cô nhi, cô Sáu Lan khai: Tôi tên là Lê Thị Út, sinh năm 1949, cư ngụ ở An Hữu, quận Giáo Đức, Định Tường (nay là xã An Hữu, huyện Cái Bè), cha của cháu đã chết, còn mẹ bệnh yếu nên không nuôi con được. Lý do cô Sáu Lan khai mẹ của đứa bé tên Lê Thị Út là vì cô Chín Nguyệt là cán bộ cách mạng nên không dám khai tên mẹ thật. Sau khi tiếp nhận, cô nhi viện trích lục giấy khai sinh cho cháu bé với tên là Lê Hữu Thành, mẹ là Lê Thị Út.

Sau khi ủy thác con cho cô nhi viện, cô Chín Nguyệt phải quay về vùng căn cứ cách mạng ở xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) để tránh sự truy lùng, bắt bớ của lính. Sau hòa bình, cô Chín Nguyệt đến cô nhi viện Thánh Bảo Lộc để tìm con, nhưng được họ cho biết là trước giải phóng, khu vực này bị đánh phá ác liệt nên một số trẻ đã bị đưa ra khỏi Việt Nam trong chiến dịch "Không vận cô nhi" - Babylift, còn một số đứa được các gia đình nhận nuôi. Niềm hy vọng tìm lại con cứ vơi dần theo năm tháng, nhưng nỗi đau chia lìa giọt máu mang nặng đẻ đau thì cứ nhân lên theo thời gian. Dù đã lập gia đình và sinh được 5 người con, nhưng chưa giờ phút nào cô Chín Nguyệt nguôi ngoai nỗi nhớ đứa con bất hạnh đã thất lạc mẹ. Nhắc lại chuyện phải chia lìa núm ruột của mình, nước mắt của cô cứ trào tuôn, giọng nghẹn lại: "Không có người mẹ nào muốn xa con của mình. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh...". 

* Đi tìm nguồn cội

Đầu năm 1973, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trí và bà Trần Thị Đào (240, khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đến cô nhi viện Thánh Bảo Lộc để tìm con nuôi, vì vợ chồng ông không thể sinh con. Duyên số đã khiến cho Lê Hữu Thành và vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trí gặp nhau, để rồi gắn bó với nhau tình sâu, nghĩa nặng không gì có thể so sánh nổi. Ngày 13-2-1973, vợ chồng ông Trí quyết định nhận Thành làm con nuôi. Do sức khỏe của Thành còn yếu nên vợ chồng ông Trí gởi con lại cô nhi viện cho đến ngày 23-1-1974 (nhằm ngày mùng một Tết, năm Giáp Dần) mới đón Thành về nhà.

Từ đó, Thành lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương, tưng tiu của nội, ngoại và cha mẹ nuôi. Từ lớp 1 đến lớp 7, ngày nào bà ngoại của Thành cũng đưa cháu đến lớp, rồi ngồi ngoài cổng chờ đến tan học để đón cháu về. Mọi người trong gia đình rất giận nếu có ai đó nói bóng gió Thành là con nuôi. Hiệu thuốc Tây của gia đình cũng mang tên Hữu Thành. Mặc dù cha, mẹ hết mực yêu thương, nhưng trái tim nhạy cảm của Thành cũng lờ mờ cảm nhận được những khác biệt...

Đến năm Thành vào lớp 1, sự linh cảm về thân phận của mình càng rõ dần hơn khi anh phát hiện họ của mình không giống với họ của cha. Đem thắc mắc ấy hỏi cha thì được biết mình là con nuôi. Thành lặng người đi, bao nỗi tủi thân, dỗi hờn... cứ đè nặng lên tâm hồn tuổi thơ. Sau đó, Thành được cha làm khai sinh lại, đổi họ Lê thành họ Nguyễn. Từ đó, anh có tên mới là Nguyễn Hữu Thành.  Trong sâu thẳm tâm hồn, Thành muốn tìm lại cha mẹ ruột để biết vì sao họ ủy thác mình cho cô nhi viện. Nhưng rồi khi trưởng thành, có vợ, sinh con, Thành mới nghiệm ra được là cha mẹ nào cũng thương con, chỉ khi lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo lắm họ mới buộc lòng ủy thác con vào cô nhi viện.

Khi cha, mẹ nuôi của Thành còn sống, ông bà luôn tâm niệm muốn anh tìm được nguồn cội của mình nên đã giữ lại tất cả những giấy tờ, nhật ký... liên quan đến người con nuôi mà họ hết mực yêu thương. Nhưng vì ơn nghĩa dưỡng dục và tình yêu thương của cha, mẹ, ông, bà nuôi quá sâu nặng nên Thành không dám đi tìm nguồn cội của mình, vì anh sợ họ buồn. Cây có cội, nước có nguồn. Anh tâm niệm, sau khi cha, mẹ nuôi trăm tuổi già, anh sẽ đi tìm nguồn cội để biết mình là ai, để con cái sau này có tổ có tông. Trước khi mẹ nuôi của Thành mất, bà đã gởi gắm anh lại cho ba vợ của anh và mong ông tìm giúp cha mẹ ruột cho Thành.

Sau khi cha mẹ nuôi mất, Thành có đến xã An Hữu (huyện Cái Bè) 2 lần để tìm mẹ ruột của mình, nhưng đều ra về trong thất vọng. Đến năm 2007, Thành đọc được thông tin về chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng tổ chức sản xuất, Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel tài trợ, Báo Thanh Niên bảo trợ thông tin. Con trai lớn của Thành (lúc ấy mới học lớp 4) khuyên cha gởi hồ sơ để tìm kiếm ông bà nội ruột của cháu. 35 năm đã trôi qua, niềm hy vọng tìm lại được cha mẹ ruột quá mong manh,...nhưng thấy con cũng muốn tìm lại nguồn cội nên Thành đồng ý để con scan các giấy tờ liên quan và hình ảnh gởi email đến chương trình. Và câu chuyện mẹ, con ly tán trong dòng đời hơn 35 năm đã được Đội tìm kiếm của chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" dựng lại, với đoạn kết đầy bất ngờ...   

* Cuộc trùng phùng sau hơn 35 năm

Anh Thành chụp ảnh chung với cha, mẹ nuôi khi còn nhỏ

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tìm người thân của anh Nguyễn Hữu Thành, ngay lập tức Đội tìm kiếm của chương trình đã tìm về xã An Hữu, huyện Cái Bè để lần tìm từng manh mối. Xác mình trên địa bàn huyện Cái Bè, có đến hàng chục người tên Lê Thị Út, Đội tìm kiếm phải xác minh từng trường hợp để xác định xem trong số đó ai là mẹ của Nguyễn Hữu Thành. Từ các thông tin thu thập được, Đội tìm kiếm của chương trình phải đến Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh... để xác minh, nhưng đều vô vọng. Cuộc hành trình tìm kiếm như mò kim đáy biển, có lúc mòn mỏi và tưởng chừng bế tắc, nhưng những người thực hiện chương trình quyết không bỏ cuộc, vì anh Thành phải là người sống có tình có nghĩa thì mới được cha vợ thương yêu, lo lắng, chở đi tìm mẹ hết nơi này đến nơi khác.

Lần thứ 3 trở lại Tiền Giang, Đội tìm kiếm quyết định mở rộng tìm kiếm sang các xã khác của huyện Cái Bè. Trong lần này, Đội xác định thêm được 5 bà Lê Thị Út tại các xã Hòa Hưng, Hậu Mỹ Bắc A, Mỹ Đức Tây và Thiện Trung. Khi đến xã Thiện Trung, Đội tìm kiếm nhẹ cả người khi được Công an xã cho biết ở đây có bà Lê Thị Út, sống không chồng, không con. Nhưng tia hy vọng cũng vụt tắt khi bà Út khẳng định không có việc sinh con rồi đem ủy thác cho cô nhi viện. Cuộc tìm kiếm lại chuyển sang hướng khác. Tuy nhiên, một thời gian sau, Đội tìm kiếm nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng Công an xã Thiện Trung. Anh Huy cho biết: Sau khi Đội tìm kiếm về, bà Út có kể cho anh Huy nghe là năm 1972, có một người phụ nữ tên Nguyệt hoạt động bí mật, quê ở An Hữu có đến tá túc nhà bà sinh con.

Nghe tin, ngay lập tức Đội tìm kiếm quay trở lại xã Thiện Trung để gặp bà Lê Thị Út. Từ lời kể của bà Út, Đội tìm kiếm đã tìm gặp được bà Nguyễn Thị Lan và bà Nguyễn Thị Nguyệt. Từng nút thắt của câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, về sự kiên trung của người chiến sĩ cách mạng lâm vào hoàn cảnh éo le do chiến tranh đã được tháo gỡ dần. Cô Chín Nguyệt run run lấy dao lam cắt mẩu móng tay để gởi cho Đội tìm kiếm thử ADN và đã cắt phạm vào tay mình đến tóe máu. Nước mắt của người mẹ cứ ngỡ suốt đời không thể tìm lại được con cứ thế mà trào tuôn.

Ngày 30-1-2008, tại trường quay S8 ở TP. Hồ Chí Minh, anh Thành và cô Chín Nguyệt đã được chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" bố trí cho gặp mặt. Sau đúng 35 năm, đứa con thất lạc của cô Chín Nguyệt đã trở về trong vòng tay mẹ. 35 năm chia cách với biết bao nhớ thương, đau đáu kiếm tìm đã kết thúc bằng cuộc trùng phùng bất ngờ đến ngỡ ngàng, hạnh phúc trào dâng theo những dòng nước mắt...

Trong ngôi nhà nhỏ ở làng hoa Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, anh Thành đã được bên nội và ngoại nuôi tin tưởng giao cho việc thờ phụng cha mẹ và ông bà nội, ngoại. Với 2 công đất hương hỏa và nghề trồng hoa, cuộc sống của anh tuy không khá giả, nhưng cũng có thu nhập ổn định để nuôi 2 con ăn học. Trong những ngày hè hay lễ, tết, anh Thành đều đưa con về thăm bà nội. Vậy là cội nguồn của anh và các cháu không còn lênh đênh. Hạnh phúc ấy không thể diễn đạt hết bằng lời!

Nguyên Chương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Khách viếng thăm: 198
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 33928
  • Tháng hiện tại: 2590371
  • Tổng lượt truy cập: 48964498