TIẾNG DẾ ĐÊM SƯƠNG

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 09:52
1 Cánh đồng chiều mênh mông. Đồng càng rộng khi hoàng hôn buông xuống, càng lớn hơn khi bóng người thưa thớt sau một ngày mệt nhọc. Mọi người vác cày xách cuốc trở về nhà. Đám con nít lẽo đẽo dắt trâu về. Chỉ còn lại vài bóng người leo loét trên đồng.

Mùa đậu phộng lại bắt đầu. Sau một tuần trỉa hạt, những mầm cây non mọng đã chồm ra vài chiếc lá xanh bất chấp khô hanh. Đất khô khốc, vón cục vì nắng hạn. Tôi đứng một mình trên cánh đồng câm lặng. Gáo nước còn trên tay. Những luống đất thẳng tắp được tưới mát. Những vạt đất khát nước màu trắng xám, chỗ vừa tát nâu mềm. Tôi thấy đất thèm nước như thế nào. Quê tôi nghèo. Nghèo từ cái màu của đất. Tôi còn nhớ như in những buổi chiều cô độc trên cánh đồng khô. Người ta cứ nai lưng làm lụng, quần quật tưới tát rồi cứ đứng đực ra nhìn thấy nước bốc hơi, dù đã bơm cạn kiệt, vắt sạch nước trong lòng đất hạ hỏa ông trời. Trời vẫn lấy nước đi không thương tiếc. Nước cứ bay về trời. Còn mồ hôi thì rơi xuống thế vào chỗ của nước. Nắng cứ thiêu đốt. Nhưng càng nắng, chiều về càng lộng gió. Chiều xuống là lúc đất rã rời sau một ngày gắng gòng vì nắng. Gió chiều xua nắng đi, xới lại cho bát ngát ruộng khô.

Tôi còn đứng một mình trên đồng. Người mệt lã. Ba mẹ làm đồng xa, giao cho tôi tát nước hết đám ruộng đậu mới ra bông. Đậu chuẩn bị châm đất, phải có nước. Cũng như người, tới lúc nhổ giò, để lớn lên, cũng cần có đồ ăn thức uống, cần một thứ nước mơ hồ nào đó của trời đất. Tôi ngồi lại trên bờ cỏ nghĩ ngợi, chưa vội về. Ngồi nghĩ chuyện người ta nói tôi nhổ giò. Các dì các mợ nói tôi bắt đầu lớn. Tôi chỉ mơ hồ về chuyện đó.

Chiều mát rượi. Đất cũng mở lòng ra, gần như ngút ngàn, nhất là khi ngồi cạnh những luống đậu xanh trơn. Gió từ triền ruộng đưa lên hất vào chiếc áo tơi, cũ mèm. Tôi thấy chiếc áo chật ních. Có lẽ do mồ hôi quặn lại trên vải.

2. Sáng sớm, sương còn lún phún cỏ. Tôi với nhỏ em dắt trâu ra dòng ở bãi bưng. Đồng bưng lênh láng nước. Bông súng trắng nở rợp cả mặt nước. Chỗ ruộng sâu, người ta mới làm bờ, vét cỏ, chuẩn bị sạ. Mới bỏ lơi vài hôm, súng đã chòi lên, mọc lêu bêu bồng bềnh trên mặt nước. Hết cả vạt đồng trũng chỗ nào cũng có súng. Đây là loại súng chỉ, thân mảnh, lá nâu hoặc xanh đậm; còn non, lá xoăn tít, ăn có vị chát. Dần dần, lá xòe ra, trải ra trên mặt nước. Bông súng trắng tinh, ở ngoài có vài cánh xanh non, ở trong nhụy vàng, mùi thoang thoảng. Dường như là thứ mùi thanh sạch của buổi đầu khai khẩn đất trời. Súng gắn bó với người từ ngoài ruộng tới mâm cơm. Súng là món ăn dân dã nhà quê những lúc đói lòng. Thân súng ăn có vị mát thanh. Bông súng, lá súng có vị chát. Chắc đó là cái lòng trong sạch của người dân quê và cái vị chua chát của đời lưu dân truyền lại từ bao mùa. Những kiếp người lầm lũi, cui cút làm ăn. Cứ mỗi sáng tinh mơ dẫn trâu ra dòng, đồng súng lại trải ra ngút mắt, âu cũng là một mảng cuộc đời bì bõm sình lầy mà tôi sắp sửa xông vào.

Sau khi dòng trâu, tôi với nhỏ em chạy ngược lên gò để phụ ba mẹ. Thường thì lúc trở lên, thế nào cũng đi qua vạt bờ ở mé triền. Chỗ những đám lúa non, có chỗ đã trổ đòng, nước lấp xấp. Cỏ bờ lúc lúa mới trổ đòng hình như cũng bắt chước lúa đương thì mà xanh tươi mơn mởn ra. Rồi chúng tôi men theo bờ cỏ bước đi cùng nhau. Mắt ngó ra đồng lúa, đôi khi ngó lại dưới mé bưng, chỗ đã dòng hai con trâu. Tay tôi bứt một ngọn cỏ, miệng nếm thử.

Nhỏ em chọc:

Hai làm như trâu, tự nhiên đi ăn cỏ vậy.

Tôi chợt nghĩ:

Đâu phải chỉ có trâu, dế cũng ăn cỏ mà.

Được nước em tôi nói luôn:

Vậy Hai làm dế nghen.

Thôi! tự nhiên làm dế

Minh họa: Nguồn Internet

3. Làm dế bị người ta bắt, quay vòng vòng đá nhau hoặc bị khèo dầu, kho mặn. Hồi đó tôi thấy tụi con trai trong xóm hay đi bắt dế đá chơi. Tụi nó bắt bỏ vô lon sữa bò, bỏ thêm cỏ, vừa làm ổ vừa cho dế ăn. Nhiều thằng còn cặm cụi bứt những ngọn cỏ non nớt nhất về nuôi dế.

Rồi hôm sau, nó bứt tóc con gái, chọn sợi tóc dài và chắc; tụi nó cột đầu dế, quay chong chóng rồi bỏ hai con trong thùng thiếc đong đậu cho hai con đá nhau chí chết. Cả bọn chụm đầu hò hét. Hồi đó không biết sao, tôi không thích cái trò đó, thực ra là ghét. Có lẽ do bà nội.

Nội nói vậy ác lắm. Phàm như chuyện bắt dế đá, bẫy chim cá làm kiểng, nội hay la rầy, khuyên là không nên. Con chim có chuyện gì nó hót; con dế có nỗi niềm than thở chi đó thì nó rầu rĩ gáy ran bụi bờ giữa đêm trường khuya khoắt. Con dế tự nhiên đâu có đá nhau. Mình bắt nó về, cho nó đá, là gây ra thù hằn. Con dế không biết thù hằn. Con người quay dế, để dế hiểu lầm nhau mà thành ra đấu đá sứt càng gãy gọng, thì nỗi thù hằn đó là nỗi thù hằn của con người. Bấy giờ tôi nghĩ, thù hằn là của riêng con người. Thiên nhiên tạo vật không biết thù hằn. Bắc cái ghế đẩu học bài mà nghe nội nói quên mất, tôi ngồi đực ra. Sau nội đi cất cái nia, tôi vẫn đang ngồi lặng, chợt nghe tiếng đờn ai oán từ mé sông thổi vào. Tôi bỗng thấy bụng đau như ai bóp. “Chết, chiều mình ăn nhầm thứ gì ta?”.

Vậy còn chuyện tôi đi bắt dế.

4. Duyên do nhà nghèo quá. Bữa cơm chỉ có rau, thỉnh thoảng tía má đi cắt lúa xa, bắt về con này con kia mới cải thiện bữa ăn. Bữa chim cò, bữa cá cạn, chuột đồng, lươn rắn, các món thịt đồng quê ấy, đến mãi sau này tôi cũng không thể nào quên. Không quên được cũng vì cảm giác ăn rau nhiều ngày thèm thịt đến rỏ dãi, mà được ăn món thịt đồng tươi rói, đậm đà hương vị của đất đai cố thổ quê nhà. Thật không gì sánh bằng! Mỗi bữa như thế, tôi tưởng có thể ăn nứt cái bụng.

Thỉnh thoảng, sắp nhỏ như tôi cũng biết phụ giúp cải thiện bữa ăn. Hè tôi đi soi ve lột ban đêm. Hễ mưa xuống đầu mùa thì đào dế cơm. Trưa trưa quỡn thì đào trùn cắm câu. Tối mưa dầm dầm thì soi cò. Cực thân nhưng thú vị. Hay như mùa lặt đậu xong, dây đậu chất thành đống, dế không có chỗ trú ngụ, thường tản vô bờ cỏ hoặc chui dưới đống dây đậu còn êm êm. Đi bắt dế dễ ợt!

Không phải như loại dế cơm, phải hì hục đào cả buổi mới được một hai con. Loại dế đồng, dế đen chỉ cần lật đống dây đậu lên là cả mớ dế chạy tán loạn. Thế nên, chúng tôi chỉ lật nhẹ hoặc lật từng phần dây. Hoặc có khi năm bảy đứa đứng tụm một đống lớn cùng bắt. Sợ dế chạy đi mất thì uổng lắm. Có bữa, tụi tôi bắt được cả tô dế. Về nhà mẹ khèo dầu rang muối hoặc kho quẹt. Ngon hết biết! Dế kho giòn rụm, mùi đồng ruộng ngai ngái, mùi cỏ non mát lịm, vị sương sớm ngọt rơn, món dế kho lúc nào cũng khiến cái bụng tôi kềnh ra sau mỗi bữa ăn. Trong xóm, ai cũng khen dế đầu mùa béo vô địch, chỉ riêng nhỏ út nhà tôi chê không ăn.

- Sao cưng không ăn?

- Con gì giống sâu rợm, em không ăn.

- Con này là con dế, không phải sâu. Sâu ai mà ăn, cưng ăn thử đi.

- Ủa sao sâu không ăn mà lại ăn con dế vậy Hai.

- Thì tại nó là dế mà dế thì ngon hết biết, thử miếng đi út.

Sao mấy con phá hoại mùa màng người ta không ăn. Người ta ăn dế. Tôi chợt nghĩ, bữa nội nói tụi đá dế rất ác, còn như mình ăn dế ngon lành, mình có ác không ?

Thành ra, sau bữa cơm, đan được ít giỏ, ba mẹ tôi húp mí, lui cui dọn dẹp để chuẩn bị ngủ. Tôi mới lên hỏi nội. Mình ăn dế, mình có ác không ?

Nội nói:

- Con này ăn con kia, có gì mà ác con. Đó là lẽ thường.

- Là sao nội?

- Giống như cá ăn kiến, mình ăn cá.

- Rồi con gì ăn mình ?

Tự nhiên hỏi tới đó, nội khựng lại. Không nói một lúc, ngọn đèn dầu chao nghiêng, chập chờn trước gió.

- Người ăn người. Có người mới hại người, chứ con nào mà hại được con người. Thôi đi ngủ, khuya rồi con.

Hóa ra, con người lại là giống ăn thịt đồng loại?

5. Tôi đi ra sau hè rửa tay chân. Cái lu nước dưới mái hiên lạnh teo. Khuya rồi, gió lùa vô, muốn quéo giò. Tôi đứng tè trước khi bước vô.Thiệt gió lạnh hết biết. Trăng tháng chạp sáng thiệt, công nhận nội nói đúng. Trăng tháng giêng với tháng chạp là sáng nhất. Tôi vừa tè vừa ngó lên đọt tre. Gió hây hẩy đưa, ngọn tre cứ lờn vờn dưới bóng trăng. Tôi tưởng tượng, với tay muốn bắt lấy ánh trăng.

Vừa bước vô, chưa tới mái hiên, tôi nghe tiếng dế gáy. Tò mò, không thể cưỡng lại, tôi lần theo tiếng dế. Phải bước thật êm, dế gáy trong đêm, không gian tĩnh lặng, nên hễ mình đi mạnh là nó biết liền. Tôi biết mình có chút vội vàng, bước đi nhanh. Bất chợt tiếng dế im bặt. Tôi biết mình đã bị phát hiện. Đứng yên một lúc, tôi nín thở. Con dế với tôi như thử lòng nhau, coi ai kiên nhẫn hơn. Cuối cùng, con dế không nhịn được lòng thôi thúc trong đêm khuya. Tiếng gáy lại vang lên. Lần này, tôi khéo léo hơn, bỏ đôi dép ra, đi chân đất. Dần dần tôi tiến sát về phía âm thanh. Con dế có lẽ nấp dưới miếng ngói bể cạnh bụi cỏ sau hè. Đèn dầu tối hù, chỉ ngấp nghé lọt qua khe cửa. Tập trung, tôi giở nhanh miếng ngói, chú dế trong tích tắc đã nằm trong tay tôi. Dế than, là dế than - đen thui. Cánh nó cứng ghê, cạ sơ sơ đã nghe sột soạt, hèn gì tiếng dế vang trong đêm nghe rõ mồn một.

Thấy tôi cứ bụm tay đi chân đất bước vào, nội quở: “Sao không rửa chân đi con, còn ngủ!”. “Con dế nội ơi”, tôi nói. “Sao con bắt nó chi”. “Nó đẹp lắm nội, nhìn đen thui, mướt mượt, nhìn cứng khừ. Có mình nó mà gáy um cả sau hè”. Tôi cứ để chân đất đi tìm cái tĩn không. Đi ra mé sau, tôi thấy đêm tĩnh lặng. Vắng tiếng gáy lúc nãy, đêm dường như trống không, mênh mông đến choáng ngợp. Tự dưng thấy đêm rộng vô chừng, lòng tôi đột nhiên bị đổ đầy những cảnh ruộng đồng khô, cảnh miền quê mái lá hàng tre bờ trúc triền miên, im thin thít trong đêm tối nghèo khổ. Làng xóm chợt nhiên chìm vào đáy sâu bóng tối u ám nặng nề sau khi tiếng dế đã im lìm.

Tay tôi bợ cái tĩn. Con dế đã nằm gọn trong ấy, chắc còn hốt hoảng, con dế cứ lò dò co cẳng búng nhảy tùm lum. Con dế không gáy. Nó giãy giụa. Từ xóm bên vẳng lại bài vọng cổ mùi mẫn nức nở dường như uất nghẹn. Lúc đó, tôi không hiểu người nghệ sĩ hát câu gì, chỉ là chút cảm giác lướt qua kiểu như trong đêm một cơn gió lạnh ùa đến, chường lên da thịt.

Mấy  hôm sau, tôi hay ra đồng sớm. Cốt là dòng trâu xong, kiếm một bụi cỏ non. Lá cỏ đẫm sương sớm, óng lên mỡ màng. Tôi lựa kĩ từng lá, tút những cọng non mướt mĩ miều trên đọt. Con đường bờ chạy từ đồng trên theo triền đổ xuống đồng bưng. Tôi đứng ngó đồng nước lênh láng. Mùa nước về. Quê tôi là chỗ tiếp giáp giữa đất gò và đồng trũng nên mùa nước nổi không đặc trưng, rõ nét như miệt dưới. Chỉ là một thời gian nước dâng lên, tràn qua bờ kinh, làm cho cả một vùng trũng mênh mông nước. Nước về, cỏ cây thi nhau nảy nở. Cánh đồng lúa đập xong. Nước õng ễnh. Bông súng trắng bều lên mọc đầy. Sáng sớm tờ mờ, còn hơi sương, tôi dẫn trâu xuống trảng. Lúc nào cũng vậy, cứ hễ xong là đứng ngó đồng nước mênh mông, bông súng nở trắng cả đồng nước. Hôm nay tôi chỉ ngó thoáng qua, tôi mang mớ cỏ tươi về cho con dế than trong tĩn mắm.

Tôi lấy cọng cỏ mần chầu, chọc vào tĩn mắm. Con dế thụt chạy, tránh sự chọc khoáy của tôi. Nó chẳng thèm gáy một tiếng từ cái đêm tôi bắt. Hàng đêm cứ sau khi học bài hoặc phụ giúp tía má làm chút việc, tôi ngồi chơi với dế. Nhỏ em tò mò, nó hỏi. “Sao Hai mê con dế đó quá vậy?”. “Con dế đô lắm, nhìn đẹp cực kì”. Nó hỏi “Mà sao dế gì kì?”. “Kì sao bé ba?”. “Dế gì không gáy, vậy mà cũng làm dế”. “Không có, hồi trước nó có gáy, mà từ hồi Hai bắt, nó không gáy nữa”. Tôi để ý, thấy cỏ tôi mang về vẫn vậy. Có mớ phân dế lẫn dưới đáy tĩn, mớ cỏ tôi mang về úng dần, con dế hình như không đụng đến một lá nào mặc dù tôi có chắt chiu tìm những lá cỏ non mướt, xanh mởn.

Mấy hôm sau, con dế chết. Xác nó sình lên. Tôi ngồi nhìn cái tĩn. Ngó ra sau hè, đêm hắt hiu. Ngọn đèn dầu vàng hoe leo loét. Khuất lấp sau rặng tre già, xóm bên có tiếng con nít khóc. Gió từ đằng sau thổi vào nhà, tôi chán ăn. Nội ra mé sau kiếm. Nội thấy tôi ngồi nhìn cái tĩn. Có lẽ từ đầu, nội đã biết con dế thế nào cũng chết. “Phải chi con thả nó đi”, tôi nói. “Con dế lỡ chết rồi, buồn chi con. Phải chi nó không gáy, phải chi nó không đẹp, chắc đã không bị con bắt”. Tôi nói lại, “Mà sao con cưng nó, kiếm cỏ non cho nó, mà nó không ăn, để phải chết chi vậy nội”. Tiếng nội lại âm ấm trong đêm, “Có khi cái tình mến thương của con người ta còn đáng sợ hơn lòng ghen ghét nữa”. “Ủa sao vậy nội”.

“Tại con thấy nó đẹp. Con dế đẹp nên con muốn bắt. Cũng vì vậy mà con thương nên muốn giữ, muốn nhốt nó, cưng chiều nó; nhưng như vậy đâu có phải cái đời con dế, thành ra con dế đâu có gáy, con thấy không! Mà thôi, mai mốt lớn con hiểu”.

Đến giờ này, sau nhiều năm bôn ba ở xứ người, nhiều nỗi cay cực đã hằn lên mặt tôi. Giỗ nội, tôi về quê. Cũng ngồi ở sau hè, tôi phát hiện cái tĩn bị vứt dưới bụi chuối. Tay cầm tĩn, ngồi tự nhiên khóc một mình. Nhớ nội, nhớ lời nội kể hồi xưa. Nội ơi! Con hiểu vì sao con dế chết. Tại sao nó không gáy. Tiếng gáy là tiếng lòng bộc phát khi người ta lăn lộn giữa đời, mà đời thì nghiệt ngã. Bị cầm tù, nuôi nhốt, phải cách lìa người thương, hỏi sao nó gáy. Phải chăng chỉ còn lại những lúc quằn mình giẫy giụa, giật thoát tìm đường trở lại lùm cây bụi cỏ, trở lại với người thương. Tiếng dế! Còn là tiếng lòng tự do những lúc hứng chí. Là tiếng kêu não nuột buồn thương trước sự đời éo le, trớ trêu. Cũng có thể là tiếng kêu bạn tình; tiếng lòng nhớ nhung, gáy lên chối bỏ buồn thương cô quạnh; tiếng người tình trong cơn đau thương vì tình duyên gãy gánh; hay tiếng lòng oán thán người xưa bội bạc phụ rẫy quay lưng. Sau khi trải quả tất cả đắng cay ở xứ người, tôi mới hiểu những lời nội kể. Lòng tôi như con dế đã chết giữa nắm cỏ xanh mướt cuộc đời.

Tịnh Minh Tiến
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 124
  • Khách viếng thăm: 95
  • Máy chủ tìm kiếm: 29
  • Hôm nay: 37227
  • Tháng hiện tại: 279132
  • Tổng lượt truy cập: 67253623