Tóc mai sợi vắn

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 19:32

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Nếu chưa thấy thằng Mỹ mà nghe tên là ai cũng tò mò. Nó là Mỹ hả? Trắng hay đen? Hay nó Mỹ lai? Tới chừng thấy nó rồi, sẽ không ai hỏi nữa. Thiệt. Nó lai Mỹ trắng. Nó sanh trước ngày giải phóng một năm, lớn hơn tôi ba tuổi.

Nhưng vì hồi nhỏ quen miệng, bằng cỡ nhau là cứ gọi tao mày. Mỹ rất đẹp. Ít ra là trong mắt của tôi. Có thể nói nó là đứa trẻ đẹp nhứt xóm này. Đứng giữa đám đông nó luôn nổi bật, mặc dù không lớn con cho lắm. Chắc tại vì má ruột nó lùn. Mái tóc nó vàng, tơ nhuyễn, giống như lông của đám gà con. Da nó có chút tàn nhang nhưng trắng lạ thường, dù nó không bao giờ đội nón và suốt ngày chường mặt ra đường dầm mưa dãi nắng. Cặp mắt thằng Mỹ rất là đặc biệt, người xứ này không thể nào có được. Tròng mắt màu xanh da trời, hai hàng lông mi cong vút cũng vàng hoe như tóc. Môi nó lúc nào cũng đỏ tươi như mới ăn nhằm trái ớt hiểm thiệt là cay. Nó đẹp vậy nhưng lúc nào cũng luôn dơ dáy và mặc đồ rách rưới. Mỹ không được đi học nên chữ nghĩa đối với nó là một điều gì đó xa vời dữ lắm. Có khi nó khóc đòi theo bọn tôi tới lớp, thì lập tức mắt má nó trợn ngược trợn xuôi «Chữ nghĩa có dồn vô cái bản họng cho no được hông mà mày bày đặt?». Mỹ đi bẻ bắp chuối cả ngày. Những năm đó xứ tôi trồng cơ man nào là chuối. Bắp chuối nhiều vô kể. Không ai bẻ bán bao giờ, chỉ hái để ăn, mà ăn làm sao xuể. Khi bắp chuối trổ dãi thì người ta chặt bỏ, để cây chuối tập trung nuôi buồng mau lớn. Chỉ có gia đình thằng Mỹ là đi hái lấy, vô bao, đem qua tận Mỹ Tho để bán với giá rẻ bèo.

Mắc gì cả nhóm của tôi, đứa nào cũng không ưa thằng Mỹ, đặc biệt là mấy tên đực rựa. Thằng Thanh đanh thép «Nội tao nói ba ruột thằng Mỹ là thứ quân xâm lược, hắn qua đây bắn phá xứ mình. Phải thù mới được, đừng thèm cho nó chơi chung». Tụi tôi còn đang phân vân thì con Quyên phản bác « Sao mà tính gì kỳ như vậy? Thằng Mỹ cũng sinh ra một cỡ với tụi mình. Nghe nói má ruột nó cũng là người Việt. Tại chiến tranh thôi. Nó biết chi đâu mà đổ thừa cho nó». Nhưng có một điều tôi dám chắc rằng do Mỹ quá đẹp trai nên một phần cũng làm cho tụi kia đem lòng ghen tị. Mỹ rất thích con chó Mực nhà tôi, lần nào ghé chơi nó cũng hỏi thăm và tìm con Mực để vuốt ve ôm ấp. Ba nuôi nó là ông Sáu Mỏ, kêu như vậy vì cái miệng ổng bị hô. Người trong xóm ưa ghẹo miệng ổng như cái bàn nạo dừa. Ổng mà hun ai là không bao giờ đụng mũi vì cái mỏ ổng luôn luôn đụng trước. Còn má nuôi thằng Mỹ là cô Chín Đẹp. Điều này lại càng sai bét vì mọi người ưa nói cái tên trái ngược với người. Nhà đó rất đông con, một bầy lúc nhúc đâu gần chục đứa. Là một trong những nhà nghèo nhứt xóm tôi, nên thằng Mỹ đâu được cưng chiều. Nó luôn luôn thiếu ăn, thiếu mặc và bị bắt lao động chân tay từ khi còn nhỏ xíu. Anh em nhà thằng Mỹ ngoài giựt bắp chuối còn kiêm thêm nghề ăn cắp vặt. Lúc đi bẻ bắp chuối đứa nào cũng quảy trên lưng cái bao và tay cầm theo một cái cây, trên đầu cây cột con dao nhíp nhỏ để chọt cái bắp chuối. Vì vậy mỗi lần đi ngang thấy đồ đạc cây trái nhà ai là luôn sẵn tiện khoắng bỏ vô bao nên người ta rất dè chừng. Riêng thằng Mỹ thì không có tánh đó vì nó cực kỳ hiền và nhát như thỏ đế.

Những người già trong xóm nói gốc thằng Mỹ bên xứ Mỹ Tho. Hồi trước bên đó đầy đồn bót nên hiển nhiên là rất nhiều lính Mỹ đóng quân. Còn má ruột nó nghe đâu làm bồi phòng cho sở Mỹ. Sau năm bảy lăm không biết ba nó chết trận hay là bay về Mỹ mà má nó đem bỏ nó đi. Tình cờ cô Chín Đẹp đi cân bắp chuối dòm thấy nó nằm ngo ngoe khóc trên đống vỏ khóm hôi ê với đám rau dập nát, nhưng gương mặt nó thì hệt một thiên thần nên cô đem nó về nuôi. Và cái tên của nó cũng bắt nguồn như vậy. Ai cũng biết nhà cô Chín Đẹp nghèo tàn canh gió lạnh, con thì đông như kiến cỏ mà còn dang tay ra bảo bọc nó vậy là nhân đạo lắm. Mỹ bao giờ cũng biết thân biết phận. Mặt mày nó thường hay lem luốc, bụng luôn sôi ọc ọc thiếu ăn. Cái áo Mỹ mặc cứng ngắc như cây vì hồ bằng mủ chuối, nhưng nó luôn nhẫn nhục để sống, ráng cười trong mọi hoàn cảnh, ít bao giờ thấy nó mở miệng kêu than dù chỉ nửa câu.

Mỹ thường đu theo nhóm tụi tôi chơi. Nó nói giọng rặt miền Tây chứ không lơ lớ như mấy thằng Mỹ trong cải lương hay trong mấy bộ phim điện ảnh. Mỹ rất thích coi hát, dù đó là đoàn cải lương «Sống Giang» do thằng Thanh làm ông bầu, tụi tôi tự phân vai rồi hát, không bài bản lớp lang như cải lương trên tivi chiều thứ bảy. Mấy thằng con trai, nhứt là thằng Thanh, thằng Hòa với thằng Chí Đực thường hay xéo xắt, ăn hiếp thằng Mỹ. Chỉ có tôi với con Quyên là luôn bênh vực nó. Lúc Mỹ ghé chơi nó thường giấu bao bắp chuối chỗ nào đó ngoài vườn. Nhà có gì tôi cũng lấy cho Mỹ ăn chung. Khi thì cái hột gà luộc, lúc mấy củ khoai lang đỏ hấp cơm, hay trái sa bô chín cây tôi lụm ngoài vườn bị dơi cạp còn sót lại… Nhiều lúc tôi đang ăn cơm thì Mỹ ghé, vậy là tôi chạy riết lấy tô bới luôn cho nó. Mỹ luôn đón nhận những thứ tôi đưa bằng nụ cười hạnh phúc và ánh mắt ướt rượt hàm ơn, làm tôi cũng chạnh lòng. Mà ngộ. Hồi nhỏ, và mãi tới bây giờ cũng vậy. Tôi có tật hễ ăn uống một mình lại ưa nhơi, hổng có ai nói chuyện, sanh buồn, nhiều khi bỏ mứa. Có người ăn chung thì ăn được và thấy vui hơn. Có lần con Tiên, bạn học lớp tôi, đi ruộng về ngang thấy tôi ngồi trước thềm ba ăn cơm cùng thằng Mỹ, Tiên sẵng giọng nói tôi ngu. Nó dơ dáy thấy bà mà ăn chung với nó. Cái gì của mình thì mình phải ăn hết hoặc ăn nhiều, sao lại đem chia đều cho cái đứa bá vơ. Mỹ nghe, nó ngừng nhai và cụp mắt lẳng lặng buồn. Tiên đi rồi, tôi khều vai Mỹ:

- Mày đừng để bụng làm chi mấy lời nhỏ Tiên mới nói. Tao không nghĩ vậy đâu. Mày ghé chơi là tao vui dữ lắm. Mày hiền lại siêng, tao rất thích mày. Mày chỉ cần biết vậy mà thôi. Ừa. Mà tao ưa nói, thêm cái chén cho người khác ăn cơm đỡ đói, mình cũng đâu vì bao nhiêu đó mà trở nên nghèo.

Nghe vậy Mỹ bớt buồn. Nó cười, quẹt nước mũi rồi ôm hun con Mực. Hồi đó, ai cũng nhiều chí lắm, kể cả mấy thằng con trai, chứ không riêng gì con gái. Những buổi trưa buồn mấy thím, mấy dì trong xóm thường xúm lại bắt chí cho nhau. Có người tóc dài tới đít, chí nhiều vô kể bắt bằng tay không xuể phải lấy cây lượt dày, loại khít răng, chải cho chí rớt xuống cái mâm, lấy móng tay cái giết chí nghe bộp bộp. Có bữa thằng Mỹ ghé chơi. Con Quyên đè nó ra bắt chí gội đầu, còn tôi thì hớt móng tay chưn dùm nó bằng dao nhíp. Móng tay chưn nó cứng ngắt, dơ èm, đóng đầy những đất. Nhiều khi tôi hớt phạm, chảy máu tùm lum, con Quyên phải lấy lá sống đời đâm nhuyễn đắp vô cho nó. Vậy mà tôi hỏi nó đau hông, nó cười nói hổng đau. Con Quyên còn bày ra chuyện dạy chữ cho Mỹ nữa. Thật ra nó cũng rất thông minh, học nhanh, mau hiểu. Hồi tự đọc được tên mình, nó mừng rơi nước mắt. Đánh vần được chữ rồi, nó thường hay ghé chỗ tôi, tỏ ý mượn mấy cuốn sách tập đọc có hình để coi chơi. Có bữa Mỹ biểu tôi làm học trò, cho nó được làm thầy giáo dạy lại cho tôi. Thấy ánh mắt háo hức của nó tôi không nỡ lòng từ chối. Nó liền đi tước nhánh cây bông bụp nhỏ để quất đít lúc tôi sai, giống y như thầy Dũng. Mà tôi có đi học đàng hoàng, mấy cái đánh vần đó đối với tôi dễ như ăn cơm bữa chứ làm sao sai được. Chỉ là muốn cho nó oai và vui khi được làm thầy nên tôi giả bộ mà thôi. Mà chuyện biết chữ, không hiểu có đem tới cho nó nhiều niềm vui hay không mà rõ ràng làm nó thêm mang họa. Có lần nó ghé nhà tôi nằm võng rồi lo đọc miết, tới chừng dòm lại chưa bẻ được mấy cái bắp chuối mà mặt trời đã khuất sau thánh thất Cao Đài, còn bầy gà thì sắp lên chuồng đi ngủ. Nó sợ về nhà bị ba má đánh đòn nên mặt mày xanh lét. Vậy là tôi với con Quyên, con Yên biểu nhau đi cùng nó phụ kiếm bắp chuối cho nhanh. Hổng bao lâu thì có hơn nửa bao bắp chuối để nó vác về. Kì đó nó mang ơn tụi tôi dữ lắm. Lần khác, Mỹ ghé nhà tôi với cái gò má tím bầm. Tôi hỏi bị làm sao? Nó cười ngượng ngùng, nói lỗi là do nó. Ba Mỹ kêu nó chạy ra tiệm mua đậu phộng về rang, rồi nấu nước pha trà cho ông tiếp khách. Về tới nhà thấy miếng giấy gói đậu có nhiều chữ mà lại vẽ thêm hình. Quá mừng. Lúc đi cầu tiêu cá, Mỹ lấy đem theo để đọc. Ba nó đợi hoài không thấy nó ra châm nước, đi tìm mới thấy Mỹ ngồi ở trong cầu tiêu đánh vần đọc say sưa. Ông Sáu Mỏ nổi trận lôi đình, cho nó một táng văng luôn xuống đìa, nó phải lóp ngóp vừa kéo quần vừa tranh đấu với đám cá tra, trật vuột một hồi mới leo được lên bờ. Hậu quả là một bên mặt nó theo thời gian đổi sang màu trái mồng tơi chín. Lúc kể lại cho tôi nó lấy tay xoa xoa gò má, vẻ mặt hơi buồn, nhưng vẫn kiên quyết nhận lỗi về mình rồi còn cười biểu nó không sao. Tôi hỏi lúc rớt xuống đìa mày có uống nước hông? Nó nói hông uống nước, mà tao… ăn cái. Vậy là tôi với nó cười một trận, cười bò lăn bò càng trên đất. Con Mực thấy vậy không biết có hiểu gì hông mà cũng tỏ ra quýnh quáng, vẫy đuôi rối rít chạy vòng vòng liếm mặt liếm tay thằng Mỹ. Vậy là thằng Mỹ hết buồn. Nó nói rất mừng vì biết chữ, bị đòn chút đỉnh có sá gì. Dòm nó, nghe nó nói, tự dưng thấy thương đứt ruột. Lúc sau nó còn khai thêm một chuyện là bữa đó tình hình rối ren quá xá, nó sợ thất kinh hồn vía nên cũng quên luôn cái giai đoạn quan trọng cuối cùng của việc đi cầu là… chùi cho cái đít.

Lần nào chơi đánh trận, thằng Thanh, con Trúc, thằng Bình, con Yên cũng giành làm «bên mình». Tôi với thằng Minh, con Quyên, nhứt là thằng Mỹ luôn phải đóng vai «bên nó». Mà «bên nó» thì đâu có bao giờ thắng được. Thằng Mỹ thường xuyên bị bắt làm giặc lái. Tụi nó ép thằng Mỹ leo tuốt lên cây vú sữa, cầm hai nhánh cây đóng giả phi công. Sau khi máy bay bị hạ thì thằng Mỹ phải rớt theo cái bịch. Tụi thằng Thanh liền từ trong bụi rậm xông ra, trói gô Mỹ lại bằng dây chuối, hai tay nó bị bẻ quặt ra sau, lôi tới ngay «pháp trường» mương độn để mà xử tử. Khi tụi kia giương bốn năm cây súng bập dừa bắn đùng đùng cùng một lúc là thằng giặc lái gục xuống chết tươi, lát sau Mỹ mới ngóc đầu lồm cồm bò dậy. Vậy mà thằng Mỹ vẫn bằng lòng chấp nhận miễn sao là được chơi chung. Cũng có khi Mỹ van nài cho nó làm «bên mình» một bận, nhưng tụi thằng Thanh, thằng Chí cười lên khùng khục. Đứa nào cũng nhao nhao tranh nói: Mày tóc vàng, mắt xanh, mũi nhọn lại còn thêm nước da trắng xát…làm sao mà đóng vai du kích được. Thằng Mỹ như cũng hiểu ra và cười vui lòng chấp nhận.

Thằng Mỹ rất thích hát cải lương. Mà ngộ. Mặc dù nó ở đây từ thưở mới lọt lòng, nói giọng giống hệt tụi tôi, nhưng hình như sâu thẳm bên trong, cái huyết quản mà nó đang mang hoặc gốc gác nó không phải người của xứ mình nên dù có cố gắng cỡ nào cũng hát không mùi được. Vậy mà ngày nào nó cũng bật la dô nghe cải lương (má nó cũng ghiền) rồi bắt chước hát theo và kỳ kèo miết, đặng tham gia vô đoàn «Sống Giang» của tụi tôi cho bằng được. Mỹ mê nhứt là tuồng Tiếng hò sông Hậu với Tìm lại cuộc đời. Mà nó nhứt quyết phải sắm mấy vai của kép Giang Châu thì mới chịu. Có mấy bữa chiều mây tím đâm ngang. Nó đi đâu mất biệt mà cả ngày không gặp. Tôi lấy cớ đi nhổ nấm mối sau vườn rồi lang thang tìm nó thử. Thấy nó nằm sải lai trong vườn chuối rộng mênh mông của ông Hai Nhà Mới cặp mé sông. Bao bắp chuối quăng sóng xoài, đầu nó kê lên đám tàu chuối héo. Mắt Mỹ nhắm nghiền, nó say sưa nhập vai anh tá điền Thừa trong tuồng Tiếng hò sông Hậu. Nó đâu hay tôi tới nên gồng mình, lấy hết hơi vô câu vọng cổ: «Trời ơi. Không lẽ mày ở đây mà khóc để lấy nước mắt trả thù cho má chớ tao thì tao đã tháo gan vỡ mật máu hận trào sôi tới cổ, tao không thể ngồi bó gối khoanh tay vạch đất kêu trời than khổ mà phải xách mác rượt theo tận ổ lũ hung…tàn. Bè lũ vô nhân nó chẳng xót thương kẻ đui tối nghèo nàn. Thằng hương quản Lê khốn nạn, thằng hội đồng Dư tàn ác. Đêm nay chúng bây không thoát khỏi tay tao. Ngọn mác trong tay tao đang run run đòi máu. Toàn thân tao đang phừng phừng rực lửa. Tao đi đốt nhà lầu lẫm lúa trả thù cho má. Giết hết làng lính chúng bây để giải cứu em Lài. Bình tĩnh? Mày biểu tao bình tĩnh. Tao còn đầu óc đâu ở đó mà so hơn tính thiệt như mày. Cả năm nay tao lầm lì nhẫn nhục chịu đau khổ dạn dày…Để an ủi má, che chở em Lài tao phải nuốt oán hờn ngậm đắng nuốt cay, trông đợi mày về để cùng bên nhau tay chèo tay chống. Mẹ bị hành hung thảm thiết còn chờ chi nữa, mà không thí thân đổi mạng báo thâm thù». Mỹ có cái tật vô cùng trầm trọng, cứ mỗi lần hát cải lương là nước mắt ràn rụa chảy. Tôi với con Quyên thường chọc quê nó cái vụ này. Vai nào buồn thì tuôn nước mắt đã đành, mấy vai vui mà mắt nó cũng ầng ậng nước. Bữa đó tôi cứ ngồi kế lặng im âm thầm nghe Mỹ hát. Hết đóng vai Thừa thì Mỹ chuyển qua vai quân nhân chế độ cũ Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời, nó nhập tâm vật vã cùng nhân vật cho tới lúc trăng lên. Chắc lúc này đây mặc dù thằng Mỹ sụt sùi nước mắt, nhưng tôi nghĩ là nó đang vô cùng hạnh phúc, chẳng nhớ gì tới hoàn cảnh hiện tại hay tủi thân vì cơm áo gạo tiền.

Có lần thằng Mỹ đi coi cải lương cùng tôi với con Quyên dưới nhà ông Bảy. Bữa đó tivi phát tuồng Đôi dòng sữa mẹ. Chuyện kể về số phận của một thằng nhỏ lai Mỹ đen, bị mẹ ruột là đại tá phu nhân chế độ cũ đẻ ra nhưng từ chối nuôi vì nó là kết quả khi bà lỡ dan díu với một người lính Mỹ. Bà nhờ người đánh tráo nó với một đứa con gái của cô giáo và anh du kích. Khi phát hiện ra, cô giáo vô cùng đau khổ định đem thằng nhỏ da đen đi bỏ, nhưng nghĩ thương tình nên để lại nuôi và yêu thương nó như con ruột. Còn bé gái con cô giáo về sống với bà đại tá thì bị ngược đãi rất nhiều. Sau ngày miền Nam giải phóng, cuối cùng sự thật cũng được phơi bày. Nhưng thằng bé Mỹ đen lai đau khổ không muốn về cùng má ruột, lại càng không muốn ra nước ngoài để nhận lại cha, chỉ muốn ở lại Việt Nam cùng với ba má nuôi của nó. Và tình thương, lòng nhân hậu, cộng lẽ phải cuối cùng đã thắng. Thằng Mỹ lai đen được toại lòng. Nó vui vẻ tung tăng tới trường đi học cùng đám bạn người Việt mà từ lâu không kỳ thị nó. Bữa coi tuồng cải lương đó thằng Mỹ khóc từ đầu tới cuối. Sau nhờ cái kết có hậu nó mới có chút nguôi ngoai, mà nó cũng còn buồn vì nghĩ tới thân phận của mình. Nó nói thằng Mỹ đen trong tuồng Đôi dòng sữa mẹ sướng hơn nó gấp trăm lần vì có được tình thương vô bờ của người mẹ nuôi hiền lương hết mực. Chuyện vậy mà nó hao tổn tinh thần, nằm bẹp mấy ngày. Quá lâu không thấy nó ghé chơi, đâm ra sốt ruột, tôi với con Quyên mới xuống nhà tìm. Ai ngờ nó bịnh, nằm một mình trong căn nhà vá chằng vá đụp của vợ chồng ông Sáu Mỏ. Bữa đó tôi với con Quyên kiên quyết kè nó xuống bà Tư Thùi cắt giác. Ngày đó cả xóm tôi không có bất kỳ một người y sĩ, hay một cơ sở y tế nào trị bịnh. Ai bịnh nặng thì phải bao đò đi xuống Bình Đức hoặc Mỹ Tho, tốn cả ngày trời. Còn bịnh hơi hơi có bà Tư Thùi cắt giác và cho thuốc tán làm phước hổng lấy tiền. Bữa đó, bà Tư Thùi vạch lưng thằng Mỹ, rồi lấy cây dao cắt giác nhỏ bằng nửa cái lưỡi lam, rọc lia lịa cả đống đường ngang dọc. Xong, bả vớt mấy cái ống tre ám khói đen thui, nấu trong cái nồi nước sôi ùng ục ra ngoài cho nguội bớt, rồi ụp vào mấy dấu rạch trên lưng thằng Mỹ. Hồi lâu gỡ xuống nặn máu ra. Vậy là xong, kèm theo mấy nhúm thuốc tán nhỏ xíu được gói trong mớ giấy dầu. Cũng không ai được biết thuốc tán đó làm từ nguyên liệu là gì. Vậy chứ cả xóm này ai cũng uống thứ đó những khi trở trời trái gió, trong đó có tôi, với một niềm tin mãnh liệt là bịnh hết. Mà có khi hết thiệt. Bữa đó cắt giác xong, thằng Mỹ được kè về thẳng nhà tôi. Người nó mấy ngày rồi hình như hổng tắm, hôi rình y như mùi lông chó, con Quyên nói vậy. Quyên biểu tôi đi hái nồi xông cho thằng Mỹ. Tôi hái đầy đủ lá chanh, lá sả, lá ổi, mớ dây bòng bong, dây giác…cộng thêm mấy trái chanh tươi như má tôi vẫn thường làm khi tôi bị cảm. Thằng Mỹ xông rồi lấy nước lá đó tắm với gội đầu. Nó mặc khính cái quần cụt của Ba tôi làm tụi tôi cười nôn ruột. Quyên đi lụm hột gà so trong ổ nấu nồi cháo với lá tía tô cho nó. Quyên còn kêu tôi làm ly nước chanh ấm pha với đường thùng cho nó uống. Mỹ khỏe hẳn ra sau khi mồ hôi đổ đầm đìa. Mà công nhận con Quyên giỏi thiệt. Cái nào nó cũng biết và hướng dẫn tôi làm. Thằng Mỹ khỏe chút rồi, mặt mày dòm tươi tắn hẳn ra. Nó mừng rỡ chắp tay xá tôi với con Quyên. Con Quyên cười ngặt nghẽo:

- Mày xá làm chi? Hai đứa tao còn sống nhăn răng chứ có chết đâu mà xá. Ừa. Mà mày đẹp trai như vậy, biết đâu mai mốt mày giàu. Nếu đi đâu xa nhớ một lần thăm lại xứ mình, trong đó có hai đứa tao là được. Chiều nay tao với con Ca sẽ mần một con gà đặng mấy tụi mình ăn. Mày hãy trổ tài tìm bẻ một bắp chuối hột thiệt ngon, để tụi tao trộn chanh làm gỏi.

Thằng Mỹ cười, ánh mắt reo vui nhưng vẫn làm thinh không nói. Chắc trong đầu nghĩ có nằm mơ nó cũng không thể nào giàu. Bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm nó chưa được một ngày nằm nghỉ thảnh thơi, chưa được cơm no áo ấm hay một tiếng nựng nịu yêu chiều. Tôi biết, từ lúc coi tuồng cải lương Đôi dòng sữa mẹ thì trong lòng nó có nhiều đổi khác. Hay là có khi nó âm thầm mong đợi? Đợi một ngày coi có phép màu nào tới với nó hay không?

Sau này Mỹ vẫn duy trì chơi thân thiết cùng tôi với con Quyên. Hồi con Mực chết, Mỹ đi bán bắp chuối với má nó bên chợ Mỹ Tho nên không về kịp. Con Mực được chôn rồi, nó về ngồi ngoài mả khóc ngon lành cả buổi. Nó thương con Mực cũng phải. Vì tôi với con Quyên tuy thân và hiểu nó nhưng cũng có khi la rầy ăn hiếp nó. Còn con Mực thì một dạ trung thành. Con Mực chết rồi, hồn thằng Mỹ cũng tan theo một nửa.

Tới lớp chín thì Quyên không thi đậu tốt nghiệp nên phải nghỉ. Lên lớp mười, cả xóm còn có mình tôi, Minh với thằng Hòa đổ đường xa ra trường huyện học.

Lớn hơn một chút, dù không phải ngày nào cũng gặp và bày trò như hồi còn nhỏ xíu, nhưng bọn tôi vẫn thân thiết vô cùng. Vào những đêm rằm trăng sáng, cả đám con trai con gái mười tám hai mươi, vẫn tìm cách hẹn nhau trên cầu Kinh Chợ. Đường sá bây giờ đã bớt nắng bụi mưa bùn và sạch đẹp hơn xưa. Điện dù chập chờn không đủ sáng nhưng cũng đã về tới tận đuôi cồn. Nhiều nhà tự sắm được tivi, không còn cái cảnh đốt đuốc lá dừa đi coi nhờ vào mỗi chiều thứ bảy. Đào kép bây giờ lớn bộn, biết mắc cỡ hết rồi, nên đoàn gánh hát «Sống Giang» gần như không còn hoạt động, nhưng cái máu đờn ca tài tử trong mỗi đứa thì vẫn chưa nguội bao giờ. Bây giờ đứa nào cũng ít nói hẳn đi. Riêng thằng Mỹ thì có vẻ phong trần và đẹp lên thấy rõ. Có bữa, dưới ánh trăng quê rờ rỡ, vô tình tôi thấy mắt con Quyên dòm thằng Mỹ như có điều gì trăn trở lắm.

Năm tôi học lớp mười hai thì thằng Mỹ chuẩn bị đi nước ngoài theo diện con lai, lúc đó trời đang vào chạp. Mỹ nói nó không đi cùng gia đình ba má nuôi của nó mà đi với một người xa lạ dưới Mỹ Tho. Tôi hỏi tại sao, nó nói vì ba má nó quá nghèo lại không biết chữ nên chuyện làm thủ tục rất khó khăn. Ba nó « nhờ» một người làm giấy tờ và đi cùng nó trước. Nhưng thật ra người ta đồn rằng nó bị «bán» với giá mấy cây vàng. Có người rất giàu và rành thủ tục, có thể làm nhanh vì biết đường lo chạy. Người ta «mua» nó, làm giấy tờ để dùng nó đưa cả gia đình sang «miền đất hứa».

- Tao hổng muốn đi qua bển chút nào, nhưng ba má biểu phải đi.

Tôi cười, ngắt mấy lá cóc non bỏ vào trong miệng, nhai chầm chậm, vị chua chát thấm vào tận kẽ răng làm tôi khẽ rùng mình.

- Mày đi đi, qua đó biết đâu gặp được ba ruột của mày, hy vọng tương lai mày sẽ xán lạn hơn.

Mỹ tránh dòm tôi, chân miết xuống đất mà run run giọng:

- Tao không rành chữ nghĩa, lại chả được học nghề gì. Qua bển xứ lạ người xa, tao thấy mù mịt quá. Tao quen ở đây rồi. Đi, tao nhớ xứ mình dữ lắm, nhớ tụi bây và nhứt là mày…Không biết qua bên đó có nước cơm pha đường để uống? Có bắp chuối chấm cá bống kho dừa để ăn cơm? Hay là có ai còn khoái nghe cải lương hông nữa?

Nghe Mỹ nói tôi trào nước mắt, lòng đau đớn đầm đìa. Thương nó quá mà giấu không cho nó biết là tôi đang khóc. Vì bình thường tôi với con Quyên ưa xúm nhau chửi nó, nói nước mắt của mình quí lắm, không được rớt khơi khơi. Tôi cầm tay Mỹ, bàn tay to bè ấm nóng, từng cục chai sần lộ rõ, đánh dấu một đoạn đời tuổi thơ cơ cực.

- Mày rất chịu làm, sẽ không đói đâu, đừng sợ. Vui vẻ lên nhen. Ráng tử tế chút là sống được. Hy vọng sau này tụi mình còn gặp lại nhau. Tao có cọng dây này, nếu mày không chê thì cầm lấy nó, đem theo đeo để làm kỷ niệm.

Và đó cũng là lần gặp cuối của hai chúng tôi trước lúc Mỹ ra đi. Tôi bận thi học kì hai của năm cuối cấp nên không thể cùng con Quyên tiễn Mỹ lên Sài Gòn để bay đi được. Tết đó tôi buồn, con Quyên và chắc cả nhóm tôi đứa nào cũng vậy mà không tiện nói. Trước nhà, mai đồng bằng vẫn vàng ngập ngõ. Đêm ba mươi mấy đòn bánh tét vừa vớt treo sau bếp, mùi lá luộc quá đỗi ngọt ngào. Thịt kho nước dừa vẫn tỏa khói thơm lừng, cùng dưa hấu chín đỏ tươi. Ngày trước trông đợi bao nhiêu vậy mà giờ tôi không còn háo hức. Cái tô sành màu nâu đỏ hồi đó tôi ưa dùng bới cơm cho thằng Mỹ nằm im lìm trong cũi chén…

*

Có bữa chiều tôi đang thơ thẩn trong vườn chuối ven sông, lặt mấy lá vông non để dành ăn cho dễ ngủ. Từng đợt gió chướng tràn trề từ mặt sông tạt vô nghe lành lạnh. Sau mấy bận chia ly hình như bây giờ tóc tôi đã quá nhiều sợi bạc. Tôi nhón người, gỡ một bẹ chuối trên cái bắp đang kỳ trổ dãi, lấy mấy trái chuối con trên đầu có cái bao chứa mật đưa lên miệng liếm như ngày xưa thằng Mỹ thường bày, nghe vị ngọt chát từ từ tràn trên đầu lưỡi. Từ xa, như bóng gái lớn của con Quyên đi tới tóc dài xấp xải, thấy tôi, nó vội vàng kêu:

- Dì Sơn Ca ui! Mẹ con biểu về liền. Có chú nào chừng năm mươi tuổi, rất giống Mỹ lai, vừa ghé nhà con. Chú ấy đeo một sợi dây đen xỏ vào viên đạn màu đồng thau, dòm ngộ lắm…

Trên đường tôi về gió reo xào xạc. Hình như chuối đang vào đợt rộ trổ buồng. Đám lá tuốt trên cao gió quật tơi bời, bị rách tả tơi nhưng vẫn ráng vươn mình ôm trọn, chở che cho mấy bắp chuối non tươi vừa mới nhú. Dưới vạt bần ghe ai còn đậu, chở cuộn khói chiều thơm cùng câu hò làm trong dạ nôn nao.

«Hò…ơ… Tóc mai sợi vắn sợi dài

Thương nhau chẳng đặng...hò…ơ….

Thương nhau chẳng đặng…Thương hoài ngàn năm» ./.

MÃ SỐ 99
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 198
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 1850
  • Tháng hiện tại: 2558293
  • Tổng lượt truy cập: 48932420