Xóm nghèo

Đăng lúc: Thứ ba - 16/07/2013 23:31
Sống ở xóm lao động nghèo này tuy có phần phức tạp, vài hôm lại cãi vã chuyện nhỏ chuyện to, nhưng đôi khi cũng vui đáo để. Mới khuya sớm tuần trước, khi mọi người đang say giấc thì… sự cố xảy ra. Tôi còn mơ màng nghe con gà trống của thím Năm bán xôi vò nhà bên lảnh lót gáy chập đầu, chợt nhớ mấy câu ca dao thuộc lòng hồi nhỏ: “Cám ơn bụi chuối bờ ao/ Nửa đêm gà gáy có tao có mày/ Cám ơn cái cối cái chầy. Nửa đêm gà gáy có mày có tao”. 
Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái

Đang thả hồn về tuổi thơ quê cũ, bỗng dưng từ hướng lò bún vang tiếng la bài hãi đúng giọng vợ Tư Xe:

 - Bớ… bớ bà con làng xóm ơi! Tới phụ giùm tui… bớ…

Tôi vội tung chăn chạy ra cửa gặp ngay chú Bảy đội trưởng dân phòng, mình trần, chân mang đôi giày ống lệt bệt, tay xách đôi thùng thiếc dùng đựng nước, hốt hoảng hỏi liền miệng:

- Cháy đâu? Cháy đâu? Cháy nhà ai?

Anh thợ mổ heo vừa đạp xe ngang, phì cười:

- Chú Bảy lộn đài rồi! Vợ cha Tư Xe nghi ngờ cô Búp lò bún tò tí với chồng mình nên la toáng lên vậy thôi. Ôi! Chuyện thường ngày…

Vỡ lẽ, chú Bảy hơi tẽn tò bèn đặt đôi thùng ngay cửa rồi kéo tay tôi tức tốc vô thẳng chỗ lò bún để nắm bắt tình hình. Tôi vì tò mò mới đi luôn chứ thừa biết mấy vụ việc loại này nếu tới chứng kiến cũng kỳ cục thật. Đến “hiện trường”, tôi ngờ có sự hiểu lầm gì đây bởi thấy Tư Xe ngồi xếp bằng trên chiếc giường tre, hút thuốc phà khói tỉnh queo. Mặc ánh đèn sáng choang, người hiếu kỳ bu chật cửa, anh nói giọng láu lỉnh như thường khi:

- Ông trời ngó xuống! Vợ tôi vẫn tật… trông gà hóa cuốc báo hại bà con hàng xóm mất ngủ. Chuyện ghen tuông hồ đồ của bà, ai lạ gì? Chạy xe riết dãn gân dãn cốt, nội chuyện… phục vụ tình cảm bà, tôi cũng ứ hự, hơi sức đâu tòm tem thêm? Cực kỳ phi lý!

Chị vợ nổi sung nhảy đong đỏng:

- Già mồm đạo đức giả! Nửa tháng nay sanh chứng đòi… ngủ riêng, tui đã ngờ ngợ. Nửa khuya này, ngó thử khe cửa nhà sau thấy cái mền trùm kín trên giường vun lù một đống. Tui lộn gan xô cửa, ai dè thằng chả… gian giảo móc chốt trước. Chừng tui cạy ra được thì…

Có ai đó vọt miệng:

- Chắc mất tang chứng chớ gì? Tánh anh Tư cẩn thận lắm…

Tư Xe cười khì:

- Ờ… tánh tôi kỹ lưỡng, thùng đồ nghề để ngoài xe hổng an tâm nên tôi đưa… lên giường trùm mền lại, hỏi có mắc mớ ai đâu? Bốn đứa con lo chưa xong, nằm chung với bả lỡ… nổi máu càng khổ thêm. Bà con thấy ai đúng ai sai?

Biết mình hơi yếu lý, chị vợ chuyển qua hướng khác:

- Tui mà nắm được đầu con quỉ cái ham hố đó, tui xé nát… Hổng hiểu bên lò bún chứa chi… đồ yêu nữ, trôi sông lạc chợ ấy?

Một giọng phụ nữ bên ngoài trả đũa ngay:

- Nè… chị Tư ám chỉ ai? Cả lò bún làm công cả chục người, chỉ có tôi là đàn bà. Chị mắng bậy, tôi hổng nhịn đâu nghen!

Tôi nhận ra cô Búp đứng bên hè đang vấn lại tóc, mặt bừng bừng sắc giận. Cô người xứ khác, không chồng con, về đây gặp dì Hai Hạnh chủ lò bún thương cho vào làm hơn ba tháng nay. Tính cô cởi mở, ăn nói có duyên nên cánh đàn ông trong xóm khoái bóng gió thả câu, nhưng tiến sâu hơn thì chắc chưa ai dám. Trong lúc hai người đôi co, tôi lại nghĩ về Tư Xe. Vợ bán vé số dạo, anh đạp xích lô nuôi bốn đứa con nhỏ, nhà cửa ọp ẹp, cuộc sống còn thiếu thốn. Chuyện này chẳng biết thực hư? Không lẽ chỉ vì mấy câu vọng cổ, điệu Nam xuân, khúc Phượng hoàng… nghêu ngao mỗi chiều của anh đã làm xiêu lòng cô Búp, người đàn bà mới ngoài ba mươi tuổi mà tôi thầm đoán có lẽ khá dày dạn cuộc đời? Tôi tự bằng lòng với ý nghĩ: “Không có lửa sao có khói! Cha này chắc tình ngay lý gian thôi…”.

Trời hừng sáng, cuộc đấu khẩu diễn ra khá gay gắt. Vợ Tư Xe cao giọng:

- Đời hết đàn ông hay sao mà đụng ai cũng quơ quào? Không biết nhục…

Chiếc xích lô vừa đẩy ra chợt khựng lại, Tư Xe nổi giận xắn tay áo:

- Tôi biểu im! Đơm đặt vậy là nói xấu, là xúc phạm người ta đó nghe chưa? Không lo đi bán, đói nhăn răng!

Cô Búp tức nghẹn cổ, vỗ tay bình bịch vào bộ ngực đầy đặn, chồm tới bên rào:

- Nhục là sao? Tôi ưng người nào thì lấy người đó, sợ gì ai? Tôi đâu có ngửa tay nhận tiền bán xác thân làm sao phải nhục? Xấu hổ là mấy con mụ xuống sắc, ỏn ẻn mồi chài, ngon ngọt từ đứa trai mới lớn tới ông già tám mươi để… anh ơi mua giúp em ít tờ vé số… xổ liền nè!

- À… con này dám đụng chạm, bôi bác nghề nghiệp lương thiện của tao. Tui yêu cầu chú Bảy trục xuất con quỉ cái này ra khỏi địa phương!

Ngó xung quanh thấy bà con đã tản về bớt để lo việc mưu sinh và liệu chừng vợ mình đã nấu xong nồi cháo huyết bán đầu hẻm, chú Bảy dùng lời giảng hòa nhẹ nhàng mà cương quyết:

- Tôi không bênh ai bỏ ai, nhưng mấy bà phải biết bình tĩnh suy xét, cãi cọ om sòm bị phạt hành chính đừng than nghen! Chuyện lờ mờ không đâu ra đâu, vợ thằng Tư chẳng nên đề quyết, bỏ qua đi… Còn cô Búp cần ý tứ trong quan hệ, coi chừng… phạm luật đấy! Hàng xóm ra vô gặp mặt, một câu nhịn chín câu lành!

Thấy Tư Xe rón rén thót nhanh lên yên xe, chú Bảy gọi lại:

- Tao sẽ nói chuyện với chú mày sau, hiểu chưa? Chiều nay về rào kín chỗ vách trống này cho yên, khỏi đắp mền… thùng đồ nghề. Tối làm ơn ngủ nhà trước với vợ cho ấm, đừng léng phéng ra sau nghen!

Lời nói chú Bảy tuy êm dịu, nhưng những người trong cuộc đều nghe theo bởi gia đình chú sống mẫu mực, tốt bụng, được bà con chòm xóm trọng nể. Cô Búp ngoe nguẩy về lo nhiệm vụ cân bún giao mối, vợ Tư Xe còn cằn nhằn đôi câu rồi cũng rút vô nhà. Chú Bảy cười hóm hỉnh, kéo tôi về để còn kịp ra quán cà phê quen thuộc nghe mấy ông bạn già hưu trí bàn chuyện thời sự, hoa kiểng…

*

Tôi có việc phải đi xa gần tuần lễ, khi về nghe tin cô Búp gặp tai nạn. Chiều kia, khi cô phụ đám thanh niên ép, vớt bún từ nồi nước lớn đang nóng, có lẽ vì nền đất trơn trợt nên cô vô ý ngã, phỏng cánh tay trái. Dì Hai Hạnh vội đưa cô vô bệnh viện, tận tình lo thuốc men và để một cậu nhỏ túc trực ngày đêm ở đó. Khi hoạn nạn mới thấy nghĩa tình của người dân xóm lao động nghèo này, gây gổ ồn ào mà không ác ý, thù dai. Hầu như ai cũng đến thăm và có chút quà cho cô Búp. Cả vợ Tư Xe mới khẩu chiến nóng hổi hôm trước, nay cũng xởi lởi cầm hộp sữa bò vào thăm, rù rì tâm sự cả giờ đồng hồ. Và điều khiến chị Tư bán vé số nhẹ lòng hơn khi chiều hôm sau tới tình cờ gặp một người đàn ông tóc hoa râm, vẻ mặt hiền lành đang ngồi ghế cạnh giường cô Búp, tỉ mỉ lột từng múi cam. Thấy người lạ, ông ta ngượng ngùng đứng lên chào xã giao vài câu rồi xin về trước. Ông ngập ngừng cúi xuống nói nhỏ bên tai Búp, cô thoáng suy nghĩ rồi nhìn thẳng người đàn ông như đang bồn chồn chờ đợi, khẽ mỉm cười gật nhẹ đầu. Nhìn nét tươi vui của hai người, chị Tư Xe với bản năng phụ nữ thầm hiểu rằng họ đang… hạnh phúc. Chuyện này tôi nghe được từ quán cháo huyết của thím Bảy, một dạng… thông tấn xã vỉa hè khá nhanh nhạy!

Chiều nay, chú Bảy sang tôi chơi và cho biết nhiều tin mới do cô Búp nói ra lúc chú tới thăm. Mồ côi cha mẹ, cô sống cùng bà ngoại đến trưởng thành thì ngoại mất. Đụng thằng chồng say xỉn, cờ bạc, hư đốn…, nó hành hạ, ngược đãi chán chê tới mức cô không chịu nổi, đành đường ai nấy đi. Duyên phận lỡ làng lại có chút nhan sắc nên bướm ong mặc tình ve vãn. Vài cuộc tình hờ với những gã đàn ông chỉ thích qua đường càng khiến lòng cô chán chường, trống vắng. Dư luận nghiệt ngã lại hay xét đoán theo chiều hướng xấu cho người đàn bà sống một mình. Cô bán nhà, trôi nổi làm ăn khắp nơi rồi về đây trú trong lò bún xóm lao động này vẫn không thoát khỏi sự nghi kỵ của những người đủ đôi đủ bạn. Ông khách đến thăm cô Búp mà chị Tư Xe gặp ở bệnh viện là người cùng quê cô, đã qua một đời vợ không con, gia sản khá, từ lâu đã ngỏ lời chắp nối xây dựng gia đình, nhưng cô còn lưỡng lự. Tai nạn bất ngờ khiến cô nghĩ lại, chẳng lẽ sống đơn độc mãi hay sao? Và hôm ấy, cô đã bằng lòng. Hai người hẹn nhau khi cô xuất viện sẽ trình bày mọi việc với dì Hai Hạnh để xin tổ chức bữa tiệc chia tay chòm xóm trước lúc cùng về quê…

Chúng tôi đang nói chuyện thì nghe phía dãy nhà sau gần lò bún vang rõ tiếng vợ Tư Xe chì chiết chồng:

- Tui dò hỏi kỹ rồi mới biết tâm địa của ông! Đêm tui tưởng lầm cô Búp, chính là ông hẹn hò với… với con Út hột vịt lộn phải hông? Cô Búp có thấy, nhưng tự ái không thèm nói ra. Ông đừng chạy chối nữa, tui biết hết… Trời ơi! Ăn ở bốn, năm mặt con còn sanh tâm đèo bồng. Đồ đàn ông… bội bạc!

Lần này Tư Xe không bình tĩnh cười khì nữa mà quát to:

- Câm họng! Nghe ai nói? Nghe ai nói?

- Bà Sáu bánh canh nói đó! Bả là người dưng mà thấy con người ông tàn nhẫn còn hổng nhịn được, biểu tui khai huỵch toẹt luôn, bả làm chứng. Ai đời con cái đi học sáng đói rã ruột, xin tiền ăn gói xôi… ông chẳng cho. Ông chạy xe giấu bớt tiền để tối tối lẻn ra chỗ con Út… ca vọng cổ làm trò cười thiên hạ, còn giựt le bao giàn hột vịt ế mấy chục trứng mà! Hào hoa quá… nghệ sĩ quá… áo vá te tua! Tui mới hỏi chận đầu con Út, nó khai thiệt hết rồi!

Nói dài hụt hơi, chị ta dừng lại thở rồi tiếp tục “tố cáo” chồng:

- Chuyện này nữa! Người ta đồn bữa nào ông xỉn thì ra ngồi… đầu cầu Mới rên rỉ hoài hai câu… Con cá lý ngư sầu tư biếng lội… Con chim trên cành sầu cội biếng bay… Ông sầu ai? Sầu tui hả? Muốn bay đâu, lội đâu… cứ việc!

Tiếp theo là giọng Tư Xe nghe như than thở, đượm buồn mà ngọt lịm:

- Hồi xưa nhờ đờn ca tôi mới gặp bà… Chắc bà chưa quên hồi mới quen ở quê, tôi hay hò ghẹo bà câu…Trắng như bông lòng anh không chuộng… Đen như cục than hồng… biết làm ruộng anh thương… Tình nghĩa phu thê tôi thề không quên, nhưng giờ vợ chồng làm lụng cực nhọc kiếm cái ăn, tôi cũng rầu bụng lắm. Lâu lâu hứng thú vui vầy anh em, bông lơn hát hò cho đỡ nhớ… nhớ đủ thứ. Tôi biết tôi trật, bà chửi thì… tôi nghe!

Im lặng một lúc, rồi vợ Tư Xe lại thút thít kể lể có văn có vần, nhưng coi bộ hòa hưỡn hơn. Ai đó đi ngang gọi to:

- Chú Bảy ơi! Nhà Tư Xe có tiết mục mới, chú không phân xử à? Hay là lại cháu chơi, có nồi cầy hon nước dừa bén lắm!

Khoát tay từ chối, chú trả lời:

- Cảm ơn cháu! Chuyện trong nhà ngoài phố nhỏ nhặt, nó tự phát tự yên thôi. Mệt!

Trời tối dần, tiễn chú Bảy ra về, tôi còn đứng hồi lâu nhìn dọc con hẻm san sát những túp nhà xây cất bằng đủ thứ vật liệu tạm bợ. Từng nhóm phụ nữ ngồi túm tụm nói cười hể hả như để tạm quên đi nỗi vất vả cơm áo một ngày. Đám đàn ông rảo bước vào quán cà phê để chụm đầu bên bàn cờ tướng hoặc lai rai vài xị đế ở điểm bán lòng bò bình dân. Còn thú vui nào cho họ, những người lao động nghèo? Buồn đấy, vui đấy, nhưng thân thiết lắm bởi xóm nghèo này cũng có một phần cuộc sống, tâm hồn tôi…

Nguyễn Kim
(Theo Văn Nghệ TG số 58)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 230
  • Khách viếng thăm: 225
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 46319
  • Tháng hiện tại: 2278869
  • Tổng lượt truy cập: 46246102