Sòng phẳng

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/02/2010 14:41
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Gần nửa đêm, tôi vào giường sắp sửa ngủ, giấc ngủ ngày càng ngắn đi theo tuổi tác, thì điện thoại reo. Giai điệu bài A better day mà tôi yêu vang lên thúc giục trong đêm vắng. Một giọng lạ hoắc bên kia đường dây: Dạ xin lỗi, phải số điện thoại của chị Huyền không?

Tôi vừa đáp đúng rồi thì người phụ nữ reo lên: "Chị còn nhớ em không?". Nửa đêm gọi điện không xưng danh xưng tánh rồi hỏi nhớ không, là nhớ làm sao, nhớ mới là lạ… "Em là Tuyết Mai nè!". "Tuyết Mai nào?". "Tuyết Mai con bảy Tiếp, tám Thiệp á!" Đến lượt tôi kêu lên: "Ủa, nghe nói ở bên Mỹ mà?". "Thì em bên Mỹ gọi về nè. Ngày mai tảo mộ phải không chị? Chị có về quê không?". Từ ngày ba tôi mất, năm nào bận bịu công việc gì tôi cũng sắp xếp về nhà tảo mộ. Về, cho má tôi vui,  rồi cùng mấy đứa em, đứa cháu xách nước rửa mấy tấm mộ bia, quét dọn giẫy cỏ chung quanh nền mả, sơn phết lại từng ngôi mộ ở vuông mả. Tết nhứt, cũng phải thay áo mới cho ông bà. Hồi còn sống, ba tôi thường bảo vậy.

"Chị ơi, nếu có về em nhờ chị thắp giùm em nén nhang trên mộ nội. Em biết bác sáu với mấy anh chị không bỏ nội em, nhưng em nhờ chị đốt cây nhang rồi vái với nội rằng cây nhang này là của con Mai, xa xôi cách trở tết nhứt nó không dìa được…".

Nó, đứa em họ khác dòng của tôi nấc lên. Tôi vội bảo: "Nghe nói hôm rồi chú thím bảy có xuống giẫy cỏ, sơn mả cho bà nội". "Nội em không có chứng giám cho hai người đó đâu". Không muốn khơi sâu chuyện nhạy cảm của gia đình Mai, tôi hỏi thăm về hoàn cảnh sống của nó bên Mỹ. Mai nói đã có bốn con, hai đứa lớn sinh ở Việt Nam đã đi làm kiếm được tiền, hai đứa sinh đôi sau còn bé được hưởng trợ cấp của chính phủ. Vợ chồng nó sống bằng nghề cắt cỏ, hiện đã mua được nhà chung cư trả góp…

*

Mai là con gái duy nhất của chú thím bảy tôi (trước và sau nó là lóc nhóc một đám anh em trai). Chú bảy là con của bà nội sau. Khi ba tôi lên chín, bà nội tôi qua đời. Ông nội lấy bà nội sau là một phụ nữ rặt nông dân, cả đời bán thân bán mặt cho vườn tược, ruộng đồng. Nghe nói cuộc dan díu này đã xảy ra từ khi bà tôi còn sống. Vì thế bà buồn bỏ xứ Cái Bè, nơi dòng họ Huỳnh Nguyễn, ông tổ hai đời của ông nội tôi định cư lập nghiệp, trở về quê cha đất tổ ở Tân Hương cho tới chết. Cả nhà phản đối cuộc tái hôn này. Không chỉ vì cái tội bà nội hai đã làm cho những năm tháng cuối đời của bà nội tôi phải sống trong phiền muộn, mà còn vì hoàn cảnh xuất thân dốt nát của bà. Bà nội hai, chỉ được cái trẻ trung, chứ một chữ nhất một không biết, quanh năm chỉ lo làm lụng, kiếm sống. Không chỉ  giỏi chuyện ruộng rẫy, bà còn làm cả những công việc của đàn ông như móc mương, leo cau leo dừa. Cô ba tôi nói: Ba cưới vợ chứ đâu phải cưới người ở. Còn cô tư, vốn được xem là tiểu thư đài các nhất nhà, vừa lấy chồng là một đốc học danh giá, thì bù la bù loa: Ba làm sao coi được thì làm. Cho con còn nhìn mặt bên chồng nữa. Chỉ có ba tôi, lúc ấy vừa tròn hai mươi mải miết theo vệ quốc đoàn đi kháng chiến, không mảy may biết chuyện nhà (mà có biết chắc ông cũng không phản đối vì ông vốn hiền lành, với lại  người theo cách mạng như ba chắc sẽ dễ dàng cảm thông cho xuất thân bần hàn của bà nội hai). "Thằng Trứ là con trai, mai mốt về ở với ba chứ mấy đứa nữ sanh ngoại tộc, có gánh vác gì cho gia đình mà bàn ra bàn vào". Ông nội phán vậy rồi mặc nhiên rước bà nội hai về sau đám mừng tuần giáp năm của bà nội. Cô tư mới đi lấy chồng, từ chỗ mỗi tuần về nhà mấy ngày lo việc cúng kiếng, nấu nướng cho ông nội, bỏ biệt về Tân Hương, trấn giữ ngôi nhà ba gian đồ sộ bà nội để lại cùng vô số ruộng điền. (Bà nội tôi là con gái của một địa chủ nổi tiếng giàu có vùng Tân Hương, Tân Hiệp). Cô ba sớm ngộ đường Phật đạo, xuống tóc qui y từ nhỏ, nhưng ông bà nội thương con không gửi cô đến phật am khác, mà cất cho ngôi chùa nhỏ trong vườn, thỉnh đủ các đức phật, rước các sư ông, sư bà làm lễ nhập môn cho cô  thí phát qui y tu hành. Cô tu hành nhưng tính tình cương trực, cứng rắn, chuyện nhỏ lớn trong gia đình thấy không phải là nói, ngay đến ông nội cũng phải kiêng vị. Không cản ngăn được cha mình vầy duyên mới, cô đưa điều kiện, ông không được rước bà nội hai về ở trong ngôi nhà thờ còn đầy dấu tích của bà nội. Ông nội phải xây  căn nhà riêng cho bà nội hai và căn nhà ấy phải cách xa ngôi nhà thờ để không làm tủi hổ vong linh bà nội. Cái ngày ông tôi rước bà nội hai về căn nhà mới, cũng là ngày cô đóng cửa chùa nhà, qua  Bến Tre, trụ ở  chùa Bạch Vân  cho tới cuối đời.

*

Ngôi nhà mới mà ông tôi xây để ở với bà nội hai rồi sinh ra chú bảy Tiếp, là một góc hình ảnh quê nội in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Khi ấy, ba tôi đã đưa cả nhà ra thị trấn, nơi ông cùng một số bè bạn kháng chiến mở trường dạy tư và hoạt động bí mật. Ông nội tôi đã qua đời, ngôi nhà thờ cũ không người trông coi, xuống cấp cũng đã dỡ đi. Khu vườn gần bốn mẫu, với cả một gia phả mồ mả ông bà chỉ mình bà nội hai trụ lại. Cuộc đất nhà tôi thuộc vùng ven thị trấn, những năm ấy là vùng tranh chấp của hai bên. Tuy không chịu cảnh bom pháo nhưng lính thường xuyên đi ruồng. Họ tự cho mình cái quyền hoạnh họe bắt gà bắt vịt, xúc lúa, hái trái cây. Phải can đảm lắm mới trụ lại được như bà nội hai. Nghe kể, nhiều lần bà đã giằng co với tụi lính để giành lại từng buồng chuối, trái mít, mớ cam. "Huê lợi này của con tôi, nó làm "khầy" giáo dạy học "quày" khị trấn, mấy ông lấy hết mần sao nó nuôi con". Hình ảnh bà già nhỏ thó móm mém chạy lon ton theo năn nỉ xin lại những thứ bị cướp đã quá quen thuộc với tụi lính. Có khi chúng chĩa súng thẳng vào đầu bà. "Đ. M, còn lải nhải nữa tao bắn chết mẹ!". Ba tôi nói "Tụi nó muốn bẻ, muốn hái bao nhiêu thây kệ. Bà đừng giành giật làm chi nguy hiểm lắm". "Đâu được, tui giữ vườn cho thằng sáu đâu mà để mất mát coi sao đặng". Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đậm hình ảnh bà già nhà quê áo nâu đi chân đất, lâu lâu lại xuất hiện với lỉnh kỉnh bị, giỏ, xoa đầu chị em tôi rồi lấy ra nào cam nào quít, ổi mận… Đặc biệt là những ngày đám giỗ, bà bơi xuồng chở  củi, dừa khô lá chuối ra, xay bột rồi hấp bánh bò, gói bánh ít, bánh tét mấy ngày. Cuối hè năm ấy sắp đám giỗ ông nội, ba tôi  bảo với bà: Kỳ này bà thu xếp đưa  thằng Tiếp ở đây tôi lo cho nó đi học. Bà kéo chéo khăn trùm đầu chậm chậm khóe mắt: Thằng sáu nói vậy tui mang ơn, nhưng vợ chồng thằng sáu còn phải lo cho sắp nhỏ.  Ba tôi cằn nhằn: Nó cũng là máu mủ với tôi chứ người dưng nước lã sao. Bà mếu máo: Thằng sáu nói vậy thì tui có chết cũng yên cái bụng. Trong cuộc đời làm lẽ, điều bà sợ nhất không phải là sự hắt hủi, lạnh lùng của mọi người đối với bà, mà chính là  nỗi lo lắng đứa con trai duy nhất của bà không được dòng họ bên chồng thừa nhận. Bà có mang với ông tôi năm sáu lần, nhưng đều bỏ cả, khi thì hư thai do bà tham công tiếc việc, bụng mang dạ chửa mà còn trèo cây hái trái, làm lụng vất vả, khi thì đẻ non đẻ rớt. Cô tư tôi rủa tại giựt chồng người ta nên trời phạt. Cô ba tu hành, rộng lượng hỉ sả hơn, nhưng chỉ mua đường sữa, gửi ông nội đem cho bà chứ cũng chẳng bước qua thăm. Vậy mà bà hãnh diện lắm, ai tới cũng khoe: Cái này của chị ba nó gửi. Nhất là khi chú Tiếp ra đời, được làm khai sinh mang họ Huỳnh, được nối tiếp thứ bảy sau ba tôi. Năm chú Tiếp lên tám, ông tôi qua đời. Ông di chúc để lại cho bà nội hai mấy công đất ngoài mặt tiền, căn dặn ba tôi dòm ngó trông nom việc học hành của chú Tiếp sau này, và khi bà nội hai chết phải được chôn trong khu mộ của dòng họ. Mọi người chấp nhận hai điều kiện đầu, nhưng việc để bà yên nghỉ trong khu mộ tổ, các cô cực lực phản đối. Bả được chia đất thì chôn trong đất của bả, má mình còn không chôn ở đây sao bả lại được.

Chú Tiếp chắc do mặc cảm con dòng sau từ nhỏ đã rụt rè nhút nhát. Vào dịp giỗ chạp hay tết, bà nội hai dẫn chú vào thắp nhang bàn thờ, chú thường núp sau vạt áo của bà.  Cô ba tôi thấy thương gọi cho bánh chú cũng không dám tới nhận. Chú chỉ không sợ mỗi mình má tôi, vì má tôi là người duy nhất trong nhà thường xuyên tới lui với bà nội hai. Hồi  mới về làm dâu, giữ lễ nghĩa, má qua chào, bà mừng rơi nước mắt. Rồi cũng nhờ má, dần dà hai mẹ con bà mới lui tới ngôi nhà thờ…

Vì trốn quân dịch, khai nhỏ tuổi nên chú Tiếp phải ngồi lại lớp nhất hoài. Đến năm thứ ba, lớn chồng ngồng mà cứ học chung với tụi con nít, chú mắc cỡ, nhất định nghỉ, dù bà nội năn nỉ ỉ oi hết cách. Mà trường làng chỉ tới lớp nhất thôi, muốn lên nữa cũng không có lớp để mà lên. Năm mười lăm tuổi, chú Tiếp được ba tôi đưa vào học lớp sáu ngôi trường tư thục mà ông đang dạy. Trước năm 1975, những ngôi trường tư thục được xem là "cái ổ" của việt cộng, không chỉ là tổ chức của những giáo sư xuất thân từ kháng chiến, những trí thức "thân cộng", mà còn là nơi dung nạp những học trò lớn tuổi ở quê, tạo điều kiện cho con em nhà nghèo được học hành và… trốn lính. Chú Tiếp  mất căn bản, nên không học nổi lên tú tài. Hết đệ tứ, chú nghỉ học, đi lính kiểng làm việc bàn giấy không phải ra trận. Hai năm sau, bà nội chạy cho chú  giấy  chứng nhận bị viêm soang nặng, nghễnh ngãng, nên chú được giải ngũ về nhà cưới vợ.

Bi kịch bắt đầu từ ngày chú Tiếp lấy vợ. Chú yêu con gái trưởng ấp là cô giáo. Nhà bên vợ ở ngã tư Cái Bè ba gian ngói khang trang, vườn tược xum xuê, ngang dọc. Xét về vai vế, lẫn học vấn chú đều thua sút người ta. Thím Tiếp lại đẹp, nên nhà gái bắt chẹt đủ điều. Bà nội nghèo nhưng phải làm đủ lễ: bỏ rượu, ăn hỏi rồi mới cho cưới. Vì chú Tiếp cưới vợ đẹp, con nhà nhà giàu nên phải chạy sất bất sang bang. Chú học nghề thợ mộc, ngoài việc tới nhà người ta làm công nhật, còn lãnh công về nhà làm thêm để có tiền… cưới vợ. Thấy chú thức đêm thức hôm bào đục, bà nội xót xa, thương con, bà cũng mót từng buồng chuối, buồng cau bán. Gom được bao nhiêu tiền, bà đưa hết cho má tôi để mua trà rượu, bánh trái làm mấy mâm sính lễ. Con Sáu coi lo liệu giùm em. Thằng Tiếp nói phải mua rượu tây, bánh lu gì đó tui đâu có biết. Một chiều chạng vạng, bà chạy ra nhà tôi, vừa ngồi xuống bộ đi-văng đã mếu máo. Sáu ơi, bên đó người ta đòi bông hột xoàn. Thật quá đáng, bộ họ không biết hoàn cảnh của bà với thằng Tiếp sao. Biết, nhưng đây là ý kiến của ông bác trưởng họ, ổng nói nếu không có bông hột xoàn thì không cho cưới. Ba tôi nổi nóng. Vậy thì xù luôn đi. Nhưng… thằng Tiếp nói nếu không cưới được con Thiệp nó sẽ cạo đầu đi tu. Cái thằng thiệt là, rồi bà tính sao? Bà nội lần chiếc túi rút, trút ra những món đồ trang sức ít ỏi: đôi bông mù u, hai chiếc nhẫn, cặp lắc, quà tặng của ông nội, mà dịp tết, hay đi đám tiệc bà mới lấy ra đeo. Thôi thì của cha nó, trước sau gì tui cũng để lại cho nó, con Sáu coi bán rồi mua bông hột xoàn cho em.

Những tưởng hy sinh tất cả để có thêm dâu hiền, nào ngờ chú Tiếp cưới vợ xong, lấy cớ thím phải dạy học, đi về xa xôi, mua nhà ở luôn ngoài thị trấn. Cuối tuần hai vợ chồng mới đùm túm về với bà một ngày. Trong ngày chúa nhật ngắn ngủi, bà lo bắc nước làm gà, nấu cháo, còn chú Tiếp cứ quẩn bên vợ, xách nước cho thím tắm, trèo hái cam, quít mận hồng đào cho thím ăn, bỏ mặc bà nội loay hoay nấu nướng rồi loay hoay dọn dẹp.

Rồi thím Tiếp sinh một đám con lóc nhóc, đồng lương cô giáo và tiền công thợ mộc của chú không đủ mua sữa cho tụi nhỏ. Chú thím bắt đầu hục hặc với nhau, chú buồn dắt một đám lóc nhóc về ở với bà. Mấy đứa nhỏ nhớ mẹ khóc ti tỉ chịu không thấu, bà phải gom hết tiền dành dụm cho chú Tiếp. Từ đó, bà ăn mắm hút giòi, cắc cỏm bao nhiêu tiền kiếm được từ huê lợi vườn ít ỏi, từ việc lén lút đi làm mướn, đều đưa cho chú Tiếp. Một lần, ba tôi tình cờ thấy bà làm cỏ cho nhà hàng xóm, ông gọi chú Tiếp la cho một trận.  Chú Tiếp khóc hứa sẽ… không để bà phải nhọc lòng vì mình nữa. Nhưng rồi thím Tiếp cứ đẻ sòn sòn năm một, thương con thương cháu bà lại oằn đôi vai gầy bảo bọc…

*

Tôi thắp nén nhang trước mộ bà. Ngôi mộ nằm song song với mộ ông nội trong vuông đất họ Huỳnh Nguyễn. Là tấm lòng thành của ba tôi, dù cho đến khi bà chết, ba tôi vẫn chưa gọi bà một tiếng má, điều mà ông ân hận mãi.

Bà nội nằm liệt mấy năm, chú Tiếp sang hết đất vườn, rước bà ra thị trấn. Nói là để tiện việc phụng dưỡng nhưng chỉ ngày hai bữa cơm, thiếu hẳn sự chăm sóc dành cho người già. Những năm sau giải phóng, cuộc sống khó khăn chú thím phải chạy ăn từng bữa nuôi đám con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà không giúp gì được, còn nằm một chỗ "báo cô", nên mọi người cứ lạnh nhạt dần. Mấy đứa cháu thay phiên nhau cho bà ăn uống vệ sinh hàng ngày, làm cho có lệ. Chỉ có Tuyết Mai là thật lòng chăm sóc. Từ nhỏ nó đã quấn quít yêu thương bà. Nó đi học ở thành phố tuần nào cũng về tắm rửa, giặt giũ chăn màn cho bà. Nó la mấy thằng anh để chỗ ngủ bà hôi hám, ruồi đậu kiến bu. Rồi Tuyết Mai được một gia đình Việt kiều  đánh tiếng hỏi cho con trai. Nhà chú Tiếp đang gặp khó khăn cũng muốn cho con đi nước ngoài đổi đời, nhưng Tuyết Mai khóc sợ nó đi rồi không ai chăm sóc bà. Chú thím phải dỗ dành, hứa hẹn đủ điều, nó mới chịu lấy chồng. Vừa qua Mỹ, nó đã gửi tiền về, bảo nhà phải thuê người chăm sóc bà. Chú thím dùng số tiền nó gửi về hàng tháng mua sắm sửa sang nhà cửa. Bà nội chỉ được chăm sóc lấy lệ, ngày càng yếu đi. Rồi một lần chú thím đi ăn cưới xa, mấy thằng con trai đóng cửa rủ nhau đi nhậu. Một ngày một đêm trở về, bà chết lúc nào không biết, hai mắt kiến bu đầy. Mãi mãi, Tuyết Mai không tha thứ cho chú thím và anh em nó. Nó vẫn gửi tiền về đều đặn, nhưng không một dòng thư thăm hỏi, chú thím gọi điện, nó cũng không nghe.

Chú thím cưới vợ cho mấy đứa con trai nhưng không ở được với đứa nào, giờ già yếu bệnh hoạn, về cất nhờ trong vườn nhà tôi căn nhà nhỏ sống bằng tiền trợ cấp của Tuyết Mai.

Ngâu Vàng
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 193
  • Khách viếng thăm: 186
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 36111
  • Tháng hiện tại: 2651850
  • Tổng lượt truy cập: 49025977