Qua phà Lẫm Cháy

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 19:57

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Xe vừa vụt qua nhà văn hóa xã Hương Điền, vì lòng đang chập chùng bao nghĩ suy nên tôi không kịp tốp tay ga lại, thả xe chầm chậm như những lần đi ngang trước đây. Chế Mí ngồi sau lưng tôi, ngoái đầu nhìn lại hoài cho đến khi nhà văn hóa lùi khuất sau hàng dương bên đường.

- Hồi đó, bà nội bồng cha chế theo ngủ ở đó đó Út Nhớ!

Tôi giả đò ngạc nhiên:

- Vậy hả? Sao chế biết? Ai kể chế nghe vậy?

- Hông nhớ. Mà chế biết.

Tôi phì cười, cũng không lấy làm lạ. Đổi lại, nếu chế nói rành rọt là cái hôm đưa chế về nhà chồng chính tôi kể cho chế nghe chuyện hồi đó ông ngoại đi bộ đội, ở nhà bà ngoại bị bọn lính bắt đi ngủ giữ lẫm lúa suốt, thì lúc đó tôi mới giật mình.

Theo lời ngoại kể thì lẫm lúa hồi trước nằm ngay phần đất nhà văn hóa của xã hiện nay. Hồi còn sống, ngoại cũng hay kể chuyện ngay mùng một Tết năm bảy lăm, đang lúc bọn lính lo ăn uống no say thì lẫm lúa cháy phừng phừng, đến khi dập được thì tất cả đã thành tàn tro. Cũng ngay đêm đó, kho đạn của chúng ngoài cảng Cây Gòn cũng phát nổ. Ngoại khẳng định chắc nịch: “Mấy ổng làm chớ ai vô đây. Ban đêm tụi nó bắt người thân quân mình ngủ vòng ngoài làm lá chắn nên mấy ổng không ra tay được, phải mạo hiểm chuyển qua ban ngày. Vụ gì chớ vụ phá kho lương, kho đạn của giặc, mấy ổng tài lắm, làm dễ ẹc. Đố thằng nào truy ra”.

Dĩ nhiên tôi cũng đã kể nguyên xi câu chuyện này cho chế Mí nhưng chế đã rút gọn lại còn đúng một câu ngắn ngủn. Trong ký ức của chế, những chuyện qua lời thuật lại của người khác luôn là những mảng biệt lập với nhau, rời rạc lắm. Khi nghe một câu chuyện dù dài cỡ nào, bằng một cơ chế đặc thù nào đó, chế Mí sẽ gạn lại thật kỹ, chỉ chừa đúng một chi tiết quan trọng để mà ghi nhớ. Ngược lại, chuyện gì xảy ra một khi được tận mắt chứng kiến, chế Mí lại nhớ rất rõ ràng, lưu lại nguyên vẹn như một cuộn phim màu.

Xe chạy qua cầu Nội Đồng thì bến phà Lẫm Cháy đã hiện ra trước mắt. Chế Mí đợi tôi dừng xe hẳn, liền bước xuống, rảo thêm mấy bước như nôn nao điều gì đó. Tới sát mé sông, chế chỉ về hướng tay phải, chỗ mấy cọc bê tông đang được chất đống đằng xa, hào hứng khoe:

- Vài bữa xây cầu đằng đó đó Út Nhớ. Hụn xe một cái là qua sông. Khỏi chờ phà lâu. – Nói rồi, chế cười hềnh hệch. Vẫn là điệu cười của chế ba mươi mấy năm qua.

Tôi nhìn theo hướng chỉ rồi lại nhìn chế Mí, cũng chành miệng lên, mắt nheo lại như kiểu để cho người đối diện nghĩ là mình đang cười, chợt nghe rười rượi một nỗi niềm. Chắc chế Mí còn nghĩ, bữa nay qua chuyến phà này, một hai ngày sau chế sẽ quày về nhà chồng như mấy lần anh Hậu chở chế về nhà tôi chơi. Lòng tôi thầm cảm ơn chiếc khẩu trang đã giúp tôi giấu đi nụ cười vời vợi ấy. Mặc dù tôi biết, dẫu có nhìn xuyên qua được lớp vải che mặt tôi lúc này, chế Mí cũng không mảy may nhận ra chút gì gượng gạo ở tôi. Bởi bên trong vóc dáng và gương mặt ngoài ba mươi của chế là một tâm hồn còn thơ bé. Mà tuổi bé thơ thì hẳn nhiên sẽ có rất nhiều điều không hiểu, trong đó có việc đoán chừng những nghĩ suy trong lòng người khác.

Tuy chuyện thật giả ẩn sâu trong lòng người chế Mí không cách nào hiểu được, nhưng chuyện xảy ra trước mắt thì phải trái, đúng sai ra làm sao, chế lại nhận định và bày tỏ ý kiến đâu đó rất rõ ràng. Thấy ai làm gì mà theo chế là không phải, chế nói thẳng luôn, khỏi vòng vo. Ai giận, không quan tâm. Ai tức, không để ý. Ai ghét, mặc kệ. Mà nói nào ngay, suy nghĩ cặn kẽ trước sau, nói tránh nói giảm, nói khéo, sao cho người khác vui lòng không nằm trong vốn tư duy ít ỏi của chế Mí. Cho nên không ít lần chế làm nhiều người giận tím môi đỏ mặt.

Mấy năm nay, từ lúc chế Mí xuống nhà tôi ở, mỗi lần đi về đám tiệc bên ngoại, hay khi cậu dì, chị em họ hàng ghé nhà chơi là chị Hai tôi liền xề xuống kể về chế Mí thiếu điều sôi bọt mồm bọt mép. Không đầu không đuôi. Nhớ đâu kể đó. Chuyện nọ xọ qua chuyện kia gần như không hồi kết. Mà chủ yếu là hài tội chế Mí. “Chế Mí xuống đây làm như quản gia của nhà này. Mẹ con rồi cô Út sợ gần chết. Ai nói đụng tới là binh chằm chặp”. “Tui ngồi cầm điện thoại trả lời khách chút là bả nói liền, kêu là tui làm biếng”. “Bả cứng đầu thầy chạy luôn, làm cái gì cũng tự cho mình đúng, ai góp ý cũng không nghe, còn la ó quạu quọ”…

Chuyện chị Hai tôi kể, có chuyện thật trăm phần trăm, có chuyện được chị phóng tác, thêm thắt, chỉnh sửa chi tiết cho nó ly kỳ hấp dẫn. Có khi chuyện xảy ra nhỏ như hột đậu xanh, qua trí tưởng tượng và sự suy đoán không hề có lý của chị dâu tôi, nó biến thành một câu chuyện trời long đất lở. Mà quan trọng là lúc nào chế Mí cũng rặt ri vào vai phản diện. Riêng những lần chế Mí tần mần gỡ từng cái bánh, rửa từng cái khuôn, đạp xe cời cời đi giao hàng giùm bất kể nắng mưa gió bão thì chị Hai tuyệt nhiên không nhắc.

Có khi chế Mí cũng làm nhiều chuyện bực bội lắm. Ai làm gì không ngay ý là chế quạu quọ, miệng chửi lầm rầm, dằn mâm xán chén. Như chuyện chế lau nhà không sạch, chị Hai tôi nhắc, vậy là chế ngùng ngoằng xách thùng lau nhà thảy xuống nền cái bung, nước văng đầy ra gạch. Rồi chế vừa lau vừa bắn ráp liên thanh: “Giỏi thì lau ên đi. Làm biếng như quỷ mà nói thì hay. Tối ngày hết nằm bấm điện thoại rồi đi rong đi rỗi. Người ta làm thì chê…”.

Vậy là có một cuộc khẩu chiến ỏm tỏi, và người thắng dĩ nhiên là chị Hai. Mỗi đợt hia Hai về, chị lại xả tràng giang đại hải chuyện bà quản gia Mí. Hia nghe trong sự ngán ngẩm, rồi trả lời cho qua: “Bả khùng muốn chết, hơi đâu mà em trách”. Chị Hai tức lắm, nhưng cũng không biết làm sao ngoài việc lầm bầm: “Cả nhà khôn, tự nhiên đi sợ bà khùng”.

Lâu lâu, chế Mí cũng hay làm tôi giật mình đồm độp bởi mấy câu chọt trúng chỗ đau người khác. Như bữa chị Tâm gần nhà qua mua rượu, tôi đang đong, chế Mí phành bọc. Bận tay nhưng rảnh miệng, không biết làm gì, chế vô tư đế luôn mấy câu xanh dờn:

- Bà Tâm ơi bà Tâm, công nhận bà cũng siêng dữ. Chồng thì nhậu vô quậy như quỷ, mà hở cái đi mua rượu cho uống. Lát ổng xỉn ổng rượt bà chạy vòng vòng xóm nữa nè. Tui như bà tui bỏ ổng từ đời nào.

Tôi thiếu điều quăng luôn cái quặng với cái cóng đong rượu để bụm miệng chế lại.

Chị Tâm cười méo xẹo, héo hắt:

- Chắc cái số tui nó vậy rồi cô Mí ơi. Đâu phải chưa từng bỏ đi. Mà đi năm thì bảy đỗi tới hồi ổng năn nỉ cũng mủi lòng quay về.

Thật ra lời chế Mí nói cũng là lời nhiều người trong xóm nghĩ trong bụng, chỉ là người ta ngại không nói thẳng ra. Hoặc có nói cũng lựa lời dễ nghe mà nói, đâu có bửa củi kiểu như chế. Ai thương thì bỏ ngoài tai, nghĩ “kệ, nó tửng thấy bà, để ý chi”. Cũng chính vì cái tánh này mà chế Mí làm mích lòng anh chị em trong nhà, họ hàng, và dĩ nhiên là hầu như hết thảy người dưng. Và cũng đâu đó hơn chục lần tôi phải bỏ dở việc ở cơ quan, giữa trưa nắng chang chang hay trời tối mờ tối mịt để chạy xe gần sáu mươi cây số về nhà chỉ để nhìn chị dâu mặt nặng mày nhẹ, nghe chị bóng gió gần xa, hoặc có khi chị kêu thẳng: “Cô Út coi chở chế Mí về trên cậu Hai trả đi. Chớ ở đây có ngày chị đứt gân máu với bả”.

Sở dĩ tôi luôn được gọi về, và cũng hay chạy về sau những lần như vậy bởi chính tôi là người dẫn chế Mí về nhà tôi.

Hồi mấy năm trước, cậu Hai có mượn tôi ba chỉ vàng để làm vốn nuôi tôm. Mùa đó ao bể, thất trắng. Đợt sau, thấy trong xóm nuôi cá kèo trúng mắc ham, cậu cũng quay vốn ở đâu được một mớ thả hai ao. Rồi thì mới lớn chừng đầu đũa ăn, tụi cá cũng rủ nhau chết sạch bởi chứng ghẻ lở. Nợ cũ nợ mới của cậu cứ chất chồng từ năm này qua năm khác, chưa báo hiệu ngày giảm.

Nghĩ về hoàn cảnh của cậu, mẹ lâu lâu thở hắt ra, dài thượt: “Vái cho cậu Hai mày trúng độc đắc để trả hết nợ”. Mà độc đắc thì đâu dễ trúng, nhưng lâu lâu cậu cũng mua cầu may. Mợ Hai tôi cũng miệt mài cầu, nhưng theo cách khác: đánh số đề. Mẹ tôi vừa giận vừa thương cậu mợ, biểu tôi: “Thôi, ba chỉ vàng cậu Hai mượn mày đừng đòi, không phải cho, mà chừng nào cậu trả thì lấy. Hồi đó cậu cũng cực khổ với mẹ, với mấy cậu mấy dì nhiều rồi. Mơi mốt mày có cần tiền mua đất, mua nhà thì lấy chiếc vòng của mẹ mà bán”. Tôi đem chuyện kể với cậu Hai, tất nhiên là chừa lại đoạn chiếc vòng. Ý là để cậu đừng ngại vụ nợ nần tôi mà tình cảm cậu cháu ngày thêm xa cách. Bởi mấy lần có dịp về nhà ngoại, tôi để ý cậu hay né để khỏi đụng mặt tôi.

Năm kìa mẹ tôi bưng chén đi ra cây nước để rửa, trượt rong té bị gãy chân, phải nhập viện phẫu thuật sắp xương. Một mình tôi trong bệnh viện chăm sóc mẹ. Gần chục năm nay không theo nổi con tôm nên cha và anh Hai tôi đi làm bạn ghe cho người bà con mị dưới sông Đốc. Chị Hai thì loay hoay với con nhỏ, rồi còn đặt rượu, làm bánh bò, chiên bánh cam, gói bánh tét bỏ mối ngoài chợ xã hay giao khi người ta đặt đám. Chị cũng tập tành bán phấn son, quần áo, và một vài thứ linh tinh trên mạng. Thu nhập không nhiều, nhưng cũng đủ lo tiền học, tã sữa cho hai đứa nhỏ. Mẹ tôi ngoài sáu mươi, bệnh già, xương khớp như rệu rã từ hồi nào, nhưng nhất định không chịu ngồi không. Hết giữ cháu tiếp con dâu, rồi nhồi bột bánh bò, lau lá chuối phụ chị Hai tôi làm bánh. Mẹ cha tôi càng lớn tuổi, càng có chung một nỗi sợ, đó là sợ phải trở thành gánh nặng cho người khác, kể cả đó là con mình.

Biết mẹ nằm viện, cậu Hai lên thăm, chở theo chế Mí. Lúc về, cậu kêu chế Mí ở lại bệnh viện phụ tôi lo cho mẹ. Rồi mẹ tôi xuất viện, tôi rủ chế theo về nhà. Tôi nói với chị Hai là để chế Mí ở lại nhà chăm mẹ vài tháng đến khi chân lành hẳn, thêm phụ chị chuyện lặt vặt như nấu cơm, giặt giũ. Bởi tôi còn trở lên cơ quan làm, tôi nghỉ hai tuần, công việc cũng ắp lút trên đó, mấy rày chị Hai xoay xở chuyện nhà chuyện cửa cũng túi bụi.

Gọi bàn với cậu Hai, cậu ừ liền. Tôi nói nhà tôi sẽ trả tiền công cho chế Mí đâu đó đàng hoàng, không phải nhờ chế làm không công. Cậu cự quyết liệt, biểu: “Nó ba hút ba trớt lắm, có làm được gì đâu. Chỉ được cái cũng siêng, làm rỉ rả tối ngày không nghỉ”. Vậy là từ lúc đó chế Mí ở nhà tôi luôn. Là tại vì sau khi mẹ tôi khỏe thì việc buôn bán trên mạng của chị Hai cũng đắt dần. Khách đặt bánh, đặt hàng ngày một nhiều, chị Hai hết cầm điện thoại đăng bài quảng cáo, chốt đơn, tới nhồi bánh, làm bột, thời gian còn lại không đủ để lo cho bé Bơ và cu Ken.

Hồi đầu, nghe tôi nói sẽ trả lương, chế Mí quạu lắm, nói ở đây phụ cô Tư thôi chớ đâu phải đi ở đợ. Nhưng mấy bữa sau, không biết nghĩ gì, chế nói chế ở để trừ tiền nợ cho cậu. Mẹ tôi nghe cười sặc, “nhỏ này khôn thiệt, đâu có khùng”. Nhưng rồi chế Mí cũng được nhà tôi trả công đâu đó hẳn hoi, dù không phải lúc nào cũng bằng tiền mặt. Cái này là theo ý của cậu Hai. Cậu kêu tôi cứ cất lên, giữ giùm chế Mí, chớ gửi về mợ Hai cũng đem đi nướng tứ sắc với số đề. Chị Hai tôi mở dây hụi, tôi nói chị chừa cho chế một chưn. Hụi mãn, biết chế ham sợi dây chuyền, tôi mua cho chế đeo. Tôi cũng mở cho chế một tài khoản tiết kiệm, phòng hờ sau này có việc cần cũng có ít tiền để sẵn.

Mẹ tôi nói chế Mí ở dưới này làm cho nhà mình quanh năm mà để cậu mợ chan chát trên trển coi cũng kỳ. Nên mỗi khi về quê, tôi hay ghé ngang nhà, gửi cậu mợ bao gạo, xà bông, nước mắm, và dặn có thiếu gì, cậu mợ cứ ghé tiệm tạp hóa nhà bạn tôi ở chợ Vĩnh lấy đồ về xài, bao nhiêu tiền để tôi tính. Thỉnh thoảng, bạn tôi nhắn cho hay, mợ Hai vừa ra lấy thùng bia, nói là đi đám. Nhưng rồi tự dưng ai kể mà chế Mí biết chuyện mợ đem bia lại chỗ khác bán lấy tiền đánh số nên điện về cho mợ khóc rân trời, nói “Mẹ làm con mắc cỡ với cô Tư, với Út Nhớ, con cuốn đồ về cho coi”. Tức thì nói vậy thôi, chớ lâu lâu, trên xóm Vĩnh có ai ghé, chế Mí vẫn gửi mấy trăm về cho mợ. Đó là tiền chế dành dụm sau mấy lần xin mẹ tôi đi rửa chén, bưng bê chạy bàn mỗi khi trong xóm có đám tiệc.

Chế Mí ở nhà tôi làm hụ hợ chuyện này chuyện kia, dù nhiều khi không kỹ càng, nhưng mẹ tôi nói có đỡ hơn không. Tôi và mẹ cũng không đòi hỏi nhiều, mà đòi hỏi gì với một người như chế bây giờ? Nhưng có một chuyện chế Mí khiến tôi vừa mang ơn vừa lấy làm xấu hổ. Đó là chuyện chăm sóc mẹ tôi từng li từng tí suốt thời gian dài mà đứa con gái sống xa nhà như tôi không làm được. Mấy ngày chân mẹ còn bó bột, đầu mẹ dơ ngứa, chế biểu mẹ tôi nằm trên bộ ngựa sau nhà, rồi xách lủ khủ xô thau để gội đầu cho mẹ. Mẹ tôi mấy hôm bợn dạ, nói muốn ăn cháo trắng với tép rang, chế Mí liền bắc nồi cháo, chạy đi mượn chài, men theo mé sông để chài tép. Được đâu hơn nắm tép bạc, chế cắt đầu cắt đuôi rồi cháy mỡ tỏi rang thơm phức.

Tôi từ ngày lớn lên là đi học. Học xong đi làm trên thành phố, một hai tuần, nhiều khi cả tháng mới về nhà. Về được một, hai ngày lại phải tất tả đi. Có quan tâm mẹ cũng mua ít đường sữa, trà bánh, gọi điện nhắc mẹ uống thuốc đúng liều, đúng cữ. Ở nhà mẹ đau lưng, người bấm bóp xoa dầu vẫn là chế Mí. Chị Hai tôi không phải là người khéo chăm sóc người già. Chị giỏi bươn chải kiếm tiền, tháo vác những chuyện sức dài vai rộng của đàn ông như rinh đất đắp lại chỗ đường vô nhà bị hũm một lỗ lớn, hay chặt cây làm làm giàn thả dây bầu dây bí, trèo lên mái nhà sửa lại cái máng xối mùa mưa… Chị làm tất cả như để gánh cái “giang san nhà chồng” thay luôn phần hia Hai tôi. Cho nên nhiều khi chị Hai không chăm sóc mẹ chu đáo, nói chuyện thiếu lễ phép với cha, tôi thấy buồn buồn trong bụng chớ không giận hờn gì lâu.

Mẹ tôi nói đúng: “Chị Hai mày về nhà này cũng đâu có sướng gì. Nó giỏi chuyện bên ngoài thì lơi việc nhà có sao. Ai đâu hoàn hảo hết. Có khi nó cũng đang chịu đựng nhà mình điểm nào đó mà không nói ra thì sao. Cái gì cũng dễ dãi bỏ qua cho khỏe, câu mâu làm gì cho cự cãi mất vui”. Nghĩ lại, là con gái, tôi cũng đã thực sự chu đáo với mẹ cha đâu mà lại bắt chị Hai tôi phải thế này thế nọ. Ngày ngày, người giặt cho mẹ tôi cái quần tấm áo vẫn là chị. Mỗi khi mẹ nóng lạnh, nhức đầu, người chở đi khám bệnh, lấy thuốc cũng là chị đó thôi. Cho nên dẫu chuyện chị cư xử với chế Mí hay nói với tôi những câu nhiều khi quá đáng, tôi giả đò như chưa nghe, chưa thấy.

Mà nói gì chị Hai, hồi mấy ngày đầu về nhà tôi, hễ ai làm gì không vừa ý là chế Mí nổi cơn quăng mâm quăng đũa, chửi hết thảy làng trên xóm dưới, tôi cũng tức điên lên. Có lần tôi định guộn mấy bộ đồ của chế quẳng lên xe, chở chế về trả cho cậu mợ. Nhưng rồi khi nhìn chế, nhìn cái đầu nhỏ lạ thường, nhọn hoắc, cái trán trợt ngược của chế, đó cũng là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi chìm hẳn xuống đáy ao hồi năm lên sáu, tôi bỗng thấy như mình mới là người mắc lỗi. Dẫu rằng nhiều lần đi khám, bác sĩ kết luận chế Mí bị dị tật đầu nhỏ.

Thế nhưng, tới tận bây giờ, tôi vẫn mang trong lòng ý nghĩ, nếu như hồi đó mình không nghịch ngợm ra ao nhà ngoại vớt bèo, không té xuống ao, chế Mí cũng không nhảy xuống vớt tôi rồi cả hai câu nhau vật lộn tới chìm nghỉm, đến khi được vớt lên phải chập chộ một hồi mới tỉnh, thì có khi chế sẽ đỡ hơn bây giờ. Hồi còn nhỏ, mỗi lần gặp chế Mí, tôi cũng hay tưởng tượng, làm như nghe thấy tiếng nước óc ách trong đầu chế.

Cái âm thanh ấy đeo bám cả vào trong giấc mơ tôi một thời gian dài. Cho nên hồi nãy, đang lúc ngủ trưa nhận cuộc gọi của cô Hai – mẹ chồng chế Mí – một hai biểu: “Con rước con Mí về giùm liền, cho cô gửi chế con lại cho cậu Hai con, chớ cô hết chịu nổi nó rồi. Nó khùng không ai chịu nổi. Hôm qua tới giờ cô gọi cho mợ con thì chỉ có cãi lộn chớ không giải quyết được gì”, tôi định chợp mắt thêm một lát, đợi trời mát mát rồi hẳn về. Nhưng rồi khi nằm xuống, tôi lại nghe âm thanh ấy. Nhẹ thôi, óc ách, óc ách. Tôi bật dậy, vớ vội cái áo khoác, phóng xe về rước chế.

Qua điện thoại, giọng cô Hai nghe ra còn bực tức lắm. Sáng hôm qua lúc ngồi ăn cơm, cô không thấy chiếc khâu hai chỉ trên tay chế đâu. Hỏi thì chế Mí nói tỉnh bơ là mấy bữa trước về nhà chơi, chế lột ra cho mợ Hai mượn rồi, tại mợ than gần đây hay tức ngực khó thở mà không có tiền đi khám bệnh. Mẹ chồng chế Mí nghe nổi quạu, nói là vàng bên chồng cho, muốn làm gì cũng phải hỏi ý kiến cha mẹ chồng. Đương nhiên là chế Mí không thấy mình sai chỗ nào. Vàng của mình, muốn cho ai thì cho, chế nghĩ vậy. Nói qua nói lại một hồi, mẹ chồng con dâu bỏ luôn bữa cơm, ngoay ngoắt không nhìn mặt.

Những chuyện như vầy thì tôi nghe thấy quen. Lúc còn ở nhà tôi, hễ ai nhắc tới mợ Hai là chế Mí kể ra cho bằng hết chuyện hồi năm Thìn bão lụt. Chuyện lúc còn nhỏ, chế bệnh mà mợ Hai vẫn ẵm lại nhà hàng xóm, bỏ chế nằm chèo queo trên chiếu, ngồi xòe tứ sắc tỉnh bơ. Chuyện những cái Tết mợ Hai chỉ sắm cho chế Nang đôi dép mới, còn chế thì phải mang đôi dép đã cũ mòn của chị gái mình. “Tánh mày ngơ ngáo lắm, mua dép tốt cho bỏ mất hả gì” – mợ nói vậy mỗi khi chế hỏi sao con không có dép mới. Kể mắc ngay, chế Mí kể luôn chuyện đó giờ tiền chế kiếm được bao nhiêu mợ Hai cũng gom xài hết. Làm như kể một hồi cục tức trào lên nghẹn cả cổ, chế nói không ra hơi: “Mơi mốt Út Nhớ đừng gởi gì về trển nữa. Để ông Tường, bà Nang lo cho bả đi. Con cưng của bả mà…”.

Tưởng sao, năm ngoái, khi nghe mợ Hai điện kể vòi rồng đi ngang, cuốn theo nguyên cái nhà sau, quần áo, nồi niêu xoong chảo, bàn ghế gì văng vãi đâu mất đất, chế Mí luýnh quýnh mượn chị Hai tôi kêu xe ôm để chở chế về coi sao. Lúc quày trở xuống, thấy cừng cổ chế trống trơn, chị Hai gọi cho tôi, giọng bài hãi: “Cô Út ơi, lốc xoáy cuốn dây chuyền của bà Mí mất tiêu luôn rồi”. Thì ra là cọng dây chuyền năm chỉ hồi hốt hụi tôi sắm cho, chế đã lột đưa cho mợ Hai mua đồ sửa lại nửa căn nhà vừa bị sập.

Cũng qua lời kể của cô Hai, tôi mới hay thêm một chuyện, là mấy bữa trước, cô chồng chế Mí, nhà gần bến phà này, ghé nhà chơi, có kể chuyện đất vườn nhà nằm ngay đường dẫn cây cầu sắp thi công. Mà người ta bồi thường tiền ít, nên cô chưa đồng ý, đòi giá cao hơn. Vừa nghe tới đó, chế nạp bà cô luôn một hơi: “Trời ơi, nhà nước làm cầu cho đi mà còn đòi hỏi. Cô tham lam vừa thôi chừa người ta tham với. Nhà tường tổ bà bố, giàu muốn chết, có nghèo khổ gì đâu mà tính toán dữ vậy”. Mẹ chồng rồi cô chồng chế tức muốn bể ngực.

Thiệt ra mấy chuyện này, tôi cũng không thấy lạ. Thậm chí, ngay cái hồi cậu mợ Hai quyết định gả chế Mí cho anh Hậu, tôi cũng mường tượng trước viễn cảnh như vầy. Cũng không thể trách được mẹ chồng chế, thử hỏi mấy ai có thể chấp nhận đứa con dâu có nhiều khiếm khuyết như chế Mí?

Lúc anh Hậu nói với cả nhà tôi là muốn cưới chế Mí làm vợ, tôi không nghĩ là ảnh cưới thật. Cho đến khi biết ảnh nghiêm túc, tôi đã cố ra sức ngăn cản. Tôi không dám tin trên đời này có người đàn ông nào yêu thương chế Mí thật lòng. Và tôi cũng chưa từng tin có một tình yêu trong veo, không có chút gợn của sự toan tính.

Anh Hậu đi ghe chung với cha và hia Hai, mấy năm nay thường xuyên lui tới nhà tôi. Anh cũng là ân nhân của gia đình tôi vì từng giành giật hia Hai tôi lại từ tay tử thần. Lần nọ hia xuống hầm dỡ cá thì bị ngất xỉu do ngộ độc khí. Anh Hậu không nghĩ gì tới nguy hiểm, lao xuống cứu. Sau đợt đó, cả hai càng thân thiết hơn, kết tình ní nót gì đó. Bé Bơ và cu Ken nghe cha dạy cũng kêu anh Hậu bằng ba Hậu ngọt xớt. Chị Hai tôi hay ghẹo vui, biểu hia phải gả em gái để đền ơn cho ân nhân. Dè đâu cáp tới cáp lui, thành ra gả chế Mí luôn. Biết tôi còn nhiều hoài nghi, hia Hai tôi quả quyết: “Thằng Hậu nó hiền như cục đất, tao đi ghe mấy năm với nó tao biết. Nó thương chế Mí là thiệt. Mỗi lần ngồi ăn cơm trên ghe nó cứ nhắc tôm này rang không ngon, cá kho hơi lạt, canh chua gì mà ngang, rồi khen hoài vụ chế Mí nấu ăn ngon”.

Mà cũng không riêng gì tôi, mẹ cha rồi cậu mợ Hai cũng rầu. Mợ Hai thì nói rổn rảng: “Trời, cưới con Mí chắc ba ngày người ta trả về”. Riêng cậu Hai thì sau mấy ngày đắn đo, quyết định gả chế Mí cho anh Hậu. Cậu nói nghe cha với hia Hai tôi khen, rồi từ chuyện anh Hậu không nghĩ chuyện sống chết, bỏ mặc hiểm nguy cứu hia Hai thì tin anh Hậu là người tốt, sống nghĩa nhân, có thể để chế Mí nương tựa cả đời. Cậu còn nghĩ tới chuyện sau này cậu mợ trăm tuổi già thì cũng an lòng gửi chế Mí lại cho anh Hậu. Còn lỡ như mai đây chế Mí không thể giữ được anh Hậu bên mình thì cũng có con cái hủ hỉ lúc về già.

Còn phần chế Mí, tôi để ý mỗi khi anh Hậu lại nhà, biểu hiện chế cũng lạ lắm. Hay lấy đồ mới ra mặt, nói chuyện nhỏ nhẹ hơn, còn lấy dầu thơm của chị hai tôi xịt thơm nồng nặc. Tôi hỏi chế có thương anh Hậu hôn, chế không đắn đo gì, biểu là thương. Thật ra đến giờ này tôi cũng không mấy gì hiểu, chữ thương mà chế nói là loại tình thương nào. Nhưng rồi tôi nghĩ, thương kiểu sao cũng được, khi một cuộc gắn kết trăm năm bắt đầu bằng chữ thương cũng là đủ lắm rồi.

Vậy rồi cái đám cưới nho nhỏ diễn ra cách đây cũng gần một năm. Và từ đó đến nay không hiểu sao, à mà có lẽ là do linh tính, tôi vẫn luôn nghĩ sớm muộn gì rồi cảnh này sẽ diễn ra, cảnh tôi rước chế qua phà Lẫm Cháy về lại nhà tôi trong một chiều bâng khuâng nào đó.

Chiếc phà nãy giờ đậu bên kia sông, chờ khách xuống đầy đang tách bến trở về phía bên này. Trên bến còn một người tần ngần ngó theo. Lần nào đứng ở bến xe, sân ga hay bến đò, tôi đều miên man ý nghĩ, nếu trên cuộc đời này bao nhiêu cuộc tiễn đưa là bấy nhiêu lần hội ngộ thì chắc sẽ không có những giọt nước mắt ngày chia ly.

Tôi chạy xe xuống phà, chế Mí cũng theo sát phía sau. Phà lại tách bến để trở lại nơi mà nó vừa rời đi khi nãy. Dòng sông chiều chở theo từng con sóng nhấp nhô xuôi dòng đổ về biển lớn. Chế Mí khều tôi, chỉ về hướng tỏa ra những sợi nắng cuối ngày: “Mây màu cam đẹp quá he Út Nhớ!”. Ráng chiều hôm nay đúng là rất đẹp. Tôi đưa ánh mắt từ chỗ mấy sợi nắng lưa thưa rọi qua ngọn dừa trên bến sông hướng về chế Mí. Ánh mắt chế giờ đây cũng lấp lánh màu của mây trời, sóng nước. Chắc chế hãy còn đang vui vì chuyện khi nãy chế kể, rằng trưa nay anh Hậu gọi, kêu chế cứ theo tôi về nhà chơi, ít bữa nữa tàu vô bờ, anh sẽ về rước chế./.

MÃ SỐ 131
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 62 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 375
  • Khách viếng thăm: 368
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 33080
  • Tháng hiện tại: 768516
  • Tổng lượt truy cập: 62997484