Nỗi niềm bạn tôi

Đăng lúc: Thứ năm - 30/10/2008 14:48
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Cơ quan dọn về nhà mới. Trong lúc phụ sắp xếp đồ đạc trong cái kho cũ (trước đây là nơi để di vật liệt sĩ của Ban Chính sách) tôi đánh rơi quyển sổ nhỏ. Quyển sổ dày khoảng 100 trang, chỉ bằng bàn tay, bìa nhựa màu nâu đã mốc trắng, các góc cong vảnh lên. Bên trong là những dòng chữ viết bằng bút bi rất mảnh, chạy nghiêng nghiêng trên giấy carô đã ngả vàng. Tôi tò mò lật ra xem. Trang đầu quyển sổ có kẹp một mảnh giấy, trên đó ghi mấy dòng: “Nhật ký của liệt sĩ Hà Như Thành, Tiểu đội trưởng Thông tin, thuộc Tiểu đoàn X. của tỉnh. Hy sinh ngày 20/3/1970. Quê quán ở xã Q, Chợ Gạo, Mỹ Tho ”.

Cái tên này, đơn vị này và cả quê quán nữa, quen lắm; tôi đã từng nghe thấy ở đâu rồi. Tôi lẩm bẩm “Hà Như Thành? Hà Như Thành?…” và tôi chợt buột miệng reo lên “Hà Như Thục!”. Phải rồi, ông ấy là ba của con Thục, bạn vong niên của tôi. Tôi mừng như bắt được vàng, vì biết rằng đối với con Thục quyển nhật ký này còn quí hơn vàng. Tôi đút quyển nhật ký vào túi không để ai thấy, tối về tôi mở ra xem. Trang đầu ghi ngày 10/8/1967, trang cuối cùng ghi ngày 16/01/1970; hơn 2 năm, nhưng chú ấy chỉ viết có 18 trang. Phần lớn nội dung ghi lại những mốc thời gian đáng nhớ, như những chuyến hành quân từ địa bàn này sang địa bàn khác, những trận đánh lớn; cảm xúc trước sự hy sinh của đồng đội, sự chở che đùm bọc của nhân dân… Những trang viết về gia đình không nhiều, nhưng tôi hy vọng nó đủ giải đáp câu hỏi bấy lâu nay đau đáu trong lòng con Thục.

Cách đây vài tháng con Thục tìm tôi. Tôi ngạc nhiên vì hôm ấy không phải là ngày nghỉ. Nhìn vẻ mệt mỏi, phờ phạc của con Thục, tôi càng lo. “Mày bệnh à?”, nó lắc đầu. “Vợ chồng mày lại cãi vã à?”, nó cũng lắc đầu. “Vậy thì có chuyện gì?”. Nó lặng thinh một lúc lâu rồi thấp giọng nói: “Ba con Nhàn bệnh nhiều lắm… Ông ấy nói nhớ con, nhắn con qua… Nhắn mấy tin rồi con không qua, nhưng lòng con bất an, nặng nề, khó chịu lắm… Theo dì, con có nên qua hay không?”.

Tôi lớn hơn Thục một con giáp, vốn là bạn của cậu nó, biết nó từ nhỏ, nên con Thục gọi tôi bằng dì và xưng hô như con cháu trong nhà. Hồi còn đi học Thục thường ở nhà tôi, đêm đêm hai dì cháu rủ rỉ trong căn phòng tập thể. Tôi và nó thân nhau như ruột thịt, hình như không có chuyện gì hai đứa không nói được với nhau.

Nhàn là em gái út, cùng mẹ khác cha với Thục. Nhàn là con Ba Hậu, Đoàn Văn Hậu, một sĩ quan cảnh sát của chế độ cũ. Còn Hiền và Thục là con chú Tư Thành, một chiến sĩ giải phóng đã hy sinh. Má nó nói ba nó hy sinh khi nó chưa ra đời, chị Hiền nó cũng không biết mặt cha. Trong lý lịch, Thục ghi tên cha là Hà Như Thành, liệt sĩ; nhưng trong lòng nó luôn lớn dần câu hỏi “Mình là con của ai? Là Hà Như Thục hay Đoàn Như Thục?”.

Thục nhớ hồi nó còn nhỏ xíu, mẹ nó bị bắt đem lên quận mấy ngày không về. Ngoại nó đóng cửa căn nhà ngoài thị trấn, rồi rước hai chị em nó về trong vườn ở với bà. Rồi mẹ nó được thả về. Cùng về với mẹ nó là người cảnh sát thường lui tới nhà nó, mà chị em nó gọi bằng cậu Ba. Người đó là Ba Hậu. Ba Hậu cao lớn, bảnh bao, thường mặc bộ đồ cảnh sát màu trắng. Ông ta thương nó lắm, ổng gọi nó bằng con nghe rất trìu mến. Ba Hậu có tật hay quên, nói năng lẫn lộn, ba hồi xưng cậu, bốn hồi xưng ba với nó. Mỗi lần tới nhà, việc đầu tiên là ông ấy bồng nó lên, cho nó gói xôi, cái bánh, hay một thứ đồ chơi nào đó. Có lần mẹ nó đưa nó tới một căn phòng nhỏ, sau bót cảnh sát, rồi bỏ nó đi cả ngày. Nó ở đó với Ba Hậu. Ba Hậu thả nó lên giường, ngồi quạt cho nó ngủ. Khi nó thức dậy, Ba Hậu bưng về tô cháo cho nó ăn. Tới chiều mẹ nó mới trở lại. Ba Hậu kêu một chiếc xích lô đưa mẹ con nó về. Về tới cầu sắt, cách bót cảnh sát hơi xa xa, thì có một người đàn bà chặn xe lại, túm tóc mẹ nó lôi xuống; rồi vừa chửi, vừa đánh, làm đứt hết nút áo mẹ nó. Lạ một điều là mẹ nó không đánh lại, cũng không chửi lại, chỉ đưa hai tay ôm đầu. Nó ngồi trên  xe  sợ quá, khóc thét lên. Mẹ nó đầu tóc rũ rượi, được ông xích lô kéo ra khỏi tay người đàn bà. Dường như đã mệt, người đàn bà buông mẹ nó ra, thở hào hển. Bà chỉ tay vào mặt mẹ nó, hét lên những câu gì đó, rồi bỏ đi. Mẹ nó gài lại nút áo, quấn lại tóc, rồi lên xe. Nó thấy mắt mẹ nó đỏ hoe. Mẹ nó dặn không được kể chuyện này với ai, nhất là bà ngoại. Lúc ấy mẹ nó đang mang thai em Nhàn.

Mẹ nó vốn là một phụ nữ đẹp, cái đẹp như đập vào mắt người khác, cái đẹp làm cho những người phụ nữ có chồng phải cảnh giác. Khuôn mặt trắng hồng, tươi rói với hai núm đồng tiền; đôi mày sắc lẻm, ánh mắt lúng liếng và cái miệng hay cười, nụ cười của người ý thức được vẻ quyến rũ của mình. Hồi nhỏ con Thục rất tự hào vì mẹ nó là một phụ nữ đẹp nhất xóm; lớn lên nó lại buồn vì bà là một người hời hợt, nông cạn. Con Thục không giống mẹ nó, nó sống nội tâm và luôn vì người khác. 

Hòa bình, chị Hiền được 9 tuổi, con Thục hơn 5 tuổi; hai chị em dắt nhau về quê nội. Bà nội nó ôm chị Hiền, gọi tên ba nó mà khóc. Ông nội và các cô nó cũng xúm quanh chị Hiền, không ai ngó ngàng gì đến nó cả. Với đầu óc non nớt của nó, con Thục chỉ hơi buồn một chút chứ không thắc mắc gì.

Ít năm sau, vào một buổi trưa, ngoại và các dì đi làm vắng, mẹ nó chặt củi sau vườn, chị em nó đang chơi trước sân thì có một người đàn ông đến. Ông ta ốm, cao; từ người ông ta toát lên một vẻ mệt mỏi, cũ kỹ. Bộ pi-ja-ma màu trắng ông ta mặc cũng không còn mới, chiếc nón vải xám cũng cũ. Ông ta nhìn nó, cái nhìn lạ lắm. Hình như trong mắt ông ta có nước. Ông ta ngồi xổm xuống trước mặt nó, đặt tay lên vai nó. Nó nhận ra người đó là Ba Hậu. Ba Hậu nghẹn ngào hỏi nó: “Con là Thục hay Nhàn?”. Nó bảo nó là Thục, những hạt nước trong mắt Ba Hậu rơi ra. Ba Hậu nói nhiều lắm nhưng nó chỉ hiểu lờ mờ là ông ấy rất nhớ nó. Ông ấy buồn lắm, trông thật tội nghiệp. Chị Hiền réo gọi mẹ vào. Con Thục tưởng mẹ nó sẽ vui khi gặp lại ông ấy, nhưng không phải, mẹ nó không muốn Ba Hậu tới nhà. Mẹ nó kéo ông ấy tới bụi tre, rồi nói gì đó có vẻ giận dữ lắm. Khi trở lại, Ba Hậu ôm chầm nó, hôn nó và hỏi em Nhàn đâu. Nó nói em Nhàn đi chơi bên nhà bà cố, giọt nước từ mắt ông ấy lại rơi ra. Mẹ nó lườm mắt bảo: “Đi đi!”. Ông ấy từ từ buông nó ra, đứng lên, thất thểu đi ra ngõ.

Từ đó nó không gặp lại ông ấy nữa và trong đầu nó cũng không còn nhớ gì đến người đàn ông có tên là Ba Hậu. Cho đến khi nó lên lớp 9, một buổi chiều đi tìm nấm mối trong gò mả tình cờ con Thục nghe hai người phụ nữ đang làm cỏ dưới ruộng nói về mẹ nó. Nó tò mò lắng nghe, câu được câu mất. “Bà đó thì nắng bề nào che bề nấy! Lúc cách mạng khó khăn thì theo giặc, giờ hòa bình rồi thì nói mình là vợ liệt sĩ…”, “Nghe nói anh Tư Thành mới hy sinh 1 tháng bả đã có bầu 3 tháng với cảnh sát Hậu rồi hả?”, “… Ai cũng nói có mình con Hiền là con anh Tư Thành thôi, còn con Thục với con Nhàn đều là con cảnh sát Hậu.”… Gió thổi lào xào trên ngọn cây mà mặt con Thục nóng ran, tai nó lùng bùng, người lơ lửng chơi vơi. Nó muốn hét vào mặt những người hàng xóm nhiều chuyện kia, nhưng nó sợ. Sợ các bà ấy làm ầm lên, sợ chuyện này lan ra cả xóm. Từ đó nó bắt đầu để ý đến thái độ của những người chung quanh, để ý đến những lời nói bóng gió của họ hàng bên nội và câu hỏi không lời đáp trong nó cứ lớn dần: “Nó là con của ai?”.

Rồi lớn lên, tự nó hệ thống lại những ký ức tuổi thơ mà nó còn nhớ được và nó đau khổ bởi có lúc nghĩ rằng có thể nó không phải là con của ba nó - người chiến sĩ giải phóng sáng ngời bởi cái đẹp từ tâm hồn mà nó tự vẽ ra qua lời kể của các chú, các cô. Ba nó không cao to, nhưng rất nhanh nhẹn, xốc vác; tính tình vui vẻ, hiền lành, sống có tình có nghĩa nên ai cũng thương. Cái đặc biệt của ba nó là dù hành quân hay chạy càn, thậm chí lúc nằm hầm phục kích cũng ăn mặc đúng tác phong; cũng nón tai bèo, quân phục gọn gàng. Mỗi ngày, nó tô thêm một nét vào hình bóng người cha mà nó tưởng tượng ra, làm cho ba nó luôn sống động và ngày càng đẹp đẽ hơn. Nó đã sống với niềm tự hào về người cha đã hy sinh, làm sao nó chấp nhận được người ấy không phải là ba nó? Làm sao nó chấp nhận được hình bóng xa lắc nào đó lại là cha nó?

Một lần, quá bức xúc nó đã đánh bạo hỏi mẹ nó: “Con là con của ai? Sao ai cũng nói con không phải là con của ba?”. Mẹ nó nạt ngang: “Mày giống hệt ổng, không phải con ổng thì con ai?”. Nó lặng thinh, nó thấy an ủi về điều đó. Rõ ràng nó và chị Hiền không cao to như em Nhàn; cái dáng nhỏ nhắn, gọn gàng của nó và chị Hiền rất phù hợp với những lời kể về ba nó; nhưng thỉnh thoảng trong đầu nó lại hiện lên câu hỏi ấy - Nó là con của ai?

Con Thục lớn lên, thông minh và hiếu thảo. Cái ngày nó về quê nội từ giã ông bà để ra Hà Nội học đại học, ông bà đã quan tâm tới nó hơn. Khi cô Ba nó nói bóng gió “Cá trong giỏ là cá mình?”, ông nội nó đã cảnh cáo bằng tiếng hắng giọng.

Bây giờ con Thục đã có chồng, có con, có nghề nghiệp vững vàng; nhưng trong lòng nó vẫn canh cánh nỗi băn khoăn. Lần đó Ba Hậu nhắn nó, nó không tới, nhưng lòng bất an. Tôi hiểu nó, nên khuyên nó nên tới thăm ông ấy như thăm một người quen cũ. Dù sao ông ta cũng là ba của em Nhàn, cũng từng tới lui, chăm sóc chị em nó.

Đi thăm Ba Hậu về con Thục tìm tôi. Nó nói, thấy nó tới Ba Hậu mừng lắm; cả nhà đón nó như đón người thân đi xa về. Điều này chỉ làm cho lòng nó nặng nề thêm. Để cho nó khuây khỏa, tôi nói: “Mày thử nghĩ xem, một người phụ nữ có chồng là Việt cộng; nói đã bỏ chồng, nói chồng chết sao lại có thai? Nếu mẹ mày không nói cái thai ấy là của cảnh sát Hậu thì liệu ông ấy có bảo lãnh cho mấy mẹ con không? Liệu mày có an toàn để chào đời không? Trong hoàn cảnh nhiễu nhương loạn lạc, một người đàn bà bình thường một mình nuôi hai con nhỏ đã khó, huống chi mẹ mày thuộc gia đình Việt cộng, đối tượng bị giặc theo dõi, o ép …”. Nghe tôi phân tích con Thục có vẻ yên tâm hơn. Tưởng nó đã quên chuyện này rồi, không ngờ mới đây nó hỏi tôi về chuyện thử ADN.

Tay tôi run run lật trang nhật ký cuối cùng và mắt tôi mờ đi. Thục ơi, bây giờ mày không cần thử ADN nữa rồi.

“Hưng Thạnh, ngày....... tháng...... năm....
Nhớ em và con lắm Xuân ơi! Từ ngày em ra hợp pháp tới nay đã gần một năm rồi. Con Hiền, con gái của chúng ta đã hơn 3 tuổi và cái bào thai trong bụng em nay cũng đã gần 2 tháng. Không biết nó là trai hay gái, nhưng anh đã chọn sẵn cho nó cái tên rồi, chúng ta đặt nó là Hà Như Thục nhé…”.

Tôi đã khóc vì mừng cho con Thục, vì thương người chiến sĩ giải phóng đã hy sinh. Câu hỏi giằng xé trong lòng con Thục bấy lâu nay đã được giải đáp, gánh nặng trong tâm hồn nó sẽ không còn nữa. Tôi gọi điện ngay cho con Thục, mặc dù biết nó đang ngủ - vì lúc đó đã nửa đêm rồi - và tôi biết tôi sẽ làm cho nó thức trắng đêm nay với niềm vui quá lớn, quá bất ngờ. Ôi trang nhật ký, ôi những dòng chữ nghiêng nghiêng của người chiến sĩ giải phóng; khi viết những lời này chú Tư Thành đâu biết rằng nó sẽ đưa con gái chú ra khỏi sự ám ảnh của quá khứ; chú đâu biết rằng với con gái chú nó có hiệu lực hơn một liều thuốc hồi sinh.

Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 226
  • Khách viếng thăm: 221
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 6101
  • Tháng hiện tại: 2238651
  • Tổng lượt truy cập: 46205884