Người đàn bà trong nghĩa trang

Đăng lúc: Thứ ba - 11/05/2010 15:40
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Đoàn người viếng nghĩa trang ào vào, chị chưa cắm xong nắm nhang thì họ đã ào ra, đua nhau lên xe. Chị chưa muốn về, chị còn muốn ngồi bên anh thêm chút nữa. Sương sớm đọng trên tấm đá, chị lấy cái khăn trong giỏ nhẹ nhàng lau khô ngôi mộ, rồi lặng lẽ ngồi bên anh. Nghĩa trang vắng lặng, nắng trải vàng trên những hàng mộ trắng. Chị đứng lên đốt thêm mấy cây nhang cắm cho anh và những ngôi mộ xung quanh. Đa số những người nằm đây sinh ra cùng thời với chị, họ hy sinh khi còn rất trẻ, có người chưa tới 20.

Chị bước thật chậm, vừa kính cẩn cắm từng cây nhang, vừa nhẩm đọc những cái tên, như thể chị đang chào hỏi đồng đội của mình vậy. Bỗng chị giật mình khi thấy dòng chữ Lê Văn Hậu. Lê Văn Hậu, sinh năm 1952; quê quán xã Phong Điền, huyện Châu Thành. Đúng là anh rồi! Chị bàng hoàng như được gặp lại người thân sau bao năm xa cách. Nhưng sao lại hy sinh ngày 12/10/1974? Chị nhớ hôm ấy là ngày 10/9/1974 - sau sinh nhật lần thứ 20 của chị hai ngày mà? Cấp bậc, chức vụ, đơn vị đều đúng cả; không thể có sự trùng hợp như vậy được. Hay là người ta lấy ngày theo dương lịch? Có lẽ là vậy. Chị xúc động bật thành tiếng: “Có phải là anh đây không? Anh Hậu ơi!”. Sau chiến tranh chị có qua cù lao, đến gò cỏ sả thăm anh, nhưng ở đó không còn ngôi mộ nào cả. Bình cũng về đơn vị, rồi chiến tranh cuốn mỗi người một nơi, biền biệt...

Chuyện đã mấy mươi năm, bỗng sống lại như mới hôm qua. Đêm đó chị đưa hai anh bộ đội qua ấp chiến lược Hòa Khương, để sang cù lao, về Bến Tre. Đi hết cánh đồng kinh Cũ, rồi kinh Mới, gần tới lộ 28, thấy cái đèn trên bàn thông thiên nhà má Sáu còn sáng, chị yên tâm vẫy tay ra hiệu cho hai anh bộ đội tiến lên. Ở đây chỉ cách đồn Cây Keo có vài trăm mét, nhưng chị phải chọn con đường này, vì nó là con đường ra bến sông gần nhất, lại được cây cối che chắn tốt nhất. Qua lộ chừng ba bốn chục mét là tới mí vườn, rồi tới lâm ông Huyện. Qua khỏi lâm ông Huyện một chút là tới ngọn xẽo lá. Ở đó, chị đã nhờ dì Tư Lành chuẩn bị sẵn một chiếc xuồng cột ở gốc cây da.

Vừa tiếp cận mí vườn, thì con chó nhà ông Ách xồ ra, sủa ong óng. Chị giật mình nép sát vô bụi chuối, thò tay vào cái túi vải mang bên mình móc ra mấy con mắm thảy cho nó. Con chó đớp lấy miếng mồi nhai ngấu nghiến, vài giây sau nó ngã xuống kêu ư ử. Chị hú hồn, may  mà má Sáu đã chuẩn bị sẵn, không thì nguy to. Phóng qua một con mương, chen hàng rào xương rồng, chị và hai anh bộ đội vào lâm ông Huyện. Trời đang oi bức, sấm chớp bỗng nổi lên; rồi từng cơn gió thổi ào ào. Lâm ông Huyện rộng cả mẫu, cây cối mọc ken dày và vô số mồ mả. Mả nhỏ, mả lớn; mả đá, mả đất; lớp quy tụ thành từng cụm, lớp nằm rải rác. Người ta đồn, trong lâm có ma. Những đêm tối trời thường có một bóng trắng bay qua bay lại trên cây. Có khi người ta thấy ma đốt đèn. Ánh đèn xanh lét như lân tinh, lúc cháy lúc tắt, lúc ẩn lúc hiện. Tiếng gió rít làm chị thấy rờn rợn. Trong ánh chớp, những ngôi mộ hiện lên nhấp nhô xung quanh chị.

Sau gió là mưa. Mưa ào ào trên cây, rồi rơi xuống tóc, xuống vai chị. Ba người dừng lại, lấy ni lon ra che. Chị mừng thầm, “Mưa như vầy có mướn, tụi lính đồn cũng không ra”. Ai ngờ, vừa qua khỏi lâm ông Huyện, nhìn về phía chuồng trâu Năm Ri chị không thấy đèn báo an toàn, mà lại thấy có đốm lửa lập lòe. Chị ra hiệu ngồi xuống: “Hình như có lính!”. Ba người dừng lại quan sát. Lẫn trong mưa có tiếng cọ sừng cùm cụp của mấy con trâu và những đốm lửa nhỏ thỉnh thoảng lại sáng lên. Chị lo lắng nói: “Có phục, quay lại!”.

Chị đưa hai anh bộ đội trở lại lâm ông Huyện, ngồi xuống bên những ngôi mộ đá. Trời vẫn mưa, mưa rơi lộp độp trên những tấm ni lon. Một anh bộ đội nói nhỏ: “Nếu bây giờ được mắc võng ngủ dưới mưa, cũng lãng mạn lắm, phải không anh Hậu?”. “Lãng nhách, chớ lãng mạn gì. Đêm nay phải về tới đơn vị, mà bây giờ còn ngồi đây”. Thấy anh bộ đội tên Hậu có vẻ rất nôn nóng, chị trấn an: “Không sao đâu, đường này đi không được, tui sẽ đưa các anh đi đường khác. Anh gì đó ơi, trong khi tui đi quan sát, anh có thể mắc võng “lãng mạn” một chút đó!”. “Cảm ơn chị, tôi tên Bình. Còn chị?”. “Tôi tên…
Bí Mật. Thôi chịu khó ở yên
đây nhé!”.

Chị cột lại tóc, xách khẩu AK đã lên đạn sẵn, trở lại phía chuồng trâu Năm Ri. Bọn lính vẫn còn ở đó. Chị đi vòng xuống cuối xóm, đến nhà bác Hai Hiên. Bác Hai Hiên vốn là cơ sở của ta, nhưng có người cháu kêu bằng chú ruột đang làm Xã trưởng, nên bọn lính rất kiên nể ổng. Ổng nói, bây giờ đổi bến khác rất khó, lại mất nhiều thời gian, chi bằng cứ đi bến Năm Ri. Đi thế nào thì để ổng lo. Chừng nào thấy cái đèn bão treo trên chuồng trâu, thì chị đưa người vượt sông.

Lúc đó đã gần 9 giờ tối. Bác Hai Hiên ra sau nhà đổ khạp cá ra đất (cá tát đìa hôm qua) rồi lấy mũi chĩa chĩa từng con bỏ vào đụt. Bác lấy đèn khí đá đốt lên, đội nón lá, xách cái đụt và cái chĩa băng qua đám rẫy đi về phía nhà ông Năm Ri.

Chị trở về chỗ cũ quan sát. Chỉ khoảng mười phút sau chị thấy bác Hai Hiên soi đèn cho đám lính đi về phía nhà mình. Vừa đi, bác vừa nói lớn: “Mấy chú đi sau cẩn thận nha! Không có đèn đó, coi chừng té!”. Bác Hai Hiên lặp đi lặp lại câu này mấy lần, chị biết là bác cố ý nói cho mình nghe, nhưng không biết ý bác muốn nói gì? “Không có đèn đó!” nghĩa là “không có đèn để treo” như đã hẹn hay là “còn lính” nên không treo đèn? Chị nói suy nghĩ này với hai anh bộ đội, họ nhận định có lẽ “không có đèn để treo” là đúng hơn. Bởi vì, cái đèn đó là của ông Năm Ri; hồi đầu hôm thấy động, ổng đã không đem đèn xuống. Nhà ông Năm Ri cách chuồng trâu một miếng vườn; bây giờ ổng đâu có biết lính đã đi nơi khác mà đem đèn xuống. Do đó, bác Hai Hiên lấy đâu ra đèn để treo? Nghe hai anh bộ đội phân tích cũng có lý, nhưng chị đề nghị chờ thêm chút nữa.

Mưa vẫn rơi rả rích. Anh bộ đội tên Hậu có dáng người cao, to; giọng nói trầm ấm, nhưng có vẻ khó tính. Chị len lén nhìn anh. Trong ánh chớp, chị thấy anh có đôi mắt rất sáng, khuôn mặt vuông vuông, trông rất cứng cỏi. Trời mưa mà anh cứ để đầu trần, chỉ choàng tấm ni lon qua vai, chốc chốc lại đứng lên nhìn về phía bờ sông, rồi nhìn trời. Anh hỏi trỏng “Không biết bây giờ là mấy giờ rồi?”. Anh tên Bình trả lời: “Không biết mấy giờ, nhưng em biết chưa tới 2 giờ”. “Sao cậu biết?”. “Dễ ợt, gà chưa gáy chập đầu mà”. Anh Hậu lặng thinh, nhưng chị nghe tiếng anh thở dài nhè nhẹ.

Chị xách súng, khom lưng đi về phía chuồng trâu, lòng cầu mong thấy một ngọn đèn. Chuồng trâu tối đen như mực, chị chỉ nghe tiếng dậm chân bình bịch và tiếng cọ sừng cum cum của mấy con trâu. May sao lúc đó có một ánh chớp lóe lên, giúp chị thấy rõ những cây cột trong chuồng trâu và mấy con trâu đang nằm trong đó. Chị quyết định: “Đi!”.

Anh Hậu giành đi trước, chị kéo lại, rồi vượt lên. Bình đi sau cùng. Họ đi qua chuồng trâu Năm Ri an toàn, chị thở phào. Tới gốc cây da chị thấy chiếc xuồng ba lá đã được dì Tư Lành cột sẵn, trên xuồng có 2 cây dầm lớn. Nước ròng bỏ bãi, chị lội xuống đẩy xuồng ra, bỗng nghe tiếng la: “Việt cộng! Việt cộng!”. Tức thì những chớp lửa nháng lên, cùng tiếng súng nổ xé tai. Hai anh bộ đội nhanh như sóc, xoay người nhảy sang phía bên kia góc cây da bắn trả. Chị cũng núp vào cụm bập dừa, chĩa súng về phía có chớp lửa bóp cò. Nghe đạn bay cheo chéo, biết mình đang ở dưới thấp, chị định thần quan sát. Địch từ phía cái chòi vịt bỏ hoang bắn xuống, chắc còn một tốp đụt mưa ở đó, chứ không phải cố tình phục kích. Nếu là phục kích thì ngay loạt đạn đầu chị đã dính đạn rồi. Bình thường thì lực lượng như vầy cũng không đáng ngại; nhưng bây giờ thì khác, chỗ này gần đồn, lại còn bọn đang nhậu ở nhà bác Hai Hiên… Chị chồm dậy, gọi: “Rút thôi các anh!”. Anh Hậu đáp gọn: “Rút!”. Súng từ phía địch vẫn nổ dữ dội, nhưng may là bọn chúng không dám xông lên. Hai anh bộ đội bắn kềm chế, chị cố sức đẩy xuồng ra mép nước. Bỗng Bình khựng lại, khuỵu xuống. Anh Hậu quăng một trái lựu đạn về phía địch, không biết nó có tới đích không, nhưng các họng súng im được mấy giây. Lợi dụng lúc đó, anh Hậu dìu Bình lên xuồng, rồi một tay anh đẩy xuồng, tay kia cầm súng bắn về phía địch. Thấy Bình thở hào hển, nhưng cây súng trong tay anh vẫn nổ đều từng loạt, chị yên tâm phần nào. Ngồi trước mũi, chị cố sức chống xuồng ra khỏi ngọn xẽo. Thấy tiếng súng phía ta ngày càng xa và giảm đi, bọn lính hô hào đuổi theo, chúng bắn như vãi đạn trên đầu. Anh Hậu quát: “Mọp xuống!”. Tới chỗ nước sâu, anh Hậu phóng lên xuồng, tiếp tục bắn khống chế địch. Bình ngồi giữa, với lấy cây dầm bơi phụ chị. Địch đã bắn thấp hơn, không còn nghe tiếng đạn chiu chíu trên đầu. Hình như chúng đã lội xuống ngọn xẽo. Anh Hậu đứng thẳng người, chĩa súng về phía địch. Nòng súng của anh đỏ lên như thanh sắt trong lò rèn. Bỗng anh chới với ngả người về phía sau, nhưng gượng lại được. Anh ngồi bệch xuống xuồng dựa người vào lưng Bình, khẩu súng trên tay vẫn chĩa về phía địch, nổ từng loạt. Bình rướn người, cố bỏ dầm thật xa, kéo mạnh. Chiếc xuồng nhấp nhô theo từng nhịp bơi của Bình, của chị. Tới khúc cua, biết mình đã thoát nạn, chị bỏ dầm sang trái, móc mũi xuồng sát vào doi lá. Súng địch vẫn nổ, nhưng ngày càng xa hơn. Anh Hậu cũng đã thôi bắn.

Gần tới bờ sông bên kia, chị nghe tiếng gọi: “Ơi!..Ai trên xuồng đó? Có du kích cù lao đón nè! Vô đây!”. Chị mừng quá, nói như reo: “Chúng ta được cứu rồi các anh ơi!”. Chị đâu biết rằng chỉ có chị và Bình được cứu. Khi xuồng cặp bến, du kích ào xuống đỡ hai anh bộ đội, mới biết anh Hậu đã tắt thở. Bình bị thương ở đùi, mất máu quá nhiều nên đã ngất đi, được anh em du kích đưa vào trạm cứu thương. Chị như người mất hồn lững thững bước từng bước đến bên thi thể anh Hậu, rồi khuỵu xuống, người nhẹ tênh, bồng bềnh, không còn biết gì nữa.

Chị tỉnh lại trong trạm giao liên. Người ta cho biết anh Hậu bị tới ba vết thương: một vết ở phần mềm cánh tay trái, một vết ở chân phải và có lẽ anh chết vì vết thương ở ngực. Bà con đã chôn anh trên gò cỏ sả. Chị khóc tức tưởi như vừa mất đi người thân vậy. Chị tới trạm cứu thương tìm Bình, thì người ta đã chuyển anh về tuyến trên. Qua Bình, Trạm cứu thương biết anh bộ đội hy sinh là Lê Văn Hậu, quê ở xã Phong Điền, huyện Châu Thành; cán bộ Trung đội bậc trưởng, Đại đội A, Tiểu đoàn X… Và những người an táng anh đã ghi những thông tin đó vào tờ giấy, bỏ vào hũ thuốc Ampi chôn theo anh. Chị muốn đến gò cỏ sả để chào từ biệt anh, nhưng trời đã sáng, chị phải theo du kích đi phòng “động”. Có tin báo ngày mai địch sẽ đổ quân lên cù lao.

*

*    *

Chị nghe mắt mình cay cay. Đã lâu rồi chị không khóc. Có đau cỡ nào, có khổ cỡ nào chị cũng nén chịu, không khóc. Bây giờ gặp lại anh, người đồng đội đã để lại trong chị một thứ tình cảm đặc biệt, tự dưng nước mắt tuôn rơi. Chị cũng không cắt nghĩa được đó là tình cảm gì, nhưng nó thật sâu sắc, khó quên. Nó không chỉ là sự cảm phục, ngưỡng mộ; nó là một cái gì thật lạ lùng, khó tả. Chị chỉ biết là chị không thể quên anh và anh đã có mặt như là một phần đời của chị. Chị gọi thầm: “Anh Hậu ơi! Mới đó mà đã hơn 35 năm rồi, nửa đời người chớ có ít ỏi gì đâu, phải không anh. Hồi đó, chúng ta còn thanh xuân phơi phới, bây giờ thì… tóc tôi đã bạc trắng rồi, anh thấy không?” - Chị cười trong nước mắt - Chừng ấy năm với biết bao biến cố, biết bao thay đổi; nhưng chị vẫn nhớ như in cái đêm mưa gió đó. Hình ảnh anh hiên ngang, lồng lộng đứng trên xuồng với nòng súng đỏ rực như lửa cứ thỉnh thoảng lại hiện lên trong giấc mơ của chị. Những năm sau đó chị như đã sống cho cả phần của anh nữa. Nhờ vậy mà chị đủ sức vượt qua bao gai gốc; dẻo dai hứng chịu giông tố, bão bùng đi qua những năm tháng chiến tranh, và mãi đến bây giờ. Tất cả là nhờ anh, người đồng đội chị chỉ gặp một lần trong đêm mưa gió.

Cái nắng chói chang ở nghĩa trang cũng không đủ xua đi sự ảm đạm, nặng nề trong lòng chị. Chị tự giận mình, tại sao đã bao lần vào đây lại không nhận ra anh? Chị ngồi bất động, mặc cho nước mắt tự khô đi, mặc cho cái nóng hun rát mặt mũi. Mặt trời lên khỏi hàng cây lâu rồi, chị vẫn còn ngồi yên ở đó, bóng chị ngả dài lên ngôi mộ.
Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 388
  • Khách viếng thăm: 386
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3885
  • Tháng hiện tại: 1752785
  • Tổng lượt truy cập: 48126912