Ngày tháng sau lưng

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 15:52

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Tôi và đại tá về hưu Tư Miền biết nhau khá lâu, chơi với nhau bằng thứ tình bạn vong niên, tôi – ông bình đẳng, thân ái. Ông Tư Miền ít nói, tánh nóng nảy, bộc trực, mỗi khi không đồng ý vấn đề gì đó thì như muốn nhảy vô móc họng người ta. Nhưng tôi mến ông cũng vì tính cách ấy, ông thẳng và thật, không a dua, xu nịnh. Mấy chục năm binh nghiệp, huân chương đeo đỏ ngực, nhưng mỗi lần rượu say đến mềm môi, ông chỉ nhận về mình một thành tựu lớn nhất, may mắn lớn nhất đời lính: Tao còn sống. Vậy đủ rồi.

Và lần nào cũng vậy, sau câu nói đó, ông nghỉ uống rượu, đôi mắt thẳm xa, buồn rũ.

Tôi hành nghề viết lách tự do, vừa viết vừa lách vậy mà cũng không nên cơm cháo gì. Những cuộc rượu với ông Tư Miền, tôi hay khề khà: “Tôi làm cái nghề thuộc dạng tối cổ trong thời đại cái gì cũng chấm chiếc này”. Chẳng phải sao, suốt ngày đầu óc tửng tưng treo trên đọt cây đi săn bắt ý tưởng, đề tài, cảm hứng. Sau đó rị mọ lượm lặt từng chữ, từng câu để viết. Cày cục tới quên ăn, may mắn thì cho ra cái gì đó có chút hình hài, còn lắm khi, rặn chữ không ra, chán chê ê hề như gái đứng đường ế khách. Nhưng đâu chỉ vậy. Chửa đẻ xong còn mang đứa con tinh thần của mình đi gởi gắm. Tất nhiên, tôi rất tự tin về mình. Tôi có thừa hùng tâm, tráng trí giựt giải Nobel như ông văn sĩ nghèo nào đó từng mơ mộng. Nhưng mơ mộng cũng dần chết queo. Dần dà, trong người mang nhiều chứng bệnh quái ác. Bệnh lỗ tai bên phải nổ 6 chữ, lỗ tai bên trái tuôn ra 8 chữ mãn tính thì nói làm gì. Bệnh lủng túi mới là căn bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa. Người lạ ai cũng vừa nhìn thấy tôi là y như rằng đã thương, đã lo lắng cho tôi: “Thằng cha này nhìn tội dữ thiệt, chắc ế suốt đời thôi”.

Dạo kinh tế thế giới suy thoái, người làm nghề săn bắt hái lượm, viết và lách như tôi cũng chao đảo. Thấy vậy, ông Tư Miền rủ tôi về miệt U Minh, nơi ông dưỡng già sau khi cởi áo quan về vườn. Nhà cửa ngoài chợ ông giao lại hết cho con cái. Vợ chồng già dắt díu nhau về vui thú điền viên với bóng tràm, con kênh nước đỏ cháy phèn. Ông Tư Miền nói với tôi: “Với tao, vậy là đủ. Với lại, U Minh là quê tao, tao đẻ ra ở đó, già rồi phải về đó, sau này cũng chết ở đó. Phố xá hay của cải với tao là vật ngoài thân. Còn mày, đói kém quá, về tao nuôi, với lại tao có chuyện muốn nhờ”.

Việc ông nhờ là viết dùm ông cuốn hồi ký về cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông nói rõ với tôi: “Mày viết sao thì viết, không được “nổ” gì về tao hết, có sao viết vậy. Cái nữa là viết cho ra được những công lao, mất mát, vinh quang của đồng chí, đồng đội tao, về cái xứ sở này”. Tôi nhận lời kèm câu cà khịa: “Cha nội rảnh, làm việc tầm phào. Viết hồi ký mà không “nổ” sao viết được”. Ông nhìn tôi với ánh mắt kiên định: “Ờ, vậy mới nhờ thằng khùng như mày”. Tôi ngờ là ông thấy tôi đói kém quá nên thương, mượn cớ nhờ việc, rủ tôi về U Minh chắc là để nuôi cơm báo cô tay “chòi văn” lều phều, ngáo ngơ này. Thôi, nhận việc thì phải hết mình.

Tôi đi một quãng xe đò, thêm một cuốc xe ôm, cầm địa chỉ, tên tuổi, số điện thoại của ông lần hỏi. Người trong quê thiệt dạ, thiệt lòng, chỉ dẫn hết sức nhiệt tình. Nhiệt tình quá nên tôi đi lạc qua xã khác, ông Tư Miền ở Khánh Lâm, tôi đi tuốt dưới Khánh Hội. Lại vòng lại. Đi thêm một chuyến vỏ lãi bao, cuốc bộ gần nửa tiếng. Bên này bờ chuối, cách dòng kênh nước đỏ quạch, tôi thấy ông cởi trần, mặc quần tà lỏn đang hì hục xắt chuối cho heo ăn. Mừng quá, tôi ới ông già, ông ngó lên cười nhe răng: “Nhà tao dễ kiếm dữ hả. Tao chỉ sơ sơ mà mày tới trúng bóc, hay thiệt nghen”. 

Nhưng mâm cơm bà chị dâu già dọn ra khiến tôi hết buồn bực ngay lập tức. Nồi mắm kho, đọt choại luộc, hẹ nước, rau nhút, rau dừa nước, bắp chuối đập dập chấm kèm. Dĩa lá cách xào thịt chuột đồng thơm phức như nhảy luôn vào bao tử. Nồi canh chua có con lươn đồng vàng tươm, nấu với rau muống đồng chưa ăn đã thấy giòn con mắt. Chưa hết, dễ gì thiếu chai rượu tím ngắt mà ông Tư Miền giới thiệu hào hứng: “Vang U Minh, trái giác chín hảo hạng. Mùi vị không kém vang nho bên vùng Bordeaux của Pháp”. Bữa cơm chào đón xứ U Minh làm tôi thấy mình được trọng vọng như thế nào trong căn nhà này. Khởi đầu như vầy không hề tệ, nếu không nói là vượt quá trí tưởng tượng của tôi.

Ngày đầu tới nhà ông Tư Miền, tôi say quắc cần câu. Sáng ra, ngồi bên nồi cháo tống cá lóc đồng, rau đắng đất, ông Tư Miền vào ngay việc: “Bây giờ, tao dẫn chú em đi thăm thú miếng đất sau nhà. Muốn viết được phải biết sơ sơ về xứ này, cây tràm ra sao, con rắn hổ đất khì khò kiểu gì, con ong mật nó quánh sưng cỡ nào”. Nói tới đâu, ông già cười hề hề tới đó khiến tôi nổi gai óc. Trong đầu thầm nghĩ, chưa gì ông già hù doạ mình, toàn mấy thứ dữ dằn.

Những đường kênh thẳng băng xẻ rừng. Tràm vào mùa nở rộ bông trắng muốt. Thứ mùi hương lúc thoang thoảng, lúc xa xôi, dễ chịu như hơi thở của thiếu nữ mười sáu tinh khôi. Ông Tư Miền rổn rảng trong tiếng máy nổ đinh tai, nhức óc: “Tao có năm chục héc ta tràm. Với tao, vậy là đủ”. Tôi cười thầm trong bụng, cha già này nổ ngầm. Chừng ấy đất đâu có ít ỏi gì, không đủ thì bao nhiêu mới đủ”. Vừa chạy vỏ, ông già đưa tầm tay nói, lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông có nhiều chuyện để nói và nói say mê như thế: “Dà, tao xẻ kinh, trên trồng tràm, dưới nuôi cá. Dành mấy khoảnh trồng cây ăn trái, mít, ổi, cam, xoài đủ hết”... “Dà, tao còn trồng hơn trăm gốc dâu Cái Tàu. Dâu da vàng, mới ăn thấy chua, mà cái chua ngọt hậu, đậm đà tình quê”... “Dà, tao còn gác mấy trăm kèo ong mật. Có khu riêng để dưỡng tụi ong ruồi. Mật ong U Minh Hạ quê mình ngon nhứt, chất lượng nhất thế giới”...

Bất giác, ông già tắt máy, lụi vô chỗ có cái miếu nhỏ ở góc rừng. Hạ giọng, ông già giải thích: “Cái miếu thần rừng này có từ lâu đời lắm rồi nghe mậy. Vô đây, tao chỉ chú em mày xem mấy cái đầu lâu cá sấu. Hồi đó, chỗ này, cá sấu nổi như mù u rụng. Dân đi rừng phải lập miếu thờ. Cái thời xa xưa dữ rồi, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um... vậy đó”. Ngó lên cây còng cổ thụ, ông già chỉ tôi một tổ ong vò vẽ bự tổ chảng: “Đây, vũ khí đánh giặc lợi hại của xứ U Minh”. Thấy tôi ngẩn tò te, ông già kể: “Ong vò vẽ là thứ ong dữ, dân gian nói một người bị ong đánh quá chín vết là coi như ngủm. Hồi xưa quánh giặc, mình đạn dược ít lắm. Phía mình bàn nhau là bắt tổ ong vò vẽ nhỏ, treo ở những đường giặc hay hành quân, càn quét ruồng bố. Bên mình hàng ngày tới cữ thì mặc đồ bà ba đem cá sình ươn ra cho ong ăn. Cũng quân mình, giả đò mặc áo rằn ri, lấy cây thọt. Tổ ong lớn dần, hễ thấy bóng người mặc áo rằn ri là ào ào ra cắn đốt. Giặc bị ong vò vẽ đánh đau và sợ hơn trúng đạn. Mày thấy đánh giặc vậy có tài tình không. Tao đảm bảo thế giới này không có cách đánh giặc nào kiểu vậy hết, độc nhất vô nhị luôn. Mà cách này, tao quả quyết, chỉ có bà con sành sỏi đi rừng, dân U Minh chánh hiệu mới nghĩ ra thôi”.

  Có ngày ông Tư Miền dẫn tôi đi gặp mấy cựu chiến binh từng là đồng đội với ông thời kháng chiến để tích luỹ thêm thông tin, tư liệu cho việc viết hồi ký. Hai ông đồng đội kia cũng ở U Minh, nhưng khác xã, ông Tư Miền chở tôi đi bằng xe gắn máy. Đồng đội gặp nhau, ngoài chuyện súng đạn quánh trận thì rượu đế là thứ không thể thiếu. Tôi chủ yếu ngồi nghe, uống rượu cầm chừng. Gì thì gì, công việc đã nhận phải ưu tiên hơn mấy thứ khác. Sau những cái ôm, cái cười, cái rưng rưng xúc động, tôi thấy ba ông lính già như trẻ ra hơn mười tuổi. Rượu càng nhiều, câu chuyện càng dài, càng xôm tụ. Nhưng tôi thấy mấy ông này kể chuyện dông dài, không đầu, không cuối nên buồn ngủ quá. Nào thì ngày mấy, tháng mấy, năm nào đánh trận nào, có ai, diệt đồn nào, ta thắng địch thua ra sao. Tôi lặng lẽ xuống nằm ở chiếc võng ngoài hiên nhà. Đột ngột, tỉnh giấc vì tiếng cự nự:

- Mày mà công lao gì. Bị giặc bắt, ở tù là dở rồi. Ở trong tù thì bị quánh là chuyện đương nhiên, có gì hay ho mà kể. Còn tao, tao khôn khéo hơn, không bị bắt, lúc mày nằm trong đó, không có đóng góp gì, tao xông pha trận mạc... Anh Tư coi tui nói đúng hông – ông tên Bạt tía tai, đỏ mặt.

- Mày nói vậy là anh em của mình bị tù đày, hi sinh là dở hết hả. Mày nói vậy mà nghe được sao. À, mày có bị bắt đâu mà biết. Chỉ có mấy thằng khôn lõi, nhát gan, né sợ nguy hiểm như mày mới bình an cho tới bây giờ đó... Anh Tư coi phân giải dùm em - Ông tên Phục không chịu thua.

Tư Miền buồn thiu, nốc cốc rượu cái ực, ra kéo tôi về không nói lời nào. Trên xe, tôi nói với ông: “Đi cả ngày, chỉ có mấy chuyện khúc hai ông kia cự lộn hồi nãy là tôi thấy hay, có thể đưa vào hồi ký được”. Ông Tư Miền đáp lời tôi bằng một câu văng tục rõ bậy.

Mấy người sống coi ra khá là lu bu, rắc rối. Sau mấy hôm, ông Tư Miền rủ tôi đi thăm một đồng đội đã hi sinh, tuốt bên Đầm Dơi. Tới chỗ, thấy cơ ngơi vợ con đồng đội khang trang, ông già vui ra mặt. Vô tiệc, ông kể đủ thứ về kỷ niệm của mình với người đã hi sinh. Trận đó, nếu không phải là người nằm trên bàn thờ với tấm bằng Tổ quốc ghi công chết thì chính ông mới là người chết. Dù đã thắp nhang khi vừa tới nơi, nhưng sau khi gần quắc cần câu, ông Tư Miền lại vào với đồng đội vừa thắp tiếp tuần nhang, vừa cà rỡn: “Mày đẹp trai hoài ở cái tuổi hơn hai mươi. Còn bây giờ, tao, Tư Miền này già khọm. Mày chính là người tao mang ơn lớn nhất đời này”.

Chuyến đi tưởng êm xuôi. Cho tới khi gần tàn tiệc, hai thằng con trai chủ gia hình như quên mất chuyện có khách lại cự cãi kịch liệt vì chuyện phân chia tài sản. Nhìn mặt vợ đồng đội chưng hửng, buồn xo, còn hai anh em họ muốn nhảy vô nhau cắn xé, ăn thua đủ, ông Tư Miền thất thần. Chưa hết, tụi nó lôi ông vô cái chuyện ông có biết trời trăng, mây gió gì đâu.

- Chú coi, má chia tài sản cho nó rồi. Nó làm ăn thất bại, nó về đòi nữa. Trong khi con ở đây nai lưng ra làm, chăm sóc má... Nó bậy quá phải hông chú, chú phân định phải quấy dùm con – Một thằng đè ngược ông chất vấn.

- Chú ơi! Thằng này ăn nói ngược ngạo, nó nói phần phải thôi. Con muốn rước má về nuôi, nó cản lại để giành phần tài sản. Còn con, má cho có chút đỉnh vốn, không được một phần nhỏ của nó nữa. Con có xin xỏ gì đâu, chỉ mượn má thêm ít vốn mần ăn, mà nó nhất quyết không cho, nó tuyệt tình tuyệt nghĩa anh em... Chú hỏi má con thì biết...

Ông già nhìn thấy vợ người đồng đội gương mặt co rúm, vừa buồn vừa ê chề với khách, đứng dậy nói gọn lỏn:

- Cha bây và bao nhiêu người khác nữa, quánh giặc không tiếc cái mạng của mình để bây giờ cho tụi bây giành miếng ăn từng chút, là sao??

Nói xong, ông già lại níu tay tôi đi về, không một lời từ giã. Tôi cũng quên luôn cái việc viết hồi ký, lo lắng hỏi ông già: “Tôi sợ anh em họ lát nữa ăn thua đủ với nhau quá ông”. Ông già không ngó tôi mà bần thần: “Mày không sợ tao ngồi đó chút nữa, tao quánh luôn hai thằng mất dạy đó hả”.

  Việc viết cuốn hồi ký xem ra quá khó khăn, không một chút tiến triển. Ông già hàng ngày chuyên cần xắt chuối heo ăn mà không đả động thêm gì tới việc đi tìm thông tin ở các chiến trường xưa, đồng đội cũ. Tôi ngày ngày vẫn ăn cơm, làm cỏ, tưới rau. Thỉnh thoảng tôi nhắc chừng, ông giật ngược: “Thì cứ từ từ tính, gấp gì. Có gấp cũng không được nghe mậy”. Ông thì yên thân, còn tâm trí tôi nhấp nhổm. Cái máu xê dịch ở yên là chảy lộn tùng phèo. Tôi kiếu gia đình, về lại phố thị với những mộng mơ treo ngược, làm những chuyến săn bắt, hái lượm của đời mình. Hẹn ông, khi nào tình hình có gì mới sẽ thực hiện ngay lời hứa với ông. Ông không giữ, cũng không đuổi: “Ờ vậy đi. Nhưng mày phải giúp tao việc này. Nhớ đó”...

  Ai mà tin vào lời hứa của tôi thì rất dũng cảm. Nhưng tôi biết, ông Tư Miền là người không sợ chết, nên yên tâm. Yên tâm tới nỗi quên luôn lời hứa ấy. Cho đến một hôm, ông điện thoại, thông báo với tôi:

  • Mày hả, tao bệnh. Đang nằm bệnh viện. Rảnh qua tao gấp...
Tôi biết, hệ trọng lắm ông mới nói mình bệnh, mà chắc chắn là bệnh nặng. Tôi sang. Thấy người già nằm rũ bẹp trên giường bệnh, dây nhợ loằng ngoằng tưởng lộn ai đó, định kiếm tiếp thì ông réo nhỏ, giọng thều thào:
  • Tao đây...
Người như tôi, tưởng đứt dây thần kinh đau khổ, nhìn thấy ông như vầy mà nhói ruột gan. Bẵng đi có bao lâu đâu, mà ông đại tá tướng chắc nụi, giờ chỉ còn là hình hài mong manh sương khói như vầy. Ông già khều tôi nói nhỏ:
  • Ê mày, mày còn nhớ hứa với tao gì không...
  • Ờ, tôi nhớ chớ... Tôi hứa, dễ gì quên...
Ông già móc ra một cuốn tập nhàu nát, đưa tôi rồi nói:
  • Đây, đại khái tao viết trong này.
Tôi đỡ cuốn sổ, đỡ cả cánh tay xanh ẻo không còn chút sức lực của ông, cảm thấy một sức nặng vô hình, thiêng liêng nào đó ghì mình xuống. Tôi không dám ngó ông lần nữa, từ giã về. Đêm đó, tôi ngồi với cuốn sổ, thấy ông và những đồng đội, những trận đánh như diễn ra trước mặt.

  Ngày... tháng ... năm...

  Hồi chiều, má Hai đãi cho đơn vị nồi cháo gà ngon quá. Ít ai biết, má có thằng con vừa mới hi sinh hồi tháng rồi. Má biểu tụi tôi ăn cháo, có sức đánh giặc. Má còn con út ở nhà, đứa nào ưng, má gả liền. Má nói riêng với tôi, kiểu gì mình cũng thắng, giặc cũng thua. Nhưng tôi biết, con của má thì đã ra đi mãi mãi, không bao giờ về nữa...

  Ngày... tháng ... năm...

  Càng về cuối, chiến trận càng khốc liệt. Người này ngã xuống, người khác xốc tới. Tôi không sợ chết. Chỉ sợ nhất là thấy những đồng đội, đồng chí của mình nhiều người đã ra đi. Hòn đạn, mũi tên biết đâu mà né. Với tôi, ngày hoà bình, nếu may mắn còn sống, như vậy là đủ lắm rồi. Thắng lợi đã gần kề rồi...

  Ngày... tháng ... năm ...

  Chiều trước, đơn vị kiểm thảo thằng Tự vì khuyết điểm “hủ hoá”. Lúc gọi nó lên nói chuyện riêng, nó nói nhịn hông nổi, còn phía đàng gái cũng thương nó, chịu nó. Kỷ luật nó kiểu gì nó cũng nhận, cũng chịu nhưng phải cho nó được cầm súng đánh giặc mới được. Nó nói sẽ nhận trách nhiệm, hỏi cưới người ta đàng hoàng. Tình hình khẩn trương, đơn vị cho nó cơ hội lấy công chuộc tội, nhưng hôm nay, nó đã không còn trên cõi đời này để chịu kỷ luật nữa. Tự ơi!...

  Những dòng chữ của ông Tư Miền cứ chảy tuôn tràn trước mắt tôi. Không một điều gì nói về mình, ông dành tất cả để kể, để nhớ về những đồng đội, đồng chí, về tấm lòng bao la của người dân đã từng cưu mang, che chở cho ông, cho cách mạng. Tôi thấy những thứ mình viết ra thật vô nghĩa, thật nhỏ nhoi với quyển tập nhàu cũ này. Nhưng mấy trang cuối của quyển tập mới là lời ông căn dặn tôi.

  Ngày... tháng ... năm

  Chú em mến! Chú em không biết chiến tranh ra sao đâu. Còn cuốn tập này, gởi chú em đọc chơi, chỉ đọc thôi đừng cho ai biết hết. Tao già rồi, sống như vầy là đủ rồi, không còn nuối tiếc gì hết. Xin lỗi chú em vì mấy vụ cự cãi không đâu vô đâu hôm bữa. Mà nhờ vậy mới biết thêm nhân tình thế thái. Sướng rồi, người ta không biết đủ, cứ chộn rộn giành giựt nhau vì miếng ăn, danh lợi. Tao thích người như chú em, khùng khùng một chút, nhưng sống đàng hoàng, tử tế. Gần hết đời rồi, tao mới ngộ ra, sống tử tế khó lắm. Và mấy thằng tử tế thì nghèo dữ lắm. Còn lo cho chú em sẽ sống tiếp ra sao thôi.

  Tái bút: À, mà mấy chuyện trong quyển sổ này, nếu chú em lượm lặt được gì đó, cứ tuỳ ý sử dụng. Biết đâu giúp ích cho chú em dù ít, dù nhiều. Còn một chuyện quan trọng khác, nói với chú em luôn, kẻo không còn dịp. Chuyện “hủ hoá” là nhắc tới tía chú em đó. Chuyện này, chú em cũng không biết gì đâu...

  Tôi tá hoả. Tôi sinh ra có tía, có má hẳn hoi. Tuyệt nhiên không ai nhắc tới cái chuyện động trời này. Chỉ biết, mỗi năm, nhà tôi có cái đám giỗ người chú ruột. Tự dưng, tôi sởn gai óc, chạy vội đi soi kiếng. Cái hình thờ đó, gương mặt tôi. Ôi trời đất ơi...

  Rồi thì như lời ông nói, cuộc đời sẽ tới lúc đủ. Mấy hồi trống thê thiết tiễn ông về đất mẹ U Minh. Tôi đến, không còn ông để mà vặn hỏi cái bí mật động trời mà ông tiết lộ cho tôi nữa. Ông đã ung dung ngồi trên khung ảnh, ngó tôi với vẻ hả hê nhưng trìu mến. Ông thì sướng rồi. Chỉ còn tôi, vô định với kiếp người phía trước. Nhưng gì thì gì, như ông nói, còn sống là điều may mắn nhất, hạnh phúc nhất của con người. Còn thở là còn gỡ... Vậy thôi!./.

MÃ SỐ 52
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 184
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 39646
  • Tháng hiện tại: 2539032
  • Tổng lượt truy cập: 48913159