Một chữ

Đăng lúc: Thứ năm - 05/03/2009 08:27
Người mà thằng Tý thích nhất, quý trọng nhất là ông Sáu. Và cũng chính nó lại là người không ưa ông Sáu vô số kể.
Nhiều lúc nó đưa mắt ngắm nhìn ông thật lâu. Nó cố phân biệt trong cái vóc dáng thấp đậm cùng với nước da rám nắng, nâu bóng lên đến tận khuôn mặt bành bạnh, ẩn chứa đôi mắt lúc nhân hậu, hiền từ, có lúc lạnh lùng, nghiêm khắc kia, ông Sáu nào là của nó? Phải chăng trên đời lại có hai ông Sáu nhập thành một?

Mười bốn, mười lăm tuổi đầu mà lúc nào ông Sáu cũng vẫn cứ coi nó như là con nít, kèm cặp nó hoài. Lỡ một câu chửi thề cũng bị ông Sáu trừng mắt, lại còn móc lò: "Cái xấu không ai dạy, sao con học nhanh quá vậy?"

Học! Mỗi lần nghe nhắc tới chuyện học, nó lại nhìn ông, hằn học. Ở cái trạm giao liên này, ông Sáu không là trạm trưởng cũng không phải trạm phó, chẳng là giao liên. Nghĩa là ông không có một chức danh nào cả. Ông chỉ là người ăn đậu, ở nhờ, làm ba chuyện lặt vặt. Chẳng hạn như nấu cơm, nấu nước, lo ba vụ mắm muối, giường sạp, vậy thôi. Thỉnh thoảng lúc kẹt người, ông cũng được giao đôi ba việc đại sự như đưa thư từ, tài liệu hoặc dẫn đường cho mấy anh cán bộ đi công tác lẻ. Vậy mà đối với nó, lúc nào ông cũng làm ra vẻ ta đây: "Tý! Từ rày về sau nhớ phải đi thưa, về gởi. Con còn nhỏ, phải ráng học ba cái lễ nghĩa chớ con đi chẳng ai biết, về chẳng ai hay”. “Tý! Từ rày về sau hễ người lớn kêu phải dạ. Ai đáng bậc cha chú phải xưng cháu, xưng con, ai đáng bậc anh, chị phải xưng em cho lễ phép một chút. Con cứ tui tui hoài là không có được, nhớ chưa". Đến nỗi đang bữa cơm cũng bị rầy: "Ăn phải xem nồi, ngồi phải xem hướng". Nhiều lúc nó muốn bỏ quách cái trạm giao liên này mà đi. Khốn nỗi, nó cũng chẳng biết phải đi về đâu bây giờ.

Cha nó là du kích, hy sinh trong một trận chống càn lúc nó vừa lên 7 tuổi. Mẹ nó đi bước nữa rồi biệt tăm luôn. Nó sống với nội. Mười bốn tuổi, nó còn phải đi ở đợ chăn trâu. Đêm bộ đội về đánh bót Bà Thửa, nó vui như được đi trẩy hội. Nó dẫn đầu một đám nhóc choai mang vác giúp các chú bộ đội bao nhiêu là thứ chiến lợi phẩm. Bộ đội rút, nó về xin nội rồi lén trốn đi theo. Chú chỉ huy dựng cây súng trường vừa ngang vai nó bảo: "Cháu còn nhỏ quá chưa thể đi được. Cứ ở lại trạm giao liên này ráng ăn cho chóng lớn. Chú hứa hai năm sau sẽ về đón cháu". Nó không còn biết làm sao đành phải ở lại cái trạm giao liên này.

Nó cảm thấy mình có ích, được việc hơn ông Sáu nhiều. Công văn khẩn, thư hỏa tốc, vù một cái nó đã đưa đến những nơi cần đưa. Bộ đội hành quân, nó đi trước dò la động tĩnh, thấy êm mới quay lại dẫn đường. Chuyện gì được giao, nó cũng làm tròn, trót lọt. Nhiều lần được khen, nó lại nhìn ông Sáu như ngầm bảo: "Ở đây tui oai hơn ông nhiều". Vậy mà chú Tư Hầu trạm trưởng lại phán một câu xanh rờn: "Tý! Tao giao mày cho ông Sáu. Mọi chuyện nhất nhất phải nghe lời. Quân lịnh đó". Lịnh của ông Sáu nhiều cái thiệt oái ăm. "Tý! Chiều nay phải kiếm cho đủ ba bó củi nghe, lịnh đó". "Tý! Lịnh xách cho đầy hai lu nước, sao vơi thế này? Chấp hành thế hả?". "Tý! Đấm cho tía cái lưng. Sao hồi này tía nhức quá trời". "Tía lịnh hả?". "Ừa, lịnh đó, chấp hành nhanh lên. Ui cha! Nhức ơi là nhức". Chẳng biết lúc nào lịnh thiệt. Chẳng biết lịnh nào ổng đùa. Tất tật mọi chuyện đối với nó đều lịnh cả. Nhiều lúc vui đáo để. Lắm lịnh buồn cười đến vỡ bụng. Và, cũng không ít lịnh như dấm ớt, chua lòm, cay nồng cả mặt.

Dẫu vậy, riết rồi quen. Càng ngày nó càng cảm thấy thích ông Sáu, thương nữa. Đôi khi trong tâm hồn thơ trẻ của nó nhen nhóm ước mơ về một điều gì đó xa xôi nhưng thiêng liêng lắm. Mà điều đó chỉ toát ra từ ông Sáu.

Ông Sáu thương nó nhất, nó biết. Nhưng nó không hiểu tại sao đã thương, ông Sáu lại thường hay nghiêm khắc với nó. Mấy lần nó không thuộc bài, ông còn đe đánh đòn. Vậy nhưng hễ nó bệnh, ông lại lo đến mất ăn, mất ngủ. Có bữa nó dầm mưa đi bắt cá, đêm về sốt hầm hập, li bì. Trong lúc mê man, nó cảm thấy trên trán mình mát lạnh. Lối chừng nửa đêm tỉnh giấc, nó thấy ông Sáu ngồi cạnh bên đang nhẹ nhàng chườm khăn cho nó. Thấy nó tỉnh, ông reo lên như một đứa trẻ: "Tý! Con tỉnh rồi hả? Trời ơi! Con làm tía lo hết hồn. Từ rày về sau nhớ đừng có đi như vậy nữa nghe".

Nó cảm động rơi nước mắt. Bởi lâu lắm rồi, ngoại trừ nội nó ra, nó chưa từng được đón nhận những tình cảm như vậy. Nó thầm khát khao, mơ ước, giá như ông Sáu chính là cha ruột của nó. Nó còn ước thêm, giá như sau mỗi câu yêu thương, quan tâm, săn sóc, ông Sáu đừng bao giờ kèm theo những lời giáo huấn "từ rày về sau không được thế này, đừng làm thế kia". Được vậy, đời nó sẽ hạnh phúc biết nhường nào.

Trong những ngày nó bệnh, ông Sáu tự tay nấu cháo, đút cho nó từng muỗng. Nó cảm cái tình đó lắm. Tự nhiên nước mắt của nó cứ rớt ra hoài. Giá như nó được nhõng nhẽo, được nũng nịu đòi ông Sáu phải thế này, thế kia. Tỉ như cháo sao mà nhạt, phải thêm vô mấy muỗng đường nữa kìa. Hoặc giả làm bộ như đắng mồm, đắng miệng, cháo đường ăn riết ngán, đòi cho được tô cháo cá lóc. Rồi nó mường tượng ông Sáu lầm lũi đi thả lưới, giăng câu. Cứ thế, nó ước hết điều này lại mơ đến chuyện nọ rồi ngủ thiếp đi trong mộng mị. Tỉnh dậy, nó ngửi thấy mùi cháo cá phảng phất. Ôi chao! Cái mùi hành phi nưng nức lỗ mũi. Mùi thịt con cá đồng luộc vừa chín tới, gỡ ra xào lại cho săn, chế vô chút nước mắm, chưa ăn đã thấy tê tê đầu lưỡi, ngọt thấu tận ruột gan. Nó đang mơ chăng? Tự tay véo vào đùi một cái rõ mạnh, nó thấy đau. Không! Nó không nằm mơ. Choàng mở mắt, nó đã thấy ông Sáu kề bên, trên tay là tô cháo cá đang bốc hơi nghi ngút.

Mấy ngày sau khỏi bệnh, nó thấy ông Sáu không đá động gì. Không lịnh nó đi kiếm củi, cũng chẳng bảo đi xách nước, chuyện công văn, giấy tờ, ông rốt ráo tự lo một mình. Không được làm việc gì, nó cảm thấy ngứa ngáy chân tay, bứt rứt không yên. Bỗng dưng nó thèm được nghe lịnh của ông Sáu quá trời. Lịnh gì cũng được, miễn là được nghe ông lịnh. Kể cả cái lịnh mà nó ghét cay, ghét đắng đến nỗi ghét luôn cả ông: "Tý! Đi vô học bài".

Nhỏ tới giờ, nó chưa từng được đi học. Nay buộc phải ê a đánh vần từng chữ, nó chịu không có thấu. Thói thường hễ chuyện gì không thích, có ép cũng bằng thừa. Nó học được chữ này lại quên mất chữ kia. Ráng cho vô tai này nó lại lén trốn sang tai nọ đi mất. Đã thế, có lần chú Tư Hầu còn dặn nó phải kêu ông Sáu bằng thầy. Ông Sáu mà thầy ư? Không! Không thể!. Dẫu nó cũng biết được mang máng rằng ông Sáu trước đây vốn là một ông giáo làng chuyên gõ đầu bọn trẻ. Một trái đạn pháo mồ côi của giặc rơi trúng giữa nhà, người thân của ông không còn một ai cả. Lang thang, phiêu bạt, ông dạt đến trạm giao liên này. Chú Tư Hầu, anh Chín Liêm và cô Út Thảo nhờ ông mà tính rành con số, đọc được cả nhựt trình. Nó chưa bao giờ thấy chú Tư gọi ông Sáu bằng thầy nhưng anh Chín Liêm và cô Út Thảo thỉnh thoảng có chuyện gì cần nhờ ông giải thích đều một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy nghe có vẻ cung kính lắm. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" gì nó không cần biết. Giải thích với nó cũng như không. Đừng nói tới một chữ, dù ông Sáu có dạy nó hàng trăm chữ đi nữa nó cũng không thể kêu ông Sáu bằng thầy. Bởi trong trí óc non trẻ của nó, ông thầy phải là một người cao lớn, đi giày da, đội nón két, xách cặp táp chớ đâu như ông Sáu chỉ mặc độc mỗi bộ bà ba đen lại còn đi chân đất. Vì thế, lời dặn của chú Tư Hầu, nó lờ đi, chưa bao giờ nó mở miệng kêu ông Sáu một tiếng thầy.

Một tuần nay thằng Tý mắc bám Lộ 4 nắm tình hình để đưa bộ đội vượt qua. Chỉ một tuần thôi, sao mà nó nhớ ông Sáu da diết. Càng nhớ bao nhiêu, nó càng cảm thấy có lỗi với ông Sáu bấy nhiêu. ở với các chú bộ đội, nó được các chú khen quá trời, nào ngoan ngoãn, lễ phép, nào chưa có ai nghe nó văng tục, chửi thề. Càng được khen bao nhiêu, nó càng tiếc bấy nhiêu. Giá nó chịu nghe lời ông Sáu chăm chỉ học chữ, giờ đưa ra khoe, chắc còn được các chú khen nhiều hơn nữa. Nó thầm nghĩ trong lòng lần này về nhất định sẽ cố gắng học hành đâu ra đấy. Học để sau này còn khoe với các chú, học để cho ông Sáu vui lòng.Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa bộ đội vượt qua lô 4 an toàn, nó vội vàng quay ngay về cứ. Dọc đường, khi qua các toạ độ chết, nó không thèm canh giờ suýt chút nữa dính phải pháo bầy. Nó không dính nhưng lại gặp cô Út Thảo cũng trên đường đi công tác về bị dính pháo. Một miếng găm vào đùi, một miếng găm vào bên má làm cô Út Thảo không sao nói được. Gặp nó, cô Út Thảo mừng rối rít, ráng sức lấy tay ra hiệu cho nó. Hiểu ý, nó lấy từ túi dết của cô út một cuốn tập học trò và một cây viết chì. Cô Út Thảo ghi nguệch ngoạc vào đó mấy dòng trao cho nó rồi ngất xỉu.Thằng Tý xoay xoay tờ giấy trên tay nhưng không tài nào đánh vần nổi. Nó vò đầu bứt tai hết nhìn vào tờ giấy lại nhìn sang cô Út. Máu từ vết thương của cô Út Thảo vẫn ri rỉ. Mặc, phải cứu cô Út Thảo trước. Xé đôi chiếc khăn rằn, thằng Tý hì hục băng bó cho cô Út rồi ráng sức cõng cô về trạm quân y của huyện. Tới nơi, bàn giao cô Út Thảo xong, sực nhớ tới cuốn tập, nó nhờ một cô y tá đọc hộ. Trời đất như ngả nghiêng, hai tai nó ù đặc. Nó không thể nghe nhầm: "Cứ bị lộ, địch sắp càn, di chuyển ngay". Hôm qua tới giờ, lại thêm một buổi từ đây về cứ. Không kịp nghỉ ngơi và cũng không kịp chào cô y tá một tiếng, nó nháo nhào lao bắn đi như một mũi tên. Thằng Tý đứng như trời trồng. Cảnh tượng làm đôi mắt nó trừng lên như muốn rách toạc. Mấy cọc lán làm bằng thân trâm bầu vẫn âm ỉ cháy. Đồ đạc tung toé, lỏng chỏng mỗi thứ một nơi. Cạnh nền nhà, xác chú Tư Hầu nằm chúi về phía trước một tay bị đè ấp dưới ngực, một tay vươn về phía trước, bàn tay co quắp như còn nắm một vật gì. Dưới bếp, mâm cơm còn dang dở, lật nghiêng một bên. Cạnh đó, nhiều vết máu loang lổ đã đổi màu đen thẫm. Bầy ruồi thấy động vù vù bay lên rồi ngay tức khắc lại sà xuống.

Cổ họng thằng Tý nghẹn đắng. Nó lao tới bên mâm cơm nhìn quanh quất rồi không còn kìm giữ được, nó vươn cái cổ nghẹn đắng gào lên: "Tía! Tía ơi... ơ... ơi!"

Tiếng thằng Tý loãng ra chìm dần trong tiếng lá cây xào xạc. Vậy là ông Sáu đã bị chúng bắt đi rồi. Chợt mắt thằng Tý nhìn chăm chăm. Từng vệt máu nhỏ dần cách quãng về hướng sau vuông vườn. Lần theo vết máu, nó bật thốt lên: "Khu tử địa!". Mặc cho những cành cây đâm ngang bịt lối, nó cứ ráng bươn về phía trước.

Một vùng đất toang hoác, cây cối gãy đổ ngổn ngang ghìm bước chân thằng Tý lại. Nguyên một tiểu đội thám báo 11 tên, đứa sóng soài, đứa co quắp nằm rải rác bất động. Bước chân thằng Tý mỗi lúc một khuỵu dần. Ông Sáu nằm đó trong bộ bà ba đen rách nát. Đôi mắt ông mở to. Không còn vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc cũng không đượm vẻ nhân hậu, hiền từ. Ánh mắt như toát lên một niềm kiêu hãnh. Đôi môi ông hé mở. Hình như trước lúc chết, ông đã nở một nụ cười. Nỗi ân hận trong lòng thằng Tý mỗi lúc một dâng cao. Nó quỳ thụp xuống chắp tay vái ông Sáu, đủ ba lạy. Xong, tưởng chừng như định đứng lên thì nó lại chồm tới gục vào người ông Sáu ôm chặt lấy thân hình bê bết máu của ông. Đôi vai gầy của nó rung lên nức nở. Và từ cổ họng khô đắng của nó chợt bật lên hai tiếng: "Thầy ơi!"
Đậu Viết Hương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 172
  • Khách viếng thăm: 168
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 21192
  • Tháng hiện tại: 2253742
  • Tổng lượt truy cập: 46220975