Dạy con

Đăng lúc: Thứ hai - 19/01/2009 14:33
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tôi dắt xe đạp vào, bất đồ trợt một cái. Suýt nữa đầu tôi va vào yên xe thì có mà gãy hết răng. Một bên ống quyển rớm máu vì dây xích cứa. Tai hại nhất là một ống quần vấy bẩn. Cái quần màu kem, cái quần vía nhất của tôi đấy trời ơi! Thế là tối nay đành đi dự liên hoan với cái quần cũ đã mạng lại ở đầu gối. Có xấu đến vỡ mặt chưa? Có tức đến vỡ mật chưa?
Tôi giận đùng đùng, toan quát một tiếng cho rung rinh nhà cửa. Nhưng kìa, có tiếng dép của vợ tôi hối hả từ nhà sau lên. Chạy vội như thế, thì ra cô ấy cũng còn quan tâm đến cái sinh mạng quan trọng của tôi ít nhiều chứ! Vợ tôi đỡ chiếc xe, miệng thì xuýt xoa. Không biết thiệt tình hay không?

- Có sao không anh? Thì cũng thằng con anh đó. Nó ăn chuối, rồi xắt vỏ, đổ nước để làm chè. Em bận chưa kịp dọn dẹp mới ra nông nổi. Đau lắm không anh?

Mười phần trăm cơn giận còn sót lại trong tôi chỉ còn đủ cho một cái càu nhàu:

- Nhà cửa gì như cái chuồng, cái chuồng... chó!

Nói xong đã thấy mình vô lý. Ai đâu mà nuôi chó trong chuồng? Lẽ ra nên nói là chuồng trâu, chuồng bò. Còn chuồng heo thì chính xác nhất, nhưng tôi làm gì dám nói, vì cô ấy tuổi Hợi!

Nhớ một lần tôi đã điêu đứng vì cái tuổi Hợi đó rồi. Vợ chồng mới cưới, trưa đi làm về, thấy đồ đạc lung tung, thì ra vợ tôi muốn sắp xếp mọi thứ lại theo ngăn nắp mới. Cái đó thì tôi ngại lắm. Tôi vốn xuất thân là người đi ngủ không rửa chân cũng không sao, quần áo dơ để khô rồi mặc lại cũng xong mà! Tôi làu bàu:

- Em quậy cái nhà xem như cái chuồng heo!

Thế là cô ấy giãy nảy lên rồi nức nở rằng tôi biết cô ấy tuổi Hợi nên cố tình hạ nhục, bảo nơi nào có mặt cô là cái chuồng heo. Tôi hoảng hồn thề thốt luôn miệng rằng không phải, không hề, không chút nào, rằng cái tuổi Hợi chỉ là do ông bà tiên tổ chúng ta đã bày đặt ra để nói lúc uống rượu cho đỡ chua miệng, chứ nếu con người thơm tho đẹp đẽ thế này mà là heo thì hóa ra đời chỉ là cục phân heo thôi.

Tôi nói đến đắng nghét hết mồm miệng mới gọi là tàm tạm êm xuôi nhà cửa. Bắt đầu từ đó tôi sợ chữ chuồng heo luôn, kiêng nó vĩnh viễn chẳng khác các ông học trò ngày xưa kiêng húy các nhà vua. Mà có khi mới nói đến chữ chuồng thôi là tôi đã bàng hoàng như mình vừa suýt cắn nhằm lưỡi.

Ơ, nhưng lúc nãy tôi đang nói chuyện gì nhỉ? Chết thật! Mình có định viết về đề tài chăn nuôi đâu mà cứ quanh đi quẩn lại với mấy cái chuồng. Tôi đang giận thằng quái nhỏ của tôi mà. Mẹ nó lại có thái độ nhỏ nhẻ, nhân nhượng. Chà chà, mấy khi mà được thế, vậy phải cự nự cho ra trò một chút, lấy uy chớ. Tôi gằn giọng:

- Gọi con bò con đó ra đây!

- Suỵt, suỵt! - Vợ tôi nhìn quanh, dớn dác, tôi cũng lo ngại nhìn theo. Nhưng có ai đâu! Thế mà cô ta lại hạ giọng làm như bí mật lắm.

- Em không muốn anh gọi con như thế. Đó không phải là cách dạy con tiến bộ.

Ái chà, thế nữa cơ! Tôi hít một hơi dài lấy sức để nói lớn hơn, thì bỗng bị lôi phăng xuống bếp. Vợ tôi nghiêm trang đưa một ly nước lạnh:

- Anh uống cho bình tĩnh rồi nghe em nói đây!

Cái gì vậy? Ơ hay, tôi có làm gì đâu mà người ta có thái độ như sắp sửa lôi nhau ra tòa để ly dị thế này? Ba ngày nay tôi ngồi ở văn phòng bận tối tăm mặt mũi, chẳng có thì giờ nhìn cô gái nào, nói gì đến cười cợt. Rồi tôi cũng chưa nói động đến bà cô bà dì nào bên vợ. Tại sao phải ngán chớ. Tôi uống phăng ly nước lạt nhách lãng òm. Vợ tôi nói:

- Anh chưa nghe chuyện người cha chửi con trong tạp chí "Chòm sao" của Pháp à? Anh ngồi xuống đi, ngồi gần em này, chút nữa. Em kể anh nghe nhé!

"Một đứa trẻ chơi bẩn quá. Cha nó quát:

- Mày dơ dáy như con heo con. Mày biết con heo con không?

- Biết ba à! Đó là con của con heo nái và con heo nọc".

Tôi giật thót mình. Vợ tôi mỉm cười độ lượng.

- Đúng rồi! Đây là lần thứ hai trên đời mà tôi thấy vợ tôi nói đúng. Lần thứ nhất là lần cô ấy trả lời đồng ý nhận tôi làm chồng. Xin nói rõ, tôi không thắc mắc gì cái từ heo nái. Con vật nào có con lại không gọi là nái. Có gì là xấu đâu!

Còn heo nọc thì tởm lắm. Có một con thỉnh thoảng đi ngang nhà tôi. Hắn thở hồng hộc, lông gáy dựng đứng, cái mõm vúc vắc, hất một cái bên này, quật một cái bên kia, nhớt giải nhồm nhoàm. Thôi, không nên mắng con mình là heo con, dê con gì hết. Con gì chẳng có cha!

Tuy nhiên, tôi mà không mắng con nữa thì cũng khó. Sáng nó thức dậy đã có mẹ bồng, rửa ráy, cho ăn uống rồi mặc quần áo chở đi mẫu giáo. Trưa, chiều cũng thế. Tối thì cũng chính mẹ nó dỗ ngủ bằng ca hát, hoặc kể cho nghe những chuyện vớ vẩn. Nếu thỉnh thoảng tôi không mắng con thì làm sao nó nhớ là trên đời nó hãy còn có cha nữa? Mắng con há chẳng phải là bổn phận và quyền lợi của bậc làm cha mẹ sao?

Nói rộng hơn, cái mắng nhau là tài sản chung. Ai cũng có quyền mắng và cũng có thể bị mắng. Ông giám đốc mắng ông trưởng phòng, ông trưởng phòng mắng ông phó phòng, ông phó phòng mắng tôi, tôi về nhà mắng… con tôi (suýt nữa đã nói bậy, hú hồn). Con tôi mắng con chó, con chó sủa ông giám đốc đi ngang nhà tôi. Đó là sự tuần hoàn nhân quả báo nhãn tiền, một cái chu kỳ khép kín rất ư là quy luật khách quan. Bây giờ, tôi không mắng con tôi nữa, thế cái chu kỳ ấy bị phá vỡ. Thế giới sẽ mất cân bằng, sẽ đảo lộn, thế là nguy to. Biết đâu lại chẳng xảy ra tận thế.

Khổ nỗi, mắng con mà không nhắc đến cái gì hết thì nó kỳ kỳ, chẳng hào hứng chút nào. Tôi ở ngành giáo dục mà. Ngành tôi đã biết bao nhiêu lần hội họp để phê phán việc dạy chay, "không đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng" hoặc dạy "với những dẫn chứng xa rời thực tế”. Thí dụ một: "Mày ở dơ quá!". Trẻ con nó làm sao hiểu thế nào là dơ, đó là mắng… chay. Thí dụ hai: "Mày ở dơ như con bọ hung". Đó là mắng xa rời thực tế. Con tôi nó có thấy con bọ hung bao giờ đâu mà biết dơ hay sạch?

Nhưng mà… à được rồi, đồng ý là khi mắng con không nên so nó với các con vật. Mình chỉ nên so sánh nó với người khác thôi. Thế là ổn, còn hơn cả ổn. Vì ngoài việc mắng con, mình còn được nói xấu người khác nữa. Có điều là vợ tôi ngần ngại mãi. Tôi phải hứa:

- Kìa em, mình chỉ cần tránh nói đến cha mẹ anh chị em đôi bên thôi, đâu có gì rắc rối.

Vợ tôi nhăn nhó mãi rồi mới gật nhẹ đầu. Dường như có cái gì đó gây phân vân, còn phải đắn đo thêm, nhưng phải suy nghĩ nhiều thì nó đau đớn, mệt mỏi cho bộ óc nhỏ bé yêu quý của cô ấy lắm.

Quả thật tôi đã đạt một thắng lợi lớn. Trong cái cam kết không động đến của tôi chỉ có cha mẹ anh chị em thôi. Nghĩa là tôi vẫn có quyền nói đến những bà bác, thím, cô, dì, mợ nhiều vô kể trong họ hàng bên kia. Và với sự đồng ý của cô ấy. Đấy, đấy!

Ngày hôm sau tôi đã có dịp thử phương pháp mới. Tôi đóng lại đôi dép cũ. Bé sà đến bi bô hỏi huyên thuyên. Ba lần tôi nện búa trúng ngón tay cái, hai lần trúng ngón trỏ vì bận trả lời. Tôi nổi nóng gắt:

- Hỏi gì mà dai như ông Sáu Hùng vậy thằng kia?

- Ông Sáu Hùng, ba ơi, là cái gì?

Tôi híp mắt cười rũ rượi. Ông Sáu Hùng là trưởng phòng của tôi, một cán bộ lâu năm rất đạo đức, nguyên tắc vững vàng. Nhưng ông lại lảng tai và hay quên. Mỗi lần báo cáo việc gì với ông là mệt đuối. Ông hỏi lung tung, hỏi rồi lại hỏi nữa. báo cáo đoạn cuối xong, ông lại hỏi đoạn đầu, nhắc đoạn đầu, ông quên phắt phần cuối. Làm việc với ông, nó tức như bị bò đá, sau đó thì kể lại với nhau và rũ ra cười.

Tôi cười đến nôn ruột. Rồi tôi định tả ông Sáu Hùng, cho con tôi nó biết cái kỳ quan thứ chín trên thế giới ấy một chút, thì bỗng vợ tôi tái mặt và nhăn nhó một cách kỳ lạ. Hay là cô ấy trúng gió. Tôi bật dậy để chạy sang gọi mẹ vợ tôi thì lại chạm mũi đúng vào ông Sáu Hùng đang đứng lù lù ở cửa. Tôi hốt hoảng:

- Ơ kìa anh Sáu! Anh đi chơi? Mời anh ngồi! Con khoanh tay dạ bác đi!

Sáu Hùng vuốt đầu bé:

- Ôi cha, bác cảm ơn, con bao nhiêu tuổi, ngoan quá.

Tôi vội vã cắt lời, rồi bắt đầu hỏi han ông ấy đủ thứ, không để ông và thằng nhóc của tôi nói gì cả, nhất là nói với nhau. Tôi đã kịp đo được mức độ nguy hiểm của tình thế rồi. Con tôi nó nhạy miệng lắm. Lỡ nó lặp lại những nhận xét mà nó nghe được ở nhà về ông Sáu Hùng thì có mà bỏ mạng.

Tôi bấn xúc xích lên vì không nhớ mình đã nói gì với vợ con liên quan đến ông trưởng phòng nầy: Cù lần hay ba trợn? Hâm hâm hay lẩm cẩm? Thôi thì chẳng còn cách nào hay hơn là nói một mình, ba hoa xích đế, dìm cả hai bác cháu trong một biển ngôn từ, cho họ cùng tối tăm mặt mũi.

Cuối cùng, tôi nổi một cơn ho ghê gớm. Ông Sáu Hùng nhân đó tranh thủ được ít phút để cáo từ và dặn dò tôi hôm sau đến văn phòng sớm tập hợp vài tài liệu để ông đi hội nghị. Tôi đưa ông ra cửa, hối hả đến độ suýt nữa đã đẩy khách ngã lộn xuống thềm. Rồi trở vào, ngồi phịch xuống thở dốc.

Vợ tôi mang ra ly nước trà nóng và chai thuốc ho:

- Hôm nay, em tai nghe mắt thấy rõ ràng. Thật ông Sáu Hùng nói dài nói dai quá cỡ!

Lại thằng quái nhỏ:

- Nói dai như cái gì hở ba?

- Như thằng cha mầy! - Tôi quát lớn. Nỗi lo âu bực dọc nãy giờ làm thần kinh tôi nhão nhoét hết cả rồi. Vợ tôi bước đến ôm bé vào lòng. Thử cự nự một tiếng coi tôi có làm toáng lên không cho biết. Nhưng cô ấy chỉ lặng lẽ bồng bé sang bà ngoại gửi, khi trở về lại đưa cho tôi hai điếu thuốc có cán nữa. Rồi lấy giọng quan trọng:

- Anh à! Em và gia đình bên này, ai cũng khen anh (cái gì vậy? Coi chừng!). Anh rất giỏi! (rửa chén? Giặt quần áo?). Anh nói điều gì, em càng suy nghĩ càng thấy hay (hề hề) càng thấy thấm thía (hà hà). Anh sâu sắc lắm (khà khà). Lúc nãy, anh chỉ buột miệng rầy con thôi mà cũng có ý nghĩa (chứ sao). Em thấy thôi đừng nói chuyện người khác để dạy con nữa, cứ nói về mình thôi. Anh xem, có cái gương nào, cái điển hình nào rõ ràng cụ thể cho con hơn là cha mẹ nó? Như muốn khuyên con ở sạch, em thường bảo nó: "Con phải kỹ lưỡng sạch sẽ như mẹ đây!"

Tôi thấy cái bẫy ngay (hừ hừ):

- Thế còn ai ở dơ?

- Anh kìa! Dạy con luôn luôn phải dạy nó điều tốt. Để cho nó làm bậy rồi mắng chửi là không đúng. Dù nó có sửa chữa đi nữa thì cũng đã có sẹo vết trong tâm hồn trong trắng của nó rồi. (Cô nói thật không đó?).

Thôi cũng đành vậy, tuy rằng tôi chẳng yên tâm chút nào hết. Cô nói thế mà cô làm khác thì sao? Mới hôm qua đây, rõ ràng tôi nghe cô ấy mắng con ở nhà sau: "Mầy thật giống cha mầy như đúc". Giống cái chỗ nào? Chắc lúc ấy nó nghịch bẩn hay ném bừa đồ dùng ra đất đấy thôi. Chứ nếu nó khôn ngoan, thứ tự thì hẳn nhiên cô thấy nó giống mẹ rồi.

Rồi lại đứa con còn bé luôn luôn lẩn quẩn bên mẹ nhiều hơn. Người ta sẽ có dịp dạy con nhiều hơn. Tôi làm sao kiểm tra để sơ kết xem mỗi ngày thí dụ tốt xấu về cha về mẹ có phân bố đồng đều không. Rủi con tôi nó lớn lên với cái khái niệm là lâu nay nó sống trong gia đình bên cạnh một bà tiên và một con quỉ sứ thì mới làm sao đây?

Đâu có được! Tôi chả dại hơn ai. Tôi cũng có miệng mồm, có đầu óc để dạy con chứ. Và ít nhất tôi cũng có phân nửa quyền hành trong nhà. Tôi phải thủ thế của tôi. Người ta nói năm, tôi phải nói mười để bù lại.

Chúng tôi áp dụng phương pháp mới để dạy con được vài tháng. Hôm ấy, bé sang chơi với bà ngoại và dì út. Nó lấy muỗng chọc vào thau nước rửa chén rồi hắt ra khắp sàn nhà bếp. Dì út bảo mãi không được nên nổi nóng:

- Thằng nầy giống ai mà chơi dơ quá!

Nó đáp tỉnh khô:

- Giống ba đó!

Dì út há hốc mồm ra. Bà ngoại suýt nuốt trọng miếng trầu trong miệng. Bà hớt hải gọi ông ngoại.

- Ông mau xuống nghe cháu ông ăn nói nè! Mới một nhúm tuổi mà đã hỗn hào, giống ai không biết nữa!

Ông ngoại tay cầm tờ báo và đôi kính chạy xuống, vừa kịp nghe bé trả lời:

- Giống mẹ đó!

Vợ chồng tôi được triệu tập sang. Ông ngoại chỉ dỗ sơ ít tiếng là bé khai tuốt tuột là cha nó thế này, mẹ nó thế ấy. Người thì kỳ cục, cộc cằn, cau có. Người thì nói dai, nói dài, nói dại, nói dở. Và còn vô thiên lủng tật xấu khác, chép ba quyển sách cũng chưa hết.

Ông ngoại nhìn bà thở dài:

- Lâu nay tôi tưởng chúng nó là rể là con mình. Ai dè chỉ là ông chẳng lấy bà chuộc.
Lương Hiệu Vui
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 209
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 73754
  • Tháng hiện tại: 2442179
  • Tổng lượt truy cập: 48816306