Chuyện xưa bạn cũ

Đăng lúc: Thứ năm - 26/05/2011 08:29
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Cuộc sống ruộng đồng không làm thay đổi mà ngược lại nước da nắng gió hình như càng tôn thêm nụ cười hiền hiền, ánh mắt nheo vui hóm hỉnh của anh. Ngày xưa, chúng tôi là những cậu trai gặp nhau trong ngôi trường bổ túc công nông ngoài thị xã. Cùng ngồi chung bàn học, cùng nằm chung giường tầng, cùng chia sẻ những bỡ ngỡ của tuổi mới lớn… Anh rủ rỉ kể tôi nghe những chuyện ở quê. Tôi giúp anh giải bài tập, nhắc lại những phần học mà anh còn lơ mơ. Một năm học chung, gần gũi… rồi tôi xa anh, theo ba lên học ở thành phố.

Những năm học ở Liên Xô, rồi công tác ngoài Hà Nội, đi làm nghiên cứu sinh, rồi lại những nhiệm kỳ công tác nước ngoài… Lắm lúc nhớ quê, nhớ tới anh... Nghe nói anh đã về với cuộc sống đồng ruộng… Lần này về quê nhiều ngày, tôi tìm được số máy của anh, hẹn gặp.

Anh ra ngoài lộ đón tôi.

Nhà anh cách thị xã hơn chục cây số. Từ lộ, đi qua hai cây cầu, dọc theo mấy con kênh, mấy bờ mẫu mới vào tới nhà anh trong xóm mát rượi bóng dừa.

…. Anh định khui chai rượu Napoleon. Tôi ngăn anh, cất đi. Tôi xin được hưởng thú quê, uống nước dừa, nhậu rượu đế với canh chua cá lóc, tôm rim nước cốt dừa, mắm me, cháo vịt, cùng nhau nhắc lại chuyện xưa. Anh cười vui, ông đi gần khắp thế giới rồi mà vẫn thú chuyện xưa bạn cũ rượu quê…  Phải thôi, "chuyện xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi…" nhưng chiều nay đẹp trời mà… Mấy chục năm rồi mà ông vẫn như xưa…

…Dưới nếp nhà ngang mái lá mát rượi, có má già tóc bạc ngả lưng trên chiếc võng đòng đưa, có dáng người vợ hiền lui cui trong bếp làm thức ăn và tiếp cháo nóng cho chồng đãi khách, bên chiếc bàn tròn đã cũ, ngồi trên ghế đẩu, có con chó vàng nằm dưới chân… chúng tôi cùng nhắc lại những chuyện năm xưa…

- …Câu cá thì nhiều chuyện lắm nhưng có chuyện này tôi chưa kể, chuyện lần đầu đi câu ngoài sông...

Hồi đó tôi ham chơi, ham câu lắm. Con nít trong xóm đi câu chỉ mang một hai cần, câu chơi thôi. Tôi thì mang cả bó, vừa câu chơi, vừa kiếm ăn.

Có lần thấy mấy người lớn mang cần câu đi ra sông, tôi cũng ôm một bó chạy theo. Theo mấy người lớn ra sông câu, ban đầu nước ròng, sông hẹp, đi chân lội qua được. Đến chỗ mấy người kia cắm câu, tôi cũng cắm theo. Chỗ này lạ, tôi mới tới. Tôi nhắc cần câu liền liền, được 5-6 con cua, mấy con lịch. Ham quá. Lúc nước lớn chảy băng băng trôi luôn cả cần câu vừa cắm, tôi mới  nhìn quanh. Má ơi, mấy người kia đâu rồi. Chẳng còn ai hết. Họ đi về mà sao không gọi mình?

…Tôi vác bó cần câu lội ngược lên phía trên… Băng ngang sông để về, gặp nước lớn, chảy xiết trôi tuột xuống mé dưới, phải  lội ngược lên ngọn trên. Lúc đó ở bờ sông thì lùm bụi ô rô, cóc kèn, mái chèo, dừa nước bịt bùng.…, tôi cứ chẻ ô rô, xé cóc kèn, xé mái chèo mà lội tới… Ngày xưa ở bờ sông chỉ  chỗ nào có đường mòn người ta đã đi rồi, mình đi theo thì còn dễ, chớ không có đường mòn mà phải chẻ đường mà đi thì nó cực vô cùng. Ngày đó tôi còn nhỏ người lắm, cái đầu còn thấp hơn cả bụi mái chèo ven sông, vậy mà vai vẫn ôm bó cần câu, tay còn kéo theo cái giỏ có mấy con cua, con lịch, cứ lội ngược lên phía ngọn sông. Tôi nhỏ nhưng cũng biết, muốn băng sang, phải lên trên ngọn, nước lớn nó đổ xuống thì mình còn tuột dần được xuống cái đích mình định tới, chứ nếu lội ngang thì nó kéo tuột mình ra sông cái, tuột lút xuống họng cống Gò Gừa thì mình chết luôn. Cũng vì mình ở trong sông nhỏ nó quen rồi, ra ngoài kia sông cái sông bự thì sợ, biết đâu mà lần. Đấy là cảm nghĩ của thằng nhỏ 9-10 tuổi, chớ bây giờ mình gần 50 tuổi rồi, nhìn khúc sông hẹp tí nghĩ lại ngày xưa mà mắc cười… nhưng ngẫm kỹ thì nhiều khi muốn chảy nước mắt…

 

…Lúc đó, nhìn lên trời đã tối đen rồi, tôi ôm bó cần câu nhảy hụp xuống sông thì thấy hẫng chân. Nước cuốn tôi băng băng… Lúc ấy nước lớn và xiết lắm, trái dừa vừa rớt xuống trước mặt mà đã trôi tít ra ngoài kia rồi… Nước cuốn tôi trôi lút xuống gần tới ngã ba cầu Đình  là ngã ba họng cống lớn. Nếu trôi tuốt xuống họng cống Gò Gừa thì không thể nào biết được lối mà lên. Tôi cố ghị bó cần câu mà bơi, mà lội… ráng sang bên kia. Ghị… ghị… ráng ghị… ráng… ráng cho tới sang được bên bờ kia. Tôi leo lên bờ, chẻ lá, chẻ đường mái chèo, chẻ đường ô rô mà đi. Trời tối đen. Sợ đủ thứ, sợ trời tối, sợ ma, sợ rái, sợ rắn rết… Bờ sông thì nào ô rô, cóc kèn, nào là mái chèo, bần, mắm, dừa nước um tùm… đâu biết đường mòn chỗ nào, cứ xé lá mà đi… Vậy mà không chịu buông bỏ gì hết, vẫn cứ bó cần câu trên vai, cứ kéo cái giỏ có mấy con cua đi, đến nỗi cái miệng giỏ nó sút mất lúc nào không hay, lúc rờ tới thì mất hai con cua rồi. Trời tối vậy mà tôi còn tính quay lại kiếm, vì tiếc… Nhưng ngoài bờ sông tối om biết kiếm nơi nào. Nước chảy xiết, nên đành phải lội tiếp, hết lội rồi lại bườn đi.

Tôi bò về được tới nhà thì cũng gần 9 giờ tối rồi mà má tôi không hề hay rằng tôi đi đâu, đã về chưa… Nói nào ngay, ngày đó mấy má con tôi cực lắm. Ban ngày má, anh Ba, chị Tư tôi cũng phải đi làm thuê, tối về lớp lo nấu cơm ăn, lớp phải nấu cơm da để kéo rượu bán, còn phải lo giặt quần áo… tối mặt tối mày nên đâu có rảnh mà để ý đến tôi… Ngày đó tôi cũng chơi nhiều lắm, nào đi câu cua, đi đào lịch để có cái ăn, rồi còn đi đổ dế,  đi chơi tối ngày nên má cũng không có thời giờ tâm trí mà lo cho tôi nữa. Vì vậy có những lúc tưởng chừng như tôi chết hoặc xém chết mà bà nào có hay. Như bữa đó, tôi về bỏ cần câu, lục cơm còn để trong bếp ăn rồi đi ngủ. Má tôi nào biết tôi vừa lội sông xém chết mới về…

Má anh nằm trên võng chép miệng lắc đầu, nhắc chừng chúng tôi, ăn cháo cho nóng, chuyện ngày trước thì kể bao giờ cho hết. Rồi chính má lại kể thêm, rằng ngày ấy nhà nghèo lắm, làm tối mặt tối mày đâu có để ý được con nó đi chơi đâu… Mà cũng lạ nghe, thằng này mọi khi nó đâu có hay nói, vậy mà hôm nay có cháu nên nó nói như kể chuyện cổ tích à…

Nghe má anh bảo vậy, anh chỉ cười cười, hai con mắt nheo nheo, hóm hỉnh, vui chuyện…

-… Anh có biết tôi biết uống rượu từ bao giờ không?  Hồi còn nhỏ xíu, mới 10 tuổi thôi. Anh không tin à? Phải thôi, tin sao được. Nhưng để tôi kể anh nghe chuyện này, tin hay không
tùy anh.

Ngày đó nhà tôi chỉ toàn đàn bà con nít, làm lúa, bờ móng bị bể, đắp bờ, gieo mạ gì cũng phải mướn người. Năm đó, má mướn bốn ông trong xóm, và một ông ở xóm ngoài… Ngày xưa khi gieo mạ, xuống giống thì phải cúng thần nông, cúng gà. Ngày đó nhà nghèo lắm, con nít đâu phải lúc nào cũng được ăn gà. Cúng kiếng xong, má tôi giao con gà cho mấy ổng, giao luôn chai rượu, tôi nhớ là chai rượu ngôi sao do nhà kéo và cái ca uống nước để các ông rót rượu nhậu. Mấy ông gieo xong thì xách gà, xách rượu đi lên cái gò hoang, gò ông Tư Lạc, chỗ đó có đất trống, ngồi nhậu. Mình con nít, thiếu ăn, thấy mấy ổng xách gà đi thì chạy theo, thòm thèm… Mấy ổng leo lên gò, mình leo theo, đứng nhìn trân trân…

Một ông thấy mình nhìn, quay qua nói, mày muốn ăn gà không, tao cho mày cái đùi nè, nhưng mày phải uống hết ca rượu mới được. Ngày đó mình mới 10 tuổi, khoái được cái đùi gà chớ có khoái uống rượu đâu, 10 tuổi thì có biết rượu là gì, nghĩ uống rượu thì cũng như uống nước… Mấy ông bẻ đùi gà dứ dứ trước mặt tôi. Mày uống nửa ca rượu này thì cái đùi gà là của mày… Tôi cầm cái đùi gà, cầm ca rượu, uống luôn. Uống xong nửa ca rượu, vừa đưa cho ổng cái ca thì tôi nghẹo luôn ra đất, cái đùi gà cầm trên tay, chưa kịp đưa lên miệng, nghe văng vẳng tiếng cười hi hi khoái chí của mấy ông thợ… Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác rần rật khó tả của lần đầu tiên nốc nửa ca rượu rồi lăn quay không còn biết đất trời
gì nữa.

… Khi tôi tỉnh dậy, trời tối đen, bốn bề vắng lặng như tờ,  chỉ có tiếng dế, tiếng côn trùng kêu lảnh lót… Có lẽ lúc ấy phải 8 giờ tối rồi. Không biết tôi đã nằm đó bao nhiêu lâu. Tôi bị lạnh, nên tỉnh rượu. Nhìn quanh không một bóng người. Mấy ông thợ nhậu xong bỏ về, mặc tôi nằm đó, không gọi dậy. Má tôi xong việc cũng quảy mạ đi về, đâu biết tôi say rượu nằm đó.

Tôi tỉnh dậy thấy một mình giữa gò hoang, có tiếng là nhiều ma, hoảng hồn, vùng dậy kêu má ơi má hỡi, rồi chạy một mạch về nhà, vừa mệt vừa sợ muốn xỉu luôn… Nếu bữa đó tôi không tỉnh dậy, bị cảm lạnh thì chắc chết rồi.

Má tôi cũng đâu hay là tôi bị say rượu nằm ngoài gò hoang… Vậy anh tin là tôi uống rượu từ năm 10 tuổi chưa? Tin rồi thì cụng ly!

… Đã cụng rồi nhưng anh vẫn cầm ly trên tay chưa uống. Ánh mắt anh đượm buồn, nhìn đâu xa vắng… Anh nhấp chừng nửa ly rồi đặt xuống hỏi tôi:

- Anh biết vì sao hai chuyện này bây giờ tôi mới kể với anh không? Trước kia tôi chỉ kể  toàn chuyện vui thời con nít, chuyện đi đổ dế, đá dế, chuyện bắt đuông dừa, chuyện nướng vịt ngoài đồng… Nào phải tôi quên, mà tôi không muốn nhớ tới. Dù nó vẫn âm ỉ trong tôi. Có những điều tôi không hiểu được. Tại sao mấy người lớn lại đối xử với thằng con nít như vậy? Mấy người đi câu bỏ tôi ngoài sông, nếu tôi bị nước lớn cuốn trôi thì họ sẽ nghĩ gì? Rồi mấy người lớn bỏ mặc tôi trên gò Tư Lạc nữa. Sao vậy? Tôi là con nít, họ xí gạt tôi uống rượu, bị say xỉn rồi bỏ lại tôi một mình trên gò hoang. Sao lại đối xử tồi tệ với tôi như vậy? Họ vừa gieo mạ ruộng nhà tôi, vừa mới nhận gà và rượu từ tay má tôi để nhậu… Vậy mà... Nếu tôi cảm lạnh mà chết không biết họ sẽ nghĩ sao?

Anh uống cạn ly rượu, nhìn tôi, khóe mắt long lanh đã hiện lên một chút màu đỏ nhưng vẫn cố nén một hơi thở nặng nhọc.

-… Rồi tôi cũng hiểu. Họ là những người của quốc gia, còn tôi là con Việt cộng. Xí gạt thằng con Việt cộng uống rượu, nếu nó chết thì cũng như cái giẻ rách vứt đi thôi, đếm xỉa gì.

Chuyện thời chiến tranh, quốc gia đối nghịch Việt cộng…, nhưng với đứa con nít lại là người cùng xóm mà đối xử như vậy cũng khó mà lường. Nghe tôi nói vậy, anh lắc đầu. Chuyện trong xóm đã vậy, những người ngoài xóm đối với tôi cũng không hơn gì, có khi còn thậm tệ hơn nữa kìa. Tôi kể chuyện này anh nghe. 

…Tôi cũng không hiểu sao thời đó tôi cứ gặp lính hoài. Ông dượng tôi là phó trưởng ấp ngay sát nhà tôi. Nhà trưởng ấp thì cũng gần nhà phó trưởng ấp. Đó là điểm chấm tọa độ hay vì là ba tôi đi Việt cộng nên nhà ba tôi nó chấm tọa độ. Lần nào hành quân lính cũng đi qua đây. Có lần tôi thấy lính sư đoàn đi, có cái máy PRC25, có cần ăng ten, có hai cái râu rung rung nhún nhảy, tôi khoái, đi theo. Mấy đứa con nít trong xóm cũng đi theo. Nghe nói trong máy, chim sẻ gọi đại bàng, nghe rõ trả lời, tọa độ… tọa độ… Thằng lính mang máy nói nhỏ, nhà trưởng ấp đó mày ơi…

Bữa đó tôi mới đào lịch về, tôi để cuốc, để thùng đó. Trong thùng có 5-6 con lịch lưỡi búa, 2 con lịch vàng to bằng ngón chân… Thấy tôi sình đất lấm lem, bọn lính nó xì xò, thằng này con Việt cộng. Có thằng chỉ tôi, hỏi tôi đi báo Việt cộng mới về chắc? Thế là cả bọn quay sang nhìn tôi.

Một thằng tướng dữ dằn hằm hè hỏi. Mày mới đi báo Việt cộng về hả mày? Tôi vội la lên, không có, không có, tôi đào lịch mới lên, thùng còn kia kìa…

Bọn này có nhiều súng lớn, chắc là lính bảo an, biệt kích gì đây chứ không phải lính nghĩa quân, dù nhỏ tôi cũng biết vậy. Ban đầu nó xách lỗ tai tôi, hằm hè. Nó mới đi báo Việt cộng… Còn tôi thì cứ la lên. Tôi đào lịch mới lên, thùng tôi còn kia kìa. Một thằng  lại coi, bắt 2 con lịch vàng của tôi… Mày báo Việt cộng là chết nghen con. Mẹ mày, lại đây, lại đây…

Đằng trước nhà dượng Bảy tôi có cái đìa. Nó kêu, tôi líu ríu đi theo chứ biết làm sao. Mày đứng đây. Tôi vừa tới, chưa kịp đứng vững thì nó kê luôn khẩu AR15 sát ngay lỗ tai tôi mà bắn. Rầm… rầm… rầm… Nó bắn nguyên một băng, thiếu điều tôi muốn té đái luôn. Nó bắn xuống đìa nguyên băng AR15. Vừa bắn, vừa hằm hè như muốn ăn thịt mình luôn. Bữa đó tôi vừa sợ, vừa tức. Rõ ràng chúng muốn giết chết tôi, để tôi không chết vì đạn thì cũng chết vì sợ. Tức vì nó lấy hai con lịch vàng… Cả mấy đứa con nít ở đó mà nó cứ nhè mình là con Việt cộng mà bắn…            

Hồi nhỏ không biết sao hễ thấy lính là tôi đi theo… Nói nào ngay, tuy là con Việt cộng nhưng lại họ hàng với trưởng ấp và phó trưởng ấp, nhà đó lại có những đứa trẻ cũng trạc tuổi, nên tôi thường đi theo chơi…

Bữa đó tôi đụng đầu với xã trưởng Hai La Công (tên thực nó là Lê Công Hai). Bọn lính nghĩa quân trong làng xù xì. Thằng này là con Việt cộng đó. Xã trưởng Hai La Công cũng nhậu ba xồn ba xực rồi. Nó mới kẹp cổ tôi lôi vô. Mày con Việt cộng hả, mày vô đây, vô đây… Tôi đâu biết ất giáp, đâu kịp phản ứng, mà nói thực cũng đâu dám phản ứng gì, con nít mà. Bữa đó nó lấy khẩu súng tiểu liên hay AR15 tôi cũng không nhớ nữa, kê ngay sát lỗ tai tôi, nó bắn rầm… rầm… rầm… Nó bắn điếc con ráy tôi…, i-ti văng ra nóng cả tai tôi. Nó bắn hết cả thùng đạn, tét cả quài dừa, rụng tan nát không còn một trái… Nửa tháng trời tai tôi không nghe thấy gì hết… Mình là con nít, nhưng là con Việt cộng, nên bọn nó muốn xài kiểu gì thì xài, muốn lấy mình ra mà nạt nộ mà dọa bắn giết cho hả cơn tức giận thế nào cũng được… Thằng lính sư đoàn nó cũng dọa mình, thằng xã trưởng nó cũng lôi mình ra dọa bắn cho hả rượu, cho bõ bực, cho cười chơi. Tôi uất hận, bọn này ỷ thế, ăn hiếp người quá đáng…

Ngay con cái chúng nó cũng coi thường mình, thằng nào muốn trêu ghẹo, muốn chửi mình cũng được. Mình con Việt cộng, nó con lính, nó toàn nói giọng cha, nó hiếp đáp mình. Cũng vì vậy tôi hay đánh lộn, tôi cũng đập lại chúng nó mấy lần để chúng biết mình cũng là thằng chơi được chứ không là
đồ bỏ…

Má anh vẫn nằm trên võng, nói nhỏ. Thôi mà con, thời chiến tranh, nhắc lại làm gì.

Anh rót rượu, chúng tôi cụng ly. Anh cười với tôi:

- Thì lâu gặp bạn cũ nói chuyện xưa mà, chứ má thấy đó, lâu rồi con có bao giờ nhắc
lại đâu.

Cái thằng tôi nhiều lần xuýt chết ngày ấy còn bệnh hoạn liên miên, bệnh nặng tới nỗi bác sĩ chạy, lắc đầu. Nhà thì nghèo mà tôi cứ bệnh, đến mức má tôi không nghĩ rằng tôi có thể
sống được…

Có lẽ tôi trường mạng nên qua khỏi hết.

Nhiều người nghe tôi kể chuyện bảo thằng này nói xạo. Chỉ những người trong cuộc, những người ngày đó đi câu, những người ngày đó uống rượu trên gò Tư Lạc thì biết rằng tôi không nói dóc. Những người ấy… bây giờ kẻ còn người mất. Người đã mất thì tôi vẫn tới viếng đám tang, người còn thì ra đường gặp tôi vẫn chào thưa, bà con mà,  nhưng tuyệt nhiên tôi không hề nhắc lại chuyện xưa. Cảnh vật cũng đổi thay. Bờ sông lau lác, ô rô, cóc kèn thì nay đã quang quẽ, đường ven sông thì chạy được xe gắn máy. Gò hoang Tư Lạc thì người ta cũng ban phá làm ruộng rẫy cả rồi… Cảnh vật xưa chỉ còn trong trí nhớ của thằng bé 9-10 tuổi ngày ấy thôi.

Ấy vậy mà không hiểu sao anh lại thích nghe nên tôi mới kể lại chuyện xưa. Bây giờ cảnh lau lác ấy, bờ sông nước xiết đêm ấy, tiếng côn trùng lảnh lót trên gò hoang Tư Lạc đêm ấy lại sống lại trong tôi, cứ như vừa mới hôm qua. Lạ thật.

- Nào, mình cạn ly này rồi tôi kể tiếp anh nghe.

Anh đi thành phố học rồi, tôi ở lại học ráng  cấp hai, rồi  ráng cũng hết cấp ba. Học ráng, thi tốt nghiệp cũng ráng, rồi cũng đậu ráng. Rồi đi bộ đội, được cho  đi học sĩ quan, nhưng đến mức đó thì phải nói thật là không ráng nổi nữa.

Không rõ ngày trước do mải chơi, mải đá dế, mải câu cua, đào lịch, hay bị lính nó bắn dọa nhiều tới mức điếc đặc cả tai, điếc luôn bộ nhớ, nên học không vô, học trước quên sau…
Tôi quyết định nghỉ, về quê làm ruộng.

Còn tại sao tôi không đi làm công sở mà lại làm ruộng thì… nhiều chuyện lắm…

Nhìn anh đang trầm tư về những năm tuổi thơ vất vả, tôi hỏi vui. Ngày 10 tuổi đã uống nửa ca rượu rồi thì nay 50 tuổi uống bao nhiêu?

- A… Cái này thì lại khác nghe. Má tôi nấu rượu ở nhà, tôi lạ gì rượu, nhưng có uống khi nào đâu. Cái lần uống nửa ca, biết rượu rồi, nên sau nầy tôi lại né… rượu luôn. Gặp anh, vui, uống vài ly nhắc chuyện xưa… chứ đến chỗ uống rượu mà khích nhau thì tôi lại cầm chừng. Mình bị khích rượu từ năm 10 tuổi, biết rồi, mình phải giữ. Người ta ép mình, xô đẩy mình, mình ráng vùng vẫy nhưng mình cũng biết dừng, nên mình trường mạng. Chớ mình biết rồi mà còn lấn tới thì coi chừng đoản mạng đó nghe. Tôi về làm ruộng là tôi muốn giữ mình. Cái bộ nhớ của tôi nó tệ rồi, cái mạch i-xê trong đầu tôi nó nhão, nó bệnh rồi. Tôi hy vọng hai thằng con tôi sẽ khá hơn tôi. Một thằng khá lắm, đang học trường chuyên trên tỉnh đó anh.

- Vậy thì mình cạn ly này chúc cho thằng cháu tiến tới nghe.

Tôi uống rượu cũng nhiều mà cũng được uống nhiều loại rượu. Nhưng ly rượu quê chiều nay với người bạn cũ lại để lại trong tôi dư vị đặc biệt lạ lùng.

-… Ông vừa hỏi tôi, sao không chuyển nhà ra ngoài ven lộ cho tiện đi lại. Ờ, nhiều người cũng hỏi tôi vậy. Ngày trước, hồi lập ấp chiến lược, bên quốc gia cũng dồn ép má tôi ra ngoài ven lộ, nhưng má không chịu ra, vì ba tôi đi hoạt động, vào ấp chiến lược thì làm sao ba về thăm má con tôi. Sau ngày giải phóng, ba cũng bảo má chuyển ra ngoài cho ba đi công tác trên huyện, trên tỉnh về thăm cho tiện. Má bảo ngày trước bom đạn lính tráng đe dọa má còn không đi, bây giờ hòa bình thong thả sao lại phải đi. Vậy là má vẫn ở đây. Anh Ba với thằng Sáu làm việc ngoài thị xã thì ở ngoải. Chị Tư và tôi làm ruộng, thì ở đây với má… Bây giờ ba tôi mất rồi, má tôi để mộ ông ngoài kia, tiện nhang khói …

 

… Anh đưa tôi ra thăm mộ ba anh đặt ngoài ruộng, gần nhà.

Anh châm mấy nén nhang đưa tôi.

Những sợi khói nhang nhẹ nhàng bay lên nhòa lẫn màu khói đang lan rộng ngoài đồng trống… Màn khói gợi trong ký ức xa xôi một đứa bé cũng đang thơ thẩn ngoài lộ đất ngóng mông lung về phía xa nghi ngút khói đồng…

Tôi là người có nhiều may mắn. Tuổi thơ của tôi ít được gần cha mẹ nhưng được các dì bảo bọc chu đáo. Tôi lớn lên được học hành thuận lợi, ưu đãi. Tuổi trẻ của tôi bình yên và thong dong ở các thành phố lớn. Từ thành phố châu Á đến các thành phố châu Âu… Nhưng ngay cả khi lâng lâng trong niềm vui của công tác, của tiện nghi, của tiệc tùng và du lịch… tôi vẫn cảm nhận từ trong sâu xa sự cô đơn vắng vẻ mỗi khi khói chiều bảng lảng mờ ảo trước mắt và nỗi mơ ước đến nao lòng hình dáng thân thiết và hơi ấm yêu thương của đứa trẻ hay tủi thân nhớ má… Giờ đây tôi lại như nghe văng vẳng tiếng gọi thảng thốt má ơi má hỡi của đứa trẻ bên bờ sông tối lạnh lẽo hoang vắng lẫn trong tiếng côn trùng kêu lảnh lót ngày nào…

(Trại sáng tác truyện ngắn TG)
Tháng 10 - 2010

Nguyễn Tri Nha
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 452
  • Khách viếng thăm: 443
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 60196
  • Tháng hiện tại: 2224856
  • Tổng lượt truy cập: 46192089