Chấm điểm và cho điểm...

Đăng lúc: Thứ tư - 09/11/2016 10:34
Vợ chồng thầy Điền và cô Kim Quyên đang giận nhau. Chiến tranh lạnh: không chào hỏi, vô mâm cơm cắm cúi ăn, nói bằng gật và lắc và… điệu bộ. Cậu con trai sáu tuổi hết nhìn ba rồi nhìn má mắt chữ A miệng chữ O. Nó chẳng hiểu sao nhà nó kỳ kỳ? Bằng - tên của nó - học sa sút. Trẻ con mà. Không muốn học. Ngồi trong lớp mà hồn lơ lững đâu đâu. Lời cô giáo mọi khi quyến rũ giờ sao loáng thoáng xa xôi…
Minh họa: Thanh Sơn

Minh họa: Thanh Sơn

Ba ngọn nến không lung linh nữa. Một ngọn lu mờ là u ám cả ba. Trẻ không hiểu nhưng trực cảm nhạy bén lắm. Quyên thương con, yêu chồng. Nhưng cô không thể thỏa hiệp chuyện này. Điền - chồng cô dạy hóa học, thu nhập từ dạy thêm cũng khá. Gấp mấy lần lương chính là cái chắc! Nhận dạy thêm, nâng chất lượng cho học sinh yếu kém phức tạp lăm lắm. Đâu phải vài ba tháng là trò khá lên được đâu? Mà phụ huynh thì muốn có kết quả liền ngay. Bỏ tiền ra xót ruột. Nông dân mần ruộng nuôi mấy con ỉn, thiếu trước hụt sau. Cắn răng cho con học thêm vì lớp dưới nó khá giỏi sao lên lớp lại bị trường mời:

- Em mất căn bản. Vô lớp nghễnh ngãng, không tập trung nghe giảng, không ghi bài. Cô chú ráng nhắc nhở giùm, phối hợp với trường ha?

Nhắc làm sao? Tui thấy nó ngồi học đoàng hoàng, tới buổi cũng đến lớp đúng giờ! Thôi, trăm sự nhờ thầy cô! Học thêm học bớt gì cũng chịu tuốt miễn con tui khá lên, không bị mời tới mời lui. Phiền ghê à cô ơi!

Tụi trẻ thời giờ tinh ranh hơn xưa nhiều! Đóng tiền đầy đủ như có “bảo hiểm điểm số an toàn”, thả sức mà chơi. Vô lớp nhức đầu. Ngoài phố tha hồ bay nhảy. Học cà tang mà vẫn đủ điểm. Thầy nhận tiền rồi có dám chấm điểm không, điểm một hay không hả? Lãng mãn hơi bị hiếm. Còn thực dụng thì trên tài thế hệ trước! Điền lọt vô thế kẹt giống như nhiều giáo viên “nhận sô” khác. Anh chặc lưỡi nghĩ thầm:

- Toét mắt tại bởi hướng đình/ cả làng đều thế, phải mình chi em? Người ta cho điểm “khuyến mãi” được, sao mình lại không?

Và, cứ lâu dần thành vô cảm. Điền như cái xe tuột dốc không phanh…

Ấy mà! Bà vợ của Điền dám phanh, dám phê phán chồng mới tức chứ!

*

 Quyên cản chồng. Từ những lời nhẹ nhàng tế nhị rồi sang dùng “dĩa lớn”, nói thẳng ruột ngựa luôn:

- Anh dạy thêm kiếm chút tiền, em chịu. Vì không làm vậy thì làm gì phù hợp bây giờ? Nhưng nể nang, nâng điểm, “khuyến mãi” như thế mất mặt nhà giáo. Trò nó khinh. Sau này ra đời va chạm, tụi nó nghĩ lại sẽ hận mình đó anh à! Nhà có ba người, hai đầu lương tiềm tiệm. Áp lực quá, anh trả “sô” đi cho nhẹ thân…

Ông chồng  vốn hiền, giờ vạc lại:

- Em ngồi đó mà rao đạo đức, lương tâm! Thời đã thế thế đành phải thế. Thiên hạ sống sao mình theo vậy chớ làm khác người ta chửi cho à? Phụ huynh muốn con lên lớp, tốt nghiệp. Anh ngồi uống cà-phê bị người ta chửi cạnh khé nhức đầu lắm. Em biết không?

- Họ chửi ai? Chửi gì? Làm sao mà chửi? Nhà mình có tranh giành quyền lợi, có hội hè giật nợ ai đâu?

Điền uống ngụm trà, hít hơi thuốc, dằn lòng dịu giọng nói với Quyên:

- Em tối ngày lo lớp chủ nhiệm, thâm cứu bài giảng, gặp trò cá biệt. Về nhà thì bù đầu việc linh tinh nên chẳng biết chi đồn đại ngoài đời! Người ta kháo rằng: “Kim Quyên dữ bà chằn, hăm đuổi học sinh, chấm điểm keo kiệt: toàn ốc vịt, ngỗng quay. Môn văn là cái thá gì chứ? Thời này ai thèm học văn vẻ bông lông mà bày đặt làm khó? Con mẻ đó ai cũng ghét! Cho nghỉ dạy, về xứ đuổi gà là đáng đời! Kim Quyên gì chớ? Cầm quyền, phách lối thì có!”. Thôi, em ạ, nước chảy qua cầu buông đi! Mình ở huyện khác, dân ngụ cư không nên làm mất lòng người ta. Có gì xảy ra, giáo viên tiền ít quyền không. Lập được vạ thì má đã sưng! Nhẫn nhịn đi, đừng cương trực mần chi!

Lời chồng làm Quyên sững sờ như bị sức ép quả bom. Quả bom nổ chấn động tinh thần. Dù cứng cỏi đến đâu cũng sốc, rúng rính, chiêng chao… Cô vô buồng nằm khóc, bỏ cơm chiều... Vậy mà, mình cứ tưởng giáo bất nghiêm sư chi đọa, giữ vững kỷ cương, chấm điểm, đánh giá khách quan, công tâm, bảo vệ công bằng cho học sinh. Em nào chăm chỉ, chuyên cần, thực học thì đạt. Không thì thôi. Nào ngờ chuốc họa. Oan này chẳng thua Thị Kính ngày xưa…Quân tử không hại tiểu nhân. Nhưng tiểu nhân cứ luôn canh me xô quân tử xuống vực thẳm. Cái gì cũng có mầm mống nguyên do…

Hèn chi mấy năm nay, cô cứ dạy khối 10 và 11. Lãnh đạo giải thích:

- Cô vững chuyên môn, chủ nhiệm giỏi. Lớp 10 đầu cấp cần cô…

Té ra, đó chỉ là cách nói lịch sự! Trường không tín nhiệm cô bởi cô “sát trò”! Dư luận lan truyền. Kim Quyên thành giáo viên cá biệt… Cô hiệu phó trước lúc nghỉ hưu dùng từ: “Quyên cá tính”!

Tình vợ chồng đầu gối tay ấp từ đấy rạn nứt. Chiến tranh lặng thầm! Không nói gì với nhau đã là nói rồi đấy! Người mình trông cậy, bảo vệ che lưng lúc sóng gió bão bùng…Giờ cũng nghĩ theo thói thường rồi sao? Chống chếnh và chênh chao. Quyên ăn như mèo ốm, nhai cơm mắc nghẹn như ngậm rơm khô!

***

Quyên sốt cao phải nghỉ dạy một tháng. Cô mơ thấy ba mình hiện về vuốt tóc, lau nước mắt cho con gái cưng. Ba từng dặn: “Mai này con làm cô giáo nhé! Dáng thanh lịch, gương mặt thanh tú và giọng nói truyền cảm, con hợp với nghề ươm mầm đó!”. Quyên lắc đầu: “Không, con thích nghề thời trang hay người mẫu sẽ nhanh nổi tiếng, kiếm nhiều tiền đem về cho ba cơ! Nghề giáo buồn và nghèo. Con thấy mấy cô thầy ốm o chẳng oai phong chi cả ba ơi!”. “Con nghe lời ba đi. Ba chết cũng an lòng. Cô giáo nhẹ nhàng thanh thản. Không cạnh tranh đố kỵ. Con gái cưng của ba sẽ trẻ đẹp lâu hơn”. Nói trẻ đẹp lâu, Quyên chịu liền! Con gái ai chả thích khen trẻ đẹp? Cô bé cười tủm tỉm… Ngờ đâu, mặt hồ mùa thu cũng có ngày nổi sóng! Cô mơ thấy một bờ đê bé nhỏ giữa nước lụt mênh mang. Nó oằn mình chống lụt. Nước tràn vô sẽ tan nát ruộng lúa chín vàng, cuốn trôi làng xóm. Thấp thoáng người không hộ đê mà lợi dụng cơ hội đào khoét đất chân đê tôn cao nhà họ… Sao lại thế nhỉ? Sao nghĩ ngắn ngủi quá vậy! Quyên lay họ. Đáp lại là nụ cười vô cảm. Họ nói bằng mắt: “Thức thời một chút đi! Đừng tưởng mình đẹp mình hay nhá cô!”. Quyên chập chờn mê tỉnh như thế. Thực hay mộng, thánh thiên và ác quỷ đan cài đeo bám não cân cô.

Mấy chục năm theo nghề chẳng lẽ kết thúc thế này sao? Mình sẽ khơi gợi phần thiện trong đồng nghiệp, sẽ nói cho trò hiểu phải, trái. Quyên lại cắp cặp lên lớp tự tin, đĩnh đạc. Phong cách một người đã đối mặt với cái chết, với tận khổ, cực oan. Sáng mùa thu sân trường lá vàng xào xạc. Tất cả mát mẻ, sạch bong như tắm gội vừa xong. Cả lớp đứng dậy chào cô. Mắt học trò trong veo! Một đứa bước lên:

- Em đại diện cho lớp xin lỗi cô những việc trước đây! Cô ơi! Cô tha thứ và mau khỏe để dạy chúng em, cô nhé! Vắng cô mới thấy nhớ giọng đọc thơ truyền cảm…

Những giọt lệ trong veo như ngọc tràn ra từ những tâm hồn tinh khiết!

Quyên đọc được sự chân thành trong tiếng nói và đôi mắt cô nữ sinh 17 tuổi. Cô từ tốn nhỏ nhẹ:

- Cô muốn các em thực sự học và hành. Điểm số chỉ là một kênh đánh giá thôi. Nó là con dao hai lưỡi! Nếu chấm điểm đúng năng lực là tài năng, trách nhiệm, lương tâm của thầy cô, giúp các em soi thấy tầm của mình để tiếp tục phấn đấu đạt mục đích cuối cùng. Khi vô phòng thi cuối cấp mới biết! Nếu cho điểm dễ dãi thì sao các em?

Quyên dừng lại. Thoáng ngập ngừng, một cậu trai đứng dậy, mạnh dạn đáp:

- Cho điểm không đúng thì tụi em khổ thân. Đúng không cô?

- Đúng vậy! Điểm không phải là tiền bạc châu báu chi. Nó như rơm rác, bụi đất, như đường hóa học hay chất gây mùi công nghiệp mà thôi! Mấy năm trước, có một học sinh đem bài kiểm tra cuối năm lên bảo: “Bài cộng dư nửa điểm. Chỉ tròn chín thôi. Em trả lại nửa điểm này không phải của em ạ!”. Đó, trò trung thực và danh dự vậy hiếm lắm! Mong các em noi gương bạn ấy. Thôi, giờ cô trò vô bài Từ ấy của Tố Hữu để xem thế hệ thanh niên đầu XX, họ đốt lòng mình bằng năng lượng ánh sáng gì nhé?

Tối hôm ấy, Quyên ngủ một giấc thật sâu. Ngày mai mình sẽ làm lành với Điền. Trách chi anh ấy chứ? Bị dư luận trêu chọc, bị khiêu khích, bị cái lợi trước mắt vây hãm, ai mà chẳng yếu đuối? Ba mình từng dặn:

- Nghề giáo nề nếp, đạo đức và nhân từ nhất đời đó con! Nghề nào cũng thu hoạch ngay khi đang hành nghề. Còn nghề trồng người thì thu hoạch sau khi đã về hưu. Đó là ân nghĩa gieo trồng mấy chục năm trước…

Những cánh chim hải âu đã bay về. Trò của Quyên sau mấy chục năm bươn chải, nếm đòn cay đắng trường đời đã và đang tìm cô giáo dạy văn để nói lời cảm ơn.

- Cô ơi! Giờ cô cần gì để tụi em mua ạ? Mấy đứa làm thành phố, thu nhập vài trăm triệu mỗi tháng đó cô! Tụi em có bổn phận với cô, đừng ngăn cản tụi em buồn…

- Cô chỉ cần nụ cười và sự thành đạt, hạnh phúc của mấy em mà thôi!

Có đứa gửi lại cái đồng hồ Thụy Sĩ cho cô đeo xem giờ lên lớp… Thôi, cầm tí chút cho tụi nó vui lòng!

Trong số đó có Nguyễn Hồ nghề thẩm phán. Nó hiểu và thương Quyên nhất. Hồ nói:

- Chuyện cô bị hăm dọa, nhắn tin xấu, bị xuyên tạc bôi nhọ, em hiểu và hết sức cảm thông! Em xử đúng có người cũng hăm: “Ê, mày muốn tiền và an toàn cho vợ con hay muốn ăn đá cục thì bảo?”. Em phải cảnh giác và bỏ số điện thoại đó cô! Những kẻ phạm tội, xã hội đen thường vô học, liều lĩnh. Và, ngoài đời, chúng lấn át hiền lương. Chúng lấy tiền và bạo lực làm cứu cánh, giương vây phô trương thiên hạ. Trước công luận hay vành móng ngựa thì gối run cầm cập mà cô!

Chân lý và bảo vệ chân lý phải trả giá. Bản lĩnh và dũng khí, lửa thử vàng là đây. Nguyễn Hồ là người tốt. Đệ tử ruột của Quyên đó. Cô nào trò nấy phải rồi!

Phía trước Kim Quyên là giông bão hay bình minh nắng mật ong? Muốn có vườn hoa thơm thì phải ngày ngày bắt sâu nhổ cỏ, chăm chút. Ai tính được công việc không tên không tuổi cho kẻ trồng người? Không phải tự dưng người ta không ưa cô đâu. Có đứa nói thẳng:

- Khỏi học gì hết! Chỉ cần cô cho năm điểm lên lớp thôi à!

Nói chi giờ? Khi con người tậm tịt như chim cánh cụt, phàm tục đến cùng…

Té ra, sự khác biệt của Kim Quyên và một số đồng nghiệp trong trường là: mưu lợi và không màng tiền bạc, giữa chấm điểm và cho điểm!

Điền lập công chuộc tội bằng nồi cháo gà đất, xanh biếc hành lá xắt nhuyễn.  Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon... Quyên cười rất tươi:

- Cưng của em bữa nay bếp núc khéo quá hé!

Quan điểm sống, vết rạn vỡ như bát ly vỡ đâu dễ liền. Ít nhất là để thẹo! Lòng nhân từ, tha thứ với thời gian sẽ là thuốc bổ của hạnh phúc gia đình. Bé Bằng cũng vui sướng nhảy tưng tưng như vừa đi qua vùng Nam cực giá băng. Cu cậu hát: “Ba ngọn nến lung linh/ Thắp sáng một gia đình”. Điền nổ máy gọi: “Nhanh lên con, ba chở tới trường. Tới giờ rồi nè!”. Cu cậu như anh bộ đội tí hon, phóc lên yên xe, ngồi chễm chệ. Tiếng máy xa dần…Quyên trang điểm, mang áo dài dệt bông sen hồng và trắng. Lại bắt đầu với phấn trắng, bảng đen. Nguyệt quế thơm sâu thanh khiết. Cô hít một hơi đầy lồng ngực, nhanh nhẹn bước khỏi mái nhà bé nhỏ. Một cuộc chiến lại bắt đầu mỗi ngày với tham lam, với đớn hèn, với góc khuất tối trong lòng chính mình.

Ơi con chim Quyên! Kêu vừa thôi nhé! Kẻo máu khô tan nát cõi lòng ta…

Nguyễn Thanh Xuân
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 74)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 225
  • Khách viếng thăm: 222
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 44927
  • Tháng hiện tại: 2277477
  • Tổng lượt truy cập: 46244710