Trăng máu

Đăng lúc: Thứ hai - 18/01/2016 14:22
hình minh họa

hình minh họa

(Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ V - 21015)

Ông trở giấc vào khoảng quá nửa đêm. Ánh sáng trăng mười ba âm lịch chiếu xuyên qua khoảng trống của các song sắt phủ trùm lên người ông đang nằm trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ có khung gắn vào vị trí thấp của bức tường nhà. Hơi nước của cơn mưa đầu đêm hẳn còn vương lại trên các khóm lá quanh nhà và ông ngửi thấy mùi đất hòa quyện với mùi lá ẩm cùng hương của các loài hoa dại nở về đêm. Có bỏ quên rồi đến gần hai mươi lăm năm. Những ngày gần đây ông mới nhớ có sự tồn tại của các mùi hương đồng nội ấy. Bởi kể từ sau những đêm trăng đầy kỷ niệm của mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đã rời bỏ vùng quê tuổi thơ của mình. Từ đó có khi ông cũng bắt gặp những đêm trăng sáng nhưng là ở các thành phố, lúc còn học ở nước ngoài hay sau khi ông về nước làm việc trong một công ty thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Những đêm trăng ấy đối với ông hầu như chỉ là tín hiệu đơn thuần cho sự tuần hoàn ngày - đêm, năm - tháng.
Mấy tháng nay, giấc ngủ của ông luôn bị cắt đoạn, vụn vỡ bởi những hình ảnh tai ương của gia đình ông liên tục hiện về trong các giấc mơ. Hình ảnh cuối cùng của sự kiện đó còn đọng lại và bây giờ theo ông vào giấc ngủ là chiếc ô tô con như một gã say rượu cứ lượn lờ, đánh võng rồi rất nhanh lao xuống vực theo tiếng thét kinh hoàng của người tài xế và gia đình ông. Ông chỉ nhớ đến vậy. Bởi nhiều ngày sau đó, ông nằm mê trong phòng hồi sức - cấp cứu của bệnh viện. Đến khi tỉnh lại thì đám tang của vợ, con ông đã được người ta an bài xong từ nhiều ngày rồi. Vợ con và người tài xế riêng của ông trên chuyến xe đó đều đã chết. Chỉ còn riêng mình ông nhưng những cú va đập mạnh khi chiếc ô tô chạm vào các sườn đèo và các thân cây trong quá trình lao vực để lại hậu quả quá nặng nề trên cơ thể ông. Đôi chân bị liệt do gãy ba đốt sống chèn đứt dây thần kinh tủy vùng thắt lưng. Các xương một bên mặt bị vỡ vụn mà sau phẫu thuật vẫn không thể tái tạo nguyên vẹn như trước, cùng với sự tổn thương dây thần kinh lưỡi - hầu làm gương mặt ông bị biến dạng quá nhiều và giọng nói cũng thay đổi hẳn. Sau tai nạn, ông về luôn ở quê cũng để xa thành phố, nơi có nhiều sự việc gợi ở ông nỗi đau buồn về sự mất mát quá lớn của mình. Nhưng điều đó vô tình đưa ông trở lại một vùng ký ức của hai mươi lăm năm trước. Bây giờ, mỗi khi trở giấc vào những đêm trăng sáng thế này thường làm ông nhớ nhiều đến người con gái đã gắn bó với ông suốt hai năm cuối cùng của bậc phổ thông trung học. Mỗi đêm trăng ở mùa thi của tuổi mười tám, trước khi ông vội vã rời quê, ông và Thu Nguyệt đã bên nhau và họ đã đi vào nhau với nỗi dam mê tột cùng trên một bờ đất vườn với nhiều cây hoa mào gà dại, cạnh khu ruộng lúa đang thời làm đòng vào đêm hé mở các hạt để ngậm sương. Nửa đêm, trăng lên đỉnh trời và trong ánh sáng vằng vặc của nó, ông ngồi dựa vào đám thân cây bụi ngắm gương mặt và đôi ngực trần của người yêu lúc này đang nằm tựa đầu lên đùi của ông. Thu Nguyệt nhìn trăng, cô cứ dùng tay quấn các sợi tóc trước trán vào ngón tay trỏ của mình rồi kéo duỗi ra và liên tục như vậy.

“Hổng biết từ lúc nào, hồi nhỏ lận, mỗi khi nằm không là em hay làm như vậy. Bây

giờ trở thành thói quen mất rồi ” - Cô gái vô tư trả lời khi người yêu thắc mắc. Đó là những đêm trăng cuối cùng mà ông và Thu Nguyệt còn bên nhau. Ông ra đi sau mùa thi tốt nghiệp đó, chỉ để lại những dòng thư ngắn ngủi cho Thu Nguyệt. Cũng từ đó, ông đã vô tình đánh rơi kỷ niệm của những đêm trăng ấy.

* *

Buổi sáng, ông hướng mắt nhìn chiếc kén sâu đang treo dưới thanh đòn tay ngoài cùng của mái ngói hình lục giác lợp trên cái chòi nhỏ, nơi mà trước đây khi còn sống, ba ông vẫn dùng làm nơi trà, rượu cùng những người bạn. Chiếc kén vẫn đang bám một cách chắn chắn cho dù mới đêm qua nó không thoát khỏi những cơn gió giật mạnh trong một trận mưa lớn. Hôm nay, màu kén đã thay đổi nhiều hơn và dường như ông cũng nhìn thấy rõ hơn một sinh vật co mình trong đó đang bước vào vài ngày cuối cùng của chu trình biến thái hoàn toàn, trước khi hoàn thiện cho một cơ thể trưởng thành có khả năng tung cánh một cách vững vàng trong khoảng không. Vào một hôm, ông chợt nhận ra có những bài học về thiên nhiên từ trường phổ thông trước đây mà mãi đến tuổi chuẩn bị về già, con người mới có thể hiểu được các ý nghĩa của nó. Đó là ngày đầu tiên xuất hiện của chiếc kén trên thanh đòn tay đó. Lúc ấy, ông nhẩm tính. Chưa kể đoạn đường từ một ngọn cây nào đó đến chiếc cột bê - tông duy nhất ở giữa chống đỡ mái ngói hình lục giác, con sâu nhỏ bé phải vượt thêm một chặng đường ít nhất năm mét nữa để có thể bò lên cột và di chuyển đến làm kén ở chiếc đòn tay ngoài cùng ấy. Trong hành trình tìm sự sống, nó đã trải qua một đoạn đường quá dài so với cơ thể nó và nhất là quá nguy hiểm. Bởi nó có thể bị kẻ thù và cả con người phát hiện. Hồi phổ thông ông học, tùy theo loài, sâu khi trở thành bướm chỉ có thể sống được từ một đôi tuần đến gần năm. Nhưng để chuẩn bị cho thời gian sống trưởng thành đó, nó bắt buộc đi qua ba giai đoạn trước đó là trứng, sâu, nhộng; với mỗi giai đoạn kéo dài vài ba tuần thật vất vả và nguy hiểm. Một sự chuẩn bị quá công phu và gai góc cho cuộc sống trưởng thành độc lập. Còn ông? - Ông nghĩ - Có lẽ đúng như ai đó đã nói rằng chỉ khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, con người mới có những kiểm nghiệm chính xác về cuộc đời và lối sống của mình. Những ngày này, ông nhận ra rằng cuộc đời ông từ tuổi thơ đến khi bước vào đời đều trong sự bảo bọc và bản thân không phải qua tự lo hay khổ luyện gì. Ba của ông nguyên là một cán bộ lãnh đạo huyện và sau đó lên làm lãnh đạo ở một tỉnh, quá thừa khả năng để lo toan cho việc học hành và sự nghiệp tương lai của ông. Ngay sau khi có kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông, ba của ông đã làm hồ sơ để đứa con trai duy nhất của mình ra nước ngoài du học. về nước sau tám năm ở nước ngoài với tấm bằng tiến sĩ thuộc một chuyên ngành quản lý kinh tế. Rồi nhờ mối quan hệ của cha mình, ông vào làm ở một cơ quan thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Sau thăng tiến dần và trở thành phó giám đốc của một tổng công ty khi chưa đầy bốn mươi tuổi. Công bằng mà nói, kết quả thăng tiến nhanh chóng ấy còn có nguyên nhân từ sự tự nổ lực của ông. Ông có khả năng và hoàn thành rất tốt các công việc mà mình phụ trách do có những kiến thức chuyên môn được tích lũy một cách nghiêm túc thời ông còn du học. Song, trong công việc hàng ngày, ông nhận ra một thực tế là nhiều khi để có thể làm tốt theo ý mình không chỉ có kiến thức chuyên môn, thậm chí có khi những mối quan hệ tế nhị lại trở nên đắc dụng hơn. Rồi ông cũng tích lũy được nhiều điều từ thực tế này. Trong đó có những điều qua ứng dụng dần đã trở thành kỹ năng giúp ông vượt qua sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt giữa những con người không thiếu quyền lực và sự ham muốn vươn lên để có khả năng chi phối người khác. Sự phát triển của bản năng sinh tồn trong một môi trường tranh chấp gay gắt các quyền lợi về kinh tế, địa vị đã hình thành ở ông và nhiều người khác các bản lĩnh cùng thủ đoạn cần thiết cho những cuộc cạnh tranh loại trừ. Ông biết mình có nhiều kẻ thù nhưng ông không ngờ hậu quả xấu của những cuộc cạnh tranh loại trừ đó lại đến với gia đình mình. Mà nó đến một cách quá thảm khốc. Chuyến du lịch Đà Lạt của cả gia đình, nhân kỳ nghỉ hè về nước của đứa con trai ông du học từ nước ngoài, trên đường về đã bị mất thắng xe. Sự việc xảy ra quá nhanh trong tiếng hoảng loạn của người tài xế trẻ: “Không thể tự có sự cố được. Xe mới nhập và cháu cũng vừa đưa đi kiểm tra lại mấy ngày trước chuyến đi này...”. Sau thời gian nằm viện, ông nghe nói công an đang tiến hành điều tra về nguyên nhân gây ra tai nạn đó nhưng ông hiểu rằng như thế đối với ông cũng đã là chấm dứt. Nếu có kẻ gây ra sự cố trên thì họ cũng biết cách để giải quyết êm xuôi hậu quả đó. Kinh nghiệm ứng xử trong quan hệ cạnh tranh thường ngày đã dạy ông điều đó và ông cũng đã từng thực hiện nó. Người ta thì đang lo “chạy việc” bên ngoài kia. Còn ông với tấm thân tàn phế có thể từ đây đến cuối đời thì còn làm được chuyện gì cho ai để qua đó giải quyết việc của mình. Ông chấp nhận “thua cuộc”. Có lẽ cũng nhờ suy nghĩ như vậy mà ông đã có tâm lý khá bình thản khi tiếp nhận thông tin về kết quả làm việc của cơ quan điều tra sau khi tai nạn xảy ra một tháng: “... Xe mất thắng do lỗi kỹ thuật, không có tác động của ngoại lực ...”. Sau khi ra viện, nghe lời của người chị, ông kêu bán cơ ngơi ở thành phố Hồ Chí Minh và chuyển về quê, nơi ngôi nhà này - ngôi nhà của tuổi thơ chị em ông. Nơi mà từ ngày ba má ông qua đời, người chị duy nhất của ông trông coi - để nghỉ dưỡng và tiếp tục điều trị thương tật. Những ngày gần đây, nhiều lần ông suy nghĩ về mối quan hệ nhân - quả. Không biết có phải do ông đã từng có thủ đoạn với nhiều người, hay tại ông trước đây đã phụ bạc Thu Nguyệt nên bây giờ gia đình ông phải chịu sự trừng phạt? Ông lại đưa mắt nhìn chiếc kén ở dưới mái chòi. Có cảm giác như chiếc kén càng lúc càng trong, bóng hơn. Ông lại nhẩm tính. Đã nửa tháng, từ khi chiếc kén bắt đầu xuất hiện trên đó. Như vậy, nếu đúng thời gian của giai đoạn nhộng là kéo dài hai đến ba tuần trong chu kì biến thái của sâu bướm như ông đã được học trước đây, thì không còn bao lâu nữa, nhộng sẽ trở thành bướm và phá kén chui ra ngoài. Trong suy nghĩ đó có sự nôn nóng, chờ đợi của ông. Ông muốn nhìn thấy một chú bướm thật sự trưởng thành, vững vàng bay vào không trung do đã trải qua khổ luyện và chịu đựng thử thách. Chứ không phải như ông được bảo bọc quá nhiều để đến khi vào đời thiếu nền tảng chắc chắn cho cuộc sống tự lập không phải dựa dẫm vào người khác, cũng như khiếm khuyết các bài học về lòng nhân ái ở mối quan hệ ứng xử với con người trong cuộc sống.

Có tiếng bước chân trên những nhánh cây khô bị gãy đổ do trận mưa đêm qua và ông thoáng nhìn thấy dáng của con Lai ở phía hàng rào dâm bụt trước nhà. Lần đầu tiên ông nhìn thấy người đàn bà này vào khoảng ba tháng trước, lúc vừa về đây được mấy ngày. Chiều đó, ông trở giấc ngủ trưa và nghe như có hơi thở lạ cùng cảm giác ai đó đang nhìn mình. Ông ngoái đầu và nhìn thấy gương mặt hốc hác, khó đoán tuổi cùng đôi mắt hoang dại của người đang đứng cạnh cửa sổ nhìn ông. Mái tóc xỏa dài xuống quá bờ vai làm tăng thêm nét ma quái của người phụ nữ đang bên ngoài những chiếc song sắt dưới ánh nắng chiều. Khi đó ông sợ hình ảnh ấy - hình ảnh ma quái của con người ngây dại. Nhưng dần dần ông trở nên quen hơn. Thậm chí đến bây giờ, nhiều lúc trở giấc trong đêm vắng, ông muốn nghe có hơi thở hay tiếng chân ngoài hè của con Lai hoặc ai đó cũng được. Miễn rằng có hơi hám hoặc tiếng chân, tiếng nói của người để ông thoát khỏi cảm giác cô độc trong khoảng tối mênh mông, vắng vẻ. Mấy ngày sau đó, khi ông thắc mắc về sự hiện diện của người phụ nữ lạ trong sân nhà, bà Nghĩa - chị ông - kể: “Chị không biết nó ở đâu nhưng thấy nó cũng đã lâu rồi. Nghe đâu nó khùng từ hồi con gái. Thỉnh thoảng lên cơn cứ lặng lẽ lội đi lang thang như vậy. Tóc xỏa dài đi phất phơ nhìn như ma lai, nên con nít chạy theo chọc ghẹo: “ma lai, ma lai!...”. Riết rồi người ta cũng quen miệng kêu nó là con Lai. Có người biết chuyện nói hồi trẻ nó thương và ăn nằm với ai đó đến có bầu rồi bị ruồng bỏ. Mà con nhỏ cũng gan góc lắm. Sợ người khác biết chuyện, mang tai tiếng rồi gia đinh trách phạt nên lén lội sang bên kia biên giới tìm đến ông, bà thầy lang vườn người Miên nào đó xin thuốc uống phá thai. Thầy lang cho loại lá cây rừng dặn về chia liều nhai nuốt từ từ. Phần thiếu hiểu biết, phần nôn nóng giải quyết nhanh cái thai để gia đình không biết nên khi rời nhà thầy lang, nó cố nhai quá nhiều lá. Trên đường về gần tới nhà bị trục thai và ra huyết phải lội xuống sông để rửa. Vợ chồng ông thợ câu ngồi trên chiếc xuồng nhìn thấy nó bước xuống chiếc cầu bắt gie ra sông nhưng có lẽ vì đuối sức nên nó bị ngất mà nửa dưới cơ thể còn ngâm trong nước. Máu ra hòa đỏ một khoảng sông. May mà họ cứu kịp. Việc nó nhai lá cây quá liều vì nôn nóng phá thai cũng do người ta đoán thôi. Bởi khi được cấp cứu, nó nôn ra rất nhiều xác lá, mà trong chiếc túi nó mang theo cũng còn có mấy nhánh lá rừng đó nữa. Được đưa về gia đình, đến khi tỉnh lại nó trở nên ngây dại và không còn nói được. Người ta bảo do nó ăn phải quá nhiều một loại lá độc. Cũng có thể do trầm uất vì cuối cùng vẫn phải chịu mang tai tiếng, lại thêm đau buồn vì bị phụ tình cùng nỗi ân hận đã giết chết đứa con vừa tượng hình mới đâm ra loạn trí như vậy. Từ đó tới giờ thỉnh thoảng có đi qua vùng này nó hay ghé lại nhà mình. Khi một chút rồi đi, có khi đến vài ba hôm. Cho gì ăn nấy. Nhiều lúc thấy chủ nhà có công việc lặt vặt cũng xúm vô phụ. Rốt cuộc cũng chỉ như một cái bóng. Ai kêu hỏi gì cũng không lên tiếng. Có trêu ghẹo hay đùa giỡn với nó thì nó cũng lặng thinh, chẳng thấy biểu cảm gì. Có lúc trời mưa sợ nó bị lạnh, chị tội nghiệp kêu vô nhà nhưng không chịu. Cứ ngồi co ro trong cái chòi trước nhà mình. Tối có khi cũng nằm ngủ ở đó. Dường như nó đã thích nghi và trở nên miễn nhiễm với thời tiết rồi vậy. Trong túi nó lúc nào cũng có cái lược và cứ thường xuyên lôi ra chải tóc”. Bây giờ, nhìn qua cửa sổ, ông thấy con Lai đang cùng với chị ông thu dọn mấy nhánh cây và quét gom đám lá bị gió quật rơi vương vãi trước sân. Xong việc, một mình, nó đến ngồi trên chiếc băng ghế của cái chòi nước để chải tóc.

* *

Ông lại trở giấc theo chu kỳ của nhịp sinh học mới trên cơ thể và ngước nhìn chiếc đồng hồ trên tường: “bốn giờ kém mười lăm”, vầng trăng rằm ngã về Tây tỏa ánh sáng vằng vặc và ông nhìn thấy thật rõ tất cả các vật bên ngoài trong tầm mắt của mình. Ông chợt nhớ đến cánh đồng lúa đang thời trổ đòng bên cạnh bờ hoa mào gà dại và nghĩ đến Thu Nguyệt, đến những cuộc ân ái của hai người, đến hình ảnh ông ngồi ngắm đôi ngực trần của người yêu lúc cô nằm tựa đầu lên đùi ông sau cơn đam mê trong tâm trạng bồi hồi. Nhiều lúc nằm nhìn trăng thế này ông tự nghĩ: nếu như ba ông trước đây không phải là quan chức và ông được sinh ra trong một gia đình lao động bình thường thì sao? Hẳn sẽ không có cuộc rời quê vội vã để đi ra nước ngoài và ông cũng không có tấm bằng tiến sĩ đó. Sẽ không có một ông phó tổng giám đốc các công ty Nguyễn Minh Trường. Ông cũng đã không phải tham gia vào những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và sự thăng tiến bằng những thủ đoạn. Càng không có tai nạn thảm khốc trên ngọn đèo của vùng núi rừng Đà Lạt làm chết ba người cùng khiến ông bây giờ trở thành phế nhân và là gánh nặng cho người khác. Có thể bây giờ ông chỉ là một nhân viên bình thường của một cơ quan nhà nước, một công ty tư nhân, hoặc cũng chỉ là một anh nông dân của ruộng đồng, đêm về vui với vợ con trên sân trăng trước nhà. Ông ngước nhìn hai khung hình của má và ba ông trên bàn thờ. Người cha đã lo lắng chu toàn cho đứa con trai theo mọi khả năng và cách suy nghĩ của mình. Chỉ còn hai hôm nữa là đến kỳ giỗ của ông cụ. Có vài ngọn gió Tây - Nam nhẹ mang hơi lạnh qua ô cửa thổi vào. Đầu ông hơi nhức. Ông với tay định lấy lọ thuốc và chai nước trên thanh kệ đầu giường nhưng rồi lại thôi. Ông nghĩ có lẽ cũng chỉ là cơn đau đầu bình thường và mình cũng cần chịu đựng một chút để giảm bớt đưa thuốc vào cơ thể. Bởi từ nhiều tháng nay, lượng và loại thuốc tham gia chuyển hóa trong các tế bào cơ thể ông quá thừa rồi. “Cậu lại không ngủ được nữa à?” - Tiếng bà Nghĩa. Bà nhẹ nhàng bước đến đẩy mở và chốt lại cánh cửa vừa bị các cơn gió làm khép lại. Bởi bà biết tính của em trai khi ngủ không muốn đóng kín cửa sổ, nhất là vào những lúc trăng sáng thế này. Bà nói tiếp như để giải tỏa thắc mắc mà bà vừa nhìn thấy trong ánh mắt của em: “Chị dậy sửa soạn để lên chợ mua ít đồ chuẩn bị ngày mốt làm đám giỗ của ba”. Ông biết chị mình đi chợ sớm lúc này còn có lý do khác đổi với bà quan trọng hơn là kịp về để lo bữa sáng cho ông. Nghĩ tới điều này ông lại thấy buồn. Chồng bà Nghĩa đã mất sớm do bị nhiễm trùng máu. Đứa con gái duy nhất có chồng đi ở xa. Khi ông còn làm việc ở thành phố, bà một mình vừa lo cho con gái ăn học, vừa chăm sóc cha mẹ già. Đến khi ba, má ông mất, bà cũng một mình trên mảnh đất hương hỏa này để “có hơi người sống cho ba má đỡ lạnh và cũng để giữ gìn đất đai kỷ niệm của gia đình” như bà nói. Những ngày đơn chiếc đó của chị mình, ông còn đang với hạnh phúc riêng và mãi vướng bận với các cuộc tranh giành chức vị, quyền lực. Bà Nghĩa nói tiếp sau khi nhìn ra ngoài qua cửa sổ: “Con Lai cũng thức và ngồi ngó trăng kia kìa!”. Vậy là con Lai vẫn chưa rời khỏi nhà ông. “À! Nghe mấy đứa trong xóm nói bốn giờ rưởi sáng nay có nguyệt thực hay sao đó. Mà còn có cái gì gọi là trăng máu nữa!”- Lại tiếng của bà. Ông biết trăng máu. Đó là khi mặt trăng chuyển sang màu đỏ hay màu da cam do nó nằm trên cùng một đường thẳng với mặt trời và trái đất. Lúc ấy trái đất nằm ở giữa và khí quyển của nó sẽ hấp thu gần như hoàn toàn các tia ánh sáng mặt trời có bước sóng ngắn chiếu đến. Chỉ có hai tia đỏ và da cam do có bước sóng dài xuyên được qua bầu khí quyển của trái đất, sau đó được hội tụ và chiếu rọi vào mặt trăng khi nó đi qua vùng này tạo nên “trăng máu”. Nếu như trước đây thì hẳn ông sẽ giải thích cho chị mình nhưng bây giờ quả thật rất khó khăn cho ông nếu muốn làm điều đó. Có tiếng đóng cửa của bà Nghĩa và ông nhìn ra ngoài qua cửa sổ. Con Lai đang ngồi chải tóc mà đôi mắt vẫn chăm chú ngó lên trăng. Ông lại nhìn lên chiếc kén đang in bóng trên nền trăng. Trông nó lúc này giống như một vết sẹo nhỏ đen thẩm ghim vào một phía sát bờ cong trên của mặt trăng. Ông lại nghĩ có lẽ chỉ một đôi ngày nữa thôi, ông sẽ nhìn thấy một con bướm rời chiếc kén và tung cánh vào khoảng không một cách mạnh mẽ. Chỉ một lúc sau, ông thấy bóng tối của quả đất có hình vòng cung đã liếm vào mặt trăng và chầm chậm từng lúc, mảng tối đó cứ lớn dần cùng với vùng sáng của mặt trăng càng lúc càng thu nhỏ lại. Mắt của ông vô tình hướng về chiếc băng ghế kê trong cái chòi hình lục giác. Con Lai bây giờ có vẻ như đã mỏi và nó nằm hẳn người trên chiếc băng ghế đó với đôi mắt vẫn đang say đắm nhìn về phía trăng. “Trời ơi!”. Ông thầm kêu lên. Cứ nghĩ mình hoa mắt nên bị ảo giác, ông đưa tay dụi mắt và nhìn lại thật kỹ. Không! Không nhầm lẫn được. Rõ ràng đôi tay của con Lai đang mân mê trên chòm tóc nhỏ trước trán và dáng vẻ nghịch ngợm quấn các sợi tóc vào ngón tay trỏ của nó rồi kéo duỗi ra và cứ lần lượt, liên tục. “Chẳng biết từ lúc nào, mỗi khi nằm không, em hay quấn tóc vào ngón tay như vậy và bây giờ có lẽ đã thành tật rồi”. Câu nói của Thu Nguyệt từ hai mươi lăm năm trước trong một đêm trăng giờ như vang lại thật rõ ràng bên tai ông. Ông thấy người mình như nóng bừng lên trong sự hồi hộp nhiều cảm xúc. Đó đúng là Thu Nguyệt của ông rồi! Vậy mà mấy tháng nay nhiều lần đối diện, cả hai người đều không nhận ra nhau. “Như vậy hổng lẽ...?”. Trong ý nghĩ bất chợt, ông nhớ đến lời kể ở mấy tháng trước của bà Nghĩa. Nếu đúng như vậy thì bào thai đã từng tượng hình trong bụng của Thu Nguyệt rồi bị hủy đi có thể là con ông. “Trời ơi! Sao cay nghiệt như vậy?”. Ông nhoài người về phía cửa sổ, cố gọi: “Nguyệt!”. Bên ngoài, con Lai đang nằm chợt dừng tay với vẻ nghe ngóng. Dường như nó đang nghe tiếng từ chốn hư vô nào đó vọng về. Ông tiếp tục gọi lớn và dài hơn: “Nguyệt! Thu Nguyệt!...”. Lần này thì con Lai đã nghe rõ và định vị chính xác nơi phát ra tiếng gọi ấy. Nó vùng dậy và lao nhanh về phía cửa sổ, đưa tay níu lấy song sắt nhìn vào. “Anh đây! Nguyệt. Trường, Minh Trường đây!...”. Ông cố trườn tới và chìa tay về phía con Lai. Không gian như ngưng đọng một thoáng rồi bất chợt, con Lai ngửa mặt lên bầu trời trong khi đôi tay vẫn níu chặt song sắt và phát ra những âm thanh - những tiếng kêu lần đầu tiên ông nghe từ miệng của nó. Những tiếng kêu như được dồn nén bằng tất cả mọi sức lực còn lại trong cơ thể của con Lai. Dù không rõ đó là tiếng cười hay tiếng khóc nhưng trong những âm thanh rợn người không phân biệt rõ ràng âm tiết ấy, ông nhận ra có sự pha lẫn giữa nỗi oán hờn và sự u uất đến nát lòng. Rồi con Lai im lặng và hướng mắt về ông. Từ đôi mắt hoang dại kia, ông thấy có những giọt nước đang lăn dài. Một bàn tay con Lai lần chạm vào tay ông và ông định nắm chặt bàn tay giá lạnh hơi sương ấy. Chợt có tiếng “hự” lạnh lùng, khắc nghiệt phát ra và ông lại nhìn vào gương mặt của con Lai. Gương mặt ấy bây giờ không chỉ có nước mắt mà còn có cả máu đang từ miệng trào ra. Bàn tay nắm thanh song cửa lỏng dần và bàn tay giá lạnh còn lại của con Lai cũng đang tuột khỏi tay ông cùng cơ thể của nó cũng đang thấp dần xuống.

Ông lại cố nhoài người và thét lên hoảng loạn: “Đ..ừ..n..g!... N..g..u..y..ệ..tL. T..h..u...N..g..u..y..ệ..t!...”. Có tiếng va chạm khô khan vào nền đất phía ngoài và hình ảnh con Lai đã không còn trong tầm mắt của ông. Người ông đang lên cơn sốt và đầu ông trở nên đau nhức dữ dội. Ông thấy mặt trăng bây giờ đã trở nên màu đỏ. Vài sợi mây mỏng chầm chậm và bồng bềnh trôi ngang qua làm ông có cảm giác ánh trăng máu như đang sóng sánh trong làn nước nhấp nhô. Thu Nguyệt đang trôi trong làn nước đó. Những sợi tóc xỏa dài vật vờ, lay động theo sóng rồi quấn vào gương mặt trắng bệch với đôi mắt đờ dại. Máu từ miệng, từ đáy quần của cô lan dần ra pha đỏ cả một khoảng sông. Cũng trong làn nước máu sóng sánh đang hiện trước mắt ông, bập bềnh khi có khi mất, nổi lên gương mặt thời trẻ và cả gương mặt biến dạng của ông bây giờ nữa, lúc nhạt nhòa, lúc rõ rệt. Đầu ông lại như muốn vỡ tung và ngực ông đau tức dữ dội. Ông đưa tay quơ vội về phía thanh kệ đầu giường. Trong cái cảm giác nửa hư nửa thực cuối cùng trong đời, ông mơ màng nghe tiếng rơi lông lốc của những chiếc lọ thuốc lẫn với tiếng va đập mạnh của cánh tay ông xuống mặt giường.

*

Trước khi đưa tay vuốt mắt hai người đã chết để các nhân viên pháp y làm xét nghiệm tử thi, theo hướng mắt của em trai mình, bà Nghĩa nhìn thấy có con bướm vừa phá rách kén chui ra. Nó đang bám vào cái vỏ mà nó vừa thoát xác. Đôi cánh của nó liên tục vẫy nhẹ để tự làm khô và để được vòng tuần hoàn cơ thể bơm máu vào. Lát sau, đôi cánh ấy vẫy mạnh và con bướm bay vào không trung.

Nguyễn Thảo Nguyên (Bến Tre)

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 197
  • Khách viếng thăm: 196
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 42422
  • Tháng hiện tại: 2274972
  • Tổng lượt truy cập: 46242205