Ký ức dần trôi

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 11:19
Những cơn mưa ở núi bị gió giật qua giật lại, màn lưới nước đổi hướng thất thường. Năm nào mưa núi cũng thế làm cho tôi chợt liên tưởng tới sự hỗn loạn đúng quy trình nào đó, một chút buồn vì nghĩ tới vài điều bất thường đang diễn ra quanh mình. Những lúc như vậy con người dễ tìm về ẩn náu trong những miền ký ức xa xưa. Mưa. Ký ức. Một hữu hình, một vô hình lại trở thành cặp đôi, kẻ gợi, người dắt để tâm hồn con người chìm sâu.
Minh hoạ: Thanh Sơn

Minh hoạ: Thanh Sơn

Ở quê tôi, những ngày mưa, người lớn thường kể chuyện cho lũ trẻ nghe lúc quây quần trên bộ ván ngựa. Ông ngoại Lâm của tôi là một trong những người kể chuyện rất hay như thế. Thường là chuyện cổ tích, thỉnh thoảng có xen chuyện rùng rợn và thường được yêu cầu kể đi kể lại. Có câu chuyện về người đàn ông suốt đời đánh xe bò cho nhà địa chủ. Chiếc xe của ông lúc nào cũng được chăm chút cẩn thận, mùa gặt chở lúa, mùa cấy chở mạ, lội ruộng sình cả ngày vậy mà xong việc là xe lại sạch bong, bao nhiêu bùn bám trong dí, trong tum ông cạy rửa bằng hết. Chiếc xe bò bánh gỗ với cặp bò khú gắn với ông làm một, như hình với bóng, ngày nắng cũng như ngày mưa. Trong ngày cưới của mình, ông đánh chiếc xe bò này đi chở cô dâu. Những ồn ào áo xanh giấy đỏ làm cho cặp bò nổi chứng lồng lên, chúng lôi chiếc xe dâu chạy điên chạy khùng vào rừng, người ta càng rượt để giữ xe lại chúng càng lồng lên.  Đến khi chiếc xe bị bẻ ách, gãy dí lật xuống thì cô dâu chú rể cũng trút hơi thở cuối cùng vì một cú văng đập chí mạng vào gốc cây lớn.  Ông qua đời, chiếc xe được chủ sửa lại rồi kê treo lên trong nhà kho, phần vì quý một người làm công hết lòng với công việc phần lại vì không ai dám móc bò đánh chiếc xe ấy đi. Nhiều người đã tận mắt thấy cái điều mà họ cho là do người khuất mặt làm ra. Cứ giữa khuya là hai bánh xe gỗ to nặng có niềng sắt ấy cứ cút kít từ từ, từ từ rồi quay nhanh dần, nhanh dần, bánh xe đang quay vù vù đột ngột dừng kít lại làm rợn tóc gáy, nổi da gà hết những người chứng kiến. Sau này, câu chuyện ấy vẫn còn truyền tai nhưng đã có những người nghi ngờ cho rằng chắc do độ khuyết từ trục và bánh xe không đều nên mới có chuyện đó. Trời khuya có thể không nóng như ban ngày, cây dí gỗ co lại, lòng tum lỏng rộng nên chỉ cần có một cơn gió thoáng là bánh xe quay.

Hôm qua, cũng trời mưa, tôi ghé thăm một người bạn bị hội chứng mất trí nhớ phát sớm, (giới chuyên môn gọi là alzheimer’s), tôi cứ bần thần, xót xa mãi, người từng viết lách như anh mà giờ trong lúc nói chuyện anh cứ hay dừng lại ấm ớ vì quên mất từ cần nói. Có điều lạ là anh cứ hay nhắc chiếc xe bò bánh gỗ ngày xưa của nhà anh. Tôi hình dung ký ức cứ trôi dần hết trong bộ nhớ của anh, cả những ký ức gần nhất, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng lạ một điều là hình ảnh chiếc xe bò ấy và những kỷ niệm về nó lại còn giữ được nguyên vẹn. Anh nhớ chiếc xe bò tuy quên là mình đã nói bao nhiêu lần về chiếc xe bò đang lúc nói chuyện với tôi. Quả thật chiếc xe bò bánh gỗ một thời đã gắn bó với đời sống của người ở nông thôn như chúng tôi.

Hồi còn thơ ấu, trước những chuyển đổi, di dời do thời cuộc, nhà tôi lúc đó chỉ cách con đường xe bò một lẫm lúa và gốc cây chùm ruột lớn, tức mở cửa là thấy đường xe bò. Ngày ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, tôi thường xuyên nghe tiếng cút ca cút kít của những chiếc xe trâu, xe bò bánh gỗ đi ngang qua. Tới mùa đi cắt tranh lợp nhà, hàng đoàn xe bò bánh gỗ từ rừng ra nối đuôi nhau, chiếc nào cũng lù lù những bó tranh lớn, chồng cao gấp đôi những cây ngàm hai bên thân xe.  Có chiếc còn chất tranh nhô ra đằng trước, người đánh xe phải ngồi vắt vẻo trên thanh chà rẹc (hai thanh gỗ lớn cố định hai đầu dí), tay nắm hai đầu dây mũi, miệng hô “tá”, “dí” liên tục để điều khiển cặp bò đi đúng đường. Những người đi cắt tranh thường rủ nhau đi từng đoàn vì phải ở lại trong rừng cho tới khi cắt được đầy xe thì mới cùng nhau về. Mùa muối hột thì hàng đoàn xe bán muối của diêm dân đi ngược từ hướng biển vào, tiếng rao chốc chốc lại cất lên lanh lảnh át tiếng cót két cọt kẹt “kêu khóc” của những trục bánh xe bằng gỗ. Nhất là mùa gặt, xe chở lúa bó nối đuôi nhau từ cánh đồng về làng, chiếc nào cũng vàng ươm, cũng đầy vun. Thời ấy, chưa có máy tuốt lúa, người ta chở lúa bó về sân nhà rồi dắt cặp trâu hoặc bò đi vòng tròn dẫm lên cho đến khi xong một nhã lúa, rơm ra đằng rơm, lúa ra đằng lúa mới thôi. Cả làng rộn ràng từ đầu trên đến ngõ dưới trong những ngày đạp lúa, dê lúa, sảy lúa, phơi lúa, cho lúa vào lẫm cất... Ấy là những năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trời nắng chang chang cũng có những chiếc xe bánh gỗ bươn bươn trên đường. Trời mưa tầm tã cũng có những chiếc xe bánh gỗ lầm lũi, chậm chạp trườn đi trên con đường có hai sống đất cong queo ấy. Con đường xưa, cái lối đi cũ ấy đã trở thành một phần ký ức của tôi, một mảng ký ức luôn nhắc nhở mình là người nhà quê chân chất.

Năm tuổi, má gửi tôi học lớp khai tâm do cậu Hai tôi mở dạy, ngày nào tôi cũng phải đi trên con đường xe bò và vượt qua chiếc cầu gỗ để sang nhà cậu. Lúc đó, việc đi tránh hoặc đi theo những chiếc xe bò trên đường là chuyện dễ dàng vì thường xe bò bánh gỗ di chuyển chậm chạp lắm. Có những bạn nghịch ngợm còn đu theo xe một đoạn dài rồi cùng một hai ba nhảy xuống, cùng té lộn cuội và cùng cười như nắc nẻ. Năm thì mười họa mới có cặp bò chứng lôi xe chạy ào ào làm bọn học trò nhỏ chúng tôi mất hồn mất vía dạt chạy núp vội vào đâu đó bên đường, mặt đứa nào đứa nấy xanh mét, có đứa run sợ đến đái ướt cả quần.

Quê tôi phổ biến là loại xe bánh gỗ lớn, đường kính bánh xe phải cỡ gần hai sải tay người lớn, có vòng sắt xung quanh gọi là niềng, phần trước xe có hai thanh gỗ lớn giao đầu nối vào thùng xe thành hình tam giác gọi là đòn cu. Bắt ngang đòn cu là ách có dây nài để choàng vào cổ hai con trâu hoặc hai con bò kéo. Có những cặp bò hoặc trâu khôn biết quỳ xuống cho chủ gác ách lên dễ hơn khi xe chất hàng quá nặng. Hai bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe phải làm bằng gỗ tốt là bánh xe và cây dí (cốt), bánh xe thường được làm bằng gỗ căm xe hoặc giáng hương, dí xe thường làm bằng thân cây sầm. Khi xe dừng lại, bò hoặc trâu được mở ra để ăn cỏ, uống nước thì hai cây tó bắt tréo treo sẵn trước đầu đòn cu sẽ hạ xuống khỏi dây móc để chống xe. Ông Bảy Xe ở xóm tôi là người thợ làm xe bò một thời, có thể nói ông là tay nghề đa năng, vừa là một thợ mộc giỏi, một thợ tiện giỏi lại vừa là thợ rèn giỏi. Vì bánh xe có niềng sắt bao quanh bên ngoài, mà hồi đó hàn sắt bằng lò rèn nên phải tay nghề rất cao mới làm được. Bọn học trò nhỏ chúng tôi thích lấp ló bờ rào nhà ông để xem cái lò rèn có hai ống gỗ tròn và một người ngồi trên cao nắm hai đầu cây thụt thụt cho lửa than cháy rực lên. Một thanh sắt dài dần dần được uốn cong tròn lại bằng cái búa nhịp nhàng trên tay ông. Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, ông Bảy qua đời, nghề làm xe bò của xã, của làng không còn ai. Sau đó, người ta chuyển lần sang xe bò bánh hơi. Đòn cu được cải tiến thành hai thanh gỗ hai bên, ách xe chuyển thành một cây vồng lên ở giữa để cho một con bò kéo. Dây nài thường được làm từ da trâu hoặc dây rừng bện được thay bằng dây dù bẹ. Rồi xe bò cũng ít dần đi nhường chỗ cho xe cải tiến, xe tải...

Lại nói chuyện anh bạn bị alzheimer’s của tôi. Chiếc xe bò bánh gỗ cũ kỹ để ở góc cái lẫm chứa lúa cũng cũ kỹ của nhà anh được một người làm resort hỏi mua về trang trí, chị gái đã đồng ý bán. Về nhà, không thấy cái xe bò bánh gỗ, anh đã lồng lộn đi tìm, biết đã bán rồi, anh gục xuống khóc tỉ ti như trẻ nhỏ cả ngày hôm đó. Chiếc xe ấy là vật kỷ niệm còn lại của ba anh. Mỗi lần ra vườn nhìn nó anh như đang thấy lại hình ảnh lam lũ, cái lưng khom khom và cái nón mê lấp mặt của ba. Mỗi lần nhìn nó anh lại nhớ như in cảnh hai ba con vật lộn với chiếc xe chở đầy lúa bó mà lại bị gãy dí, một bánh xe bị hất chạng ra, lún nghiêng xuống sình mà trời thì mưa tầm tã. Ba và anh phải tốc gần hết số lúa bó ấy xuống, hì hụi gần hết cơn mưa mới thay dí xong. Hai ba con chân tay mặt mũi lấm lem bùn sình, người run lẩy bẩy khi chở được xe lúa về tới sân nhà...

Hầu hết những nhà làm ruộng, làm rẫy nuôi bò trâu ngoài việc dùng kéo cày, bừa còn dùng để kéo xe. Nhà nào cũng có một chiếc xe bò hoặc  xe trâu như thế để vận chuyển nông sản, phân bón và các vật linh tinh khác. Vì vậy mà chiếc xe bò bánh gỗ một thời gắn bó mật thiết với đời sống của người dân quê, là gia sản quan trọng, là vật dụng mang nhiều kỷ niệm, chất chứa nhiều tình cảm qua nhiều thế hệ của người dân miệt vườn, miệt ruộng.

Những cơn mưa núi loạn hướng, thất thường vậy mà nó lại thường làm cho người ta nhớ, thường gợi lên điều gì đó vốn mông lung trong tâm trí người. Bây giờ, chúng tôi không còn trẻ nữa, những đứa bé đu xe bò đi học ngày nào nay đã hai màu tóc trên đầu, thỉnh thoảng có dịp ngồi lại với nhau cứ nhắc: “Năm năm, sáu tháng, bảy ngày”, tức có dự định gì đó thì cũng phải tính nhanh theo từng hạng tuổi, tới hàng 7x thì ngủ dậy mở mắt đón một ngày mới đã phải cảm ơn trời đất, cảm ơn cuộc đời. Những vòng quay bánh xe gỗ cứ cút kít quay đều từ quá khứ đến hiện tại, từ con đường đầy sống đất trước nhà đến những bước chân lưu lạc ngay trên quê mình, từ tiếng khóc ngỡ ngàng chào đời đến nụ cười mãn nguyện khi nhắm mắt. Còn nhớ đến làng quê mình sinh ra, mình lớn khôn, còn biết mình là ai trên cõi đời này, còn nhớ, còn ý thức về nó, thời gian và những vòng quay bánh gỗ ấy, đã là thương lắm rồi.

Nguyễn Hiệp
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 234
  • Khách viếng thăm: 232
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 51113
  • Tháng hiện tại: 2283663
  • Tổng lượt truy cập: 46250896