Dời cưới" trong mùa dịch

Đăng lúc: Thứ năm - 21/05/2020 13:43
Trời nắng chang chang. Nước dưới con rạch trước nhà cạn đáy trơ ra những vạt bùn xam xám như trêu chọc, thách thức người dân xóm biển này. Mấy cây phi lao, cây dương nằm cạnh mé biển giờ vàng cháy thảm hại vì nước mặn cứ chao đảo như đang cầu xin đấng vô hình dang tay cứu rỗi. Xa xa là mấy chiếc tàu to đùng đang chiết nước ngọt vào những chiếc can nhựa cho hàng trăm người dân đang “khát nước”.
 Trong căn nhà ba gian hù hù gió lộng, mười mấy con người lặng im như thóc không nói một lời. Ấm trà nóng mới pha đã nguội lạnh từ lâu. Dĩa bánh in thơm phức cũng không ai đếm xỉa tới vẫn còn nguyên.

- Bây giờ ý anh tính sao? Tiếng ông Ba Tẻo hỏi nhỏ.

- Tui là đàng trai, sao cũng được. Miễn sao đừng làm cho xấp nhỏ buồn là được. Tội quá. Cả đời mới có một lần, vậy mà giờ phải dời tới, dời lui tại mấy cái con “cô dít” tào lao kia. Bởi vậy tui với anh “tiến thoái lưỡng nan”. Làm thì “ớn” dịch “bịnh”, còn “dời” thì lu xu bu lắm. Mình là “đờn ông” thì sao cũng được, chỉ “ngán” mấy “bả” bàn tới bàn lui rồi đổi ý thì “chết cả đám”. Ông Hai Tỏ trả lời kèm theo tiếng thở dài thườn thượt.

- Bởi vậy, bữa nay tui mới mời anh chị sui qua đây bàn vụ “dời” đám cưới cho thằng Liêm với con Thư đây.

- Tui hổng có chịu dời đâu nghe. “có huông” rồi xui lắm đó. Con gái mà bị dời đám cưới người ta dị nghị từa lừa rồi mang tai, mang tiếng. Dịch bệnh ở bên Tây, bên Mỹ hay ở ngoài Hà Nội chớ xứ biển “hóc bà tó” này có ai “bịnh hoạn” gì đâu mà ngán chớ. Vậy đi. Tiếng bà Hai Tỏ xẳng lè.

- Bà thì có cái tật ông ống cái miệng. Hứ. Để từ từ mình “tính tán” sao cho hợp tình, hợp lý đôi bên. Ông Hai Tỏ nói lớn rồi nhìn vợ mình với đôi mắt trách móc.

Thấy cái “vó” giận dữ của chồng, bà Hai Tỏ im ru rồi đưa mắt nhìn về phía biển. Nói thì có nói vậy thôi chớ mấy ngày nay, xóm này ai cũng “quợn” cái vụ dịch bệnh lây lan khắp nơi. Ban đầu ra đường thấy ai bịt khẩu trang thì bà cũng nguýt hái dè bỉu bởi cho rằng làm chi vậy cho nó ngột ngạt, lu bu. Vậy mà mấy ngày nay mỗi đêm ngồi coi vô tuyến, bà chột dạ quá chừng. Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Bên Mỹ, bên Anh gì đó văn minh hiện đại gấp mấy mươi lần nước mình mà người ta chết như rơm rạ sau mùa gặt bởi họ xem thường cái đám “cô vít, cô véo” gì đó. Vậy thì hổng chừng trời xui đất khiến cái đám “di rút” ác ôn kia chạy về xứ biển này thì “bà nội cũng đội chuối khô”. Vậy là mỗi khi đi chợ “chồm hổm” ở đầu xóm lưới này, bà cũng đeo khẩu trang kín mít mặt mày như mấy nữ tài tử “nin da, nin thịt”. Vậy cho chắc cú. Bà nhủ lòng.

Vậy nhưng cái chuyện “dời” đám cưới con Thư, bà cứ tính tới, tính lui hoài. Ngày cưới đã tính rồi, thiệp cưới cũng đã in xong. Mấy con heo trong chuồng ú nu ú núc đang chờ làm thịt đãi khách. Đám gà, vịt với 2 con bò cũng được bà nuôi “thúc” để kịp làm đám cưới. Vậy mà đùng một cái, thằng Liêm qua òn ỉ xin dời đám cưới bởi nó xung phong đi chống “cô vít” ở mấy cái trại “tập trung” người mắc bệnh. Bà xẳng giọng:

- Tổng thống còn có người thay. “Không có mợ thì chợ vẫn đông”. Hổng có bây thì nhà nước kiếm người khác thay thế. Mắc mớ gì mà xung phong vô mấy cái chỗ chết người đó chớ. Bộ bây tính làm chuyện “anh hùng cứu mỹ nhơn” hả? Tao nói rồi đó. Bây mà đi thì chuyện đám cưới kể như “huề vốn”. Con tao, tao tính nhưng không đời nào đi gả cho bây, cái người ngang tàng, gàn bướng. Hứ... hứ...

- Má. Chuyện đâu còn có đó. Anh Liêm đi làm nhiệm vụ cứu người chớ có làm gì không phải mà má hờn, má trách. Xong dịch bệnh thì làm đám cưới cũng được mà. Quan trọng là con với ảnh thương nhau, hiểu nhau.

- Khỏi. Tao đã đầu 2 thứ tóc khỏi cần bây dạy đời. Chuyện bệnh hoạn có nhà nước lo. Mình mắc mớ gì mà lo “chiện” bao đồng. Với lại mình còn lo cái chuyện quan trọng cả đời chỉ có một lần. Hứ... vừa nói, bà Hai Tỏ với lấy cái nón lá rồi ngoe nguẩy bỏ đi một nước.

Ngồi uống ly nước trà đá với bà Năm E cho nguôi giận, bất chợt bà Hai Tỏ nhìn lên cái truyền hình bự chà bá lữa đang phát chương trình thời sự, trong đó có thông tin nhiều đôi trai gái đã chấp nhận “dời” đám cưới để tập trung chống dịch. Bà chợt giật mình: Ủa người ta làm được sao “nhẹ xờn” còn mình cớ sao làm không được vậy cà? Tía má của nhiều xấp nhỏ cười toe toét trên “ti di” khi bắt tay nhau cùng “dời” đám cưới thấy phát ghét quá trớn.

- Chị đang nhớ “ông Hai Tỏ” hay sao mà “đơ như cây cơ” của mấy cha thụt banh da vậy? Tiếng bà Năm E trêu chọc.

- Nhớ với nhung. Tui già như trái cà rồi, ở đó mà nhớ, mà nhung. Tui...tui...

- Tui sao? Đang nói ngon trớn tự dưng “á khẩu” vậy?

- Tui đang “si nghĩ” về cái chuyện đám cưới của thằng Liêm với con Thư nhà tui. Bà Hai Tỏ buông tiếng thở dài.

- Nghĩ với ngợi. Người ta đang dầu sôi lửa bỏng xúm nhau chống dịch bệnh. Chị nghĩ coi, năm nay nắng hạn cháy ruộng, cháy lúa từa lưa rồi nước mặn ngoài biển ùa về mặn thấy mụ nội, lúa chết, trâu bò, gà vịt cũng “ngáp ngáp”, nước uống còn kiếm hổng ra, vậy tui hỏi chị lòng dạ vui sướng gì để đi đám cưới chớ. Gặp trường hợp như chị, người ta mời đám cưới chị đi hôn?

- Tui... tui...

- Tui, tui cái gì. Nhà nước khuyến khích mình đừng tổ chức, đi lại chỗ đông người. Đi đám cưới hổng lẽ ngồi đeo khẩu trang kín mít rồi làm sao ăn uống. Đó là chưa kể, lột khẩu trang “tám” chuyện bá láp, ba xàm với nhau thì coi chừng mấy con “vi rút” nó nhảy qua mình thì “lạy ông Tám về sớm” đó nghe.

- Giờ theo chị tính “tán” sao đây?

- Thì “dời” chớ sao. Đâu còn có đó. Có chết thằng Tây, thằng Mỹ nào đâu. Hết dịch rồi thì mình “mần” đám cưới cho xấp nhỏ, vừa ăn mừng có thêm anh chị sui, có thêm thằng rể quý lại vừa mừng bà con hết lo dịch, hết lo nắng nôi, hạn mặn. Tới đó đám cưới sẽ “sung” cho mà coi.

Nãy giờ nghe bà Năm E nói mà bà thấy ưng cái bụng lắm rồi. Thiệt tình mà nói thấy người ta thất mùa vì hạn mặn, chạy đôn chạy đáo lo phòng ngừa dịch bệnh bà có vui sướng gì đâu. Chỉ lo là lo lời ra tiếng vô sợ “mất duyên” con Thư vậy thôi. Giờ thì khác rồi, thôi từ từ rồi cưới cũng có sao. Bà con chòm xóm chắc cũng đồng tình với mình thôi. Tình hình khó khăn chung mà.

Bữa nay qua nhà “anh sui” tương lai, bà làm bộ, làm tịch hổng chịu dời đám cưới để lấy oai vậy thôi chớ bụng dạ bà đâu còn ham muốn gì làm đám cưới lúc này. Mời người ta hổng đi thì kẹt cho họ lắm, chòm xóm với nhau mà. Còn có đi mà hồn vía để đâu đâu, khẩu trang đeo kín mặt mày thì ăn nói làm sao. Còn gởi tiền cưới rồi về liền không dự tiệc thì còn kỳ ác. Bởi vậy khi nghe ông Hai Tỏ rầy mình, bà bắt trớn nói luôn:

- Thì tui lo cho xấp nhỏ vậy thôi. Chớ thấy tình hình dịch bệnh “mửng” này hơi “căng ta lông” quá trớn. Thôi mình “tạm dừng” đám cưới vài tháng rồi hạ hồi phân giải nghe anh chị sui.

- Trời đất! “Dời” đám cưới mà bà nói “tạm dừng” giống mấy thằng cha đá banh quá trời, quá đất. Vậy là bà “nhứt trí” phải hôn?

- Thì vậy đi. Mà thằng Liêm, con Thư nãy giờ trốn đâu mất rồi, ra đây tao dặn mấy “chiện” coi. Bà Hai Tỏ kêu lớn.

Từ trong phía bếp, cả hai đồng loạt bước ra với nụ cười rạng rỡ bởi từ nãy đến giờ họ đã nghe và biết tất cả mọi việc.

- Nè. Chừng nào bây đi vô trại tập trung gì đó, nhớ ghé tao đem vài chục cái bánh lá dừa nhưn chuối cùng mấy đòn bánh tét vô để anh em trực ăn cho vui. Tao thấy thương mấy người đó quá trời. Vừa khổ cực, vừa nguy hiểm mà họ cứ cười tươi như hoa. Tao thấy ngưỡng mộ quá trớn.

- Vậy sao hồi trước anh Liêm xin dời đám cưới để vô “trỏng” má hổng chịu? Thư nói rất vui.

- Thì tao lo cho nó nên mới làm núng, làm nẩy vậy thôi. Giờ thì nhứt trí thôi. Chừng đám cưới tụi bây tao mời hết cái xóm biển này chơi đờn ca tài tử 3 ngày mới “sung”. Thôi hai đứa bây ra mé biển tiếp bà con mình hứng nước ngọt về xài đi. Nắng quá trời may nhờ có mấy chú bộ đội đem tàu xuống đây cho nước nên bà con mình bớt khổ. Mà mấy ngày nay, tao thấy nhiều ca sĩ, diễn viên tới đây tặng thùng chứa nước, cho máy lọc nước rồi tặng nhiều quà nữa chớ. Tội nghiệp mấy cô, mấy chú đó quá. Nghe bà con xứ mình hết nước nên mau mau xuống đây giúp đỡ. Vậy mới phải chớ.

Dòng người lấy nước ngọt ngày một đông dần lên. Xa xa những đợt thủy triều cứ nối đuôi nhau chạy vô đất liền phát ra những tiếng kêu ầm ập. Tất cả hạn, mặn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh chết người rồi cũng sẽ lui vào quá khứ. Bà 2 Tỏ đang mường tượng cái ngày đám cưới thật vui trên xứ biển, bà sẽ xung phong song ca cùng anh sui nhà trai bài vọng cổ “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” hay “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”; 2 cái bản “ruột” mà bà đã từng cùng ông 3 Tẻo đi biểu diễn khắp nơi khi cả hai còn tuổi thanh xuân.

Trương Thanh Liêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 97)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 421
  • Khách viếng thăm: 415
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 56700
  • Tháng hiện tại: 1805600
  • Tổng lượt truy cập: 48179727