Di truyền

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/01/2016 14:09
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần V-2015)

- Rốt cuộc ai là ông nội của con, ba?

Câu chất vấn của Khải, cũng như nhiều lần khác lại rơi vào im lặng. Sự im lặng khó hiểu của một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản. Vậy mà ông Thân vẫn luôn để nó trở thành một bí mật trước mặt con. Ông không biết hay ông giấu? Mà giấu làm gì một sự thật không có nguy cơ làm... rung chuyển thế giới? Khải luôn nghiêng về vế thứ nhất. Vậy thì lạ thật! Người không biết về thân thế của mình trong xã hội tồn tại không nhiều, mà nếu lỡ có rơi vào thiểu số đó thì ít ra ông cũng biết loáng thoáng, đại loại. Đằng này... Khải lặp lại câu hỏi trên lần thứ hai trong buổi trò chuyện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Thân bưng ly trà đậm, hớp nhẹ.

- Chừng nào con đi? Tiền học phí có lên xuống gì không?

Khải nhăn mặt khó chịu trước sự“đánh trống lãng” của ba. Nhưng biết là không thể cạy miệng ông trong những thời điểm ông trầm tư thế này, đành nuốt buồn chờ cơ hội tìm một “kênh” khác để tìm hiểu.

- Dạ chiều con đi, ba. Chuẩn bị tài liệu đểđi thực tập làm luận văn tốt nghiệp nên áp lực lắm. À, giá cả trái cây lúc này sao ba?

- Mẹ bà nó, lên xuống bất thường như cái thằng già sáu mươi tuổi. Mới tuần rồi chôm chôm Thái gần ba chục ngàn một ký, bây giờ còn mười lăm, tới mình bẻ chắc còn không tới mười ngàn. Thằng nhà nông như con rối của cái thị trường không có định hướng này.

- Thôi mà ba, chúng ta đang trong giai đoạn chuyến tiếp, vẫn còn nhiều cái khó không thể giải quyết ngày một ngày hai...

- Con học lý luận chính trị chắc cũng khá điểm, hả?. Mẹ bà, tao tốt nghiệp đại học trước mầy hơn hai chục năm, lúc đó họ cũng nói như vậy!

Ông Thân lại hớp trà, hớp từ từ, cách uống trà của người nghiện trà nặng. Ông Thân góa vợ lúc ngoài bốn mươi tuổi, khi đó Khải mới lên sáu, gà trống nuôi con không tục huyền ở thời điểm mà tuổi xuân đang tràn trề nhựa sống. Nhiều lần Khải “ép” ông cưới vợ với lý do cho gia đình thêm ấm cúng, ông phủi ngang: Chừng nào mẹ mầy sống lại lần nữa, tao cưới! Ông Thân luôn khó hiểu ngay với chính con trai của mình. Cặm cụi với năm công vườn chôm chôm hơn mười năm tuổi, ít giao tiếp, thỉnh thoảng lai rai với vài người bạn vong niên trong xóm để say rồi châm bình trà đậm ngồi rịt thuốc lá nhìn trời, nhìn đất, trầm tư. Hàng xóm nói ông mang chứng bệnh lãnh cảm, ông cười, nụ cười héo như tàu lá chuối hơ lửa. Có người lại nói vui, ông thiếu đàn bà, nên khùng! Mặc thiên hạ, cuộc sống là của ông, ông có quyền vui buồn với nó không ai có thể can thiệp.

- Ờ, đám giỗ bà nội con có vềđược không?

- Chưa biết, ba. Nhưng con sẽ thu sếp, hy vọng không trùng vào những ngày đi thực tập.

Ông Thân ngoái nhìn vào bàn thờ mẹ, tủi thân. Mấy năm nay khi Khải vào đại học, năm nào tới ngày giỗ mẹ ông cũng lủi thủi một mình nấu mâm cơm chay cúng bà rồi cùng vài người bạn lai rai, hoài niệm, những hoài niệm đắng nghét nỗi niềm của một tuổi thơ mang nhiều ngang trái.

*

Tin cô Ngàn có chửa hoang lan nhanh như bão. Người ta bàn tán xôn xao, người ta đồn thổi, người ta rình rập, thậm chí có người còn thẳng thừng mỉa mai: Đẹp người, đẹp nết, lại là công chức nhà nước như cô ta mà cũng “nhảy rào” như mấy con nhỏ lẳng lơxóm chợ! Không chỉ vậy, người ta còn soi mói tới nhân thân trong sạch của cô từ khi cô còn trong hàng ngũ đơn vị nữ vũ trang nổi tiếng của tỉnh. Cô Ngàn gia nhập vào đội quân đặc biệt này lúc mới mười tám tuổi. Năm một chín bảy bốn, sau nhiều năm lăn lộn với chiến trường gian khổ, đơn vị này giải thể. Cô Ngàn trở về quê với một gia đình tan tác. Mẹ chết sau một cơn bạo bệnh, người anh duy nhất chết tức tưởi vì đạn lạc, cha thì theo người tình mới bỏ đi biệt tích. Căn nhà xưa quạnh quẽ, lạnh lẽo khói nhang và hoang tàn. Cô Ngàn bơ vơ. Mấy công ruộng ba mẹ để lại cằn cỗi và xơ xác, cô vật lộn với thời tiết để cải tạo lại nó nhưng qua mấy mùa vẫn thất trắng.

Sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm một thời gian, xét lý lịch và quá trình chiến đấu trong quân đội, cấp ủy và ủy ban xã quyết định rút cô vào làm công tác phụ nữ ở xã. Lúc này cô Ngàn đã xắp xỉ ba mươi tuổi, cái tuổi mà ở quê người ta đã cho là”gái già”. Tuy vậy, dưới mắt những người đàn ông và cả đám thanh niên chưa vợ thì cô Ngàn vẫn còn “ngon cơm” lắm. Bởi vì, cô Ngàn ngoài thân hình đầy đặn bốc lửa trời cho thì mắt môi lúc nào cũng lúng liếng, đa tình, nói cười ngọt sớt. Có điều, thèm thì để thèm chơi vậy thôi chứ chưa có anh em nào lọt vào mắt xanh của cô, cô vẫn giữ một khoảng cách khó gần của một phụ nữ đoan trang. Đùng một cái, tin cô Ngàn mang thai nổi dậy như sóng thần. Mọi người bàng hoàng. Mấy bà mấy chị có chồng ưa thói rụt rịt trăng hoa trong xóm liếc dọc liếc ngang hạch hỏi tra khảo ông chồng mình một cách vô điều kiện. Đám thanh niên chưa vợ thì thất vọng ê chề. Cô Ngàn trở thành tâm điểm của những cuộc bình luận mang tính thời sự. Con nhỏ coi vậy mà cũng đáo để thiệt, sống chung với cả đám đàn ông trong quân đội không hư, bây giờ lại đâm ra bậy bạ. Ờ, đúng là “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”!.. Sau những cuộc bình phẩm về đạo đức của cô Ngàn người ta bắt đầu xoay qua truy tìm “nghi phạm”. Nhiều đối tượng được liệt vào “danh sách đen”. Trong đó, có những cái tên được đánh dấu đỏ. Một, anh chàng phụ trách tuyên huấn của xã đẹp trai, phong lưu, dẽo miệng lại chưa vợ. Hai, ngài tập đoàn trưởng có một vợ chính thức, ba vợ “dự bị”, nổi tiếng cưa đổ hàng loạt những người đàn bà góa. Ba, Tay nghệ sỹ miệt vườn độc thân lang bạt phong trần một thời, thất vận về cất nhà trên đất ông bà gần cô Ngàn hành nghề thầy tụng trong và ngoài xã. Và bốn, Anh kỷ sư nông học mặt non choẹt mới chừng hai lăm tuổi về xã thực nghiệm một số giống lúa mới ở các tập đoàn quanh vùng. Nói chung, ai trong số họ cũng có khả năng là “tác giả” của một chúng sinh vừa tượng hình trong bụng cô Ngàn kia, trong số đó, anh chàng tuyên huấn là “nghi can số một”! Cô Ngàn im lặng trước dư luận, mà càng im lặng thì càng khiến những kẻ ưa nhiều chuyện tò mò.

*

Thân được sinh ra trong hoàn cảnh éo le như vậy. Cậu bé lớn lên trong búa rìu dư luận, sống hẩm hiu và bị xa lánh, kỳ thị. Sau sự kiện có chửa hoang động trời, cô Ngàn bị khai trừ đảng và buộc thôi việc. Vẫn với một thái độ im lặng đến cố chấp, cô Ngàn không biện minh cũng không tiết lộ một chút gì về “chủ sở hữu” của đứa con trong bụng mình. Nghỉ việc, cô về nhà mở một tiệm tạp hóa nhỏ sinh sống. Người đời để ý, Thân càng lớn càng giống anh chàng tuyên huấn đẹp trai, phong lưu, người bây giờ đã được thăng quan tiến chức lên cấp huyện. Dư luận lại có dịp lên tiếng:

- Sao con Ngàn ngu vậy ta! Thằng nào là“tác giả” thì chỉ đại ra để cùng chịu trách nhiệm, nếu đúng là... thì biết đâu sau này thằng Thân có tương lai.

- Trong đầu bàấy nghĩ gì có trời mới biết, không dám công khai danh tánh cha thằng Thân là để bao che cho sự nghiệp của người tình hay cố ý giấu nó vì bản thân bà ta biết chắc là “tác giả” sẽ không thừa nhận, lúc đó thì biết cất mặt vào đâu?

- Mấy bà này, chỉ nghĩ đến mặt tiêu cực. Theo tôi, con Ngàn đáng thương hơn đáng trách. Xuất ngũ về thì coi như đã già, khát khao được làm mẹ, làm vợ là điều tất nhiên. Cứ coi như con Ngàn có dại, có lỡ lầm đi thì tội lớn nhất không phải là nó mà là cái thằng giấu mặt kia. Đổ mọi tội lỗi lên đầu nó là không công bằng.

- Mà thôi đi mấy bà ơi, ai cũng cóđời tư, có bí mật của mình, xoi mói làm gì cho nặng đầu, miễn là họ không vi phạm pháp luật thì thôi. Không lẽ nhưông Nhự suốt ngày ngật ngưỡng ở nhà con Ngàn thì nói nó lấy ông ta à?

Ông Nhự vừa được nhắc tới là một người đàn ông độc thân, sống bằng nghề câu tôm. Xuồng câu là nhà, sông nước là bạn, thủy sản là miếng ăn. Ngày nào cũng vậy, hết con nước là ông đậu xuồng ở bến sông trước nhà cô Ngàn vào quán gọi xị rượu đế, mượn cô Ngàn luộc hoặc nướng mấy con tôm lóng làm mồi nhâm nhi. Lúc còn bập bõm, Thân thường sà vào lòng ông Nhự gọi “ba”. Cô Ngàn rầy:

- Bậy con, cậu chứ không phải ba.

Thân nũng nịu:

- Ba... ba nhậu.

Lại một “nghi can” được dư luận chúý. Hỏng lẽ... Cô Ngàn phớt lờ. Mọi nghi vấn rồi cũng có ngày lắng xuống khi những người trong cuộc bất chấp dư luận, mặc kệ thiên hạ đồn thổi, đàm tiếu. Ông Nhự thì vẫn vậy, vẫn sống dật dờ trên sông, vẫn nghêu ngao mấy bài tình ca ảo não bị cấm ngặt trong thời điểm nền văn hóa văn nghệ nước nhà là món ăn tinh thần bị tướt đoạt một cách duy lý và ấu trĩ; vẫn những cơn say quên trời quên đất rồi bùi ngùi chửi trổng vào đêm cho hả hê cơn ấm ức gì đó trong cuộc đời. Danh và lợi, với ông, hình như rất phù du bằng sự bất cần đời có chút ngang tàng của người phương Nam vốn phong trần và bạt mạng. Có nhiều nguồn dư luận về nhân thân của ông Nhự. Người bảo rằng ông là một gã giang hồ thất cơ lỡ vận, chạy trốn pháp luật, chạy trốn quá khứ nên nhảy xuống sông tìm quên và tìm sống bằng cái nghề hạ bạc này. Nguồn khác, ông từng là một tên lính ngụy, từng mang nợ máu với nhân dân. Sau khi bị đưa đi cải tạo về ông oán trách thời cuộc nên lặng lẽ tách mình khỏi đời sống cộng đồng, một mình trôi lênh đênh để tự buồn vui trên sông nước. Nguồn nào cũng hợp lý cho những kẻ giang hồ như ông, nhưng, cũng không có nguồn nào đáng tin cậy vì đơn giản là ông chưa thừa nhận nó bao giờ!

Hàng ngày, sau thời gian cặm cụi kiếm ăn trên chiếc xuồng câu nhỏ xíu, ông Nhự vẫn thường ghé quán cô Ngàn làm xị đế để khề khà những chuyện trên trời dưới đất. Sau đó, ông phụ hợ cho cô Ngàn những việc lặt vặt như lợp lại mái nhà bị dột, đóng mấy tấm ván vách sút đinh, sửa cái bàn học lung lay của thằng Thân... Sự thân tình ấy càng củng cố nhận định chung của các cô, các bà rằng: tìm kiếm đâu cho xa, ông Nhự chính là... thủ phạm! Dư luận rồi cũng có lúc mỏi miệng, người đời mặc nhiên công nhận sự có mặt của ông Nhự trong đời sống mẹ con cô Ngàn mà không còn phán xét hay chỉ trích. Chỉ có cô Ngàn, đằng sau gương mặt cô phụ đẹp một cách lạnh lùng tưởng như bình lặng đó là những xáo trộn khuấy động từng giờ, từng ngày. Những buổi tàn chiều, cô thường ra bờ sông ngồi nhìn thăm thẳm phía chân trời xa tìm một cái gì đó không rõ ràng. Và, ở đó có một bóng chim lạc bầy đang chấp chới trong hoàng hôn.

*

Cuộc đời luôn ẩn chứa nhiều sự bất ngờ. Chẳng hạn như anh chàng tuyên huấn đẹp trai, dẽo miệng mới ngày nào còn vâng dạ ở cái xã vùng sâu, được vận may chiếu vào người, lần lượt thăng chức bằng những tấm bằng tại chức, bây giờ đường bệ ngồi vào vị trí phó giám đốc của một sở thuộc lĩnh vực văn hóa. Oai lắm! Còn ông Nhự, người tưởng đâu sẽ suốt đời lềnh bềnh trên sông nước, sẽ sống và chết như một giề lục bình. Đùng một cái người ta bàng hoàng khi hay tin ông vượt biên, biết tin ông “phản bội tổ quốc”! Lúc đó nhiều người trách cứ ông, xỉ vả ông, thậm chí là những lời kết tội nặng nề! Người ta tội nghiệp cho cô Ngàn và thằng Thân, tội nghiệp cho hai thân phận bé nhỏ cứ ngỡ tìm được chỗ dựa tinh thần dù mong manh nhưng cần có trong cuộc đời này.

Mẹ con cô Ngàn cứ dựa nhau như vậy mà sống cho đến khi Thân tốt nghiệp cấp ba. Thân chịu khó thông minh và học giỏi. Nhà trường và bạn bè rất kỳ vọng vào tương lai của Thân nhưng lại bất ngờ khi Thân chọn thi vào trường nông nghiệp mà không phải là một trường đại học danh tiếng nào khác. Riêng cô ngàn, dù không nói nhưng từ khi biết con chọn cho mình ngành nông nghiệp để học, cô vui ra mặt. Và Thân đậu với số điểm tối ưu. Lúc này cũng là lúc nền kinh tề nước nhà đã mở cửa, người ta khép lại một phần quá khứ để hướng tới tương lai. Sự kỳ thị nhau một thời được hóa giải, những người “phản bội tổ quốc” như ông Nhự đã ‘trở thành” kiều bào, là những người trong tương lai sẽ góp phần xây dựng đất nước!

- Thằng Thân coi vậy mà có sốđỏ. Nó là con của ông tuyên huấn hay là con của lão Nhự thì tương lai cũng sáng chói – Một trong số bốn người đàn bà trong sồng tứ xắc gợi chuyện.

- Ờ, nghe đâu cái ông tuyên huấn bây giờ vẫn chưa có vợ con.

- Mấy bà giỡn hoài, ông tuyên huấn dễ gì dám nhận vợ con, làm lớn mà, hó hé là bị kỷ luật, là mất chức như chơi!

- Làm người chứ có phải trâu bò gì mà vợ con sờ sờ ra đó lại không dám nhận.

- Thôi mệt, biết nó là con của ai mà mấy bà càm ràm – người đàn bà gợi chuyện kết thúc câu chuyện – Tới giờ con Ngàn vẫn kín như bưng. Thôi kệ, tương lai của mẹ con nó để mẹ con nó tự quyết định.

*

Khải vềđám giỗ bà nội.

- Năm nay không có mời ai sao ba?

- Thôi, năm nay không nhậu để bình tỉnh nói chuyện với con.

Khải đùa:

- Định cưới vợ hay sao mà nghiêm túc vậy ba?

- Mẹ mầy! Cưới vợ cho mầy thì có. Sao, đi thực tập có gì vui không con?

- Hôm nay con thấy ba vui?

- Thì sao?

- Thì câu hỏi từ nhỏ tới giờ không được trả lời đó ba!

Ông Thân trầm ngâm. Điếu thuốc còn dang dỡ trên gạt tàn màông vẫn bật quẹt mồi điếu khác. Ông nhớ lần gần đây ông Nhự từ Mỹ về thăm quê có ghé vàđốt cho mẹông mấy cây nhang. Ông Nhự khấn vái điều gì ông không rõ, nhưng nhìn người đàn ông sắp xỉ bảy mươi tuổi rưng rưng trước bàn thờ mẹ mình, ông Thân rất xúc động. Ông Nhự quay trở lại bàn trà với nụ cười héo hắt:

- Mẹ con là một trong số những người đàn bà vĩđại. Biết sống và biết hy sinh, biết yêu nhưng không thù hận. Có điều này cậu cần nói với con: không phải bất cứ người đàn bà có con ngoài giá thú nào cũng đáng bị lên án. Họ, những – con – người như bao nhiều con người khác, có khát vọng yêu thương, có ước mơ và hy vọng, có bản năng và quyền được hưởng thụ những nhu cầu của bản năng. Vì vậy, những đứa con ngoài giá thú, như con, nếu không thể hãnh diện về mẹ mình thì cũng đừng quá tự ti, đừng tìm cách tra vấn về nhân thân của mình khi điều đó là không cần thiết.

- Nhưng con có quyền biết về thân thế của mình, nó bây giờ không chỉ có ý nghĩa cho riêng con mà còn là một đáp án cần có cho con cháu con sau này.

- Mẹ con đã nói gì với con trước lúc lâm chung?

- Hãy để mẹ giữ mãi tình yêu đẹp và trong sáng đó ra đi. Đó là tình yêu đầu đời của mẹ, tuy nó không thơ mộng và lãng mạn, tuy nó chóng vánh nhưng mẹ quí trọng nó vì kết quả là mẹ đã có con, nguồn sống của mẹ, hy vọng của mẹ. Con chỉ cần biết một điều rằng, cha con là một người đàn ông có nhân cách, mẹ yêu ông ấy và mẹ hy sinh...

- Thìđúng rồi! –ông Nhự nhìn mông lung ra ngoài sân với đôi mắt bình thản – Có những điều bí mật đời tư trong quá khứ không khơi gợi lại thì tốt hơn! Con cũng vậy, có những điều không cần phải biết, trân trọng quá khứ của mẹ con cũng là cách con báo hiếu dù nó có hơi tàn nhẫn với con và con cháu con sau này.

- Ba, nghĩ gì mà coi bộ căng thẳng quá vậy? Thôi, nếu chuyện con hỏi làm ba buồn thì từ nay con không hỏi nữa. Ờ, chôm chôm mình hôm rồi bán được giá không ba?

- Rẻ hơn cho! Mẹ bà, cực khổ mấy tháng trời trở thành công cốc. Các nhà lãnh đạo nông nghiệp mình cứ “định hướng chiến lược” kiểu này thì người nông dân mình đói nhăn răng! Lúa, khoai, cây, trái cứ “ tái cơ cấu lại” mà không có kế hoạch bền vững thì bà con nông dân mình có giàu lên được mới lạ! Mà nè, chuyến thực tập vừa rồi có gì vui kể ba nghe coi.

- Quên, có quà cho ba nè. Ông Hai ở An Giang, người nổi tiếng với những biện pháp lai tạo giống lúa mới gởi cho ba mấy ký nếp thơm ăn lấy thảo. Con ở nhàổng hai tuần để ghi chép tư liệu. Ông già dễ thương và rất tốt bụng, một tiến sĩ nông nghiệp về hưu mà sống bình dân như dân làm ruộng chuyên nghiệp.

- Mầy giỡn, ba mầy không phải là kỷ sư nông nghiệp sao, nhưng học và hành là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, con à. Nếu thời ấy khi tốt nghiệp đại học ra ba cứ thí mạng cùi, bám theo cái chức cán bộ nông nghiệp được huyện bổ nhiệm để tiến thân với mớ kiến thức rỗng tuếch thì bây giờ chỉ làm hại cho dân. Về nhà làm vườn tưởng đâu ngon hơn, ai dè, mấy chữ học được ở đại học áp dụng trớt hướt ở ngay chính vườn cây của mình, mới đau! Bây giờ mới ngốc đầu lên được thì bị cái thị trường bất thường của mình vật cho tơi bời, còn lâu mới khá lên được. Thôi thì nhờ đám hậu sinh tụi bây...

- Thời ba học khác, tụi con bây giờ thời gian thực hành nhiều hơn thời gian học lý thuyết, vì vậy, học xong nếu có về... làm vườn, làm ruộng thì cũng “bảo đảm chất lượng”!

- Làm được rồi nói đi! Ờ, nói chuyện vềông Hai tiến sĩ cho ba nghe coi.

- Trời, ổng hết sẩy luôn ba. Từng du học và nghiên cứu nông nghiệp ở nước ngoài mấy chục năm, về nước công tác ở một viện thuộc ngành nông nghiệp rồi hưu. Gia đình ấm cúng, con cái thành đạt. Có điều... Khi biết con ở vùng này, ông có vẻ xúc động. Ông kể: Tốt nghiệp đại học, ông tham gia một chuyến thực nghiệm nông nghiêp ở khắp các tỉnh miền Tây. Trong những chuyến đi đó, ông đã có một mối tình... mối tình mà như ông nói, thoáng qua nhưng mạnh mẽ và vô cùng ấn tượng. Cô gái lớn tuổi hơn ông – ông nghĩ vậy – yêu ông chân thành và dâng hiến... Sau khi về lại đơn vị, ông được đề cử đi du học nước ngoài. Từ đó thời gian và công việc đã xóa nhòa ký ức, thỉnh thoảng trong chuỗi hoài niệm cũ, hình ảnh cô gái năm nào cũng làm ông bồi hồi nhưng cuộc sống và gia đình đã cuốn ông đi nên mối tình đó chỉ là những hồi ức đẹp khi ông bất chợt quay về quá khứ...

Xế chiều mùa thu gió bảng lảng đi qua con đường quê vắng bóng người. Nắng nhẹ và lá vàng làm cho trời thu mang một nỗi buồn man mác. Trên bàn thờ, di ảnh của cô Ngàn với gương mặt đâm chiêu và đôi mắt chờ đợi đầy nỗi niềm. Ông Thân đến bên bàn thờ đốt cho mẹ cây nhang rồi quay lại hỏi Khải:

- Quên nữa, ba chưa hỏi con, con chọn đề tài gìđể làm luận văn tốt nghiệp?

Khải mỉm cười tự tin:

- Dạ, di truyền học nông nghiệp, ba.

Ngọc Vinh(Bến Tre)

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 407
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 52048
  • Tháng hiện tại: 2216708
  • Tổng lượt truy cập: 46183941