Về quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Đăng lúc: Thứ tư - 13/05/2009 15:08
Về quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Về quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Như chúng ta đều biết, từ năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Hồ Chí Minh đã có thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951. Trong bức thư quan trọng này, Người nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Sau đó, gần cuối thư, hình như đoán biết những băn khoăn của một số người, Hồ Chí Minh khẳng định thêm: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị.
Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(1). Đây là một quan điểm chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Nhà nước ta đối với văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng trong suốt hai cuộc kháng chiến cho đến hôm nay. Chính là nhờ đường lối đúng đắn ấy, nhiều văn nghệ sĩ đã để lại những sáng tác có giá trị tư tưởng và nghệ thuật xuất sắc, được bạn đọc trong nước và quốc tế đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam xứng đáng với một dân tộc anh hùng.

Từ quan điểm trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã nêu thành một trong năm quan điểm chỉ đạo cơ bản của văn hóa Việt Nam, như sau: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng”. Nghị quyết ra đời năm 1998 tức là sau khi đất nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới. Cho đến nay, sau nhiều năm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII vẫn là một văn kiện quan trọng thể hiện những quan điểm chỉ đạo cơ bản về đường lối phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu hóa hiện nay, có người băn khoăn về quan điểm “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, càng không muốn nói văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, vì họ nghĩ rằng bây giờ là thời bình, nói mặt trận với chiến sĩ không còn thích hợp nữa. Nhưng, trong thực tế những năm đất nước ta đổi mới, hội nhập với thế giới toàn cầu hóa, chúng ta thấy trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại đang diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt trên nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Trên mặt trận đấu tranh không có tiếng súng ấy, cũng đã thấy xuất hiện những rạn nứt về niềm tin vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, có cả mất mát nặng nề mà trường hợp nhà văn Nguyễn Khải, nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh vừa xảy ra gần đây chỉ là những điển hình. Có thể còn nhiều trường hợp khác tuy không lộ diện nhưng không phải không có những dao động về niềm tin, về lẽ sống, lối sống, về việc chạy theo những tư tưởng, cách nghĩ hoàn toàn xa lạ với lý tưởng đúng đắn mà chúng ta xem là phẩm chất của người cách mạng chân chính. Thế thì không thể nói văn hóa nghệ thuật ngày nay không phải là một mặt trận. Có điều là, phải hiểu mặt trận văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu hóa hiện nay tinh vi, phức tạp hơn trước rất nhiều, không dễ thấy kẻ thù trực tiếp cần đấu tranh, cũng không dễ thấy đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, đâu là tiến bộ, đâu là lạc hậu. Bởi lẽ, trong quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa, hiện tượng sự hình thành đan xen những dạng thức văn hóa có mặt tích cực với những dạng thức văn hóa mang theo xu hướng tiêu cực gặm nhấm dần bản sắc nền văn hóa truyền thống, đang ngày càng gia tăng. Điều đó có nguyên nhân từ việc chúng ta muốn tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, những tinh hoa văn hóa của nhân loại nhưng cũng có nguyên nhân từ mặt trái của toàn cầu hóa văn hóa. Hơn nữa, còn là những ý đồ xuất khẩu văn hóa như xuất khẩu kinh tế không chỉ mang lại lợi nhuận trên lĩnh vực kinh doanh văn hóa mà còn có cả ý định gieo mầm một lối sống khác với dân tộc ta. Đó là chưa nói đến âm mưu của chủ nghĩa đế quốc văn hóa mà nhiều người đã thấy rõ. Mặt trái của toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa đang là một thách thức lớn đối với các dân tộc kém phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa. Chính Mác, Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đã cảnh báo: “Giai cấp tư sản đang tạo ra một thế giới theo hình ảnh của nó”(2). Đó chính là hình ảnh văn hóa tiêu dùng, văn hóa lối sống, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa thời trang và cuối cùng là văn hóa tư tưởng. Thông qua các loại hình văn hóa toàn cầu mà chính tác giả Thế giới phẳng thừa nhận là Mỹ hóa, đang dần dần và âm thầm làm cải biến cách thức sinh hoạt dẫn đến cải biến cách thức tư duy của không ít người, đặc biệt tầng lớp thanh thiếu niên của các dân tộc. Cho nên, đã có tiếng nói cảnh báo xu thế bành trướng của chủ nghĩa đế quốc văn hóa với đặc trưng thiết lập các quan hệ văn hóa, kinh tế, chính trị theo thể chế của thế giới tự do tư sản, gây áp lực với các dân tộc vốn muốn theo hướng độc lập, tự chủ và tiến bộ.

Ngày nay, ngày càng rõ sự can thiệp văn hóa, trong đó đặc biệt là văn hóa tư tưởng, là một mắt xích quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, thực chất là thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” từ văn hóa sang tư tưởng. Hơn bao giờ hết, văn hóa ngày nay không chỉ gắn liền với kinh tế và chính trị mà còn đang có vị trí điều tiết kinh tế và chính trị. Sự thâm nhập văn hóa đi liền với sự thâm nhập về chính trị và kinh tế. Dĩ nhiên, trong khái niệm điều tiết cũng có cả điều tiết theo nghĩa tiêu cực chứ không phải bao giờ cũng tích cực. Văn hóa ngày nay cũng tạo ra lợi nhuận mà lợi nhuận có khi còn đậm hơn lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt lĩnh vực truyền thông đại chúng ở Mỹ đang trở thành bộ phận siêu lợi nhuận và còn có thể kiểm soát chính trị, kinh tế và văn hóa. Điều này có thể tham khảo thêm nhiều chuyên gia trong thế giới tư bản nói về thu hoạch của Mỹ trên lĩnh vực kinh doanh văn hóa. Còn về chính trị thì càng dễ thấy, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, quan niệm về tự do, nhân quyền.

Như vậy, rõ ràng không thể nói văn hóa nghệ thuật ngày nay không phải là một mặt trận. Thậm chí có thể nói, mặt trận văn hóa nghệ thuật ngày nay mới thực sự là một mặt trận với đúng ý nghĩa và tính chất của nó. Trên mặt trận văn hóa nghệ thuật rõ ràng đã có rất nhiều thử thách, đã có kẻ đầu hàng và có hy sinh, mất mát. Hiện tượng Nguyễn Khải hay Nguyễn Đăng Mạnh đang được dư luận chú ý bàn luận thực chất là một tổn thất không phải cho riêng họ mà cho cả mặt trận văn hóa nghệ thuật. Về hiện tượng này, Likhachốp gọi là vi phạm nền tảng đạo đức của phẩm tính trí thức, vi phạm lương tri của trí thức và ông không thừa nhận những người như thế là trí thức. Ông nói: “Lương tri không chỉ là thần hộ mệnh của nhân phẩm, nó còn là người cầm lái của tự do. Lương tri sẽ trông coi để tự do không biến thành sự tùy tiện, mà giúp con người đường đi nước bước đích xác của anh ta trong những tình thế hỗn tạp của cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện đại. Có thể từ ý kiến này giải thích hiện tượng Nguyễn Khải và Nguyễn Đăng Mạnh. Có người cho rằng họ đã đóng kịch suốt cả cuộc đời nay mới lộ mặt. Tôi không nghĩ thế. Khi sáng tác những tập truyện, ký, kịch và nhiều thể loại khác, rõ ràng Nguyễn Khải đã có đóng góp và được bạn đọc đánh giá cao. Anh có tâm huyết thực sự với cuộc sống trong kháng chiến mới viết được những trang sách hấp dẫn người đọc, chứ đâu dễ đóng kịch giỏi như vậy. Cũng vậy, Nguyễn Đăng Mạnh khi lên bục giảng lý luận văn học hay viết một số sách được đánh giá tốt. Nhưng trong cuộc sống hiện nay với tình thế hỗn tạp đan xen giữa mới và cũ, giữa tích cực và tiêu cực, rõ ràng các anh đã không vượt qua được. Bài học của các anh trên mặt trận văn hóa nghệ thuật hiện nay có thể là quá đắt giá, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người. Nếu không thấy hết sự hỗn tạp trong cuộc sống hiện đại mà mọi người đang trải nghiệm, có cả những thử thách bên cạnh thời cơ của toàn cầu hóa văn hóa, thì dễ để mất lương tri của người trí thức.

Cho nên, hơn bao giờ hết, cần phải trở lại với những cảnh tỉnh của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực tu dưỡng đạo đức, giữ cho lương tri, nhân phẩm của mình luôn trong sáng. Xã hội nào cũng cần những trí thức có lương tri, nhân cách và phẩm giá. Ngày nay càng cần hơn bao giờ hết những người có lương tri. Tài năng cũng từ đó mà ra. Hồ Chí Minh xem văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận; văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, cũng chính là với mong muốn văn nghệ sĩ luôn tu dưỡng bản thân để trong bất cứ tình huống hỗn tạp nào của cuộc sống hiện đại cũng đứng vững và giữ cho ngòi bút của mình hướng về cái chân, cái thiện và cái đẹp chân chính.

---------------
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.6, tr.368-369
(2) Mác, Ăngghen - Tuyển tập, T.1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 546
Thành Duy
(Theo Diễn đàn Văn nghệ VN số 170)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 173
  • Khách viếng thăm: 170
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 42794
  • Tháng hiện tại: 2542180
  • Tổng lượt truy cập: 48916307