Sân khấu cải lương Tiền Giang: Một thời hoàng kim và những bước thăng trầm

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/01/2014 12:01
Ông Trần Phương Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta có Đoàn Văn công Khu 8, với các bộ môn: ca, múa, kịch tổng hợp để tuyên truyền, phục vụ nhân dân và bộ đội; thỉnh thoảng cũng diễn chập cải lương nhưng không có đoàn cải lương riêng biệt.

Ông Trần Phương Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta có Đoàn Văn công Khu 8, với các bộ môn: ca, múa, kịch tổng hợp để tuyên truyền, phục vụ nhân dân và bộ đội; thỉnh thoảng cũng diễn chập cải lương nhưng không có đoàn cải lương riêng biệt.

Thời điểm này, các đoàn cải lương vẫn hoạt động ngoài vùng địch tạm chiếm như: Hoa Anh Đào - Kim Lệ Thủy, Hương Xuân, Tân Dạ Lý, Hoàng Ngọc Ẩn. Giữa năm 1976, Sở VH-TT sáp nhập 4 đoàn nêu trên để lập Đoàn Cải lương Tiền Giang (gọi tắt là Tiền Giang I), do Nhạc sĩ Phạm Trần Linh làm Trưởng đoàn.

MỘT THỜI “BÁCH CHIẾN, BÁCH THẮNG”

Với thông tin ngắn gọn: “Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Ân - Kiều Loan chuyển về cầu Bến Chùa”, tôi đã đi tìm và may mắn gặp được ông bà. Hỏi về cải lương, nghệ sĩ Bảo Ân thở dài, rồi nói: “Từ ngày Đoàn Tiền Giang II tan rã, vợ chồng chú chuyển sang hát bội phục vụ lễ hội và cúng đình…”.

Qua đôi vợ chồng nghệ sĩ này, tôi được biết, tiền thân của Đoàn Tiền Giang II là gánh hát bội của ông Nguyễn Văn Tưởng (phường 5, TP. Mỹ Tho), thành lập lại vào năm 1976, hát được vài tháng không có khán giả, anh em bàn nhau chuyển sang hát tuồng cổ. Bảo Ân vừa làm Phó đoàn, vừa là kép chính, vừa đảm nhiệm biên tập lại tuồng, đưa những bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ thay thế bài bản hát bội.

Không tiền làm vốn, Bảo Ân về lấy sợi dây chuyền của con gái bán và vay thêm tiền; đồng thời kêu gọi anh em hùn vốn để củng cố lại đoàn và tập tuồng đi diễn. Đoàn Cải lương Tiền Giang II còn gọi là Đoàn Tiền Giang tuồng cổ, hát pha Hồ quãng, trang phục lấy từ hát bội nên đẹp, thu hút được khán giả, doanh thu khởi sắc.

Năm 1978, đoàn về phục vụ nhân dân ở Ấp Bắc (Cai lậy), khán giả đông nghẹt. Đoàn đang diễn thì băng ghế ngồi phía khán giả bị sập, làm gãy chân vài người, vậy mà khán giả vẫn yêu cầu hát luôn và đêm sau khán giả vẫn chật giàn bao. Những tuồng chính của đoàn là: Ông Hoàng bán than, Thủ Khoa Huân, Tiếng sóng Rạch Gầm, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Mộc Quế Anh… Diễn viên trụ cột của đoàn lúc ấy là đôi vợ chồng Bảo Ân - Kiều Loan và em gái Kiều Phượng.

Một cảnh trong vở Nỗi đau sợi tơ đồng của Soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Tấn Lộc tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2012.
Một cảnh trong vở Nỗi đau sợi tơ đồng của Soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Tấn Lộc tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2012.

Hiện giờ ông bà làm bầu show hát bội, may trang phục, cho thuê đạo cụ cải lương. Con gái của Bảo Ân vẫn tiếp nghề của cha. Gia đình ông có 4 đời theo nghiệp hát.

Sau khi sáp nhập 4 đoàn lại, Đoàn Tiền Giang I có nhiều đào kép tên tuổi như: Kim Lệ Thủy, Kim Hồng Hạnh, Ngọc Dung, Trương Hoàng Long, Dương Cảnh, Ngân Quỳnh, Hoài Châu, Bích Ngọc, Kim Hoa (mẹ Thanh Ngân)… nổi tiếng với các vở tuồng: Tâm sự Ngọc Hân, Đưa em về quê mẹ, Tiên sa Gành ráng, Người đẹp trong tranh, Núi rừng lên tiếng…

Nghệ sĩ Kim Lệ Thủy cho biết: “Lúc ấy, đêm nào diễn cũng chật rạp, bởi tuồng hay và diễn viên ai cũng có nghề, dù vai nhỏ hay vai lớn đều tập dợt kỹ và diễn nghiêm túc khi ra sân khấu. Một tuồng có 2 đào chính và 2 kép chính, ví dụ đêm nay Kim Lệ Thủy diễn vay Thảo Sương (Đưa em về quê mẹ) phần đầu thì phần sau vai Thảo Sương là Bích Ngọc; đêm sau thì ngược lại. Còn vở Tiên sa Gành ráng thì Kim Lệ Thủy và Ngọc Dung thay phiên đóng vai Thùy Dương trong một suất diễn.…

Chính vì vậy mà không bao giờ đoàn bị động khi đào chính, kép chính bận việc riêng hay ốm đau bất chợt. Lãnh đạo Sở VH-TT như anh Châu Thanh, Phương Hùng đã luôn quan tâm tới đời sống anh em diễn viên trong đoàn”.

Nghệ sĩ Đỗ Ẩn (chồng Kim Lệ Thủy) kể lại: “Nhớ có năm, đoàn phục vụ ở xã An Hữu, huyện Cái Bè trong dịp tết, mỗi ngày diễn 5 suất mà khán giả vẫn đông nghẹt. Đào, kép không kịp tẩy trang, cứ để vậy mà tranh thủ ăn, uống rồi ra diễn; mặt có phai thì “dặm” lại. Đến lúc đào, kép chính hát không ra tiếng thì chỉ ra sân khấu diễn xuất, anh em trong cánh gà hát phụ… Còn diễn ở rạp Tiền Giang (rạp Thầy Năm Tú cũ) một ngày 3 suất, khán giả xem đông lắm!”.

Nghệ sĩ Kim Lệ Thủy tự hào nhắc lại: “Năm 1980, Sở cử Đoàn Tiền Giang I dựng vở Ngọn cờ đầu Trương Định (của NSND Nguyễn Thành Châu, đạo diễn Văn Sinh) tham dự Hội diễn toàn quốc ở Long Xuyên (An Giang).

Với lực lượng diễn viên hùng hậu, Đoàn Tiền Giang I đã gây tiếng vang trong hội diễn, thật không hỗ thẹn với tiếng tăm “Cái nôi của nghệ thuật cải lương”, Đoàn đã giành được 7 huy chương (5 vàng và 2 bạc), trong đó có 1 Huy chương Vàng toàn đoàn (trong hội diễn có 3 Huy chương Vàng cho 3 đoàn:

Tiền Giang, Kim Phụng và Đoàn Cải lương Sài Gòn I); 1 Huy chương Vàng dành cho đạo diễn; 3 Huy chương Vàng cho các diễn viên Trương Hoàng Long, Hoài Châu và Đỗ Ẩn; 2 Huy chương Bạc dành cho Kim Lệ Thủy và Kim Hoa. Thật sự mà nói, lúc ấy Đoàn Tiền Giang I đi đến đâu là “bách chiến, bách thắng” đến đó!”.

Thời gian này, ngoài 2 đoàn Tiền Giang, tỉnh ta còn có Đoàn Sông Tiền (Trọng Nhân), Tiền Giang (Phương Lâm), Long Giang (Khánh Tâm), Tiếng hát Tiền Giang (của Thành Tài)… Các đoàn lưu diễn trong và ngoài tỉnh để phục vụ công chúng có doanh thu khá. Từ sau năm 1975 đến năm 1990 là giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật cải lương, chinh phục công chúng cả nước và phát triển ra thế giới, đó là điều trước đây không nghệ sĩ nào dám mơ đến.

GIỮ GÌN “CÁI NÔI NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG”

Năm 1990, Đoàn Tiền Giang I giải thể, do khó khăn về kinh phí, nên mãi đến năm 1995 Tiền Giang mới tiếp tục tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc lần 4. Lần này, Đoàn Cải lương tiếng hát Tiền Giang (Thành Tài) dựng vở Sóng cuộn tình đời của Soạn giả Huỳnh Anh, do đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng.

Dù không “đình đám” như Đoàn Tiền Giang I, nhưng kết quả cũng khả quan: Huy chương Đồng toàn đoàn, 2 Huy chương Vàng cho Thành Tài và Nương Thủy; 3 Huy chương Bạc cho Tuấn Vương, Lan Châu và Trang Mỹ Hường; 1 Huy chương Đồng cho Chiêu Tuấn.

Nói về tình hình cải lương trong giai đoạn này, ông Trần Phương Hùng (lúc đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT, kiêm Trưởng đoàn Ca múa) kể lại: “2 lần hỗ trợ kinh phí cho các đoàn dựng vở tham gia hội thi, vì không phải là “lính” của mình nên khó điều động khi muốn phục vụ cho lễ hội. Tôi đề nghị UBND tỉnh cho thành lập bộ phận cải lương để củng cố dần, nếu buông xuôi coi như ta mất luôn truyền thống cải lương của vùng đất sông Tiền.

Lúc ấy nhiều đoàn cải lương ở tỉnh ta tan rã, đào kép tìm nghề khác sinh sống hoặc chạy lên TP. Hồ Chí Minh đầu quân cho một số đoàn còn hoạt động. Đề xuất của tôi được phê duyệt và tháng 5-1998, Sở VH-TT tổ chức tuyển chọn được các diễn viên: Lan Châu, Ngọc Mai, Ngọc Hiền, Điền Trung, Chiêu Tuấn, Ngọc Hồ, Kiều Quốc Tâm… để thành lập bộ phận cải lương và tiến hành tập dợt vở Thiếu phụ sông Tiền của Nguyễn Phi Hùng, do Trần Ngọc Giàu đạo diễn.

Tới năm 2000, đoàn đã có lực lượng tại chỗ tham gia hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Vở Thiếu phụ sông Tiền dù có mời đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc hỗ trợ, nhưng chỉ đoạt 2 Huy chương Bạc cho Kiều Quốc Tâm và Lan Châu.

Trong thời gian đó, lãnh đạo đoàn luôn tìm kiếm nhân tố mới và đã tuyển chọn được giọng ca cổ trẻ Thúy Vy (ngụ huyện Tân Phước). Đoàn quan tâm tập luyện 2 diễn viên trẻ là Ngọc Mai và Thúy Vy tham gia Giải Triển vọng Trần Hữu trang, nhưng không vào được vòng chung kết.

Đến năm 2000, tuyển được diễn viên Nhơn Hậu và cô lập tức được đưa vào diễn vai đào chính trong vở Trăng soi dòng Bảo Định (Soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Tấn Lộc). Tham dự hội diễn lần này, Kiều Quốc Tâm đoạt Huy chương Vàng với vai Thủ Khoa Huân, Nhơn Hậu đoạt Huy chương Bạc trong vai vợ Thủ Khoa Huân và Điền Trung đoạt Huy chương Bạc.

Từ đó đến nay, trải qua 3 lần tham gia Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp, với các vở: Bão trong ngày nắng, Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy, Nỗi đau sợi tơ đồng, thuận lợi là có Soạn giả Huỳnh Anh và Đạo diễn Tấn Lộc là người địa phương viết theo kiểu “đo ni đóng giày”, biết sở trường của diễn viên mà khai thác. Chính vì vậy, cải lương Tiền Giang lấy lại phong độ: Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh tiếp tục có những Huy chương Vàng và Kiều Quốc Tâm, Thanh Tâm, Hoài Vương, Ngân Lâm có những Huy chương Bạc.

Về Giải Triển vọng Trần Hữu Trang, Tiền Giang cũng có 2 nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng là Nhơn Hậu và Đào Vũ Thanh. Giải 3 Chuông vàng vọng cổ có Thúy Vy. Qua đó cho thấy, nếu “chịu khó đãi cát, chúng ta sẽ tìm được vàng”. Hiện nay, ngoài Nhơn Hậu và Đào Vũ Thanh, đoàn có Lâm Ngân, Hoài Nhung… kế thừa.

Đạo diễn Tấn Lộc cho biết: “Sau hội diễn chuyên nghiệp năm 2009, Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy được Cục Biểu diễn mời ra Hà Nội diễn mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đoàn đã được khán giả Hà Nội hoan nghênh nhiệt liệt. Hiện nay, chúng tôi duy trì lực lượng diễn viên cải lương sẵn có và hợp đồng thêm cộng tác viên để nuôi dưỡng “cái nôi nghệ thuật cải lương”. Đoàn đang chuẩn bị nhân lực cho Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 2014, nội dung vở nói về chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút”.

Lịch sử sân khấu cải lương của Tiền Giang hình thành từ một ban hát nhỏ, đến nở rộ rất nhiều đoàn lớn với những tên tuổi sống mãi trong lòng người mộ điệu. Dù trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng ta vẫn tự hào là “cái nôi nghệ thuật cải lương”, luôn giữ gìn bản sắc nghệ thuật dân tộc.

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 146
  • Khách viếng thăm: 141
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 6721
  • Tháng hiện tại: 2239271
  • Tổng lượt truy cập: 46206504