Tết của mẹ tôi

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/02/2013 16:17

Tết! Một từ thôi nhưng nó gợi lên cho mỗi con người chúng ta biết bao điều và về bao người. Đặc biệt hơn khi cái không khí đó mỗi năm chỉ có một lần nên càng ý nghĩa hơn với những con người đi học hoặc đi làm xa quê.

Tết! Một từ thôi nhưng nó gợi lên cho mỗi con người chúng ta biết bao điều và về bao người. Ngày Tết là cơ hội để con cái có dịp mừng tuổi, chúc thọ ông bà, cha mẹ, thăm hỏi họ hàng; là dịp để thể hiện sự biết ơn tới tổ tiên; là dịp để học trò về quê thăm lại thầy giáo cũ; là dịp để bạn bè cùng có những buổi họp lớp sau những năm tháng rời ghế nhà trường… Tất cả tạo nên một không khí ấm áp, tươi vui mà già trẻ, gái trai ai ai cũng đều mong muốn. Đặc biệt hơn khi cái không khí đó mỗi năm chỉ có một lần nên càng ý nghĩa hơn với những con người đi học hoặc đi làm xa quê.

Ngày giáp Tết thường là dịp tạo cho con người ta cảm giác háo hức nhất. Nhà nhà bận rộn chuẩn bị, trang trí, tạo nên không khí tươi vui cho ngôi nhà để đón Tết và làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Trẻ con háo hức vì sắp được mặc quần áo mới, được đi chơi xuân và trong nhà có rất nhiều bánh kẹo, hoa quả trông đẹp mắt, tươi vui. Đó là không khí chung và cũng là mong muốn chung của tất cả người dân Việt Nam khi đón Tết cổ truyền. Nhưng đâu đó vẫn còn những cái Tết thiếu thốn, vẫn còn đó những người lại có nỗi lo lắng lặng thầm khi ngày Tết đến.


 

Người mà tôi cảm nhận được điều này một cách rõ ràng nhất là mẹ tôi. Cứ mỗi độ Tết đến, khi mà mọi người đã nghỉ việc đồng áng, ở nhà dọn dẹp đón Tết thì mẹ tôi vẫn làm cho đến ngày sát tết mới nghỉ để đi chợ sắm đồ Tết. Hoàn cảnh nghèo khó nên Tết của gia đình tôi rất đơn giản. Mẹ tôi cố gắng hết sức để tạo một không khí Tết tốt nhất cho các con.

Ngày trước, còn bé nên nhận thức của tôi còn chưa sâu, giờ nhiều khi nghĩ lại thấy mình quá ngốc mà nặng lòng. Thấy đồ Tết của nhà mình không bằng như nhà bạn, tôi thấy chạnh lòng và xấu hổ. Nhiều lúc tôi còn bảo mẹ mua thêm, mẹ tôi biết ý nên cũng nói chuyện với tôi. Câu của mẹ mà tôi nhớ nhất cho đến giờ sau những lần nói chuyện là: “Con ạ, Tết thì rồi cũng qua, sau Tết còn nhiều cái phải lo… Đồng áng thì khó khăn, năm ni không khéo lại mất mùa. Rồi tiền học mấy anh em nữa. Tết là tất yếu phải làm lễ để tạ ơn với ông bà tổ tiên. Thiếu đến đâu cũng không được quên. Nhưng nhà mình chỉ có vậy, mẹ mong các con thật chăm chỉ, rồi Tết của ta sẽ đầy đủ, no ấm hơn”. Hoặc là: “mẹ cũng biết nên ăn thật ngon, cũng biết mặc thế nào cho đẹp, nhưng muốn nấu ngon cũng phải có nguyên liệu tốt, muốn mặc đẹp thì phải có quần tốt, áo đẹp…”. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ thở dài, không biết nói gì thêm.

Cho đến khi lên cấp ba, thậm chí bây giờ là đại học, mỗi khi nghĩ lại, tôi lại thấy ray rứt, thấy có lỗi… Nhưng rồi cũng tự an ủi bản thân “trẻ con ai chả vậy”. Bây giờ vào đại học rồi tôi mới thấm thía những lời mẹ tôi nói ngày trước. Cố gắng tiết kiệm đến đâu cũng tiêu hết của cha mẹ cả khối tiền mà về cơ bản là phải vay mượn. Cứ nuôi được con bê nào lớn chút là lại phải bán để gửi tiền cho tôi. Đợt hè về, có người hỏi mẹ tôi “còn con bê nữa đâu bác?”. Mẹ tôi cười rồi nói “Con nữa cho Chương dắt ra Hà Nội rồi”, ý mẹ tôi là bán cho tôi học rồi. Tôi cũng chỉ biết cười theo.

Đã ba năm học trên Hà Nội, mỗi năm về được 2 lần nên được về quê là một niềm vui lớn lao đối với tôi. Còn gần một tháng nữa tôi mới được nghỉ học về quê ăn Tết nhưng bây giờ tôi đã rất háo hức, cùng với đó là biết bao dự định cho những ngày Tết ở miền quên nghèo…

Lại nói về cái Tết của mẹ tôi. Ngày Tết thường thì người ta được thảnh thơi, có chút thời gian ngồi nói chuyện vui với mọi người nhưng mẹ tôi thì khác. Trước đây không hiểu sao mẹ tôi lại hay ốm vào dịp Tết, điều này làm tôi rất chán chường. Ốm mất vài ngày, nhưng mẹ vẫn dậy để làm cỗ cúng ngày Tết, lại lo cho con gà con lợn, để các con có thể đi chơi vui vẻ. Những lúc như thế tôi buồn lắm. Tôi là người ở nhà chơi nhiều nhất, thỉnh thoảng giúp mẹ đôi việc và lâu lâu hỏi thăm mẹ, vẫn nhận được câu trả lời nói dối của mẹ:“mẹ không sao con ạ”.

Mới mùng hai mùng ba Tết, khi mà người ta vẫn đang đi chơi thì mẹ tôi đã bắt đầu có ý định đi làm đồng, ít nhất là đi cắt khoai cho mấy con bò với lý do là đi tìm vận may đầu năm. Những lúc như thế tôi rất khó chịu, thậm chí trở nên bực bội và cáu gắt. Chỉ mong mẹ nghỉ ngơi ngày Tết cho đầy đủ, quanh năm vất vả rồi còn gì.

Quanh năm, mẹ tôi không mua lấy một cái áo hay đôi dép mới. Thường dùng đồ cũ của bạn bè, bà con cho. Ngày Tết cũng không có gì mới hơn. Vẫn đôi dép cũ xin được bên rách bên lành, có khi là hai chiếc hai loại. Vẫn là chiếc áo cũ mặc suốt mùa đông. Là con trai nên tôi không rơi lệ được khi nhìn mẹ, nhưng tận sâu trong trái tim khắc một nỗi sầu tưởng như không bao giờ khuây khỏa…

Mấy ngày Tết ngắn ngủi rồi cũng trôi qua, cuộc sống đồng áng tất bật của mẹ lại vào guồng quay. Mấy năm nay mẹ tôi ít ốm hơn, nhưng vẫn không bao giờ có được một cái Tết thật tốt, lúc nào cũng lo nghĩ đến làm việc, kiếm tiền cho con ăn học. Về quê ăn Tết lúc nào tôi cũng phải chuẩn bị tâm lý để trải qua nỗi buồn khi thấy mẹ vất vả như thế.

Nhưng tôi chưa làm ra tiền. Nhiều khi dại dột tôi nghĩ đến lúc anh em trưởng thành muốn báo hiếu với mẹ thì lúc ấy mẹ có còn không nếu cứ làm việc quá sức như thế. Thương mẹ, ngoài việc cố gắng học tập và sống tốt ra tôi không biết làm gì hơn. Và ngày Tết tôi càng ít đi chơi hơn, lấy thời gian đó tôi ở nhà trò chuyện với mẹ cho vui…

Lại sắp đến một Tết nữa. Mẹ lại già thêm một tuổi…Nửa năm nay không về nên tôi không rõ kinh tế ở nhà thế nào. Nhưng nhờ được hỗ trợ từ Quỹ học bổng “Thắp Sáng Niềm Tin” cộng thêm việc cố gắng đi dạy thêm nên học kì này tôi không phải xin tiền học của gia đình. Tôi nghĩ đó là một niềm vui lớn dành cho mẹ tôi.

Còn ba tuần nữa là tôi được về quê. Muốn về nhà lắm rồi, nhưng tôi phải ráng lên thôi. Ban đêm, đạp xe đi dạy thêm giữa cái đêm buốt giá của Hà Nội nhưng cứ nghĩ có thêm được chút gì đó để Tết này phụ mẹ sắm Tết, lì xì cho cô em gái, hoặc chí ít là ra Tết đi học không phải xin tiền mẹ là tôi lại ấm hơn, chân bớt cóng hơn, bớt đau hơn, có lực đạp hơn. Tuy chưa được về quê nhưng hàng đêm tôi vẫn hình dung mình đã về, trèo lên ngọn đồi sau nhà và tức cảnh thành bài thơ:

“Hàn phong trảm xiết mạn sơn cong.
Cố hương li biệt mấy tháng ròng.
Tà niên nay có kỳ tương ngộ.
Bốn bề bát ngát tựa hư không.
Cung nghinh xuân đến, cung tiễn đông.
Cung chúc nhân thế đặng gia phong.
Nam thanh nữ tú vui cung hỉ.
Xuân từ thi sĩ đến mục đồng.”

Và bắt đầu đếm ngược đến ngày được về quê…

Phan Văn Chương
(Theo petrotimes.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Tết, mẹ, xa quê

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 261
  • Khách viếng thăm: 259
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 53981
  • Tháng hiện tại: 2286531
  • Tổng lượt truy cập: 46253764