Ơi miền Tây, mùa nước nổi

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/11/2016 09:27
Năm nay đã là mùa thứ ba liên tiếp rồi mà mùa nước nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long đã không về, qua báo chí, nguy cơ thiếu nước ngày càng hiển hiện khẩn trương khó lường hơn bao giờ hết. Có thật thế không? Những mùa nước nổi hàng năm vẫn còn in rành rành trong ký ức rồi đây sẽ chẳng thể còn về được với miền Tây nữa.
Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái

Thiếu mùa nước nổi sẽ là một tai họa khó lường. Là người miền Tây, ai cũng giữ trong lòng mình những ký ức sâu đậm về mùa nước nổi, cái thế giới độc đáo hiếm có của cảnh trời nước mênh mông ngập tràn phóng khoáng, thời điểm mọi người tạm gác những công việc thường nhật để cùng hăm hở lạc quan tranh thủ cơ hội dấn thân vào vận hội mới với nguồn của cải thiên nhiên hào phóng đang đổ về ban phát. 

Theo thông lệ, hễ cứ vào khoảng giữa tháng chín, không phải chờ đợi, sông Cửu Long đã đầy ắp nước. Cứ nhìn đã thấy dòng sông đỏ quạch, phăng phăng chảy xiết với sức mạnh phi thường, trong lòng nó phù sa liên hồi cuộn xoáy, mực nước hàng ngày cứ dâng lên. Lũ trẻ đi học về thường rủ nhau xem nước đã vào đến sân nhà hay chưa, nhưng có khi buổi sáng vừa thức dậy đã thấy nước lênh láng khắp nơi, trắng xóa tự lúc nào.

Sân nhà, ngoài ruộng, ngoài vườn nước đã bao vây kín kẽ, từng ngôi nhà bị cô lập nhưng xem ra cũng chẳng có ai lo lắng. Người ta cứ kê cao những gì cần thiết trong nhà còn thì cứ mặc kệ sống chung với nước, dù hơi bất tiện chút ít. Đó là những nơi thấp, còn nơi ở cao thì nước phải chịu nhường, khi ấy khu xóm như trên một chiếc tàu sắp đắm, bà con lội nước ào ào qua lại có chi trở ngại. Khi cần phải đi xa hơn hay ra ruộng làm việc thì đã có chiếc xuồng, chiếc ghe mà tha hồ di chuyển. Dáng người linh hoạt thoăn thoắt ẩn hiện với chiếc xuồng cùng cây sào dài trên đồng ruộng phải chăng còn là nét đặc trưng trong mùa về nước nổi miền Tây?

Mùa nước nổi là mùa của cá tôm nước ngọt, nguồn thủy sản tuyệt vời ẩn trong lòng nước.

Đầu mùa, mọi loài tôm cá còn nhỏ bé, có nhiều phần tử trôi dạt cũng được đánh bắt cẩn thận với chiếc màn ngủ như loài “cá tra bột” đã một thời vang bóng. Cá xuất hiện nhiều vô kể, theo các cụ già còn nhớ đến lượng cá “khủng” ngày nào từng nằm trong chiếc lưới, “chiếc bò” ven sông năm xưa, nghe kể mà phát kiếp. Có thời cá dư thừa chẳng biết làm gì nên lấy cá ủ phân để dùng vào trồng trọt.

Cá linh, loài cá đặc sản màu trắng bạc xuất hiện trong mùa nước nổi thì lạ thay chỉ sau một thời gian ngắn là lớn như thổi. Cá đầy trong lưới, trong ghe, cá trên khắp chợ. Người sành ăn dùng cá linh trong nhiều cách chế biến từ kho lá gừng đến canh chua bông điên điển, nướng lửa, làm chả, làm mắm…

Loài tôm, cá lóc, cá nước ngọt nói chung chẳng biết từ đâu về cứ đông nhung nhúc, chúng vùng vẫy ngang dọc trong biển nước ngọt mênh mông, chúng sinh sôi nẩy nở chu du đây đó, qua muôn cánh đồng, mặc cho ai cứ giăng câu, mắc lưới, đặt bẫy… Bởi lẽ đó, bao người bị cuốn hút vào mùa nước nổi, sẵn sàng săn tìm nơi nào là đắc địa để cấp tốc lên đường tìm sống, để vui thú giang hồ, ung dung tự tại.

Hàng quán ven những con kênh, con rạch vốn heo hút thì dịp này đã có khách đến ăn gói mì, mua nhu yếu phẩm, ngư cụ hay thông thường là ít rượu đế mang theo. Vì thế, tiếng ca vọng cổ đơn độc cũng có thể bất ngờ trỗi lên đây đó giữa những người bạn ghe chỉ vừa mới quen nhau tụ tập trong cảnh trời nước mênh mông, hay bên miệng con rạch vắng tanh trong một buổi hoàng hôn chập choạng.

Mùa nước nổi còn là mùa điên điển trổ bông. Trên cánh đồng, điên điển xuất hiện trong màu lá xanh bông vàng, tụ tập theo từng khu, từng khóm chen chút nhau. Tuy vậy mà hái bông điên điển cũng không dễ chút nào. Từ xa, màu vàng của bông cứ hút con người phóng ghe đến, nhưng lúc gần mới thấy chúng khá rời rạc, không phải dễ như trái cà phê ôm nhau san sát mà tha hồ tuốt gọn. Cần phải kiên nhẫn mới có được một thúng đem về. Người buôn bán còn phải hái bông điên điển vào ban đêm để khi ra đến chợ thì bông vẫn còn tươi ngon, chưa nở.

Thức ăn từ bông điên điển thì đa dạng khỏi phải nói, điên điển bóp gỏi, điên điển xào, điên điển nấu chua cá linh, nấu lẩu, điên điển múi dưa… Toàn là món ăn đặc sản của miền Tây từng thu hút bao du khách sành ẩm thực trong mùa nước nổi.

Không phải thiếu những nơi ngắm cảnh, nhưng trong mùa nước nổi, du khách thường cũng chỉ thích quanh quẩn đến với loài điên điển đang mọc hoang dã đơn độc giữa cánh đồng. Đặc trưng cuốn hút của hoa điên điển phải chăng là cái nét mộc mạc của đóa hoa, màu vàng thôn dã bình dị chẳng chút lòe loẹt, tất cả như toát lên một tấm chân tình, thể hiện nét tri kỷ hằn sâu của tự nhiên mà chỉ với sự quan tâm con người mới cảm nhận sâu sắc?

Mùa nước nổi còn ôm ấp phù sa, phù sa đến với cánh đồng theo nước tràn về. Không hiểu đã có bao nhiêu phù sa cho mỗi vụ để tân trang, tái tạo lại cánh đồng được màu mỡ, tháo chua xả mặn, tiêu diệt mầm bệnh sau hàng năm trời khai thác. Tất cả đã có tự lâu đời mà đôi khi nghĩ đến, con người cũng chẳng phải bận tâm, bởi nếu không thì đã có thể làm được gì? Mùa nước vĩ đại cũng chính vì lẽ đó.

Nói về nguồn lợi từ mùa nước nổi, còn nhiều vô số kể. Cũng bởi khi mà nước vừa chớm rút sau vài tháng ngự trị, đã kích hoạt hàng loạt những cuộc làm ăn lớn với những màn đấu thầu quyết liệt để khai thác “họng mương” ở vô số nơi có mương rạch dẫn thủy từ đồng ra sông. Nhà nông đồng loạt chuẩn bị “sạ ngầm” tranh thủ khi nước còn ở chân ruộng cho vụ Đông Xuân được toàn thắng. Hàng quán chợ búa cũng vào cao trào sau lũ với hàng hóa tấp nập về. Những ghe chài trên sông lui tới liên hồi để chuyên chở nguồn cá đầy ắp từ các họng mương, từ chài lưới, từ tất cả công cụ vây bắt mà con người có thể đồng thời thực hiện ăn theo cùng sông nước.

Đặc sản nổi tiếng mùa nước nổi còn là nước mắm cá linh ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi nguồn cá còn dồi dào ăn không hết, đã có người nghĩ đến sản xuất loại nước mắm cá nước ngọt thơm ngon ấy. Cá linh chở về xưởng bằng ghe chài, cứ thế mà xử lý để ủ nước mắm ngày này qua ngày khác. Vô số hãng nước mắm cá linh cứ có sản phẩm bán quanh năm chỉ sau mùa nước nổi, đủ thấy có thời mà nguồn của cải thiên nhiên trời cho ấy nhiều vô số kể.

Còn nữa, khi nước rút, những miệng đìa lớn nhỏ chi chít trên mọi cánh đồng xa gần, là nơi những con tôm con cá lóc từng dạo bước phóng khoáng đã không kịp trở ra sông, chúng đã phải tập trung chờ sống sót đến năm sau. Nhưng nước càng lúc càng cạn, những máy bơm công suất lớn cũng đã kịp đến thi nhau tát để thu hoạch nốt khối tôm cá còn sót lại sau mùa nước nổi, mà số lượng cũng không hề nhỏ chút nào.

Mùa nước nổi còn đem lại một cái thú là: vớt ốc bươu.

Những con ốc bươu vốn sống trong đất, nhưng khi nước ngập tràn, chúng cũng thích nghi để vẫn tìm được khí mà thở, lại có dịp ngắm trời cao, nước nhiều. Vào buổi sáng sớm tinh mơ, chống xuồng ra ruộng một cách nhẹ nhàng, chú ý đến có vô số mảnh đen lớn nhỏ như cánh hoa đang âm thầm nở rộ chi chít trên mặt nước sáng loáng giữa trời. Đó chính là những con ốc đang xòe phần chân chống thấm để nổi lên trông như chiếc lá nho nhỏ. Dùng sào dài có vợt mà nhanh tay vớt, phải khéo, nếu nghe động thì loài ốc đã tự chìm mất tăm như chẳng hề tồn tại bao giờ, lại phải tìm tiếp nơi khác.

Món ốc bươu thì bao giờ cũng hấp dẫn, chế biến dễ dàng từ cách luộc, đến xào sả ớt, xào sa tế, ốc xào chuối xanh... nhưng nông dân còn có cách ăn riêng, đơn giản là tách lấy phần chân ốc rồi bổ cho vài lát dao mỏng, xong tái vào giấm đang sôi, đem ra cuộn với bánh tráng, rau sống chuối chát, khế, chấm vào nước mắm nêm nữa... thực là hết ý.

*

Mùa nước nổi miền Tây vốn là thế, đã luôn tồn tại trong tâm trí nhiều người về khoảnh khắc được sống thân thiện, hài hòa gắn bó cùng thiên nhiên trong điều kiện đặc biệt mà không nơi nào có được. Không phải là tai họa, không là điều khiếp đảm một khi đã biết thích nghi, bởi đó là trình tự của thiên nhiên như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, như mùa khô, mùa mưa.

Theo nghĩa khác, mùa nước nổi còn là nét văn hóa đặc trưng vùng miền mà nhiều khách phương xa vẫn hằng mong muốn tìm đến để một lần được trải nghiệm, thưởng thức.

Ôi mùa nước nổi của miền Tây, mong sao vẫn cứ còn tồn tại mãi mãi với sức sống tràn đầy, thỏa mãn nhịp đập trong con tim nồng nhiệt của bao con người từ lâu vẫn luôn hướng về với tình cảm và nguồn ký ức bao la.

Lê Tư
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 76)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 66219
  • Tháng hiện tại: 2347876
  • Tổng lượt truy cập: 48722003