Minh họa: Phan Hiếu Lễ |
Anh tên Xà Rươn, 40 tuổi, nhưng nhìn anh già khoảng 50 bởi mái tóc rối có nhiều sợi bạc, gương mặt răn reo khắc khổ, nhất là đôi mắt ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Anh nói tiếng Việt không trôi chảy lắm nhưng chậm rãi, đôi lúc ngập ngừng để tìm từ diễn tả cho chính xác. Anh kể, quê anh ở thị xã Kam-pong-chnăng thuộc tỉnh Kam-pong-chnăng, Campuchia. Ở đó có một dãy núi tên là Pnôm-côn-srây, nghĩa là núi con gái. Nhìn từ xa dãy núi có hình dáng người con gái với bầu ngực căng tròn, mái tóc xõa về hướng Nam mặt quay về phương Bắc như đang mong ngóng người thương.
Kam-pong là cảng, Chnăng là nồi. Thị xã Kam-pong-chnăng nằm bên bờ sông lớn, đến chợ phiên người dân khắp nơi tụ về rất đông, thuyền chở hoa quả về neo chật kín. Các loại nồi to, nhỏ, chum, vại, chén, đũa, sành sứ... bày la liệt cả dãy phố. Nơi đây là một trong những trung tâm của nghề thủ công sành sứ cổ truyền, gia đình anh bao đời nay cũng sinh sống bằng nghề ấy. Cà-om đội nước ở Kam-pong-chnăng nổi tiếng khắp nơi, đẹp, bền, nhẹ. Cứ chiều chiều các cô gái đội Cà-om ra sông lấy nước, nói cười ríu rít. Một trong những cô gái xinh đẹp đội Cà-om ấy sau này là vợ anh, họ đã có những ngày tháng đầm ấm bên nhau. Chị đã sinh cho anh hai đứa con kháu khỉnh. Cháu trai 12 tuổi, cháu gái vừa mới lên 4. Cuộc sống đang tươi đẹp, tương lai hứa hẹn tràn đầy hạnh phúc thì bọn Khơ-me đỏ lên nắm quyền, chúng đã dìm đất nước Chùa Tháp, trong đó có gia đình anh chìm trong biển máu.
Anh nghẹn ngào kể trong nước mắt. Bọn lính áo đen lùa tất cả người dân vào rừng, đưa vào những láng trại tập trung, bỏ hết quần áo đẹp, chỉ mặc một màu đen tăm tối. Các gia đình đều bị chia cắt, nam theo nam, nữ theo nữ, trẻ con theo trẻ con. Đứa con gái 4 tuổi của anh gào khóc khi bị buộc rời vòng tay gia đình đã bị bọn cuồng sát thẳng tay ném vào chuồng cá sấu. Chứng kiến cảnh tượng bi thương ấy ruột anh đau như dao cắt, vợ anh ngất xỉu chết đi sống lại. Sau đó là chuỗi ngày tăm tối triền miên sống không bằng chết. Mỗi ngày, họ phải lao động cực nhọc bằng chân tay ngoài đồng suốt 13 giờ mà thức ăn chỉ có một chén cháo loãng với muối. Có khi đói quá phải ăn cả cào cào, giun, dế... Ngày nào như ngày ấy, họ làm việc mà không có ngày nghỉ, ngay cả lúc đau ốm cũng phải làm. Quần áo họ tả tơi, thân xác gầy gò, sức khỏe suy kiệt. Người nào không còn khả năng lao động thì bị bọn áo đen cho là ăn bám. Chúng tập trung họ lại, buộc mọi người lần lượt leo thật cao lên cây Thốt nốt rồi lao đầu xuống ruộng khô.
Các cuộc hành quyết thường xuyên xảy ra. Đêm nào cũng vậy, 2 hoặc 3 người dân bị triệu đi “họp” và biến mất không để lại chút vết tích. Không ai dám hỏi han gì về số mệnh của những người bất hạnh này; thân nhân cũng không dám khóc, vì sợ bị kết tội là “đồng lõa”. Nếu có ai đó bị gọi đi vào ban đêm, người đó chắc sẽ bị giết. Họ sống trong nỗi lo sợ bất tận, như cá trong chậu, chẳng biết bao giờ sẽ đến lượt mình. Những người bị hành quyết chủ yếu là bị đập đầu bằng cuốc, bằng búa để tiết kiệm đạn, xác họ được chôn trong những ngôi mộ tập thể.
Rồi bộ đội Việt Nam xuất hiện như một phép màu thần kỳ, đánh đuổi bọn khát máu. Trên đường hành quân đuổi giặc, bộ đội Việt Nam đã tìm thấy anh khi đang nằm thoi thóp ở một cánh rừng. Bọn Pôn-pốt bại trận, khi bỏ chạy đã cố lùa dân sang Thái Lan. Trên đường đi, anh ngất xỉu vì đói lả, bọn chúng tưởng anh đã chết nên bỏ mặc. Anh và nhiều người khác được bộ đội Việt Nam đưa về tuyến sau chia sẻ phần ăn, cho thuốc men điều trị bệnh tật nên đã thoát khỏi tay tử thần.
Anh thở dài rồi nói tiếp. Cho đến giờ, anh cũng chưa biết tung tích người vợ và đứa con trai của anh ở đâu, sống chết ra sao. Anh tìm về chốn cũ chỉ thấy hoang tàn đổ nát, tìm kiếm ngày này sang ngày khác cũng chẳng gặp ai quen biết. Anh xin làm phụ xế xe tải Karavanh-Phnôm-pênh, vừa làm kế sinh nhai vừa hy vọng trên đoạn đường xuôi ngược có thể tìm thấy vợ con hoặc tình cờ gặp ai đó biết chút ít về tin tức của họ. 6 năm sau ngày đất nước thoát khỏi họa diệt chủng cũng là 6 năm anh đi tìm kiếm vợ con mình dù trong lòng chỉ còn một tia hy vọng.
Bình minh đã nhuộm hồng phía Đông, một ngày mới bắt đầu, chúng tôi tiếp tục hành trình. Lần này anh Xà Rươn ngồi sau xe với tôi, cùng nhau tâm tình suốt chặng đường còn lại. Xe chạy ngang thị xã Kam-pong-chnăng, anh ngước nhìn dãy núi Côn-srây xa xa với đôi mắt buồn rười rượi. Đến Pursat, tôi xuống xe về đơn vị. Khi tạm biệt, anh nắm tay tôi thật chặt nói: “Bộ đội Việt Nam giống nhau quá thật khó phân biệt. Khi nào gặp nhau anh nhớ chào tôi trước rồi nói tên anh cho tôi biết thì tôi sẽ nhớ anh. Anh đi mạnh giỏi, đừng quên tôi há!”.
Sau này tôi còn gặp lại anh Xà Rươn vài lần, lúc ở Karavanh, khi ở Pursat. Lần nào gặp anh cũng bắt tay tôi thật chặt, thái độ thân thiện, vui mừng như gặp lại người thân. Năm 1988, tôi theo đoàn quân tình nguyện Việt Nam về nước, từ đó tôi không còn gặp lại anh nữa, nhưng ánh mắt sâu thẳm nỗi buồn của anh cứ ám ảnh mãi trong tôi.
Ý kiến bạn đọc