Đờn ca tài tử Nam Bộ

Đăng lúc: Thứ hai - 25/02/2013 10:11

Trong đêm. Trên sông nước mênh mông, buồn man mác của Bạc Liêu, một tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, tiếng đàn kìm văng vẳng vang lên. Những âm thanh da diết nhưng đậm màu tươi sáng, buồn mà không quá bi luỵ của bài Dạ cổ hoài lang, một bản nhạc đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây, vang vang rồi như chìm vào với trời mây sông nước.

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng..

Tiếp sau đó, một giọng ca vọng cổ cất lên, man mác buồn như một lời tự sự, nỉ non, nhẹ nhàng. Giọng ca đó được cất lên từ một người dân ngồi trên thuyền, đôi mắt xa mờ như nhìn về một cõi xa xăm. Là câu hát, nhưng cũng còn là một lời tâm sự của người dân vùng sông nước.
 

 Hình ảnh này ta có thể gặp ở bất cứ một vùng nào trên đồng bằng Nam Bộ rộng lớn. Người dân nơi đây ca vọng cổ,  hát cải lương, như một nhu cầu thưởng thức về văn hóa, mà thậm chí, có thể còn hơn thế nữa. Từ vài thế kỷ nay, đờn ca tài tử và cải lương-bước phát triển tiếp theo của nó-đã trở thành một giá trị phi vật thể của Nam Bộ và của cả đất nước Việt Nam. Có thể khẳng định, nếu không có đờn ca tài tử, thì ngày hôm nay chúng ta cũng không có một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, mang đầy màu sắc và dấu ấn riêng của miền Nam tổ quốc-đó là Cải lương.

 

*

Từ thế kỷ 17, tại vùng cực Nam của Tổ quốc, những vùng đất mới không ngừng được mở rộng. Tuy rằng lúc đó, phần lớn đất đai Nam Bộ vẫn là rừng rậm hoang vu, nhiều thú dữ, khí hậu ẩm thấp, từ Sài Gòn trở vào, vẫn là rừng rậm đến mất ngàn dặm, đất nhiều kênh rạch, đường thuỷ như mắc cửi, không thể đi đường bộ được (theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú).  Nhưng cảnh hoang sơ độc địa ấy cũng không làm thối chí người Việt đi khai hoang vào thế kỷ 17. Họ là những người dân di cư từ miền đất Thuận Quảng để tránh chiến tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài 175 năm, ,ngoài ra còn là những người phải đi vào khai khẩn đất theo chính sách dinh điền của triều đình nhà Nguyễn, những lính tráng, tội đồ bị cưỡng bách vào Nam lập đồn điền, thêm vào đó là người Khme, người Hoa-lúc đó gọi là người Minh Hương, người Chăm... Người có công thì đất chẳng phụ người.  Ruộng đất càng bao la, bông lúa càng trĩu nặng, thì người dân Nam Bộ càng thấy gắn bó hơn với cuộc sống ở đây, một cuộc sống do chính mình tạo ra. Cho nên, dù phải chịu vất vả một nắng hai sương để tạo ra hạt gạo, dù phải đương đầu với bao hiểm nguy thử thách, ai nấy đều lạc quan tin tưởng. Sự lạc quan đó được thể hiện bằng lời ca cất lên, từ chính con tim chứa chan tình người. Ngoài ra, trong những câu hát đó, còn ẩn chứa cái khí phách dọc ngang nào biết trên đầu có ai của người Việt lưu tán, của những thành phần tộc người khác cùng cộng cư.

Cũng giống như trong  thực tế lao động sản xuất của người miền Bắc, trên ruộng đồng bao la phì nhiêu ấy, những câu hát được cất lên trong lúc nghỉ ngơi giữa bộn bề công việc của nhà nông. Nhưng điểm khác biệt ở miền Nam là những điệu đặc sắc mà chỉ cần được cất lên, người ta cũng biết ngay đó là câu hát phương Nam. Đối với người dân Nam Bộ, hò là cả một cuộc sống nghệ thuật. Nổi bật là Hò chèo ghe, hình thành từ thực tiễn đất đai lắm sông nhiều kênh rạch. Những câu hò được cất lên ngay trong lúc con người điều khiển chiếc ghe xuồng trên những dòng kênh trải dài đến vô tận của vùng sông nước. Những chỗ giáp như Nhà Bè, kinh Tàu Hũ..hoặc ở nơi đầu vàm  những con sông xuồng ghe tấp nập như vùng Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ..thường là những tụ điểm hát nổi tiếng. Hình thức hò ở đây rất phong phú về giọng. Mỗi địa phương có có giọng hò mang tên địa phương khác nhau. Chẳng hạn như Hò Đồng Tháp, Hò Hậu Giang, Hò Bến Tre..

Mỗi một trận đua tài về hò quả thật là một đêm sinh hoạt văn nghệ vô cùng lý thú và hấp dẫn với người dân địa phương. Ngoài ý nghĩa thuần tuý về mặt băn nghệ, một buổi hát còn là một buổi giao lưu giữa nam và nữ để rồi sau buổi hò đó, có rất nhiều cặp trai gái nên duyên cầm sắt. Có thể là một đêm trăng, tại một xóm thôn được hình thành ngay trên sông, trong ánh sáng nhá nhem của ngọn đèn dầu lạc, từng tốp thanh niên nam nữ cùng cất tiếng hò. Những câu hò nhiều khi còn mang là những câu đố, đòi hỏi người không chỉ có giọng tốt, hơi dài, mà còn phải có hiểu biết, có tài ứng tác. Khi những cặp trai gái cùng hò, thì chắc chắn, những cặp mắt của các cô gái sẽ để ý đến chàng trai nào có giọng hò hay, hơi dài, mà lại có tài sáng tác tại chỗ thật nhanh nhẹn, tài tình. Ngoài ra, ngay cả khi không phải trong đám hội, khi nam nữ gặp nhau, nếu người con trai có cảm tình với người con gái, để ngỏ ý, anh ta cũng có thể cất lên một câu hò:

Hò ơ…ơ ơ

Thấy tóc em dài anh cài cành bông súng

Thấy miệng em cười anh để ý anh thương

Hỡi cô má lúm đồng ơ..ơ tiền

Cô bao nhiêu tuổi..ơ ..hò..ơ có chồng hay chưa?..

Cũng giống như các nơi khác trên Tổ quốc Việt Nam, đồng bằng Nam Bộ cũng có những điệu của riêng mình mà con số đã lên đến hàng trăm. Về cấu trúc âm nhạc, nếu chỉ hay về giai điệu, còn tiết tấu lại tự do, thì ở lý, đó là một bài bản ngắn, một ca khúc hoàn chỉnh từ giai điệu đến tiết tấu. ở đây, vừa có sự kế thừa vốn dân ca truyền thống, vừa có sự phát triển sáng tạo. Chẳng hạn, bài Lý ngựa ô Thừa Thiên đã rong ruổi theo chiều dài đất nước rồi đẻ ra thêm Lý ngựa ô Nam Bộ và sau đó là Lý ngựa ô Bắc, Lý ngựa ô Nam trên sân khấu cải lương.

Để có một cái nhìn tổng quát về đặc điểm cũng như tính chất của dân ca Nam bộ, không thể bỏ qua hiện thực đời sống xã hội cũng như đặc điểm kinh tế. Khi những người dân di cư bắt đầu lập nghiệp ở vùng đồng bằng sông nước này, nếu chỉ dừng lại ở công việc canh tác nông nghiệp vốn có từ ngàn đời thì họ không thể thích ứng được với cái mới đã bắt đầu xuất hiện ở đây. Về ngư nghiệp, với sông rạch chằng chịt , bờ biển được nối dài cho tới vịnh Thái Lan, nên nghề đánh bắt cá của ta buộc phải có thêm những kiểu đánh bắt mới, hoặc phải học thêm cái mới của người về đánh bắt ngoài biển khơi… Ngoài nông ngư nghiệp ra, ở đây có điều đánh chú ý hơn, đó là sự phát triển bước đầu về thương nghiệp, từ khi có mặt người Hoa. Họ sống ở đây, người có vốn thì mở tiệm buôn bán làm ăn, còn  người nghèo thì làm rẫy chứ không làm ruộng. Từ giữa thế kỷ 18, ở Nam Bộ bắt đầu hình thành một nền kinh tế hàng hoá, với sự ra đời của những thương cảng lớn, thu hút thương nhân ngoại quốc đến buôn bán như thương cảng Cù Lao Phố (Biên Hoà), thương cảng Hà Tiên, thương cảng Bãi Xàu (Sóc Trăng), thương cảng Sài Gòn, một trung tâm thương mại lớn nhất vào cuối thế kỳ 18.

Chính vì cuộc sống luôn phải tiếp cận với những tộc người khác cùng cộng cư, về sau này lại phải tiếp xúc với người nước ngoài đến làm ăn buôn bán, cho nên con người ở đây không thể mãi khép kín, trái lại có những mặt ngày càng phải mở rộng ra, để tiếp nhận cái hay, cái mới của người, làm cho cái của ta thêm giàu đẹp. Mặt khác, cũng chính vì cuộc sống ở đây phải luôn đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt vào buổi sơ khai, đồng thời lại phải tiếp tục đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của các thế lực phong kiến cấu kết với thực dân thống trị, nên con người ở đây không thể khép kín để mãi chịu đựng những bất công xã hội như trước kia nữa, mà là mạnh dạn mở rộng tấm lòng của mình, dám đương đầu với mọi thử thách. Cho nên, những câu hò điệu lý của vùng Nam Bộ mang đầy cái khí phách đó của người dân nơi đây-tính cách anh Hai Nam Bộ.

Dân ca Nam Bộ, xét về tính chất, rất phong phú và đa dạng. Nổi bật là chất trữ tình, rồi chất bi ai,nhưng phải nói là buồn nhưng không bi quan, rồi chất bi hài.Sự phong phú của dân ca Nam Bộ với tính chất trữ tình, chính và sự phong phú về điệu thức. Ngoài điệu Bắc và điệu Nam vốn có từ thuở cha ông ta đặt chân bên bờ sông Bến Nghé, còn có điệu thức mới là điệu Oán, để làm giàu thêm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam tại vùng đất Nam bộ.

Chính những chất đó đã tạo tiền để cho một loại hình nghệ thuật mà không lâu sau sẽ ra đời. Đó là đờn ca tài tử.

 

*

Giữa thế kỷ 18, khi Hát bội phát triển mạnh , thì để khẳng định cái độc đáo cũng như bản sắc riêng của mình,Nhạc lễ Nam bộ Đờn ca tài tử bắt đầu xuất hiện.Vào những dịp đình đám lễ hội,  các đình làng Nam bộ là nơi hội tụ các hoạt động biểu diễn ca và hát.

Khi bắt đầu lễ hội, còn gọi là vào đám thì ở trong đình, nhạc lễ phục vụ cúng bái. Còn ở ngoài sân đình, có dựng võ ca dành cho Hát bội. Về sau, đám nào không có hát bội thì có ca tài tử. Ban nhạc lễ chỉ lãnh đám từ lúc vào đám cho đến nửa đêm. Rồi từ nửa đêm , có khi đến sáng, Ban nhạc lễ chuyển sang đờn ca tài tử. Phần này, ban tổ chức không phải chi tiền, chỉ tốn nồi cháo gà và vài ba xị đế. Khán giả có người mộ điệu lai rai ngồi xem. Có người đợi đến lượt mình ca, không cần đăng ký trước. Khán giả nói ở đây, ngoài tầng lớp bình dân, còn có những công chức, giáo viên và con cháu những gia đình khá giả,có học nhạc bài bản cẩn thận.

Khó ai có thể ngờ rằng cho đến ngày hôm nay, truyền thống ấy vẫn còn được nối tiếp. Đoàn  hát cải lương-tuồng cổ Minh Tơ hiện nay vẫn cư ngụ trong một cái đình tại đất Sài Gòn. Họ biểu diễn trong đình, sinh hoạt trong đình. Và cái đình như là một biểu tượng của sự nối tiếp văn hoá từ Bắc vào Nam. Đoàn hát này do bầu Thắng-bố của nghệ sỹ Minh Tơ-thành lập vào những năm đầu thế kỷ 20. Đến đời nghệ sỹ Minh Tơ, đoàn trở thành một gánh hát cải lương mang chất Hồ Quảng. Các em, rồi con cháu  của nghệ sỹ Minh Tơ đều thành danh trong nghề sân khấu, nổi tiếng như nghệ sỹ Thành Tôn-em của Minh Tơ, Thanh Tòng, đạo diễn Phượng Hoàng-con trai nghệ sỹ Minh Tơ, rồi Quế Trân-con gái nghệ sỹ Thanh Tòng-cháu nội của Minh Tơ. Tính từ đời cha của bầu Thắng là một người đờn ca tài tử, đoàn Minh Tơ đã có năm đời theo nghề cải lương. Trước mỗi một đêm diễn, trước mỗi một vở mới, đại gia đình cải lương tuồng cổ ấy lại đến Tổ đình để thắp hương, cầu cho vở diễn, cầu cho đêm hát được thành công.

Đờn ca tài tử cứ thế mở rộng ra, từ những lễ hội đình đám cho đến những sinh hoạt ở làng xã xóm ấp. Cho đến thế lỷ 19, đờn ca tài tử trở thành phong trào phát triển, khi ở Nam bộ xuất hiện hai tổ chức đỉnh cao: Nhóm tài tử miền Tây và nhóm tài tử miền Đông. Trước hết, cần nói rõ về cái tên gọi tài tử,. Tuy phong trào mang danh tài tử, nhưng ở cái buổi đầu này, đó là sự kết hợp giữa lực lượng âm nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư. Do đó, tính phổ cập của phong trào là hết sức rộng rãi, còn tính nâng cao thì phải nói là rất cao. Hay nói cách khác, nhạc tài tử Nam bộ vừa là nhạc dân gian ở những câu hò điệu lý, đồng thời là nhạc bác học ở những bài bản lớn như Nam, Oán, Ngự. Đó chính là nét độc đáo của nhạc tài tử. Đến bây giờ, với người dân Nam Bộ, chữ tài tử trong âm nhạc chỉ để nói lên rằng đó là người chơi nhạc không phải để kiếm sống, không thành một nghề. Chứ không có nghĩ là tài tử lại chơi nhạc kém hơn chuyên nghiệp.

Đặc biệt, đến ngày hôm nay, ở Bạc Liêu, Cần Thơ..và nhất là Cà Mau, vẫn còn tồn tại những làng, những xóm mà hầu hết dân trong đó đều chơi nhạc. Tại một huyện thuộc mỏm cuối của Cà Mau, vẫn còn một làng mà người dân họ làm đủ nghề khác nhau, nhưng dựng nhà ngay tại nghĩa địa. Đêm đến, họ tập trung lại và cùng nhau đờn ca tài tử. Ngón đàn của họ, theo những nhạc công chuyên nghiệp đánh giá, là không thua gì chuyên nghiệp. Thậm chí, những nhạc công chuyên nghiệp ngay tại Sài Gòn cũng đã không ít lần tìm xuống đây, để cùng nhau trao đổi điệu đàn, học của nhau những ngón đàn hay, những thế đàn độc đáo. Còn lời ca của họ tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất giàu chất, có nghĩa là mang đậm dấu ấn  của riêng họ.

Theo cách hiểu của các nghệ sỹ cải lương Nam Bộ, thì cho đến ngày hôm nay, chữ tài tử mang hàm ý là người đờn ca không ăn lương, chứ không phải mang ý nghĩa của nghiệp dư. Tức là, họ có thể đàn rất hay, ca rất mùi, nhưng ngoài đời họ làm những công việc khác để sống.

Hai nhóm nhạc miền Tây và Miền Đông thời đó đã tạo nên những phong cách hết sức độc đáo, bổ sung cho nhau.

Nhóm tài tử miền Đông.Người đứng đầu nhóm là nhạc sư Ba Đợi, tên thật là Nguyễn Quang Đại (phải đổi do trùng với tên vua Bảo Đại). Nhạc sư Ba Đợi sống cùng thời với ông Trần Quang Diệm (1853-1927)-nội tổ của nhạc sỹ Trần Văn Khê.  Là một vị quan nhạc của Triều đình Huế,đến cuối thế kỷ 19, nhạc sư Ba Đợi vào Nam hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Ông là người có công đầu cùng với với những bậc thầy khác, phát triển bộ môn nhạc lễ và đờn ca tài tử Nam Bộ. Ngoài ra, ông còn là một nhạc sỹ sáng tác. Tác phẩm của ông gồm những bài bản lớn Nam. Oán, Ngự. Khi qua đời, nhạc sư Ba Đợi được an táng tại Rạch Cát, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, vào ngày 19 tháng 1 âm lịch, đông đảo nghệ sỹ, nghệ nhân đờn ca tài tử tiến hành ngày giỗ của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, có người đã gọi đó là Giỗ tổ của đờn ca tài tử.

Nhóm tài từ miền Tây. Tại Bạc Liêu, đờn ca tài tử phát triển thành phong trào , từ khi có gánh hát bội của ông Bầu An, tức phó Tổng Lê Văn An.Con ông là Lê Tài Khị (1862-1924), thừa hưởng truyền thống âm nhạc thấm vào máu thịt, bẩm sinh thiên tài, cộng với sự khổ luyện của con người mang dị tật, đã sớm trở thành  người đứng đầu nhóm tài tử Bạc Liêu. Ông được giới cổ nhạc miền Nam tôn xưng là Hậu Tổ. Môn đệ của ông có những nhạc sư nổi tiếng như Bảy Kiên, Hai Húa, Ba Lất, Tám Bằng, những nhạc sỹ như  Trần Văn Trung tức Mộng Vân-tác giả những bài bản ngắn rất được phổ biến như Sương Chiều-Tú Anh, Phong Ba Đình-Tô Võ, Giang Tô-Điểu Ngữ..và Cao Văn Lầu-tục gọi là Sáu Lầu-cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng).

Bản Dạ cổ hoài lang là một bản nhạc đặc biệt, được nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng tác vào năm 1918 tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là một bản nhạc thuộc điệu thức Oán, gồm 20 câu, mỗi câu hai nhịp. Giai điệu nhạc rất đặc sắc, mới nghe qua có chút gì đó của hơi Xuân (Hành Vân), lại có chút gì của hơi Ai (Xuân nữ), rồi từng chập lại nghe hơi Dựng (Tứ đại oán). Cả ba làn hơi Xuân, Ai và Dựng quyện lấy nhau, làm cho Dạ cổ hoài lang càng nghe càng hấp dẫn.Từ Dạ cổ hoài lang nhịp 2, sau này được mở ra nhịp 4 trong vở (mà người trong nghề gọi là Tuồng) Giá trị-danh dự của Nguyễn Thành Châu-tức Năm Châu. Đến năm 1935-1936 lại mở ra đến nhịp 8. Tác phẩm đầu tiên là Văng vẳng tiếng chuông chùa. Đúng theo quy luật hát cải lương được sinh ra từ phong trào đờn ca tài tử, nên trong quá trình phát triển, nó lại tiếp tục được nuôi dưỡng bằng sữa ngọt của phong trào. Dạ cổ hoài lang, trong từng bước mở rộng nhịp, từ nhịp 2 mở ra nhịp 4, nhịp 8, rồi nhịp 16 sau này, có điều đáng chú ý là, trong từng chặng, có bước quá độ, gọi là nhịp lơi. Chẳng hạn, từ nhịp 4 mở ra đến nhịp 8 có bước quá độ là nhịp 4 lơi, hoặc từ nhịp 8 mở ra đến nhịp 16, có bước quá độ là nhịp 8 lơi. Chính trong bước quá độ nhịp 8 lơi, Dạ cổ hoài lang được đổi tên là Vọng cổ.

Từ Dạ cổ hoài lang phát triển đến Vọng cổ, đó là một công trình sáng tạo tập thể và dài lâu. Trước hết có sự đồng tình với chủ trương mở rộng nhịp của chính tác giả Cao Văn Lầu. Sau đó là sự nỗ lự và không ngừng sáng tạo của các nghệ sỹ nghệ nhân thuộc lớp tiền bối như danh ca Bảy Kiên, nhạc sỹ Tư Chơi, soạn giả Mộng Vân..cho đến những danh ca, danh cầm thuộc thế hệ kế tiếp cho đến ngày hôm nay. Trong vọng cổ, mỗi câu chỉ mở ra đến nhịp 16, coi như nhịp chính, còn 32 hay 64 đó là những nhịp phụ, trong nghề gọi là nhịp láy. Xét theo mô hình sinh học, luôn có hai mặt khép và mở thì vọng cổ càng mở ra về nhịp ở mỗi câu, lại càng khép kín về điệu thức gốc của mình.Trong lòng bản của mỗi câu, lại có những nhịp được khép kín được quy định là bất biến, đờn và ca không được vi phạm. Ngoài ra là những nhịp gọi là khả biến, dành cho sự sáng tạo của người ca và người đờn.

Vì tính chất như trên, có thể nói ai cũng ca được vọng cổ. Nhưng người ca vọng cổ, chẳng ai giống ai, thậm chí ca lần sau không giống lần trước. Nhưng ca vọng cổ cho thật hay thì phải phấn đấu suốt đời, đệ nhất danh ca út Trà Ôn đã từng nói như vậy.

Đặc điểm của lời ca Vọng cổ là được phép phóng khoáng, không bị gò theo từng nốt nhạc như những bài bản cổ nhạc khác. Thường là lời thơ, hoặc theo những vần điệu hò lý. Chất văn học của kịch bản cải lương, nhờ đó cũng được nâng lên.

Ta có thể gặp những lời ca Vọng Cổ ở những quán Ca cổ nằm rải rác trên con đường Quốc Lộ 1 chạy qua địa phận tỉnh Cà Mau. Cuối ngày, sau khi công việc đồng áng ,chài lưới hoặc kinh doanh đã xong, người dân lại kéo đến một quán ca cổ nào đó, để ca, để đàn, để nhậu, để chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn. Ban nhạc đã ngồi đầy đủ, đàn đã lên dây, dàn phóng thanh đã bật, và rượu cũng đã được rót ra chén. Một người dân, tự nhiên như trong nhà mình, bước lên sân khấu và bắt đầu ca. Khi anh ta xuống Xề, tiếng vỗ tay lên như tán thưởng, như chia sẻ. Những  nhạc công, mà ban ngày có có thể là lái xe, là người chèo đò, là thầy giáo, là nhà buôn, giờ đây phiêu diêu theo cung đàn lời ca. Đờn ca tài tử là thế, là nơi để trao đổi tâm tình, chứ không chỉ đơn giản là nơi người ta đến để nghe nhạc. Dàn nhạc của đờn ca tài tử có khi chỉ cần một cây đàn kìm, hoặc một cây đàn tranh, hoặc nhiều cây, không sao cả. Miễn là những âm thanh đó hoà quyện được với nhau.

 

*

Với những tìm tòi và sáng tạo theo một chặng đường từ Dân Ca-Hò-Lý rồi đến Đờn ca tài tử, phải nói rằng đến đến cuối thế kỷ 19 , đầu thế kỷ 20, người dân Nam Bộ đã có cái để nghe của riêng mình.Nhưng khi nghe chưa đủ để làm họ thoả mãn, thì họ ngay lập tức sẽ có nhu cầu về xem. Và trong thời điểm đó, hát Bội bắt đầu không còn làm mưa làm gió trên sân khấu chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư của khắp vùng đồng bằng Nam bộ. Các tuồng hát bội thì chỉ quanh quẩn vài tuồng tích cũ, lại không có ai sáng tác, nên dần dần, số khán giả của hát bội càng ít đi.

Hát thì khó khăn như vậy, nhưng ca thì trái lại. Phong trào đờn ca tài tử lúc đó lại phát triển đến đỉnh cao với những bải bản phong phú, với một lực lượng sáng tác đông đảo và đặc biệt với phong cách nghệ thuật tài tử, vừa phổ cập lại vừa nâng cao, nên được các tầng lớp quần chúng ưa thích. Chính vì vậy, việc đòi hỏi có một sân khấu mới lúc bấy giờ lại càng trở nên bức xúc. Cho nên , yêu cầu vào thời điểm đó là cải cách thật mạnh, thật triệt để, làm sao cho miền Nam bộ có một sân khấu của riêng mình-và thế là cải lương ra đời-nhưng tiền thân của nó là Ca ra bộ.

Ca ra bộ là một hình thức trình diễn sân khấu, là gạch nối của quá trình từ hình thái âm nhạc chuyển dần sang hình thái sân khấu. Nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vừa được nghe ca, vừa được xem hát. Quá trình phát triển của Ca ra bộ gồm những bước sau.

1 - Được nghe ca trên sân khấu (1910-1915)

Trên một sân khấu, cách trang trí còn rất đơn sơ. Một màn bạc dùng làm tấm phông, gần đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưa treo. Hai bên sân khấu có để cây cảnh xem rậm đám để cho khán giả có cảm giác đứng trước một phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục (thời đó) rất nghiêm trang. Các tài tử vẫn chỉ ngồi ca với nhau.

2 - Đứng ca trên sân khấu, có ra bộ (1915-1916)

Đã là một tiết mục sân khấu, thì ca ra bộ chỉ có thể phát triển ở nơi nào có sẵn sân khấu cho nó. Lúc bấy giờ, chỉ có rạp chiếu bóng mới có thiết kế sân khấu.

Đến bước này, tài tử không còn ngồi ca, mà đã vừa ca vừa minh hoạ lời ca bằng động tác .

Dần dần, ca ra bộ được phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh, thuộc thể loại ca kịch mà trong đó, hai yếu tố ca kịch đều là yếu tố cơ bản.

 

*

Nội dung của hai chữ Cải lương ở Nam Bộ ra đời cùng với các phong trào cải cách xã hội, thực tế là những hình thức cải cách văn hoá, về sân khấu có thể nói là cải cách hát bội. Vào thời kỳ đầu của phong trào ca ra bộ, nhiều gánh hát bội ở Nam bộ thường đề thơ

            Cải cách hát ca theo tiến bộ

            Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Một đặc trưng dễ nhận thấy của cải lương là hai mặt khép và mở. Cải lương biết mở ra để dung nạp những tinh hoa của âm nhạc mang hơi thở thời đại. Đồng thời cải lương biết khép kín những gì là bản sắc dân tộc của mình để rồi từng bước dân tộc hoá những gì đã được dung nạp cải biến thành những bài bản bổ sung cho âm nhạc cải lương ngày càng đa dạng ngay từ lúc hình thành. Ngoài điệu Bắc và điệu Nam đã có từ lâu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, nay lại có thêm điệu thức Oán, một điệu thức đặc sản của Nam bộ.

Cũng trong khi đó , một loạt bài bản của hý khúc Triều Châu, Quảng Đông trên sân khấu cải lương như Xang xừ-Líu, Khốc Hoàng Thiên, Khổng Minh toạ lầu, Ngũ Điểm-Tạ, Mẫu Tầm Tử.. đã được dân tộc hoá và cuối cùng đã trở thành bài bản làm giàu thêm cho âm nhạc cải lương. Vậy đâu là cơ sở để nói  rằng những bài bản ngoại quốc đó đã được cải biến thành bài bản của cải lương.

Tất cả đều phải thông qua con người. Và con người nói ở ở đây là con người Việt Nam ở Nam Bộ.

 Đầu tiên là những diễn viên trên sân khấu bằng giọng ca của mình đã đêm đêm rót vào tai khán giả những giai điệu đích thực cải lương bất kể xuất xứ từ đâu tới. Đơn giản, vì họ đã xử lý những bài bản đó theo cách rất cải lương.

Theo NSƯT Lệ Thuỷ-người nữ nghệ sỹ mà suốt mấy chục năm qua đã cùng với NSƯT Minh Vương làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương, thì sự khác biệt đầu tiên là ở khẩu hình của diễn viên. Chẳng hạn, ở một nốt nhạc ngân dài,thì diễn viên Trung Quốc mở rộng khẩu hình: a..á..a, diễn viên hát bội của ta thì khéo miệng lại : ư..ứ..ư, i..í..i, còn diễn viên cải lương lại khác, khẩu hình vừa mở vừa lại khép: ơ..ớ..ơ..ơ.

Tiếp đến là do ngón đàn của nhạc công. Dàn nhạc cải lương, kể cả nhạc tài tử, về mặt hoà tấu, đó là hoà tấu đối tỷ âm sắc, giữa các nhạc cụ có cùng một âm sắc như Tranh, Kìm, Xến, Độc huyền, Cò...

Cũng như ca Vọng cổ, người tập đàn cải lương phải tập không nghỉ cho ngón đàn được điêu luyện. Cải lương vừa có cái khó trong tiết tấu của những bản Bắc, lại có cái khó trong ngón rung, nhấn, vuốt của điệu Oán-đặc biệt lại được soạn theo âm bẩy cung. Nếu hai điệu thức truyền thống Bắc và Nam là theo âm giai 5 cung Hò Xừ Xang Xê Cống tương đương với năm nốt của âm nhạc phương Tây là Đồ Rê Fa Sol La thì điệu Oán lại được giới âm nhạc truyền thống Nam bộ, với tinh thần dám nghĩ dám làm, đã vận dụng mô hình điệu thức âm nhạc một cách sáng tạo: Từ hệ thống âm giai 5 cung đã mạnh dạn chuyển thành âm giai 7 cung  Hò Xừ Xư Xang Xê Cống Oan, với Xừ tương đương với nốt Mi và Oan tương đương với nốt Si. Và âm điệu Oán lại có cách trình tấu riêng, những chỗ rung nhấn riêng. Có những nhạc công, cho đến cuối đời hoạt động nghệ thuật vẫn chưa hài lòng với cách rung nhấn của mình.

Tại sân khấu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nhạc sỹ Thanh Hải-một trong những nghệ sỹ đánh đàn tranh cải lương hàng đầu của miền Nam-đang cùng dàn nhạc tập một vở mới-vở Cung đàn nào cho em. Vở diễn này , đối với anh, còn là lời tâm sự của đời  nghệ sỹ. Trong vở diễn dài hơn ba tiếng đồng hồ này, nhạc sỹ Thanh Hải sử dụng hầu hết những bản nhạc quen thuộc của cải lương, kể cả những bài bản rất ngắn.

Khi trên sân khấu, diễn viên ca đến đoạn cuối của bài Phi vân điệp khúc, nhạc sỹ Thanh Hải như chùng người xuống. Bài  này, trong vở diễn nói là do một người nhạc công vùng quê viết nên, nhưng ở ngoài đời, nó được nhạc sỹ Văn Giỏi , người được anh em trong nghề mệnh danh là ông vua của guuitare phím lõm sáng tác. Người nhạc sỹ mù ấy, ngoài tài năng chơi phím lõm hàng đầu, còn đóng góp vào kho tàng hơn 300 bài bản cải lương lớn hai bản nhạc mang đầy chất cải lương là Đoản khúc Lam Giang Phi vân điệp khúc. Hiện nay, khi tuổi đã cao, hàng tối ,Văn Giỏi vẫn đến một quán cổ nhạc để đánh đàn mỗi khi có khách yêu cầu nghe. Với những nhạc công của ngày hôm nay, Văn Giỏi vẫn là một đỉnh cao mà không dễ vượt qua được. Ngón đàn của ông điêu luyện với nhiều thế đàn khó, nhiều câu chạy riêng khó có thể bắt chước được. Hơn nữa, trong sự khoáng đạt của bài bản cải lương, mỗi nhạc công đều tìm cho mình một cách trình diễn riêng biệt.

Nhạc sỹ Thanh Hải là người miền Bắc, được học nhạc phương Tây, nhưng do hấp lực của âm nhạc cải lương, do sự phóng khoáng trong cách trình bày của các bài bản, anh tìm đến với cải lương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không giống như các loại hình nghệ thuật âm nhạc khác, âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhất là cải lương, có dành những chỗ rất thoáng cho cách diễn tấu của nhạc công. Người nhạc công chỉ cần thuộc lòng bản để nhớ nét giai điệu chính, rồi sau đó, bằng tài năng và tâm hồn của mình, họ thả sức sáng tạo, thêm bớt trong cái khuôn khổ đó. Xuất phát từ nhạc công đánh đàn tranh, nhưng khi vào đến miền Nam, nhạc sỹ Thanh Hải bị hấp dẫn ngay bởi cây guitare phím lõm.

Cây guitare phím lõm lại là một minh chứng hùng hồn cho tính chất tiếp nhận và dân tộc hoá tinh hoa của các dân tộc khác của cải lương. Là một cây đàn hoàn toàn phương Tây, nhưng qua nhiều thế hệ sáng tạo, người nhạc công đã khoét lõm phím đi để người chơi có thế rung, nhấn, thậm chí đánh tăng lên một âm độ trên cùng một phím, tạo ra tiếng đàn đặc sắc của phương Nam. Chẳng hạn, ngay trong bản Phi Vân điệp khúc của nhạc sỹ Văn Giỏi, nếu ta đánh nốt Rê như bình thường, bản nhạc sẽ không có hồn, mà phải ấn từ Rê xuống Mi. Hoặc nốt Fa phải được bấm xuống trước ,khi đánh thì nhả từ từ lên để tạo ra tính chất tự sự, nỉ non.

Muốn thấy thêm được sự khác biệt của cải lương so với các loại hình âm nhạc khác thông qua nhạc cụ, thì đàn kìm (nguyệt) cũng là một ví dụ khá rõ ràng. Trung Quốc cũng chơi đàn nguyệt, rồi Tuồng,Chèo, thậm chí Chầu Văn cũng dùng đàn nguyệt, nhưng đàn nguyệt trong đờn ca tài tử và cải lương lại có cách chơi hoàn toàn khác. Theo nhạc sư Ba Tu, người hiện nay là cây đàn kìm số một của Sài Gòn sau thế hệ của Mười Khói, Sáu Tửng (bố của nhạc sỹ Huỳnh Anh nổi tiếng với bài Mưa rừng trong tuồng Mưa rừng viết riêng cho cố nghệ sỹ Thanh Nga), Năm Cơ, thì đàn kìm của cải lương khó nhất là rung nhấn. Từ phím Sol, người nhạc công phải đánh xuống Si để chạy câu Si Sol Rề , hoặc xuống La để chạy câu La Fa Rề  Sol Fa La Sol Rề cho thật ngọt. Nguyên một động tác cơ bản ấy, tưởng là dễ, nhưng đánh cho hay, cho ra chất cải lương, thì quả là một việc không đơn giản.

*

Trong quá trình phát triển cho đến ngày hôm nay, có thể nói đờn ca tài tử và cải lương là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bằng Nam Bộ. Ngày nay, khi xem một vở cải lương, người ta dễ dàng nhận thấy những câu hò, điệu lý từ xưa vẫn được dùng bên cạnh những bài bản mới do các thế hệ nhạc sỹ, diễn viên sáng tác. Với hai đặc tính khép để dân tộc hoá những tinh hoa của âm nhạc dân tộc, mở rộng đón nhận cái mới để cũng biến thành âm nhạc dân tộc, và sự mở rộng kịch bản đến mọi loại đề tài, cải lương thể hiện đời sống văn hoá-xã hội cũng như tập quán, tính cách của người dân vùng đồng bằng Nam Bộ một cách rõ nét. Người Nam Bộ tạo ra cải lương, và cũng khó có thể nói đầy đủ về văn hoá Nam Bộ mà không nhắc đến cải lương.

 

Nguyễn Toàn Thắng
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 193
  • Khách viếng thăm: 191
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 10290
  • Tháng hiện tại: 600095
  • Tổng lượt truy cập: 49746572