Đờn ca tài tử - Một loại hình nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc cần được tôn vinh và bảo lưu

Đăng lúc: Thứ tư - 18/05/2011 07:59
Đờn ca tài tử - Một loại hình nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc cần được tôn vinh và bảo lưu

Đờn ca tài tử - Một loại hình nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc cần được tôn vinh và bảo lưu

(Tham luận của đoàn Tiền Giang trong Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối chơi đàn ngẫu hứng” do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ 09 đến 11/1/2011)

Trong quá trình phát triển bờ cõi về phương Nam của các Chúa Nguyễn và về sau của các triều vua nhà Nguyễn bằng nhiều cuộc di dân, nền âm nhạc dân gian xuất phát từ nhã nhạc cung đình ở miền Trung đã được đưa vào Nam với những đoàn người đi khẩn hoang lập quê hương mới.

Khi vào đến đồng bằng Nam bộ, lúc bấy giờ hãy còn hoang vu, rừng rậm đầm lầy, trải qua thời gian dài, qua nhiều thế hệ, nhạc miền Trung dần dần biến hóa để thể hiện những nét đặc trưng của người miền Nam vốn phóng khoáng ở ngôn ngữ và lối sinh hoạt. Bên cạnh những bản nhạc được phổ biến nhiều nhất gần như giữ nguyên bản, có những bài bản khác được phát triển dài thêm ra hoặc biến tấu cho phù hợp với tâm tư tình cảm của người phương Nam. Từ đó, đờn ca tài tử ra đời trên cội nguồn âm nhạc dân tộc đã được các nghệ nhân tiền bối sáng tạo và ứng dụng phù hợp với môi trường sống, với ngôn ngữ, tính cách và tập quán của cư dân Nam bộ.

Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và dựa trên nền kinh tế của một xã hội phong kiến, phong trào đờn ca tài tử ngày càng lan rộng trên khắp vùng nông thôn và thành thị ở Nam bộ. Số người biết đờn, biết ca ngày càng đông, nhất là ở thôn quê với hình thức tao nhã, tri âm tri kỷ. Như vậy, sau giai đoạn sáng tạo và cải tiến từ nhạc miền Trung, đờn ca tài tử đã phát triển bằng sức sống mãnh liệt của mình và ngày nay, trải qua bao thăng trầm dâu biển, đờn ca tài tử vẫn đường hoàng tồn tại đến ngày nay.

Vùng đất Gò Công - Mỹ Tho xưa, nay là Tiền Giang là một vùng đất có một nền âm nhạc dân tộc lâu đời, ngay từ lúc các bậc tiền nhân đến khai phá, mở mang bờ cõi. Thuở ấy, như bao địa phương khác ở Nam bộ, các thầy đờn xuất hiện ở Tiền Giang là những người làm nhạc lễ ở cung đình kinh đô Huế. Sau đó, họ theo làn sóng di dân vào Nam trở thành hương nhạc phụ trách âm nhạc trong các dịp cúng tế trong làng, các lễ hội giỗ chạp đình đám. Thời gian rảnh rỗi, họ cùng nhau trao đổi đờn ca, truyền nghề cho nhau và phát triển thêm bài bản, điệu thức.

Nơi vùng đất bên bờ sông Tiền, vào năm 1846, tại xã Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh

Tiền Giang), tiến sĩ Phan Hiển Đạo xuôi ghe bầu ra Huế dùi mài kinh sử, đã học thêm được bộ môn nhạc cung đình, về truyền nghề cho các môn sinh ở vùng Rạch Gầm, đào tạo một thế hệ nhạc sĩ đầu tiên tiếp thu có hệ thống, bài bản cho bộ môn đờn ca tài tử ở Tiền Giang như các ông Lê Văn Huệ, Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Tri Lạc, Trần Văn Chiều, cô Tám Hảo, cô Ba Điều, cô Năm Thoàn v.v… Các nghệ nhân tiền bối ấy đã một thời vang danh khắp Nam kỳ và là những con chim đầu đàn của phong trào.

Đầu năm 1908, ban đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho được mời lên khách sạn Cửu Long ở Sài Gòn phục vụ thực khách hằng tuần  và biểu diễn ở nhà hàng khách sạn Minh Tân và rạp Ca-si-nô (Mỹ Tho) trước khi hát bóng.

Bằng nhiều con đường khác nhau, đờn ca tài tử đã lan rộng khắp Tiền Giang nói riêng, khắp Nam bộ nói chung và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt
người dân.

Đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử ở Tiền Giang phát triển rất mạnh. Điển hình nhứt là ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều, thường gọi là Tư Triều, sinh hoạt đàn ca ở Mỹ Tho vào khoảng năm 1910. Đây là ban đờn ca tài tử một thời nổi tiếng ở lục tỉnh Nam kỳ và đã sản sinh ra nhiều nhạc sĩ, nhiều nghệ sĩ sau nầy trở thành những cây đại thụ cho nền cải lương trong cả nước.

Trong hai thời kỳ kháng chiến, vì chiến tranh ly loạn, phong trào đờn ca tài tử ở Nam bộ cũng như ở Tiền Giang bị lắng xuống. Tuy nhiên, trong mưa bom lửa đạn, sức sống của loại hình nghệ thuật nầy vẫn âm thầm lắng đọng trong lòng người dù không được sôi nổi như thời bình. Hiện nay ở Tiền Giang cũng như các tỉnh bạn ở miền Tây Nam bộ, số bài bản tài tử được soạn lời mới cổ vũ cho cuộc kháng chiến giữ nước của quân dân thời bấy giờ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Các tài tử thời ấy cũng là chiến sĩ, biến tiếng đờn, lời ca thành gươm giáo giết giặc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, phong trào được khơi dậy, dần dần trở lại khởi sắc. Riêng ở Tiền Giang, phong trào đờn ca tài tử ngày càng sôi động và lan rộng trên khắp địa bàn tỉnh, từ nông thôn đến thành thị, từ xã phường đến xóm ấp… từ đám tiệc ở tư gia đến nhà hàng và tụ điểm văn hóa… đâu đâu cũng vang lên tiếng đờn lời ca. Đặc biệt, đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch ở Thới Sơn, khu du lịch cù lao xanh của Tiền Giang, đã tạo được sức hấp dẫn rất cao.

Qua thực tế, chúng ta nhận xét thấy thế mạnh của đờn ca tài tử là:

+ Về âm nhạc: Nhạc tài tử mang tính bác học và chuyên nghiệp. Hệ thống bài bản và cấu trúc âm thanh vô cùng phong phú. Chỉ với mấy chữ ngũ âm mà nhạc có thể mô tả tất cả mọi cung bậc tình cảm của con người, từ những biểu hiện sôi nổi bên ngoài cho đến sự thâm trầm sâu lắng của tâm hồn. Nghệ nhân đờn tài tử bằng tâm tấu, đờn không chỉ bằng ngón mà bằng cả sự rung động của tâm hồn. Sự rung động thực sự ấy đã kích thích sự sáng tạo ngẫu hứng, tiếng đàn bấy giờ sẽ bật ra, cả ban đờn cùng ứng tấu ứng tác. Như thế, các cây đờn tài tử không chỉ hòa âm thanh mà còn hòa nhau cả tâm hồn, một lối chơi tri âm tri kỷ của những người đờn, người ca và người thưởng thức. Chính đặc điểm ấy đã làm cho nhạc tài tử ngày càng mê hoặc lòng người.

+ Về lời ca: Các bài ca tài tử có thể dung nạp mọi đề tài, từ các tích xưa, lịch sử, đạo lý truyền thống của dân tộc, cho đến các đề tài đương đại, thậm chí có thể sử dụng bài bản tài tử để viết lời mới phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trước mắt ở từng địa phương. Với ca từ giản dị, mộc mạc, giàu chất văn học dân gian, đầy ắp hơi thở cuộc sống, lời ca tài tử luôn được mọi người ưa chuộng từ giới trí thức đến bình dân. Nhiều bài đã được công chúng thuộc lòng, truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Phải chăng đó cũng chính là một ưu thế làm nên sự tồn tại vững vàng của đờn ca tài tử?

+ Về hình thức biểu diễn: Đờn ca tài tử biểu diễn không cầu kỳ, chỉ cần một bộ ván ngựa, một chiếc chiếu, một khoảng sân, một hành lang… với dăm chiếc ghế ngồi cho nhạc công và diễn viên là có thể chơi được, không đòi hỏi sân khấu hoành tráng, âm thanh, ánh sáng tân kỳ như các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

+ Về đối tượng tham gia: Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật phục vụ cho nhiều đối tượng công chúng, từ giới bình dân cho đến giới trí thức, tất cả các thành phần xã hội không phân biệt tuổi tác, giai tầng. Ngoài những tài tử có nghề, số người đến dự sinh hoạt nếu thích có thể tham gia đôi bài ca cho không khí thêm rôm rả.

Nói vậy không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và hòa điệu tâm hồn với loại hình nầy. Không yêu thích nghe một chút đã bỏ đi. Gặp Bá Nha - Tử Kỳ hội ngộ thì có thể đờn ca thâu đêm suốt sáng. Đờn ca tài tử là lối chơi tri âm tri kỷ, chơi vì say mê nghệ thuật và mượn tiếng đàn lời ca để tìm bạn tri âm, hoàn toàn không vì mục đích kinh tế. Vì thế, hiện nay trong khi một số loại hình khác đang rất cần sự đầu tư tiếp sức tài lực của Nhà nước thì đờn ca tài tử vẫn ung dung tự tại và tiếp tục phát triển.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, chúng tôi mạn phép đề xuất một số giải pháp như sau:

+ Bảo tồn và phát huy vai trò, giá trị của nghệ nhân tài tử: Nghệ nhân đờn ca tài tử cần được đối xử bình đẳng như một nghệ sĩ các loại hình chuyên nghiệp khác. Không thể coi người chơi tài tử là một nghệ sĩ nghiệp dư. Cần có những chính sách đối với những nghệ nhân khả dĩ vừa đáp ứng phần nào đời sống vật chất vừa phát triển nhu cầu nghề nghiệp như: Tạo điều kiện biểu diễn, giao lưu, truyền nghề…, tạo dựng một môi trường thuận lợi để nghệ nhân đờn ca tài tử có thể phát huy tài năng, đóng góp tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp nghệ thuật ở địa phương.

+ Bảo tồn lòng bản nguyên gốc, cách diễn tấu, cách ca đúng chuẩn mực đờn ca tài tử, tránh trường hợp vô tình hay cố ý thể hiện đờn ca tài tử lệch lạc sang một loại hình nghệ thuật khác như nhạc mới, nhạc cải lương. Tổ chức thường xuyên những buổi đờn ca giao lưu và tạo môi trường cho các nghệ nhân bậc thầy trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất lòng bản và cách thể hiện.

+ Nên tạo điều kiện cho đờn ca tài tử được sinh hoạt theo các dạng thức riêng phù hợp với nó như:  Đờn ca tài tử trên sân khấu, trong nhà hàng, trong đám tiệc, trong lễ hội, giỗ chạp, trong thiên nhiên vườn ruộng, sông nước, trong hoạt động du lịch... Đừng gò ép nó vào không gian nhà hát như các loại hình biểu diễn khác.

+ Đưa đờn ca tài tử vào nhà trường, thông qua hệ thống giáo dục để bảo tồn, quảng bá kiến thức, phát hiện tài năng hoặc chí ít cũng rèn luyện khả năng nhận thức và yêu thích một loại hình nghệ thuật dân tộc ngay từ tuổi nhỏ.

+ Bảo tồn qua hình thức giới thiệu và quảng bá đờn ca tài tử qua các sở ngành, đoàn thể có trách nhiệm. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ góp sức gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc nầy theo đúng tinh thần Nghị quyết 5 và Nghị quyết 23 của Đảng đề ra.

Ở Tiền Giang, các ngành chức năng như Sở VH-TT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật, Đài PT-TH v.v… luôn quan tâm đến việc tập hợp, phát triển phong trào đờn ca tài tử. Cụ thể:

+ Chỉ đạo tổ chức các ban đờn ca tài tử ở các trung tâm văn hóa huyện, xã… Khuyến khích các nhóm đờn ca tài tử ở các xóm ấp hoặc nhóm gia đình của các nghệ nhân và xem đây là một tiêu chí trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

+ Đối với các xã văn hóa được hỗ trợ âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ và bài ca, bản đờn tài tử để phục vụ sinh hoạt.

+ Hằng tháng, các trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố để tổ chức nhiều cuộc biểu diễn giao lưu giữa các ban để học tập rút kinh nghiệm và tạo tình thân ái, tạo chất men kích thích hoạt động.

+ Tỉnh tuyển chọn hạt nhân ở các địa phương thành lập Ban Đờn ca tài tử TG, thường xuyên tập dợt chương trình và tham gia các cuộc liên hoan hội diễn luôn đạt thứ hạng cao.

+ Tổ chức các khóa tập huấn, các lớp dạy đờn ca tài tử, mời các nghệ nhân nghệ sĩ bậc thầy ở các tỉnh bạn và TP Hồ Chí Minh về hướng dẫn để nâng chất phong trào.

+ Tổ chức nhiều đợt phát động viết lời ca mới, xuất bản phổ biến đến các Ban Đờn ca tài tử để bổ sung thêm vào các bài ca các soạn giả tiền bối để lại để nội dung các buổi sinh hoạt tài tử mang hơi thở hiện đại, tạo thêm sức hút cho giới trẻ.

+ Hằng năm tỉnh tổ chức những cuộc liên hoan đờn ca tài tử trên sân khấu, trên sóng phát thanh truyền hình để các ban ở huyện, thị, thành phố về tham gia học tập, rút kinh nghiệm.

Bằng tất cả nỗ lực và trách nhiệm của mình, các ngành chức năng ở Tiền Giang luôn phối hợp chặt chẽ, bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, đã nuôi dưỡng, phát triển cho phong trào đờn ca tài tử ngày càng lớn mạnh.

Tóm lại, đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với cuộc sống của con người Nam bộ từ những ngày đầu mở đất. Đó là một viên ngọc cần bảo lưu. Nếu được phát triển đúng hướng, sinh hoạt đờn ca tài tử sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Tây Nam bộ nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu hội nhập văn hóa thế giới.

Huỳnh Anh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 45)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 431
  • Khách viếng thăm: 428
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 106045
  • Tháng hiện tại: 1854945
  • Tổng lượt truy cập: 48229072