Tiểu thuyết lịch sử cần có “nhân vật lịch sử” hay không?

Đăng lúc: Thứ ba - 11/09/2012 09:31
Trong mấy năm gần đây, xuất hiện nhiều tác phẩm văn chương viết về đề tài lịch sử gây được ấn tượng trong lòng độc giả, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi, trong đó nổi lên là vấn đề hư cấu nghệ thuật, vấn đề quan hệ giữa cái có thật và cái sáng tạo thêm của tác giả, liều lượng và tác dụng của chúng! Trong những quan hệ này nảy sinh một vấn đề quan: vai trò “nhân vật lịch sử” trong văn chương viết về đề tài lịch sử, hay nói một cách cụ thể là tiểu thuyết lịch sử cần có “nhân vật lịch sử” (những con người mà tên tuổi được ghi trong sử sách) hay không ?

1 - Như chúng ta biết nhân vật lịch sử được thể hiện trong văn chương thường gặp, thứ nhất là loại truyện danh nhân. Truyện danh nhân là loại tự sự ghi lại cuộc đời và công trạng của các danh nhân lịch sử. Ở thể tài này, về nhân vật, người viết sắp xếp các tình tiết trong mối quan hệ xác thực, chỉ hình tượng hóa nó lên để tạo sự hấp dẫn, tăng cường giá trị thẩm mỹ, người viết không thêm bớt những tình tiết, đưa vào những sự kiện không có thực. Truyện danh nhânchính là thể “ký” trong bình diện đề tài lịch sử của văn chương (Truyện danh nhân đất Việt - Nhiều tác giả).

Còn các loại văn chương tự sự khác như Kịch, Truyện ngắn và Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử là thể loại cho phép người viết thêm bớt, sáng tạo xung quanh cái sườn lịch sử. Tính chất văn chương tạo một khoảng rộng cho sự hư cấu, người viết có thể thêm bớt, sáng tạo một số nhân vật, tình tiết, kể cả việc xử dụng các yếu tố ảo, vô thức, các thế lực siêu nhiên nhưng không vì thế mà không chú ý đến vai trò các nhân vật lich sử. Truyện danh nhân là cái đã có. Kịch, Tiểu thuyết lịch sử là cái có thể có. Tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết thế sự, đôi khi có những yếu tố lịch sử xen vào nhưng khác tiểu thuyết lịch sử về phương thức sáng tạo. Thông thường được gọi là tiểu thuyết/ truyện lịch sử phải thỏa mãn các yêu cầu sau: 1 - Có nhân vật chính là nhân vật lịch sử. 2 - Các sự kiện chính gắn với các biến cố lịch sử. 3 - Chiêu thức hư cấu: mổ xẻ chiều sâu tâm lý, có thể thêm nhân vật phụ, sự kiện phụ ngoài lịch sử (kể cả các yếu tố hư ảo, vô thức). Trong đó yêu cầu thứ nhất là quan yếu nhất.

Ngay từ những năm giữa thế kỷ trước Nguyễn Huy Tưởng đã có những bước đi táo bạo đặt nền móng cho tiểu thuyết và kịch lịch sử hiện đại Việt Nam Đêm hội long trì, An Tư công chúa (tiểu thuyết), Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Thái bình diên yến (kịch). Nhân vật lịch sử trong các tác phẩm này là kết quả một bề dày của sự sáng tạo nên có sức sống bề lâu. Tiếp bước Nguyễn Huy Tưởng các tác giả sau này đã đem lại một sức sống, một ý nghĩa lớn cho thể loại này trong văn chương Việt. Đó là phương pháp thể hiện của tiểu thuyết lịch sử mà ta thường gặp trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Xuân Khánh… Tuy phát triển đầy sáng tạo nhưng các tác giả vẫn giữ những nguyên tắc đã nêu về vai trò nhân vật lịch sử làm khung cho thể loại.

Ở đây cần lưu ý phân biệt Phương pháp thể loại tiểu thuyết lịch sử và Yếu tố lịch sử trong tác phẩm. Như trên đã phân tích, phương pháp thể loại tuy rộng đường cho hư cấu nhưng nếu chỉ dừng lại ở vài yếu tố lịch sử trong bối cảnh xã hội còn tất cả chỉ là câu chuyện hư cấu, đặc biệt là sự vắng thiếu các nhân vật lịch sử thì chưa thể xem là tiểu thuyết lịch sử. Những người khốn khổ có một số chương mang yếu tố lịch sử (hình ảnh chiến đấu của các chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên chiến lũy) nhưng chi là tiểu thuyết thế sự. Chiến tranh, hòa binh lại có thể xem là tiểu thuyết lịch sử vì có nhiều sự kiện và nhân vật chính gắn với các biến cố cũng như nhân vật lịch sử (cuộc chiến Pháp- Phổ- Nga, các trận Bôrôđinô, Auxteclic, hình tượng Napôlêông , Cutudốp…)

2 - Gần đây, có tác giả nêu ý kiến về một loại tiểu thuyết lịch sử kiểu mới, đó là kiểu truyện lịch sử mà các vai chính không phải là những tên tuổi được ghi trong lịch sử mà là đám đông dân thường, còn các nhân vật khác đều do tác giả hư cấu nên, xem như vậy là lịch sử được viết trên tinh thần dân chủ sâu sắc. Tác phẩm têu biểu là bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài Quê người (viết 1941), Mười năm (1957), Quê nhà (1985). Tác giả viết:

“…truyện lịch sử mà các vai chính không phải là những nhân vật lịch sử nghĩa là những tên tuổi được ghi trong sử sách…Nổi lên đậm nét như những nhân vật chính là đám đông dân thường là nhân dân lao động dù có tên hay không tên thì đời cũng không hề biết […] Lịch sử được phản ánh qua sinh hoạt đời thường, lịch sử của đám đông quần chúng vô danh, lịch sử được viết trên tinh thần dân chủ sâu sắc …” (1)

Một ý kiến rất đáng suy nghĩ, tuy nhiên chúng tôi thấy có nhiều băn khoăn, chúng ta thử đi sâu tìm hiểu nội dung cụ thể các tác phẩm.

Bộ ba tiểu thuyết Quê người (viết 1941), Mười năm (1957), Quê nhà (1985), viết về một miền quê ngoại thành Hà Nội trong bối cảnh, vùng Hà Nội bị chiếm đóng, nhân dân sống điêu linh và khốn cùng nhiều người phải tha hương cầu thực. Đi phu, làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo, làm cu li đồn điền ở các thuộc địa “đất khách quê người". Bước sang một giai đoạn mới, mười năm 1935 – 1945, nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột Pháp, Nhật, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra. Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo giương cao lá cờ đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước, toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.   

Ở tập Quê nhà có nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội, có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc và vài ba tướng tá Pháp nhưng không phải là các nhân vật chủ yếu, mà tác giả đã hướng ngòi bút tập trung thể hiện hình ảnh các đội nghĩa binh hoạt động ở các làng ven thành Hà Nội, cũng như các đội dân quân chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa ở các thời kỳ sau. Các nhân vật được miêu tả kỹ là những thanh niên Làng Hạ được giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng Lê, Lạp, Ba, Trung (Quê nhà), cũng như những cặp đôi Hời - Ngây, Thoại - Bướm (Quê người, Mười năm), những nhân vật thuần hư cấu. Nhận xét về tập sách Phong Điệp viết:

“Quê người là cuốn tiểu thuyết đầu tay, nhưng đã bộc lộ khá rõ cái “tạng” riêng của tác giả, những đặc điểm của cây bút văn xuôi Tô Hoài. Không có những biến cố lớn lao, xung đột xã hội gay gắt, cả truyện chỉ là những cảnh sống diễn ra thường ngày ở một vùng quê ven thành có nghề thủ công. Có chuyện làm ăn, đám cưới, đám giỗ, cảnh hội hè, đình đám, có đủ cả buồn vui, yêu đương, sum họp, chia lìa. Trên cái nền cảnh của cuộc sống đời thường ấy, là câu chuyện của mấy gia đình và hai đôi nam nữ: Hời - Ngây, Thoại - Bướm. Nhưng qua những bức tranh sinh hoạt phong tục ấy, vẫn hiện lên rõ sự sa sút, tiêu điều của một vùng quê vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng và cùng với đó là những kiếp sống quẩn quanh, buồn bã, bị dồn đẩy tới đói nghèo, ly tán, tha hương.”(2)

Tuy nhận xét của Phong Điệp tập trung vào tập Quê người nhưng cũng phần nào diễn tả được cái âm hưởng chung của bộ ba.

Tổng hợp lại, trong bộ ba tác phẩm của mình, Tô Hoài đã thành công khi thể hiện cuộc sống của nhân dân vùng ngoại ô Hà Nội qua những biến động cam go trước cách mạng , đặc biệt thể hiện đám đông nhân dân trong chiến đấu, hội họp, làm ăn…, nhưng lại thiếu vắng nhân vật lịch sử tiêu biểu, nhân vật xuất hiện trong tác phẩm chỉ là những con người hoàn toàn do tác giả hư cấu. Tác phẩm cũng thành công với bức tranh những sinh hoạt xóm làng như chiến đấu, làm ăn, yêu đương, hội hè, nhưng cũng thiếu vắng những sự kiện lịch sử cụ thể làm sườn…

Sau đây là suy nghĩ của chúng tôi:

- Xét về bối cảnh xã hội, tuy nói rằng lịch sử là sự nghiệp quần chúng , nhưng lịch sử không thể vắng bóng các anh hùng, các nhân vật nổi tiếng những con người dẫn dắt phong trào. Văn chương viết về lịch sử, phản ánh lịch sử làm tròn chức năng nhận thức không thể thiếu vai trò những con người đó dù phong trào quần chúng có thể hiện đầy đủ đến đâu chăng nữa.

- Xét về thi pháp thể loại, nhân vật là thành tố trung tâm của tiểu thuyết, chúng tôi nghĩ rằng: trong không khí cách tân, có nhiều tìm tòi để đổi mới qui trình sáng tạo, trong đó có sự đổi mới thi pháp loại thể, tiểu thuyết hiện đại có thể dung nạp nhiều quan điểm, hoặc có cốt truyện hoặc chỉ chú trọng vào vấn đề , thì tác phẩm vẫn không thể thiếu vai trò của nhân vật. Tiểu thuyết lịch sử dẫu có đổi mới, chỉ có thể gia tăng hàm lượng hư cấu về phía tâm lý nhân vật và một vài sự kiện ngoại lai, cũng như các yếu tố tâm linh khác, chứ không thể “nói không” với các sự kiện và các nhân vật lịch sử.

- Xét về hiệu ứng thẩm mỹ đối với độc giả, ta thấy hiệu ứng thẩm mỹ mà các tác phẩm gắn với nhân vật lịch sử đưa lại cho người đọc khác các tác phẩm thế sự , một đằng là câu chuyện truyền thống dân tộc, cha ông, một đằng là chuyện cuộc đời, đều là tấm gương soi nhưng một đằng nghiêm cẩn và thành kính vì trước mặt họ là “ sự biểu hiện tư duy của một dân tộc dưới tất cả mọi hình thức và trong tất cả mọi phương thức…”(3), một đằng thiên về cảm xúc, liên tưởng “ về các số phận cá nhân tự mình hành động theo tính cách của mình chứ không phải là thực hiện dưới một hình thức phụ thuộc được điều tiết” , “tự nó tạo ra số phận của chính nó” (4).

Những ý kiến trên cuả Hegel về nhân vật anh hùng sử thi và nhân vật thế sự có thể giúp ta hiểu thêm vấn đề. Nhữngnhân vật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử , là những con người “biểu hiện tư duy của dân tộc” chịu sự chi phối trực tiếp của lịch sử còn nhân vật trong tiểu thuyết thế sự là những con người tự do. Cảm hứng lịch sử nghiêm cẩn thành kính mà nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử tạo nên rất khó có được ở các nhân vật thế sự trong tiểu thuyết thế sự . Không cónhân vật lịch sử , thì màu sắc lịch sử không rõ, nếu chỉ có phong trào quần chúng thì hầu hết các tiểu thuyết cách mạng và kháng chiến đều có sự thể hiện các phong trào này nhưng khó tạo được một cảm hứng lịch sử đầy đủ.

Như vậy xét về đặc trưng thể loại, cần phân biệt yếu tố và phương pháp, bộ ba tác phẩm của Tô Hoài chỉ là tiểu thuyết sinh hoạt có yếu tố lịch sử - yếu tố sử thi mà thôi! Cũng như các tác phẩm Vùng mỏ, Con trâu, Cửa biển, Hòn đất, Rừng U Minh… những tác phẩm này đều thành công ở phương diện xây dựng phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng, những đội du kích chống giặc, kết hợp những sinh hoạt đời thường được xây dựng trong một bối cảnh đời sống có ít nhiều yếu tố lịch sử, một bối cảnh mà có thể lắp ghép vào cốt truyện nhiều tác phẩm viết về cách mạng và kháng chiến.

3 - Vấn đề không phải là cái tên gọi về thể loại tác phẩm, mà cái chính là cùng với tên gọi đó là một sự gián tiếp định hướng nội dung sáng tạo của tác giả cũng như cách tiếp nhận tác phẩm cho độc giả. Bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài khá thành công trên phương diện tiểu thuyết thế sự hay tiểu thuyết sinh hoạt- đề tài cách mạng , nhưng để xem là tiểu thuyết lịch sử dẫu chỉ một bước thể nghiệm kiểu mới, làm tiền đề cho một phương pháp thể loại, e không làm tăng giá trị mà chỉ làm loãng cái khái niệm tiểu thuyết lịch sử đã định hình (trong nền văn học, cũng như trong nhà trường) và chính cái sự mờ nhạt, luễnh loãng về lịch sử, về xây dựng nhân vật này sẽ hạ thấp hiệu ứng thẩm mỹ của “bộ ba” khi đứng bên cạnh các tác phẩm cùng thể loại thời hiện đại cũng như đương đại. Ý kiến của GS rất đáng suy nghĩ, không phải chỉ nói về các tác phẩm hiện hành mà còn nhằm mở đầu cho một quan điểm mỹ học mới về tiểu thuyết lịch sửvới “tinh thần dân chủ sâu sắc”, tuy nhiên nếu cắt đứt với cái chuẩn cơ bản tạo nên đặc trưng thể loại thì sẽ rất khó cho những người đi sau! Thực tiễn sáng tạo, kịch , tiểu thuyết và cả điện ảnh đề tài lịch sử trong mấy năm gần đây có nhiều tìm tòi để đổi mới qui trình sáng tạo, đổi mới thi pháp loại thể. Dẫu vậy những vấn đề cơ bản như vai trò nhân vật, cảm xúc tiếp nhận của bạn đọc không thể tùy tiện!

-------

(1) Nguyễn Đăng Mạnh - Tô Hoài và một cách viết tiểu thuyết lịch sử (VN số 28-14-7-2012).

(2) Phong Điệp - Tô Hoài và một phong cách tiểu thuyết.

(3),(4) Hêghen - Mỹ học - Những văn bản chọn lọc (NXB KHXH Hà Nội 1996- tr173,176)

Hà Quảng
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 168
  • Khách viếng thăm: 164
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 20066
  • Tháng hiện tại: 2576509
  • Tổng lượt truy cập: 48950636