Hàng Tết được bày bán ở Vinatex Mart Mỹ Tho.
GIÁ CẢ ÍT BIẾN ĐỘNG
Qua theo dõi thị trường, trong những ngày cuối tuần vừa qua, sức mua ở các chợ, siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu có xu hướng tăng không đáng kể. Lượng khách đến các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho chỉ đông hơn ngày thường khoảng 20%. Riêng tại các siêu thị sức mua đã có tăng hơn ngày thường nhưng vẫn chưa bằng cùng kỳ năm 2012. Hàng hóa phục vụ cho mùa tết đã rất dồi dào, phong phú. Đến thời điểm này, chỉ có một số loại bia và nước giải khát tăng giá bán, các mặt hàng còn lại đều khá ổn định.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, dùng hàng ngày nên mức tiêu dùng mặt hàng này sẽ khó bị tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn. Trong đó, thịt heo vốn là mặt hàng thường tăng giá vào những ngày cao điểm tết và thị trường chỉ có thể “hạ nhiệt” khi nguồn cung dồi dào.
Ông Đặng Minh Phước, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang cho biết, hàng năm bước vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, sức mua nhiều loại thực phẩm tươi sống như: Thịt heo, thịt gia cầm các loại... thường tăng mạnh.
Thời gian qua, có nhiều lo ngại về nguồn cung heo hơi sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nguồn cung heo hơi trên thị trường vẫn dồi dào, giá cả khá ổn định. Giá heo mảnh của công ty hiện khoảng 67.000 đồng/kg; gà nguyên con làm sẵn có giá bán 67.000 đồng/kg; gà thả vườn 43.000 đồng/kg… Do thịt heo hiện không tăng giá nên lạp xưởng được bán trên thị trường với giá cũng khá ổn định, dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại và nhãn hiệu.
Bánh kẹo cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp tết. Co.op Mart Mỹ Tho chuẩn bị lượng bánh mứt chuẩn bị phục vụ tết năm nay khoảng 70 tấn, trong đó gồm các loại mứt truyền thống và bánh kẹo của các thương hiệu Việt chiếm đến 90% như: Kinh đô, Bibica... Theo nhận định của các nhà phân phối bánh kẹo tết, mặc dù thời điểm này đã là cận Tết Nguyên đán nhưng giá các loại bánh kẹo chỉ tăng giá nhẹ khoảng 5%.
Dự báo về giá cả hàng hóa, ông Nguyễn Thành Sơn, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Kim cho biết, nguồn hàng từ các đầu mối lớn khá dồi dào, lượng hàng tồn kho còn khá nhiều tại các nhà sản xuất cũng như các nhà phân phối cho nên chiến lược tăng khuyến mãi hoặc chiết khấu bán hàng được các nhà cung cấp áp dụng khá nhiều để kích thích sức mua, tung hàng ra thị trường, giảm lượng hàng tồn kho.
Tính đến thời điểm này, hầu hết giá cả hàng hóa đều không tăng, đây là điểm khác thường so với các năm trước. Có một số ít hàng hóa được các nhà phân phối báo tăng giá từ 5-15% là sữa bột, nước giải khát. Riêng mặt hàng đường ăn đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước (giảm 2.000 đồng/kg) khi đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh mứt như hiện nay nên dự báo các loại bánh mứt tết sẽ không có biến động nhiều về giá.
CHỦ ĐỘNG NGUỒN HÀNG
Theo báo cáo của 7 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán, đến thời điểm này các DN đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành việc dự trữ hàng hóa theo kế hoạch 153/UBND-TM của UBND tỉnh.
Theo đó, các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp này dự trữ bao gồm: Gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, gia cầm… Cụ thể: 675 tấn gạo các loại; 220 tấn đường; 956.200 lít dầu ăn; 268,4 tấn bột ngọt; 112 tấn thịt gia súc; 15,4 tấn thịt gia cầm… Tổng số vốn mà các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013 khoảng 284,5 tỷ đồng (tăng hơn năm 2012 71,1 tỷ đồng), trong đó hàng hóa thiết yếu 68,712 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp vay vốn 28,4 tỷ đồng để thực hiện việc dự trữ hàng hóa dịp tết. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết này sẽ tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải chuẩn bị lượng hàng tăng từ 20-40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường, đặc biệt tập trung vào một tháng trước và sau tết.
Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có trên 20 điểm bán hàng bình ổn, với giá được các doanh nghiệp cam kết sẽ thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trên thị trường. Như vậy, chỉ tính riêng nguồn hàng hóa tết của các doanh nghiệp bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm lượng dự trữ phục vụ tết đã chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang, với số lượng đàn heo 4.000 con và đàn gà 5.000 con của công ty hiện nay sẽ đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Công ty đã chuẩn bị 10 tấn gà nguyên con; 100 tấn heo hơi để phục vụ Tết… với cam kết bán với giá thấp hơn thị trường 5% thông qua nhà phân phối là Co.opMart Mỹ Tho để bán ra cho người tiêu dùng.
Riêng Công ty Lương thực Tiền Giang đã chuẩn bị 600 tấn gạo sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Ở kênh phân phối bán lẻ, đến thời điểm này, HTX Vĩnh Kim đã mua dự trữ được 81 tấn đường; 22.753 lít dầu ăn; 7.736 kg bột ngọt… Tổng trị giá hàng hóa dự trữ 4,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Sơn, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Kim cho biết: “Với lượng hàng hóa mà HTX hiện đang dự trữ và tiếp tục mua dự trữ thì HTX sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa trong dịp Tết mà không lo thiếu hàng”.
Dự kiến sức mua và lượt khách mua sắm Tết sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với những ngày thường và để phục vụ cho mùa kinh doanh Tết, Co.op Mart Mỹ Tho đã dự trữ tổng lượng hàng hóa thiết yếu và hàng hóa tiêu dùng gần 300 tấn, với tổng số vốn khoảng 60 tỷ đồng, tăng gấp bốn lần so với những tháng kinh doanh bình thường. Với sự chuẩn bị khá kỹ như hiện nay, sẽ không có hiện tượng thiếu hàng. Mặt khác, siêu thị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giá tốt cho người tiêu dùng mua sắm Tết.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp của tỉnh còn chủ động tăng cường kênh phân phối, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng thông qua các chương trình bán hàng lưu động. Điều này không chỉ giúp cho việc lưu thông, phân phối hàng trên toàn tỉnh thêm thuận lợi, mà còn góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Sở Công thương vừa thành lập Đoàn kiểm tra 7 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 theo kế hoạch số 153/UBND-TM của UBND tỉnh. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đã thực hiện khá tốt việc treo băng gôn hay đăng bảng thông báo ngay tại các điểm hoặc khu vực bán hàng bình ổn; đồng thời việc niêm yết giá bán các mặt hàng bình ổn được thực hiện một cách công khai.
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp bán mặt hàng bình ổn với giá cao hơn giá đăng ký hoặc cao hơn 5% so với giá thị trường của mặt hàng cùng loại. Đại diện một siêu thị tham gia bán các mặt hàng bình ổn cho biết, do nhập hàng từ nhiều tháng trước với giá cao, đặc biệt là dầu ăn, nhưng hiện giá dầu ăn đã giảm còn phải bán thấp hơn thị trường 5% thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ nên không thể bán theo giá cam kết.
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa Tết đang gặp phải, đồng thời tiến hành nhắc nhở các doanh nghiệp phải niêm yết giá bán theo đúng giá đăng ký và đảm bảo cam kết giá bán thấp hơn 5% so với giá thị trường của mặt hàng cùng loại.
Ý kiến bạn đọc