Tập trung bảo vệ lúa đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/01/2016 04:07
Dù đã được dự báo và chuẩn bị từ trước nhưng đến thời điểm này, mặn đã xâm nhập quá nhanh làm cho cơ quan chức năng và người trồng lúa “trở tay” không kịp, khiến cho tình hình sản xuất lúa ở khu vực Gò Công gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành nạo vét kinh, mương để tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2015 - 2016 ở Dự án Ngọt hóa Gò Công.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành nạo vét kinh, mương để tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2015 - 2016 ở Dự án Ngọt hóa Gò Công.

BƠM CHUYỀN GIỮA THÁNG 1

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, do mặn sông đến sớm, xâm nhập mạnh, từ cuối tháng 11 đến nay nguồn nước tiếp duy nhất vào Dự án Ngọt hóa Gò Công chỉ qua cống Xuân Hòa. Thế nhưng, từ đầu tháng 1 đến nay cống Xuân Hòa lấy nước không ổn định - một hiện tượng chưa từng xảy ra, đã làm cho lượng nước khu vực nội đồng giảm rất nhanh.

Cụ thể, đến ngày 15-1, mực nước khu vực nội đồng trên các kinh trục chỉ còn dao động ở mức từ 0,3 - 0,39 m (so cùng kỳ 0,48 - 0,82 m). Cũng theo công ty, do hiện tại chỉ còn cống Xuân Hòa lấy nước với lưu lượng bình quân mỗi ngày khoảng 700.000 m3 nên lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu lên đến khoảng 1,2 triệu m3/ngày. Những ngày qua, mỗi ngày mực nước nội đồng trên kinh trục liên tục giảm khoảng từ 5 - 10 cm.

Từ đó, hiện tại, một số diện tích lúa các khu vực xa nguồn, khu vực mực nước nội đồng trên các tuyến kinh trục thấp, kinh dẫn cạn, các địa phương đã tổ chức bơm chuyền. Ông Huỳnh Hồng Huệ, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân (TX. Gò Công) cho biết, toàn xã có 1.400 ha lúa sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, trong đó có khoảng 400 ha đang gặp khó khăn về nước mặc dù đa số người dân xuống giống đúng theo lịch thời vụ.

“Hiện nay, hầu hết các kinh nội đồng đều đã cạn nước. Để cứu lúa, những ngày qua, xã đã chủ động tổ chức bơm chuyền 2 cấp nhưng cũng chỉ tổ chức bơm được ở những nơi kinh còn nước. Đến thời điểm này, xã đã tổ chức 20 điểm bơm chuyền, tăng 15 điểm so với vụ đông xuân 2014 - 2015. Phần lớn các trà lúa còn trên dưới 2 tháng nữa mới thu hoạch nhưng hiện giờ nước đã rất khó khăn, không biết sắp tới sẽ ra sao nữa?” - ông Huệ lo lắng.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, đến nay toàn vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công xuống giống lúa gần 29.000 ha, trong đó trên 1.700 ha ở giai đoạn từ 1 - 10 ngày tuổi, trên 15.215 ha từ 11 - 20 ngày tuổi, gần 11.000 ha từ 21 - 30 ngày tuổi, 368 ha từ 31 - 40 ngày tuổi và 558 ha từ 50 - 80 ngày tuổi.

Tại Gò Công Đông, huyện cuối nguồn ngọt hóa, mực nước kinh đang xuống rất thấp, chất lượng nước cũng khá xấu. Anh Phạm Võ Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết, trong vụ này xã có trên 150 ha xuống trễ so với lịch thời vụ và các trà lúa này đến nay chưa đến 1 tháng tuổi.

Trong khi đó, mực nước kinh trên địa bàn chỉ còn khoảng từ 1 - 2 tấc nước, có những tuyến kinh không còn nước. Do đó, xã đã vận động người dân tổ chức bơm chuyền cứu lúa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay toàn vùng dự án đã triển khai 117 điểm bơm phục vụ cho 3.952 ha, tập trung ở huyện Gò Công Đông (20 điểm bơm), TX. Gò Công (42 điểm bơm), huyện Gò Công Tây (55 điểm bơm).

BỔ CẤP NGUỒN NƯỚC KHI ĐỘ MẶN CHO PHÉP

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này phần lớn diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn tỉa dặm và đẻ nhánh (từ 10 - 25 ngày tuổi) nên nhu cầu dùng nước rất lớn. Trong khi đó, mực nước trong các kinh trong vùng dự án rất thấp và đang tiếp tục xuống nhanh. Còn ngoài sông, độ mặn tiếp tục tăng, xâm nhập sâu vào nội đồng làm cho dự án sẽ đóng ngăn mặn hoàn toàn trong thời gian tới càng đẩy mực nước trong vùng xuống thấp, đe dọa đến các trà lúa hiện nay.

Ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 8.000 ha lúa đang ở giai đoạn 30 ngày tuổi trong tổng số 11.000 ha xuống giống trong vụ lúa đông xuân này. Nếu thời gian tới tình tình nước vẫn diễn biến theo hướng thế này, các trà lúa sẽ bị nguy kịch. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức bơm chuyền 2 cấp, trục vớt lục bình.

Còn ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, trước tình hình các kinh nội đồng cạn kiệt hiện nay, ngoài chỉ đạo tổ chức bơm chuyền, trục vớt lục bình, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT, các xã giám sát chặt chẽ các công trình thủy lợi, kiểm tra công tác thủy lợi nội đồng. Bên cạnh tổ chức bơm chuyền từ kinh cấp 2 vào kinh cấp 3, huyện cũng lên kế hoạch tổ chức bơm chuyền từ kinh cấp 1 đến kinh cấp 2; đồng thời đã cho tiến hành rà soát, bổ sung phương án phòng, chống hạn, mặn từ huyện đến xã.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tại Trạm An Định (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo), cuối tháng 1 mặn có thể đạt từ 3 - 5 g/l, cuối tháng 2 khoảng 4 - 6 g/l và cuối tháng 3 độ mặn đạt khoảng từ 6 - 8 g/l.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, mặn diễn biến quá nhanh so với dự tính, trong khi đó vùng dự án có nhiều diện tích phải đến cuối tháng 3 mới cắt nước. Nếu trước đây việc bơm chuyền chỉ dự kiến tổ chức cho các diện tích trễ vụ, còn nay phải tổ chức bơm chuyền cho cả những diện tích xuống giống đúng lịch thời vụ.

Hiện nay và sắp tới là giai đoạn lúa rất cần nước, cộng với nước bốc hơi mặt thoáng cao nên tình hình nước phục vụ sản xuất lúa càng khó khăn hơn. Không chỉ vậy, ngoài sản xuất lúa, trong vùng còn khoảng 10.000 ha cây ăn trái, rau màu và nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Theo ông Pháp, trong tình hình hiện nay, công việc quan trọng là vận động nhân dân tăng cường bơm chuyền, bơm trữ, giữ gìn vệ sinh nguồn nước.

Nhằm nỗ lực cao nhất trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất đông xuân 2015 - 2016 với tinh thần “còn nước còn tát”, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức bơm chuyền, bơm trữ nước, nạo vét kinh mương, giữ vệ sinh nguồn nước.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi theo dõi sát diễn biến mặn trên sông để tổ chức lấy nước khi độ mặn cho phép. Các cơ quan Bảo vệ thực vật, khuyến nông tổ chức hội thảo đầu bờ, hướng dẫn người dân biết những giai đoạn nào lúa cần nước, những giai đoạn lúa không cần nước hoặc cần ít nước để có giải pháp điều tiết sử dụng nước hợp lý.

Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 206
  • Khách viếng thăm: 182
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 20503
  • Tháng hiện tại: 2636242
  • Tổng lượt truy cập: 49010369