Bệnh đốm trắng đang hoành hành vườn thanh long

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/09/2013 08:23
Người dân trồng thanh long Chợ Gạo đang đau đầu vì bệnh đốm trắng gần đây lây lan nhanh chóng, gây thiệt hại rất lớn.
Ông Nguyễn Thành Nhuần bẻ bỏ trái thanh long bị bệnh đốm trắng.

Ông Nguyễn Thành Nhuần bẻ bỏ trái thanh long bị bệnh đốm trắng.

Thiệt hại nặng

Chiều ngày 18-9, chúng tôi trở lại vùng trồng chuyên canh cây thanh long ở xã Quơn Long (Chợ Gạo). Đi đâu, người trồng thanh long đều tỏ rõ cảm giác lo âu do gần đến đợt xông đèn cho trái nhưng bệnh trên cây thanh long diễn biến ngày càng phức tạp.

Hộ ông Nguyễn Thành Nhuần, ấp Quang Khương, là một trong những hộ trồng thanh long bị thiệt hại nặng nhất do bị bệnh đốm trắng. “Tui có 6 công thanh long đã được 4 năm tuổi, dự kiến đợt thu hoạch rồi có thể kiếm trên 100 triệu đồng, nhưng thực tế đến nay chỉ thu được trên 50 triệu đồng, do tỷ lệ trái thanh long bị dạt lên đến 50%. Có đợt hái trái được 1,5 tấn nhưng bị thương lái dạt đến 800 kg vì trái bị bệnh. Trái thanh long bị bệnh chỉ bán được 1.000 đồng/kg nhưng phần nhiều là để cho cá ăn vì thương lái không mua, trong khi giá thanh long hiện tại cũng dao động khoảng 15.000 đồng/kg”- ông Nhuần cho biết.

Dấu hiệu bệnh được phát hiện đầu tiên ở vườn nhà ông Nhuần chỉ trên một vài bụi thanh long vào năm 2012, nhưng lúc đó chưa biết là bệnh đốm trắng. Mãi đến tháng 3-2013, dấu hiệu thanh long bị bệnh trong vườn thanh long tăng nhanh. Đó là xuất hiện nhiều đốm trên cành thanh long, nhất là cành non và lây lan nhanh vào mùa mưa.

Đặc biệt là gần đây những đốm xuất hiện càng nhiều trên trái thanh long, nhất là khi trái gần chín. Khi trái chín, những đốm này xuất hiện rõ hơn và nhiều hơn, buộc lòng những trái này bị dạt hoặc bán với giá rất rẻ. Đến nay, đã có 40% diện tích trồng thanh long vườn nhà ông Nhuần đã bị nhiễm bệnh. “Tui đã nhờ nhân công cắt bỏ hết những cành đã bị bệnh và tập trung phun xịt thuốc để hy vọng ngăn được bệnh lây lan nhưng hiện nay lại chưa có thuốc đặc trị nên cũng đang lo”- ông Nhuần tâm tư như vậy.

Những vườn trồng thanh long xung quanh cũng đang có dấu hiệu bệnh đốm trắng lây lan và đang tăng nhanh. Anh Nguyễn Thành Ngoan, có trên 300 trụ thanh long đang cho trái cho biết, vườn nhà anh đang xuất hiện những dấu hiệu của bệnh đốm trắng. Tương tự, anh Nguyễn Thành Thảo, có vườn thanh long trên 200 trụ đang ra hoa nhưng anh cũng rất lo là không biết có an toàn hay không vì những vườn thanh long xung quanh đã xuất hiện dấu hiệu bệnh rất nhiều và khả năng lây lan cũng rất nhanh.

Thật ra, bệnh trên cây thanh long không chỉ tập trung ở ấp Quang Khương mà gần như xuất hiện trên phạm vi toàn vùng chuyên canh thanh long, nhưng với mức độ ít nhiều. Ông Phạm Văn Quận, Phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long, cho biết toàn xã hiện có 904 ha trồng thanh long, tương ứng 90% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Thanh long đã giúp cho bà con trong xã xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay bà con rất lo lắng do dịch bệnh đốm trắng hoành hành. Theo thống kê sơ bộ, dấu hiệu bệnh đã xuất hiện khoảng  20% rải rác trong các vườn thanh long, vườn nặng nhất lên đến 50%. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên xã chỉ khuyến cáo bà con vệ sinh vườn trồng, hạn chế dùng phân gà…

“Bà con đang có tâm lý là không dám xông đèn để xử lý ra hoa vì sợ bệnh đốm trắng xuất hiện, nên diện tích xông đèn giảm 30%, khả năng sản lượng thanh long của xã sẽ giảm 20%. Hiện nay bà con tập trung cắt bỏ nhánh thanh long bị bệnh, chủ yếu là nhánh non, nên năng suất thanh long tới đây chắc chắn cũng sẽ giảm hơn”- ông Quận cho biết.

Lo thiếu nguồn thanh long cung ứng

Lo ngại đang được đặt ra là, với tình hình bệnh đốm trắng chưa được kiểm soát dứt điểm hiện nay, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn thanh long tiêu thụ, nhất là phục vụ cho xuất khẩu. Vì thực tế, thanh long là một trong những loại nông sản có khả năng xuất khẩu mạnh nhất. Điều này đang được các nhà kinh doanh tiên liệu.

Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo), chuyên cung ứng xuất khẩu thanh long nhận định rằng, với tình hình này sẽ thiếu lượng thanh long cung ứng cho thị trường. Theo ông Danh, chỉ riêng công ty mỗi ngày tiêu thụ khoảng 60 tấn, vào cao điểm trên 100 tấn để cung ứng xuất khẩu. Hiện tại, giá thanh long đủ chuẩn xuất khẩu là 20.000 đồng/kg, trong khi nhu cầu tiêu thụ thanh long của các nước đang tăng rất cao, gần đây cũng mở thêm được thị trường tiêu thụ là Ấn Độ, Nga.

“Tuy nhiên, gần đây công ty phải hủy nhiều hợp đồng với số lượng lớn vì không có đủ nguồn thanh long cung ứng, do bệnh đốm trắng đã xuất hiện trên 100% vườn thanh long và có đến 30-40% diện tích thanh long bị bệnh đã lan đến trái. Những trái bị bệnh chỉ được tiêu thụ nội địa hoặc bỏ đi. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, đến năm 2014 diện tích trồng thanh long sẽ bị giảm dần”- ông Danh nhận định.

Xu hướng bệnh đốm trắng ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Lúc đầu, dấu hiệu bệnh chỉ xuất hiện ở cành non, nay đã có ở cành già và lan đến trái nhưng hiện tại chưa có được cách điều trị hiệu quả.

Theo nhận định ban đầu nguyên nhân gây ra bệnh có thể do đất đai ít được cải tạo, trồng lâu năm cũng như liên quan đến giống thanh long đã được trồng quá lâu, nên khả năng kháng bệnh ít. Bởi theo kinh nghiệm trồng thanh long nhiều năm của ông Danh, giống thanh long ruột trắng cũ mà bà con đang trồng có tỷ lệ lây lan bệnh nhanh hơn giống thanh long ruột trắng mới, hay thanh long ruột đỏ.

Trong khi thanh long ruột trắng mới có giá bán thường cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng có chất lượng ngon, trái lại to hơn. “Trước mắt bà con nên vệ sinh vườn trồng sạch sẽ, xịt thuốc định kỳ và đồng loạt cả khu vực trồng thanh long và tính đến phương án chuyển đổi cây giống kháng bệnh để an toàn hơn”- ông Danh  đề xuất.

Xuất hiện trên diện rộng

Ngành Nông nghiệp đang tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT), phối hợp kiểm tra, khảo sát tình hình gây hại của bệnh đốm trắng trên cây thanh long, đề xuất hướng phòng chống, xử lý hữu hiệu.

Trước mắt, ngành khuyến cáo bà con khơi thông mương máng, thoát nước tốt cho vườn thanh long; gom các cành và trái bị bệnh tiêu hủy; sử dụng phân chuồng hoai mục và nấm đối kháng Trichoderma; bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, không bón thừa đạm, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng phân gia cầm tươi bón cho cây thanh long.

Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, bệnh đốm trắng trên thanh long đã xác định được tác nhân gây bệnh và lan truyền là do nấm Scytalidium dimidiatum gây ra.

Bệnh gây hại trên cả thân, cành, hoa và trái thanh long gây thất thu lớn cho bà con bởi không tiêu thụ được trái. Tốc độ bệnh lây lan khá nhanh, nhất là trong mùa mưa, ẩm độ cao, ở những vườn không thông thoáng, kém vệ sinh, đặc biệt là vườn bón nhiều phân đạm và sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng.

Bệnh đốm trắng đang gây nhiều thiệt hại cho nhà vườn trồng chuyên canh thanh long tại tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.


Thế Anh
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 474
  • Khách viếng thăm: 468
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 50810
  • Tháng hiện tại: 714187
  • Tổng lượt truy cập: 49860664