Nỗi niềm cô giáo mầm non

Đăng lúc: Thứ năm - 21/11/2013 09:30
Có một giáo viên mầm non (MN) tâm sự: “Làm giáo viên MN, một nghề đầy căng thẳng, áp lực, vận động suốt ngày để dạy dỗ, chăm sóc các bé cho ngoan, sạch sẽ và yêu cầu phải chuẩn hóa trình độ chuyên môn, thấp nhất là phải học xong trung cấp sư phạm…”.

Đưa chúng tôi bảng thời gian biểu với một chuỗi công việc mà các cô phải thực hiện suốt từ 6 giờ 45 phút đến 16 giờ 30 phút trong ngày, cô Nhã Mai, Hiệu trưởng Nhà trẻ 8-3 (Cai Lậy) chia sẻ:

“Nhà trẻ 8-3 là phòng học cũ của học sinh tiểu học được sửa lại để các cháu có chỗ ăn, chỗ ngủ, nơi học hành. Vì lẽ đó các cô rất cực trong khâu vệ sinh cho các cháu. Mặt khác, khác với các bậc học trên, sĩ số học sinh của nhà trẻ luôn dao động, do phụ huynh có thể gởi trẻ và không gởi bất cứ lúc nào trong năm học, chính vì vậy việc rèn luyện nền nếp cho các cháu không đồng bộ… Chúng tôi ước ao sớm được xây phòng đúng chuẩn để các cô đỡ vất vả và các cháu có nơi chơi, nơi học tốt hơn”.

Các cô Trường Mẫu giáo Long Bình Điền (Chợ Gạo) tranh thủ làm đồ dùng dạy học ngoài giờ.
Các cô Trường Mẫu giáo Long Bình Điền (Chợ Gạo) tranh thủ làm đồ dùng dạy học ngoài giờ.

Cô Hạnh Thùy có 23 năm gắn bó với nghề, tâm sự: “Áp lực công việc từ nhiều phía, mỗi ngày làm 10 giờ, về nhà còn phải soạn giáo án. Nuôi và dạy các cháu cực lắm, nhất là lúc các cháu bệnh. Ở tuổi này các cháu hay bị rối loạn tiêu hóa, nếu các cháu bệnh làm sụt ký thì cô giáo bị đánh giá chất lượng chuyên môn kém. Mệt mỏi nhưng nhìn thấy các cháu hồn nhiên, vô tư, yêu mến cô giáo như mẹ là cô cảm thấy vui và quên đi bao nỗi nhọc nhằn!”.

Nhà ở Tam Bình, cách trường 17 km, 24 năm qua cô Bích Vân vẫn đều đặn 5 giờ sáng chuẩn bị rời nhà, vì không đi xe máy được, trước kia đi xe đạp, giờ đi xe buýt để 6 giờ 15 phút có mặt tại trường lo vệ sinh phòng, mặc dù chiều hôm trước đã lau chùi sạch sẽ để 6 giờ 45 phút đón trẻ, sau đó thì thể dục buổi sáng, vui chơi với trẻ, dạy trẻ, lo cho trẻ ăn trưa, ngủ trưa, ăn chiều, sau khi trả trẻ phải vệ sinh phòng học…

Cô Vân trở về nhà thì chạng vạng tối, người mệt mỏi nhưng vẫn phải làm sổ sách và soạn giáo án. Phải chăng, do dành hết thời gian cho nghề nghiệp mà tuổi xuân của cô đã đi qua lúc nào không hay khi tuổi trên 40 tuổi mà cô Vân vẫn chưa có gia đình riêng.

Còn cô Trang (sinh năm 1990) vào nghề 3 năm, dù đã được đào tạo trung cấp, nhưng thứ bảy và chủ nhật cô vẫn xuống Mỹ Tho theo học lớp Đại học Sư phạm MN. Trang tâm sự:

“Tháng đầu tiên vô dạy em bị viêm họng, khàn tiếng và sốt vì không quen nói nhiều. Có lúc tưởng sáng dậy không nổi, nhưng nhớ những ánh mắt, nụ cười của các cháu như có sức mạnh bật em dậy đến lớp. Cảm động nhất là đầu năm học rồi có cháu không chịu qua lớp mới, bỏ chạy tìm lớp cô Trang… Được các cháu yêu mến nên cô Trang quyết tâm học tiếp để bám trụ với nghề đã chọn”.

Đến thăm Trường Mẫu giáo xã An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) lúc các cháu đang ăn, thấy 3 cô di chuyển từ bàn ăn này sang bàn khác để động viên cháu này, khuyến khích cháu kia cầm muỗng tự ăn, hoặc đút cơm cho cháu nọ để các cháu ăn no. Vất vả là vậy, nhưng cô Minh Hằng (gần 30 năm trong nghề) vẫn cười tươi nói với chúng tôi:

“Từ lúc mở bán trú, tụi chị cực lắm, sáng mở mắt ra đã tất tả đến trường, chiều tối mới về nhà, chưa kể những khi phải ở lại làm đồ dùng dạy học. Về nhà cơm nước xong, nghỉ một chút thì soạn giáo án, làm sổ sách…”.

Có đến thăm các trường mới thấy các cô giáo phải “quần vo, áo vận” những lúc cho cháu ăn, vệ sinh cho cháu; các tiết dạy phải vận động, hát hoặc nói liên tục để các cháu làm theo. Cực nhất là đầu năm học phải dạy, phải rèn các cháu vào nền nếp. “Tiêu chí của một giáo viên MN bây giờ cao lắm, phải có ngoại hình và đa năng như biết múa, biết hát; biết đàn càng tốt; còn phải khéo tay để làm đồ dùng dạy học; thông minh để sáng tạo và nhất là phải có cái tâm với nghề.

Thời gian của chúng tôi gần như dành hết cho các cháu: Cả ngày ở trường để dạy dỗ, chăm sóc các cháu. Nhiều lúc phải ở lại làm đồ dùng dạy học ngoài giờ; tối về phải thức soạn giáo án, làm sổ sách, không có nhiều thời gian chăm sóc cho con cái của mình.

Chồng tôi cũng là giáo viên, anh rất cảm thông, đưa rước con giúp vợ, có lúc làm phụ sổ sách, dán giúp hoa vào sổ bé ngoan, vậy mà vừa rồi tôi phải vào viện vì rối loạn tiền đình. Có nhiều cô phải nước mắt vắn, dài vì chồng tuy có chia sẻ mà vẫn còn cự nự” - cô Diệu Hiền, Chủ tịch Công đoàn Trường Mẫu giáo An Thạnh Thủy tâm sự.

Cô Lê Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Bình Điền, nguyên Hiệu trưởng Nhà trẻ 2-9 huyện Chợ Gạo khẳng định: Nhiều năm làm quản lý, tôi thấy các cô giáo MN chịu đựng rất giỏi. Mình chăm một đứa con còn than mệt, huống chi các cô chăm một lúc 15 - 20 cháu, nhất là các cháu ở lứa tuổi nhà trẻ hay khóc nhè, thường nóng sốt và nhất là ngứa nướu hay cắn bạn, hay bắt chước cô giáo. Có lần, thấy cô dùng khăn giấy ngoáy mũi bạn, một cháu bắt chước, cô giáo không hay, phụ huynh phát hiện miếng giấy cuộn tròn trong mũi con mình, thế là sáng hôm sau đến trường làm khó cô giáo.

Có lần các cháu vào nhà vệ sinh xô đẩy nhau té sưng trán, giáo viên đã xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn lớn tiếng, không thông cảm cho các cô. Ban Giám hiệu nhà trường phải tìm cách xoa dịu….”. Hai câu chuyện giống nhau ở Nhà trẻ 8-3 (Cai Lậy) và Trường Mẫu Giáo An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) là: Đang giờ học, cháu này chạy lại cắn cháu kia để lại dấu răng.

Quá bất ngờ, cô giáo ngăn không kịp, chiều trả cháu, cô đã xin lỗi, vậy mà sáng ra phụ huynh vô trường đập xe cô giáo (ở An Thạnh Thủy); còn phụ huynh Nhà trẻ 8-3 đòi làm lớn chuyện, hiệu trưởng phải “xuống nước” và cùng cô giáo đến nhà năn nỉ hết lời… Có cháu ở lớp Lá quá nghịch ngợm, giáo viên rầy dọa đánh đòn, cháu bảo: Mẹ con nói cô đánh con là mẹ con thưa cho cô nghỉ việc…

ss
Các cô chăm lo bữa ăn trưa cho trẻ ở Nhà trẻ 8-3 (Cai Lậy).

Ngoài giờ lên lớp, mỗi cô còn phải làm nhiều sổ sách: Sổ họp trường, họp chuyên môn, sổ học chính trị, sổ kế hoạch, sổ điểm danh trẻ, sổ theo dõi sức khỏe, sổ bé ngoan… Soạn giáo án phải sáng tạo, năm sau phải khác năm trước; thêm vào đó còn tham gia các phong trào thi đua của trường. Nhiều lúc phải họp và làm đồ dùng dạy học vào ngày thứ bảy…

Áp lực từ nhiều phía, nhưng chế độ thêm giờ, thêm việc còn quá hạn hẹp (2 cô đứng lớp, nhưng chỉ 1 cô được đứng tên trong danh sách phụ cấp thêm giờ, mỗi ngày thêm 2 tiếng và chia 2). Kinh phí eo hẹp, các cô phải tự bỏ tiền túi mua vật liệu làm đồ dùng dạy học.

Về vấn đề này, cô Huỳnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Thạnh Thủy cho biết: “Chúng tôi xót lòng khi các cô quá nhọc nhằn nhưng chế độ phụ cấp không có là bao. Cụ thể, giáo viên mới ra trường hưởng 85% của hệ số 1.86 (bằng 1.818.000đồng), trừ bảo hiểm còn lại hơn triệu rưỡi. Sau 6 tháng mới hưởng 100% lương cộng thêm phụ cấp được hơn 2 triệu rưỡi đồng, nếu có gia đình sẽ không đủ sống.

Lương bổng là vậy, nhưng đã làm cô giáo MN thì hầu như tất cả thời gian đều dành cho nghề nghiệp, thêm vào đó là áp lực từ những sơ suất ngoài ý muốn xảy ra cho bé mà các cô không thể lường trước được. Phải có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ mới trụ vững với nghề”.

Như đồng cảm với cô giáo MN, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã từng viết: “… Một mai khi em lớn lên. Đừng quên khi đi nhà trẻ. Quên cô giáo người nuôi em khỏe. Quên cô giáo người chăm em ngoan. Quên những ngày cô giáo yêu thương. Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn….” (Cô đi nuôi dạy trẻ).

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 183
  • Khách viếng thăm: 181
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 9492
  • Tháng hiện tại: 2625231
  • Tổng lượt truy cập: 48999358