Hành trình "đi tìm nhân vật" của nhà văn

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/12/2013 15:58
Không còn nghi ngờ gì, hình thái ý thức sáng tạo từ sơ khai đến hiện đại có tên gọi văn chương, luôn say đắm một bóng dáng con người: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và Con người cũng chỉ hứng thú với con người” (W. Goethe). 

Nhưng, điều hiển nhiên đúng trong sáng tạo ấy vẫn thường oái oăm khiến người đọc mỏi mắt trước trước đèn hay hụt hơi trong cuộc kiếm tìm bóng dáng Con người giữa cao ngất núi non, ngổn ngang ước lệ, tượng trưng… cho dù tất cả những thứ đó cũng một tay người sáng tạo nên.

Trung đại - một thời đại văn hóa - văn chương với sự hiện diện khá đặc biệt của con người.

Nói như vậy, hẳn nhiều người sẽ thấy lạ khi nói về văn chương trung đại. Nhưng, nếu cứ giữ mãi cái thiên kiến tưởng như đúng, theo công thức: “phi ngã”, không có cái “tôi” trong xã hội nông nghiệp, làng xã, trật tự phong kiến… Các luận án, công trình khoa học thoát thai từ nhà trường cũng áp dụng đúng công thức đó để lí giải, cắt nghĩa mọi hiện tượng. Bởi thế mà khi nhìn về quá khứ văn học chỉ thấy mờ mờ một quan niệm: vạn vật nhất thể, cái tôi hòa tan vào cái ta. Tất cả những nhận định đều bị hút vào quan niệm: “vô ngã”, “phá ngã”, “vô kỷ”của tam giáo. May mắn hơn, thì cũng có lúc chúng ta nhìn ra được cá tính sáng tạo “vượt thoát” ở từng cá nhân: “Điều cần thấy là, dù văn học trung đại có chịu ảnh hưởng của tư tưởng “vô ngã”, “phi ngã” của Nho, Phật thì đó vẫn chưa phả là sự quyết định toàn bộ số phận, thực trạng tồn tại của nghệ thuật, của thơ văn, vì một tác phẩm văn học, dù ở thời đại nào dù đã tự giác hay chưa tự giác nhận thức cái “Tôi” thì trước hết vẫn là sản phẩm, là con đẻ của một cá thể một “thằng Tôi”, không ai giống ai, ngoài những điều họ đã chung nhau, giống nhau, - một “thằng Tôi” trước khi trở thành “thằng Tôi” nghệ sĩ, đã là “thằng Tôi” cá nhân, cá thể như bất cứ ai giữa cuộc đời. Thực tế văn học trung đại chứng minh hùng hồn điều đó. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v.. mỗi người một cá tính nghệ thuật, không lẫn nhau được. Cá tính nghệ thuật trong bản chất là gắn với tài năng. Càng có tài năng, càng có cá tính (Nguyễn Đình Chú).

Thực ra, trong hoạt động kép: phản ánh thế giới và giải phóng những vấn đề nội tâm, Con người phải “lụy” vào nhân vật, nhập vào nhân vật như một sự nhờ cậy, ủy thác. Tuy nhiên, như có quan niệm cho rằng, chính chúng ta, đến khi nhận thức về chính sản phẩm mình đã sáng tạo ra đó, có chăng mới chỉ nhìn ra ở mặt khách thể, đó là: ngoại hình, tính cách (thông qua ngôn ngữ, hành động), chứ mấy ai thử lặn xuống thật sâu của tầng ý thức mà ngẫm xem, nhân vật được mình bắt “đầu thai” vào thế giới văn học kia sẽ có nội tâm như thế nào. Giả sử như, sau hai nhát dao kết liễu chủ mưu của tội lỗi Bá Kiến, kết thúc một đời lưu manh hóa là bản thân mình của Chí Phèo, thì người đau khổ nhất là nhân vật Thị Nở (trong sự liên tưởng của người đọc sẽ sống ra sao, bám víu vào một khát vọng sống nào (trong sự tương tác, cộng hưởng cảm xúc với các nguyên mẫu thật).

Nhưng thực ra, văn học trung đại còn có một cách nhìn khác về nhân vật. Có thể, quan điểm máy móc đi tìm xem “lá liễu” hay “lông mày” dài hơn; “tóc” hay “mây” đen hơn; “da” với “tuyết” gì trắng hơn… để xem người với thiên nhiên đâu là cái được độc tôn chuẩn mực một thời đã không còn thuyết phục được những ai thật sự tinh tường. Có thể không có sự hiện diện của dáng dấp, đường nét con người, nhưng nếu trong cảo thơm kia vẫn sáng rõ nội tâm Con người thì vẫn là kết tính đó sao:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

(Thu điếu - Nguyễn Khuyến)

Một học sinh phổ thông sẽ dễ dàng phân tích 4 câu thơ này nếu em chỉ cần dựa vào những dàn ý của một chuyên đề thi pháp trung đại nào đó. Nhưng, thử nhìn vào cách thi nhân chú ý đến thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình trong bài thơ, (chứ không đơn giản như cách hiểu và giảng của nhiều thày cô là “tâm trạng của tác giả”) thì dấu ấn của nhân vật, vị trí của Con người được đề cao lắm chứ. Nếu không phải thế sao có thể nhìn ra sự cộng hưởng của nước “trong” và “lạnh”; sao nhìn ra được cái “bé tẻo teo” cứ không phải sự vừa vặn của ao nhỏ, thuyền nhỏ; sao nhìn ra được cái miên man của sóng nhỏ và kiếp phiêu linh của lá tre vàng… tất cả không hề là sự quan sát đơn giản, sự tự co mình lại của các sự vật đó không hề là quan niệm của Con người làng quê xứ sở (vốn là sự hài hòa). Chỉ có thể là sự hữu hình của tâm trạng thông qua kích thước, tỉ lệ nói lên một thái độ cảm xúc. Qua một ví dụ quen thuộc ấy, đủ biết, thi nhân xưa và văn chương quá khứ cũng từng có cuộc kiếm tìm nhân vật trữ tình không đơn giản như chúng ta thường nghĩ về thời đại văn chương phi ngã đó sao?

Hiện đại - một thời đại của nội tâm nhân vật - phần xác loay hoay với phần hồn

Đến thời điểm chữ quốc ngữ từ một vị khách xa lạ “miêu tả ngữ âm”đến khi được chấp nhận như một giá trị bản địa đã tạo lập và đánh thức một điều tưởng cũ mà mới ấy là văn chương quốc ngữ. Mảnh đất trống ấy ban đầu còn nhỏ hẹp bằng một tự sự vật vã của thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, một Tình già của Phan Khôi; Trên đường đời của Lưu Trọng Lư; Hai cô thiếu nữ của Nguyễn Thị Manh Manh. Cứ theo sự phát triển đồng bộ của thượng tầng, văn chương cũng thiếp lập một chỗ đứng vững chắc, đẩy lùi những ngâm vịnh đến bờ vực lụi tàn trước khi có cuộc trở lại kiếm tìm của những Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ…Cũng từ đó, bóng dáng nhân vật hiện rõ hơn theo cách tổ chức, xây dựng kết cấu tác phẩm. Nhưng, từ đây một mâu thuẫn khác lại nảy sinh.

Tiếp theo sự thành công của tiểu thuyết luận đề với sự trùng khít của nhân vật và tư tưởng, văn chương bắt đầu chứng kiến “sự nổi loạn của nhân vật”, sự quẫy đạp, giẫy giụa ra khỏi vỏ hình hài của tâm trạng mà đã được chúng ta khái quát thành mối xung đột giữa “hồn” và “xác”. Sẽ chẳng ai ngờ một Liên hiền lành, bé nhỏ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam lại ẩn chứa ý tưởng đó. Không thế thì sao có được sự cố thức với đêm: “Tiếng vang động của xe hỏa đã nhỏ dần, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa. Sao trên trời vẫn lấp lánh.”. Hình như, trước đó, biết bao nhân vật nữ đã an phận chìm vào giấc ngủ của số phận.

Nhưng đỉnh cao của sự hiện diện nhân vật phải là cuộc xung đột trong văn học đổi mới. Đó phải là một Hồn trương ba của Lưu Quang Vũ tạo ra cuộc va đập của các quan niệm cũ và cuối cùng sinh thành một quan niệm mới: phần hồn của xác và phần xác của hồn. Bởi sống lâu trong cái xác của người khác, nằm mãi trong vai diễn xã hội nào đó Con người ta sẽ không thể giả tạo mà buộc phải thuận theo đó mà tàn ác hay thanh tao:

“Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!” (Hồn trương ba - Lưu Quang Vũ)

Cuộc kiếm tìm của các nhân vật còn là hành trình “đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh, tự gặm nhấm tâm trạng của Bảo Ninh hay tự để nhân vật giải thoát mình khỏi quan niệm cũ của Nguyễn Minh Châu… Hành trình kiếm tìm ấy phải chăng cũng là cách để nhà văn tự đổi mới mình và thay đổi nhận thức của người đọc về xã hội và thế giới.

Bùi Việt Phương
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 393
  • Khách viếng thăm: 390
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 55446
  • Tháng hiện tại: 2220106
  • Tổng lượt truy cập: 46187339