Tấm bia ghi công vua ban và câu chuyện 140 năm lưu lạc

Đăng lúc: Thứ ba - 08/10/2013 10:34
Trước lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công) có dựng 2 tấm bia ghi nhận công lao của ngài do chính đức vua ban tặng. Một tấm được dựng ngay sau khi xây lăng mộ, còn 1 tấm phải mất 140 năm mới được đặt đúng vị trí; nếu đi từ bên ngoài vào, đó là tấm bia bên tả.
Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Ông Phan Văn Dũng, người trông nom khu Lăng Hoàng Gia dẫn chúng tôi tham quan khu lăng mộ và giới thiệu về những giai thoại ly  kỳ của tấm bia mà vua đã ban tặng. Đó là tấm bia được tạc bằng đá trắng xứ Quảng Nam (có kích thước 160x120x15 cm) do vua Tự Đức ban tặng để chuyển vào Gò Công đặt tại lăng mộ Hoàng gia, nơi thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Theo tài liệu ghi lại, văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào nămTự Đức thứ 10 (1858) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vào Gò Công cùng với tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Nhưng khi tàu thủy chở vào đến cửa Ô Cấp - Vũng Tàu (cửa biển Cần Giờ ngày nay) thì bị quân Pháp bắt giữ, chúng tịch thutoàn bộ, đưa về chùa Khải Tường (hiện nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh) cất giữ. Tấm bia triều Nguyễn bị lưu lạc đúng 140 năm sau mới về đến Lăng Hoàng Gia tại TX. Gò Công.

Nhìn thoáng mặt bên ngoài, tấm bia được viết bằng tiếng Pháp, bên trên khắc dấu Thánh giá và tên viên sĩ quan Pháp Barbe, là người đã cướp tấm bia từ cảng Ô Cấp - Vũng Tàu mang về đồn Pháp đóng tại chùa Khải Tường. Tuy nhiên, nhìn kỹ ẩn sau hàng chữ tiếng Pháp là văn bia viết bằng chữ Hán ghi công của Đức Quốc Công.

Sau khi đại úy Barbe chết, vào tháng 12-1860 các sĩ quan mang tấm bia đặt trước mộ Barbé trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Công viên Lê Văn Tám ngày nay). Mặt trước của bia quay vào trong, bên ngoài (mặt sau bia) ghi tên họ, mộ chí đại úy Barbe. Bên trên dùng sơn màu đen khắc vẽ hình Thánh giá. Ngày nay, trên bia vẫn còn dấu khắc chạm và màu sơn khá rõ.

Liên quan đến tấm bia ghi công và viên đại úy Barbe là câu chuyện về Nàng Hai Bến Nghé, mà sau này được dựng thành vở cải lương nổi tiếng ở Nam bộ "Nàng Hai Bến Nghé". Trong tác phẩm “Scènes de la vie Annamite” (NXB P.Ollendorff Paris 1884) của 2 tác giả Le Vardier và De Maubryan có kể lại chuyện tình éo le của viên đại úy Barbe với cô gái Bến Nghé tên Thị Ba (còn gọi là Nàng Hai Bến Nghé), người đã theo quân Trương Định khuyến dụ tên Barbe từ đồn chùa Khải Tường đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares -Thị Nghè).

Hôm đó là ngày 7-12-1860, trời vừa sập tối, Nàng Hai chưng diện lộng lẫy, xinh đẹp đến chùa Khải Tường, bảo lính canh vào báo quan chỉ huy Barbe biết Nàng Hai đang đợi ngoài cổng đồn để hai người dạo mát, tâm sự.

Nghe tin, Barbe mừng rỡ, vội vàng thay quân phục, không cần lính theo hầu, một mình phóng ngựa ra đón mỹ nhân. Khi Barbe còn cách Nàng Hai chừng mười mét, nghĩa quân Trương Định mai phục bất ngờ từ hai bên đường ào ra kết liễu đời tên xâm lược. Đây cũng là một trong những chiến công đầu tiên của nghĩa quân Trương Định.

Mãi đến tháng 5-1983, khi UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng Công viên Văn hóa Lê Văn Tám, sau khi bốc cốt đại úy Barbe đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá lớn nhưng không biết đó là báu vật của vua ban lưu lạc trên 140 năm.

Về sau, các nhà khảo cổ phát hiện ẩn bên trong hình cây Thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu và tinh xảo, đọc kỹ  thì đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gởi về Gò Công. Cho đến tháng 7-1998, đúng 140 năm, tấm bia vua Tự Đức ban mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công đặt bên trái mộ phần của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đến ngày nay.

Lăng Hoàng Gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy) vào năm 1826. Khu lăng mộ được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách TX. Gò Công khoảng 2km và cách TP. Mỹ Tho khoảng 30km.

Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp, Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái hậu Từ Dũ, tước Đức Quốc Công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ và được người đời gọi là Lăng Hoàng Gia.

Phạm Đăng Hưng là một vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết nên rất được triều đình và nhà vua trọng dụng, được triệu về kinh giữ chức “Lễ Bộ Thượng thư”. Ngày nay, Lăng Hoàng Gia là một trong những điểm tham quan, du lịch của TX. Gò Công.

Mai Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 413
  • Khách viếng thăm: 411
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41876
  • Tháng hiện tại: 2206536
  • Tổng lượt truy cập: 46173769