Một vị tướng trung nghĩa

Đăng lúc: Thứ năm - 03/10/2013 15:46
Tiền Giang có 3 vị phò mã của nhà Nguyễn là: Võ Tánh, Phạm Đăng Thuật và Vương Quang Nhường. Xin trân trọng giới thiệu đôi nét về phò mã Hoài Quốc công Võ Tánh.
Võ Quốc công miếu ở Gò Tre (xã Long Thuận, TX. Gò Công).

Võ Quốc công miếu ở Gò Tre (xã Long Thuận, TX. Gò Công).

Từ năm 1783 đến năm 1788, ông dấy binh ở Phù Viên (Vườn Trầu, nay thuộc vùng Bà Điểm - Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Sau đó ông nhận thấy nơi đây không thích hợp cho việc dụng võ, nên di chuyển đến Gò Tre thuộc huyện Kiến Hòa, dinh Trấn Định (nay thuộc xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang).

Tại căn cứ mới, ông tự xưng Tổng nhung, xây thành Vạn Thắng, tiếp tục chiêu mộ quân lính, tổ chức thành 5 đạo, gọi là đạo quân Kiến Hòa và khai phá đất đai, mở mang ruộng đất, tích trữ quân lương, thanh thế ngày càng lừng lẫy. Người bấy giờ xưng tụng ông là một trong "Gia Định tam hùng" (hai người kia là Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp).

Năm 1788, Chúa Nguyễn Phúc Ánh cử người đến Gò Tre mời ông hợp tác. Ông nhận lời, mang các tướng thuộc quyền đều là người Gò Công như: Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Trần Văn Tín, Mai Tấn Huệ cùng toàn bộ binh lính theo về với Chúa Nguyễn Phúc Ánh, được phong làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiền quân và còn được Chúa Nguyễn Phúc Ánh gả em gái là Trưởng công chúa Ngọc Du, trở thành phò mã của nhà Nguyễn.

Năm 1790, vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông mang quân đánh chiếm thành Diên Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Năm 1793, ông được thăng Khâm sai Chưởng hậu quân, Bình Tây tham thắng tướng quân hộ giá. Năm 1794 ông được thăng Đại tướng quân, tước Quận công.

Năm 1797, ông theo Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bại đô đốc Nguyễn Văn Giáp tại sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi). Thừa thắng, ông tiến quân đến tận Quảng Nam. Tháng 5/1799, Chúa Nguyễn Phúc Ánh mang quân đánh chiếm thành Quy Nhơn, đổi tên thành Bình Định và giao cho ông cùng với Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu giữ thành này.

Trước tình hình đó, tháng 2/1800, hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân từ Phú Xuân vào tấn công thành Bình Định, trong đó Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân bao vây bốn mặt trên bộ, còn Võ Văn Dũng thì chỉ huy thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại.

Tháng 4/1800, Chúa Nguyễn Phúc Ánh mang thủy và bộ binh ra cứu viện, bị quân Tây Sơn chặn đánh không tiếp cứu nhau được, đành phải đóng quân tại chỗ, tới tháng 12 cùng năm rút quân về Gia Định. Tháng 2/1801, Chúa Nguyễn Phúc Ánh lại kéo quân ra nhằm giải nguy cho thành Bình Định. Thủy quân Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng thủy quân do Võ Văn Dũng chỉ huy tại cửa Thị Nại. Tuy nhiên, Chúa Nguyễn Phúc Ánh vẫn không giải vây được thành Bình Định.

Trước tình hình đó, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư ra cho Chúa Nguyễn Phúc Ánh khuyên nên kéo quân ra đánh Phú Xuân sẽ dễ dàng giành được thắng lợi, vì đại bộ phận quân Tây Sơn đang tập trung tại mặt trận Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất yếu.

Nghe theo lời khuyên hợp lý của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Chúa Nguyễn Phúc Ánh cho quân tấn công và chiếm được Phú Xuân vào tháng 6-1801. Hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân mất về tay Chúa Nguyễn Phúc Ánh liền chia quân ra cứu nhưng không thành. Không còn cách nào khác, Trần Quang Diệu ra lệnh cho quân lính ráo riết công kích thành Bình Định.

Trước nguy cơ thành bị thất thủ, có người khuyên Võ Tánh nên lẻn trốn ra ngoài, nhưng ông đã cự tuyệt, cương quyết ở lại với thành. Tình thế ngày càng khốn quẫn, thấy không thể giữ thành lâu hơn được nữa, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu đề nghị sau khi chiếm được thành thì viên tướng này không giết hại binh lính của ông.

Ngày 5/7/1801, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Ngày 7/7/1801 (nhằm ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu) Võ Tánh tự thiêu tại lầu bát giác. Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, rất xúc động trước cái chết trung dũng, đầy khí phách của Võ Tánh nên cho quân lính mai táng tử tế thi hài của ông; đồng thời vị tướng này cũng không giết hại bất cứ người lính nào trong thành.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, truy tặng ông là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm 1831, vua Minh Mạng truy phong ông là Hoài Quốc công. Trước cái chết anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định đã lưu truyền câu ca dao:

Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên,

Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm.

Hiền thê của ông là Trưởng công chúa Ngọc Du khóc ông bằng bài thơ đầy nước mắt:

Những tưởng ra tay giúp nước nhà

Ai dè binh địa nổi phong ba.

Xót người vị quốc liều thân ngọc,

Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.

Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,

Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.

Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,

Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa.

Vua Gia Long cũng cho xây lăng mộ ông tại nơi ông tuẫn tiết là thành Bình Định. Ngoài ra, nhà vua còn sai lập một khu lăng mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, nay tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Cảm động trước tấm lòng trung nghĩa của một vị võ tướng, năm 1956 nhân dân Gò Công đã xây dựng miếu thờ ông ở Gò Tre, nơi ông dấy binh thuở xưa (nay thuộc xã Long Thuận, TX. Gò Công) với tên gọi là Võ Quốc công miếu.

Hàng năm, vào các ngày 26 và 27 tháng 5 âm lịch, người dân địa phương tổ chức lễ giỗ ông rất trang trọng. Năm 2005, miếu thờ được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ông còn được thờ ở Đình Trung (tọa lạc tại trung tâm TX. Gò Công) và tại TP. Mỹ Tho có một con đường mang tên ông.

Nguyễn Phúc Nghiệp
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 205
  • Khách viếng thăm: 199
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 30605
  • Tháng hiện tại: 2195265
  • Tổng lượt truy cập: 46162498