Nhà thơ Hữu Đức: Tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo Bác

Đăng lúc: Thứ năm - 31/10/2019 23:46
Dù đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà thơ Hữu Đức - Chủ nhiệm CLB thơ Thủ Khoa Huân, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang vẫn tích cực tham gia xây dựng phong trào thơ ca tỉnh nhà. Ông là tấm gương sáng của một cán bộ hưu trí luôn tận tụy, hết lòng vì công việc, xứng đáng là “cây cao bóng cả” để mọi người noi theo.
Nhà thơ Hữu Đức, tên thật là Ngô Ngọc Tốt, sinh năm 1930. Ông tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang vào những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước; Phó đoàn chuyên gia sang giúp nước bạn Campuchia trong những năm từ 1983-1986; Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan dân chính đảng từ năm 1986 - 1992 (Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Tiền Giang ngày nay). Về nghỉ hưu năm 1992, ông vẫn tích cực tham gia phong trào ở địa phương, làm Bí thư chi bộ Khu phố, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi… Từ năm 2003 đến nay, ông đảm đương chức vụ Chủ nhiệm CLB Thơ Thủ Khoa Huân liên tiếp trong 4 nhiệm kỳ, đưa hoạt động của CLB ngày càng khởi sắc. Đến nay mặc dù đã bước vào tuổi 90, lại bị di chứng của chất độc đioxin do chiến tranh để lại, nhưng dường như ông chưa có ngày nào được thảnh thơi. Ông là tấm gương tiêu biểu trọn đời học tập và làm theo gương Bác, phấn đấu vượt qua những khó khăn trở ngại, tận tụy và nỗ lực hết mình cho công việc.

Chân dung nhà thơ Hữu Đức

 

Ít ai biết rằng, gia đình nhà thơ Hữu Đức có đến 3 suất trợ cấp cho nạn chất bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Ông ít khi nói về hoàn cảnh đầy thương cảm của gia đình mình. Bản thân ông bị nhiễm chất độc màu da cam khi Mỹ ngụy rải chất độc khai hoang vào khu căn cứ của Tỉnh ủy Mỹ Tho ở xã Hưng Thạnh (huyện Châu Thành nay thuộc huyện Tân Phước) vào khoảng năm 1964. Hai người con gái của ông, khi sinh ra một cô thì không biết nói, một cô thì chân tay co rút biến dạng không thể đi đứng được, trí tuệ bị thiểu năng và càng lớn thì bệnh thần kinh càng phát triển nặng, không thể chữa trị được. Vợ ông cũng là nạn chất của chất độc da cam dioxin, bà bị ung thư mất vào năm 2003, để lại ông và hai người con gái tật nguyền. Có lẽ, nỗi đau da cam quá lớn, trải qua thời gian đã trở nên chai sần nhưng vẫn còn âm ỉ trên gương mặt của người đàn ông ở tuổi “tri thiên mệnh”. Vì thế nên mỗi khi nhắc về hoàn cảnh gia đình mình, ông kể với giọng run run xúc động.

Nhà thơ Hữu Đức chia sẻ: “Bản thân tôi học được tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ với ý chí và nghị lực phi thường ở Bác. Đó là nguồn động lực tinh thần để tôi vượt trên hoàn cảnh và số phận, quyết tâm làm tốt những việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó”. Nhà thơ Hữu Đức nhớ lại những năm mới giải phóng, hoàn cảnh gia đình ông lúc ấy vô cùng khó khăn, cả nhà 5-6 miệng ăn chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi của ông. Nhờ  học và làm theo đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác mà gia đình tôi vượt qua những tháng ngày đầy gian khó ấy, ông chia sẻ.

Có thời gian dài làm công tác tổ chức cán bộ, đối với nhà thơ Hữu Đức điều học được ở Bác mà ông tâm đắc nhất là phong cách làm việc và cách giáo dục cán bộ, đảng viên của Người. Ông luôn khắc ghi trong lòng những điều Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, nhờ thấm nhuần lời dạy đó, mà trọn đời ông đã đem hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Theo ông việc học tập Bác phải từ những đơn giản, hằng ngày và vận dụng ngay những bài học ấy vào cuộc sống để mỗi người tự rèn luyện bản thân mình ngày một tốt hơn. Đối với những Đảng viên như ông thì việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là điều vô cùng cần thiết, góp phần vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Nhà thơ Hữu Đức (đầu tiên bên trái) nhận giải thưởng
trong cuộc thi thơ chào mừng 40 năm năm ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng và 30 năm đổi mới đất nước.

 

Hơn 15 năm qua, nhà thơ Hữu Đức trong vai trò là Chủ nhiệm CLB thơ Thủ Khoa Huân, một công việc không lương bổng nhưng ông đã đem hết tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm cống hiến cho phong trào chung. CLB thơ Thủ Khoa Huân tập hợp đông đảo những tác giả yêu thích thơ, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khá phong phú như: mở các lớp tập huấn chuyên môn, tổ chức các cuộc thi, phát động sáng tác, xuất bản tuyển tập giới thiệu tác giả, tác phẩm, v.v… phục vụ kịp thời các nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn học nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời là nguồn bổ sung lực lượng hội viên cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Từ những ngày đầu với vài chục hội viên, đến nay CLB Thơ Thủ Khoa Huân có trên 120 hội viên cùng với 7 CLB thơ trực thuộc. CLB vẫn giữ vững sinh hoạt, sáng tác, xuất bản, giao lưu thơ ca trong và ngoài tỉnh có nhiều sáng tạo, cải tiến nội dung.

Mặc dù tuổi cao nhưng nhà thơ Hữu Đức vẫn chăm chỉ với công việc sáng tác, như một chú ong cần mẫn cống hiến hết sức mình để dâng mật ngọt cho đời. Trong lĩnh vực văn chương, ông luôn tìm tòi hỏi, không ngại thể nghiệm đổi mới và đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho phong trào thơ ca tỉnh nhà. Ở cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Hữu Đức đạt giải Khuyến khích năm 2009, Giải Ba năm 2013. Khi ở tuổi 86, ông cũng đã đoạt Giải Tư cuộc thi thơ chào mừng 40 năm năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và 30 năm đổi mới đất nước. Năm 2018, nhà thơ Nguyễn Hữu Đức được Hội Văn học nghệ thuật vinh danh vì đã đóng góp nhiều tác phẩm giá trị và tích cực xây dựng phong trào thơ ca ở Tiền Giang.

Nhà thơ Hữu Đức chia sẻ: “Ở tuổi 90 của tôi mọi điều thật khó nó trước, tôi cố gắng đóng góp cho phong trào chung được đến đây hay đến đó. Điều vui nhất của cuộc đời tôi là lúc nào tôi cũng nhận được sự tin yêu của đồng chí, đồng đội và của nhân dân. Đó là động lực cho tôi luôn phấn đấu sống có ích cho đời, để luôn xứng đáng là người lính cụ Hồ".

Lê Văn
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 38913
  • Tháng hiện tại: 2271463
  • Tổng lượt truy cập: 46238696