Các ĐBQH Đoàn Tiền Giang: Góp ý dự thảo Luật Nhà ở

Đăng lúc: Thứ ba - 03/06/2014 15:53
Quốc hội vừa làm việc ở tổ để thảo luận dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với việc nghiên cứu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), vì luật hiện hành còn nhiều tồn tại, bất cập như: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, nhà công vụ; việc quản lý và sử dụng nhà biệt thự, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước…; đồng thời luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế và chưa thống nhất với một số luật có liên quan.

Đóng góp ý kiến về những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Danh nêu:

1. Về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam (được quy định tại Điều 15 và Điều 155)

Theo quy định của dự thảo Luật Nhà ở, các đối tượng này có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án, không hạn chế về số lượng và thời hạn sở hữu khá dài (50 năm, có thể được gia hạn nếu có nhu cầu). Đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại tính hợp lý của việc mở rộng đối tượng được mua nhà, vì hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công dân đang sinh sống trong nước là rất lớn, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.

Mặt khác, việc quy định của dự thảo luật về vấn đề này chỉ đáp ứng nhu cầu của một số ít người có thu nhập cao, giàu có, trong khi số đông có hoàn cảnh sống khó khăn chưa được quan tâm về nhà ở. Điều này có thể dẫn đến mất cân đối cung - cầu trong thị trường bất động sản, khi mà nhu cầu về vấn đề nhà ở của 2 đối tượng này là hoàn toàn khác nhau.

Hơn nữa, việc cho phép các đối tượng trên được sở hữu nhà ở sẽ có nguy cơ hình thành các khu dân cư người nước ngoài tại Việt Nam, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là những địa bàn, khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

2. Về hình thức phát triển nhà ở xã hội và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội

Theo Khoản 1, Điều 54 của dự thảo Luật Nhà ở, một trong các hình thức phát triển nhà ở xã hội là hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước để cho thuê và tại Điểm c, Khoản 1, Điều 59 lại cho thấy mục đích xây dựng nhà ở xã hội thực chất vẫn là để bán, vì cho phép nhà đầu tư được bán lại nhà ở xã hội sau khi đã cho thuê tối thiểu là 5 năm, khi đó nếu người thuê không đủ điều kiện mua thì sẽ bán cho các đối tượng khác.

Điều này chưa thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và đối tượng hưởng chính sách, vì họ sẽ không đủ điều kiện để tiếp cận được việc mua nhà ở xã hội. Đề nghị cần nghiên cứu thêm quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp hơn theo hướng đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách chưa có nhà ở ổn định.

Đại biểu Trần Văn Lan đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung cụ thể các quy định về chính sách nhà ở đối với các đối tượng người dân ở những cụm, tuyến dân cư vùng thiên tai; đồng thời có chính sách quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề nhà ở tại địa bàn đang công tác cho gia đình của các đối tượng trong lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giúp các đối tượng an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cho rằng quy định về người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam như dự thảo Luật Nhà ở là quá rộng, quá đa dạng về đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để hạn chế các đối tượng này nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta và quan tâm ưu tiên đối với người trong nước về sở hữu nhà ở.

Ngoài ra, đề nghị dự thảo luật cần bổ sung cụ thể hơn các quy định mang tính nguyên tắc về kiến trúc nhà ở với những định hướng lâu dài cho phù hợp với tập quán, điều kiện văn hóa, xã hội ở từng vùng, từng khu vực nhằm đảm bảo sự thống nhất chung về kiến trúc, cảnh quan của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị dự thảo Luật Nhà ở cần bổ sung quy định cụ thể việc quy hoạch, xây dựng nhà ở cho công nhân đồng thời với quy hoạch, đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế nhằm đảm bảo cho công tác quản lý công nhân, giúp công nhân ổn định nơi ở và làm việc hiệu quả.

Đăng Hiếu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 411
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 62840
  • Tháng hiện tại: 2735475
  • Tổng lượt truy cập: 49109602