Theo dấu chân Võ Văn Kiệt

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:43
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)

Trải qua cuộc đời làm cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những thành quả to lớn cho đất nước, cho nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. Với miền Tây Nam bộ, nơi Võ Văn Kiệt sinh ra và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, ông cũng để lại nhiều giá trị tinh thần và vật chất to lớn, góp phần đưa vùng đất “Chín Rồng” vượt qua đói nghèo, “bay” lên cùng cả nước. Dấu chân ông đã in đậm trên khắp đồng bằng và nơi nào cũng để lại tình cảm sâu đậm và lòng biết ơn sâu sắc.
Một lần về thăm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, tôi thật sự ngạc nhiên khi biết rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, đã có thời gian làm Bí thư Huyện ủy Hồng Dân lúc ông mới 24 tuổi. Khi ấy huyện này có tên  Phước Long. Vì quá cảm phục người tiền nhiệm của mình là đồng chí Trần Hồng Dân đã hi sinh anh dũng trong một trận đánh không cân sức với quân Pháp, rồi bị quân Pháp phanh thây bêu trước chợ để trấn áp phong trào đấu tranh cách mạng, Bí thư Huyện ủy Võ Văn Kiệt đã đề nghị đổi tên Phước Long thành huyện Hồng Dân nhằm thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng từ tấm gương của người bí thư huyện  anh hùng. Dù thời gian làm bí thư huyện Hồng Dân chỉ kéo dài vài năm (1946 – 1947), nhưng những đóng góp và tình cảm của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt) với vùng đất này còn in đậm mãi về sau. Đây là vùng đất vốn không thể canh tác lúa được, người dân rất nghèo. Chính ông Võ Văn Kiệt khi làm lãnh đạo Chính phủ đã chủ trương kéo điện, xẻ kênh, xả phèn giúp vùng đất vốn chỉ biết nuôi trâu đã có thể trồng lúa, nuôi tôm, cuộc sống ngày càng phát triển. Vào thập niên chín mươi của thế kỷ trước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tỉnh Minh Hải đã thực hiện ngọt hóa quản lộ Phụng Hiệp, ngăn mặn giữ ngọt, xẻ kênh, rửa phèn cho “cánh đồng chó ngáp”, kết nối với chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, đã làm thay đổi cơ bản vùng đất này.
       Ghé thăm Nhà Truyền thống của huyện Hồng Dân, tôi thật sự xúc động khi nghe người thuyết minh giới thiệu một kỷ vật thể hiện tình cảm sâu đậm của ông Võ Văn Kiệt với người dân nơi đây. Trong một lần đi công tác ở Nhật Bản, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được chủ nhà tặng một máy siêu âm xách tay hiện đại để phục vụ thăm khám sức khỏe cho cá nhân Thủ tướng. Về nước, ông Sáu Dân đã phân vân, đắn đo về việc nên tặng chiếc máy quý hiếm này cho huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) quê hương ông hay cho huyện Hồng Dân nơi ông đã từng gắn bó trong chiến tranh. Cuối cùng ông quyết định tặng chiếc máy cho huyện Hồng Dân vì nơi đây quá nghèo, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chiếc máy ấy đã giúp bao người dân nghèo huyện Hồng Dân trị bệnh không phải mất tiền và cũng không phải mất công đi xa ra tận thành phố Bạc Liêu hay đi Thành phố Hồ Chí Minh điều trị bệnh như trước. Chiếc máy quý hiếm mang tên “Ông Sáu Dân” đã nhiều năm hoạt động hết công suất, cứu chữa bao người, sau khi hết hạn sử dụng đã được bảo quản và trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện Hồng Dân như một di vật vô giá thể hiện tấm lòng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương thứ hai của mình.
        Từ Hồng Dân trở về Bạc Liêu khi ngày kỷ niệm một trăm năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sắp đến (23/11/1922 – 23/11/2022), tôi được biết thêm ông Võ Văn Kiệt từng có thời gian làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Dù trong điều kiện vô vàn khó khăn của cuộc kháng chiến và giai đoạn ngắn ngủi thực hiện tập kết theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Võ Văn Kiệt đã quan tâm chỉ đạo làm nhiều việc thiết thực chăm lo cho dân ở vùng cách mạng mới quản lý như sửa chữa, làm nhà cho các hộ khó khăn; lập chợ, cất trường học, xây trạm y tế giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và chiến sĩ. Quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sau chín năm dài ngột ngạt trong chiến tranh đã có những tháng ngày đầy ắp tiếng hát, lời ca dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng. Những nghệ nhân đờn ca tài tử ở Bạc Liêu lại có dịp cất cao tiếng hát trong tiếng đờn kìm thiết tha, trầm ấm… Bạc Liêu ngày nay đã phát triển cao rộng, các công trình điện gió cùng với những trang trại nuôi tôm công nghệ cao giúp cho bờ biển Bạc Liêu đầy sức sống, đậm sắc màu thịnh vượng. Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà Công tử Bạc Liêu, biển Nhà Mát… luôn dập dìu khách du lịch gần xa. Bạc Liêu cũng đã có đóng góp quan trọng vào thành quả làm cho Đờn ca Tài tử Nam bộ trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi như nghe trong tiếng gió biển, tiếng đờn kìm còn phảng phất không khi sôi động, nhộn nhịp của những ngày “đình chiến” ở Bạc Liêu sau chiến thắng Điện Biên Phủ; xen lẫn trong đó là lời tâm sự nhắn gửi của tiền nhân hãy nỗ lực, đồng lòng dựng xây vùng đất Bạc Liêu nghĩa tình, phóng khoáng và nhân hậu ngày càng giàu đẹp hơn.
        Chuyện kể rằng, trong một chuyến công tác ở Bạc Liêu trên đường trở về Thành phố Hồ Chí Minh vào thập niên 1980, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghé vào một ấp vùng sâu và ngủ lại nhà một người dân mà không thông báo cho chính quyền địa phương, làm cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang một phen hú vía. Đó là nhà của ông nông dân Nguyễn Văn Chung (Hai Chung) ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - một trang trại nuôi heo lớn nhất miền Tây lúc đó với hàng ngàn heo giống, heo thịt. Chuyện bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi rầy nâu liên tục phá hoại mùa màng ở Tiền Giang và các tỉnh miền Tây, đời sống người nông dân khốn khó vì mất mùa. Từ mấy hạt lúa giống kháng rầy được Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân tăng, ông Hai Chung đã trồng thử nghiệm và nhân giống trên ba hecta ruộng nhà. Trong vòng ba năm sau đó, ông đã sản xuất được hơn sáu mươi tấn lúa giống kháng rầy và tình nguyện biếu không cho nông dân trong vùng, góp phần đẩy lùi nạn rầy nâu phá lúa. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó là ông Võ Văn Kiệt rất thú vị về chuyện nhân lúa giống của ông Hai Chung được dựng phim tài liệu phát trên Đài Truyền hình thành phố và ông đã đích thân tìm đến Chợ Gạo thăm “vua lúa giống”. Tại đây, ông Sáu Dân đã ra tận ruộng, xắn quần lội xuống ruộng sâu để xem cách ông Hai Chung nhân giống lúa và xem những người nông dân cấy lúa theo phương pháp mới. Sau đó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã mời ông Hai Chung về thành phố hướng dẫn nông dân ngoại thành và lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố trồng lúa theo cách tiên tiến. Ông Sáu Dân đã “trả công” cho ông Hai Chung bằng hai con heo giống quý của nước Pháp tặng ngành nông nghiệp thành phố với lời nhắn "Tôi thấy anh Hai làm lúa thì quá ngon quá rồi! Anh Hai thử làm thêm nghề chăn nuôi xem sao, tôi tin là cũng sẽ tốt đẹp!”.
       Từ hai con heo giống ấy, ông Hai Chung đã lập trang trại nuôi heo và nâng dần đàn heo lên hàng ngàn con, trở thành trang trại heo tư nhất lớn nhất miền Tây Nam bộ, mỗi năm cung cấp hàng ngàn heo giống cho cả vùng. Khi đã ra nhận công tác ở Hà Nội, trong một lần đi công tác từ Bạc Liêu về ngang Tiền Giang, ông Võ Văn Kiệt đã ghé thăm và ngủ lại nhà ông Hai Chung. Ông Sáu Dân rất vui khi tận mắt chứng kiến trang trại nuôi heo bề thế, hiện đại của ông Hai Chung xuất phát từ hai con heo giống ban đầu được ông gửi tặng. Ông Sáu Dân và ông Hai Chung đã thức đến tận khuya để trao đổi về kinh nghiệm trồng lúa, nuôi heo theo hướng hiện đại, an toàn, giúp người nông dân thoát nghèo, trở nên khá giả trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Trong trang trại rộng lớn này, tại nơi trang trọng nhất trong nhà, ông Hai Chung treo tấm hình ông Sáu Dân chụp với ông khi hai người lội ruộng xem nông dân cấy lúa. Khi ông Sáu Dân mất, ông Hai Chung đã về thành phố đốt nhang và tiễn đến nơi an nghỉ sau cùng. Về nhà, hàng năm ông Hai Chung đều “cúng cơm” vào ngày mất của ông Sáu Dân với những món ăn dân dả mà ông Hai Chung từng đãi ông Sáu Dân khi ông hai lần đến thăm ông Hai Chung. Ông Hai Chung đã “ra đi” theo ông Sáu Dân đầu năm 2022 vì tuổi cao sức yếu (ngoài chín mươi tuổi), nhưng các con ông vẫn giữ nguyên trong nhà “phòng lưu niệm” về ông Võ Văn Kiệt với những tấm hình, bộ ván gõ ông Sáu Dân từng nằm ngủ, chiếc xe Honda-67 từng chở ông Kiệt đi thăm ruộng…
       Lần ấy, sau khi rời khỏi nhà ông Hai Chung, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào thăm, khảo sát vùng Đồng Tháp Mười thuộc ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp. Vùng đất rộng lớn từng được gọi là “cánh đồng hoang” này đã không biết bao nhiêu lần đón ông Sáu Dân về cùng chính quyền và người dân nơi đây viết tiếp câu chuyện huyền thoại cho vùng đất. Trước năm 1975, vùng đất rộng hơn nửa triệu hecta này còn hoang sơ, thường xuyên ngập sâu trong nước lũ, nên được gọi là “cánh đồng hoang”. Vùng Đồng Tháp Mười có lẽ sẽ còn tiếp tục là “cánh đồng hoang” nếu ông Võ Văn Kiệt không quyết liệt cho triển khai các dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp cho cả vùng; bàn biện pháp “đánh thức” vùng đất hoang; thực hiện chương trình chinh phục vùng Đồng Tháp Mười. Bà con vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn nhớ như in hình ảnh Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây chỉ đạo thực hiện chương trình khai hoang vùng đất. Năm 1984, tuyến kênh Trung Ương hoàn thành dẫn nguồn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về sông Vàm Cỏ Tây để rửa phèn cho cả vùng. Rồi hàng trăm, hàng ngàn kênh mương lớn nhỏ khác tiếp tục được các địa phương đào để rửa phèn, cải tạo đất… “Cánh đồng hoang” Đồng Tháp Mười từng bước biến thành cánh đồng lúa trĩu hạt, góp phần vào việc cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.
       Ông Lê Minh Đức – nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An – nhớ lại: Lúc ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất tâm huyết với việc khai phá “cánh đồng hoang” Đồng Tháp Mười. Mỗi lần có dịp vào công tác trong Nam là ông đều tranh thủ đến làm việc với lãnh đạo ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp để thúc đẩy chương trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười. Nhờ đó mà vùng Đồng Tháp Mười đã sớm được đánh thức, biến thành vựa lúa của cả nước. Công lao của ông Sáu Dân đối với vùng Đồng Tháp Mười không chỉ ở việc biến vùng đất hoang thành vựa lúa, mà còn là sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung cho vùng đất còn nghèo khó này. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, nhiều khu đô thị ra đời trong vùng ở cả ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đều có dấn ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Để ghi nhớ những đóng góp của ông Sáu Dân với vùng đất Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đặt tên Võ Văn Kiệt cho con đường dài hơn ba mươi cây số xuyên Đồng Tháp Mười từ bờ sông Tiền thuộc huyện Thanh Bình đến huyện Tân Hồng giáp ranh với tỉnh Long An.
      Nếu như ở Đồng Tháp Mười có con đường dài rộng mang tên Võ Văn Kiệt thì ở vùng Tứ giác Long Xuyên (thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ) cũng có con kênh rộng dài mang tên Võ Văn Kiệt để ghi nhớ công lao ông Sáu Dân với công cuộc đánh thức vùng đất này. Tứ giác Long Xuyên rộng khoảng nửa triệu hecta, là vùng đất trũng, được ví như "túi phèn" của đồng bằng, cuộc sống người dân bao đời nghèo khổ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng dự án khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên với hệ thống kênh T4, T5 và T6 tháo chua rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, làm cho vùng Tứ giác Long Xuyên hồi sinh, trở thành một trong hai vùng trọng điểm sản xuất lúa của miền Tây, sản xuất ăn chắc hai vụ lúa mỗi năm, cuộc sống của hàng triệu người dân ngày càng phát triển. Trong hệ thống kênh nói trên, kênh T5 là bề thế và quan trọng nhất giúp cải tạo vùng đất chết. Con kênh dài gần bốn mươi cây số này đã được các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên chọn để đặt tên Võ Văn Kiệt, đồng thời xây dựng công viên tượng đài và đặt bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay đầu tuyến kênh tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bên dưới tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm bia ghi dòng chữ: “Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên. Người nhớ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của ông cha ta... Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc".
       Trở thành hai vựa lúa lớn của cả nước, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã được đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như N1, N2, Quốc lộ 30, Quốc lộ 62, Quốc lộ 91… Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn trăn trở khi vùng đất Tây Nam bộ giàu tiềm năng nhưng vẫn còn nghèo và ông đã sớm nhận ra tình trạng giao thông lạc hậu là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của cả vùng. Chiến tranh kéo dài đã để lại cho vùng Tây Nam bộ sông rạch chằng chịt một hệ thống giao thông đường bộ rất nghèo nàn, lạc hậu. Đến năm 1990 mà cả vùng chỉ có con đường độc đạo Quốc lộ 1 với hai làn xe, mặt đường đầy ổ gà nối miền Tây với Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Mà trên Quốc lộ 1 lại có quá nhiều cầu hẹp và hai phà lớn là Mỹ Thuận và Cần Thơ đưa người và xe qua sông Tiền, sông Hậu, đi lại vô cùng khó khăn. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng và quyết liệt triển khai dự án cầu Mỹ Thuận trên Quốc lộ 1 bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang với Vĩnh Long với tốc độ nhanh chưa từng có. Nếu như năm 1994 dự án cầu Mỹ Thuận mới bắt đầu nghiên cứu tiền khả thi thì năm 2000 cây cầu dây văng hiện đại đầu tiên của cả nước đã sừng sững nối đôi bờ sông Tiền. Cũng chính từ sự chỉ đạo của ông Sáu Dân, ngành cầu đường Việt Nam có sự chuẩn bị để qua công trình lớn này (do Úc tài trợ 66% vốn và giúp kỹ thuật xây dựng) đã học hỏi để cho ra đời một đội ngũ kỹ sư, công nhân cầu đường lành nghề có thể chủ động làm các cây cầu dây văng lớn khác và đến nay đã có thể làm được tất cả các cây cầu hiện đại cho đất nước.
        Trong ký ức của người dân hai bên đầu cầu Mỹ Thuận thuộc huyện xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và xã Tân Hòa (thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn in đậm hình ảnh ông Sáu Dân xuống xe từ bên ngoài công trình để đi bộ vào thăm dự án cầu Mỹ Thuận đang vươn dài ra giữa sông. Tháng 5 năm 2000, dù đã nghỉ hưu, không còn là Thủ tướng, nhưng ông Sáu Dân vẫn được mời lên vị trí trang trọng nhất trong lễ thông xe cầu Mỹ Thuận, tạo bước ngoặt đột phá về hạ tầng giao thông cho miền Tây Nam bộ. Nhiều người vẫn còn lưu giữ tấm hình ông Sáu Dân cười vui rạng rỡ giữa những người dân các tỉnh vùng Tây Nam bộ đến xem công trình cầu Mỹ Thuận đông vui như ngày hội.
        Sau cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ cũng đã được bắc trên Quốc lộ 1 nối đôi bờ sông Hậu. Công trình Cầu Mỹ Thuận 2 đang vươn những trụ dây văng lên trời cao, báo hiệu sự ra đời của cây cầu mới kết nối các tuyến đường cao tốc hai bên bờ. Ngày nay từ thành phố Cần Thơ về Cà Mau, hầu hết các phương tiện đều chọn cách đi trên con đường Quản Lộ - Phụng Hiệp vì đường ngắn hơn nhiều so với đi trên Quốc lộ 1, mặt đường cũng mới nâng cấp phẳng phiu, xe chạy rất êm. Người dân các huyện Phước Long, Hồng Dân,… của tỉnh Bạc Liêu cũng chọn đi trên con đường này vì những tiện lợi ấy. Vào thời ông Sáu Dân làm Thủ tướng, từ Cần Thơ về Cà Mau chỉ có con đường độc đạo Quốc lộ 1 vừa hẹp vừa xấu. Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng dự án về một tuyến đường song song với Quốc lộ 1 về tận Cà Mau và được những người kế nhiệm ông hiện thực hóa một cách tốt đẹp. Đường Quản Lộ – Phụng Hiệp dài gần 120km chạy qua bốn tỉnh Hậu GiangSóc TrăngBạc Liêu và Cà Mau, bắt đầu tại thành phố Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang và điểm cuối là thành phố Cà Mau đã giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1 và rút ngắn được hơn bốn mươi cây số từ Cần Thơ đi Cà Mau. Không chỉ giúp việc đi lại thuận lợi hơn nhiều so với trước, tuyến đường còn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi con đường chạy qua, trong đó có huyện Hồng Dân nơi ông Sáu Dân từng là Bí thư Huyện ủy và tỉnh Bạc Liêu nơi ông có mấy năm làm lãnh đạo.
        Mỗi lần có dịp đến thành phố Cần Thơ, tôi thích đi trên con đường mang tên Võ Văn Kiệt dẫn từ sân bay Cần Thơ vào trung tâm thành phố. Tôi thích con đường vì nó rộng và đẹp, ở chính giữa (dải phân cách) và hai bên đường trồng nhiều hoa, nhà cửa hai bên được xây dựng khang trang đẹp mắt đúng qui hoạch. Tôi thích con đường còn bởi nó mang tên một người mà tôi rất ngưỡng mộ, người đã có nhiều công lao giúp phát triển vùng Tây Nam bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Chính quyền và người dân thành phố Cần Thơ thật có lý khi chọn đặt tên Võ Văn Kiệt cho con đường đẹp nhất thành phố nhằm tỏ lòng biết ơn ông Sáu Dân từng rất quan tâm đến sự phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Không chỉ trên bộ, ông Sáu Dân đã nhiều lần đi xuồng máy trên sông Hậu và trên kênh Quan Chánh Bố để tìm cách khơi thông giao thương đường thủy từ Cần Thơ ra biển lớn. Kết quả là công trình cải tạo kênh Quan Chánh Bố giúp tàu trọng tải lớn vào được Cảng Trà Nóc của thành phố Cần Thơ và tạo tiền đề cho sự ra đời Cảng Cái Cui sau này, giúp hàng hóa ở Cần Thơ và toàn vùng Tây Nam bộ lưu thông nội địa và xuất khẩu một cách thuận lợi hơn nhiều so với trước.
       Trái tim lớn Võ Văn Kiệt đã dành cho dân, cho nước, cho những việc đại sự quốc gia, trong đó có vùng Tây Nam bộ. Trong trái tim ấy còn có một góc dành cho quê hương huyện Vũng Liêm và tỉnh Vĩnh Long, nơi ông sinh ra và dìu dắt ông đi vào con đường Cách mạng. Ông tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Kế thừa truyền thống của quê hương, chứng kiến cảnh sống cơ cực, lầm than của người dân dưới ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, người thanh niên yêu nước ấy đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi mới mười sáu tuổi, một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt trên chiến trường miền Nam, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ lão thành ở Vĩnh Long vẫn nhớ như in, mỗi lần về thăm quê hương, ông Sáu Dân đều xuống thăm cơ sở, khi thì một gia đình nông dân, lúc vào nhà máy thăm công nhân đang sản xuất. Ông đến tận nơi khảo sát việc phòng chống lũ ven sông Tiền, bảo vệ vườn cây ăn trái cho người dân; tìm hiểu nghề phát triển lò gạch, đóng tàu ven sông Cổ Chiên... Từ đó, ông bàn bạc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, huyện Vũng Liêm ban hành những chủ trương, chính sách đem lại hiệu quả thiết thực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chăm lo cuộc sống người dân.
       Không chỉ để tâm những việc quốc kế dân sinh, ông Sáu Dân cũng quan tâm đến những việc nhỏ liên quan đến đời sống tinh thần, sức khỏe của người dân. Đặc biệt, ông luôn quan tâm xây dựng cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã vùng sâu Trung An, huyện Vũng Liêm vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông Sáu Dân về thăm khi trạm còn là ngôi nhà ọp ẹp cũng như khi đã được xây dựng khang trang nhờ được ông Sáu Dân vận động xây dựng khi ông đã về hưu. Nhờ có trạm y tế này mà người dân nơi đây không phải đi xa hàng chục cây số mới đến được bệnh viện huyện để trị bệnh.
       Tháng 6 năm 2008, trái tim lớn Võ Văn Kiệt đã ngừng đập! Cùng với cả nước và tỉnh Vĩnh Long, người dân huyện Vũng Liêm rưng rưng nước mắt tiễn đưa ông về nơi an nghỉ sau cùng. Ông đã làm quá nhiều việc ích nước lợi dân, người dân Vũng Liêm đã thay mặt nhân dân cả nước làm khu tưởng niệm để ghi nhớ công lao của ông. Năm 2012, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm hoàn thành, trở thành điểm đến yêu thích của du khách và người dân địa phương. Từ lúc có Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thanh thiếu niên trong vùng có điểm đến học tập truyền thống, tưởng nhớ, học hỏi tấm gương đạo đức của tiền nhân. Trẻ em cũng được cha mẹ dẫn đến vui chơi ngày nghỉ cuối tuần. Những người lớn tuổi thì viếng Khu lưu niệm Thủ tướng, rồi uống trà, kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng… Các đôi uyên ương cũng hay đến đây chụp ảnh cưới vì trong khu lưu niệm phong cảnh rất đẹp, hữu tình. Đây cũng là nơi cho các cụ già, cháu thiếu niên và các tầng lới nhân mỗi sáng tập thể dục, chơi thể thao. Chị Đặng Thị Phương Thảo - Phó trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm - cho biết, hàng ngày từ bốn năm giờ sáng khu lưu niệm đã đông người đến tập thể dục, chơi thể thao; sáng hơn một chút, nhiều người già và các cháu nhỏ đến ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành; khách ở xa mỗi khi có dịp đến Vĩnh Long thường đến viếng thăm khu lưu niệm... Từ ngày ra đời, mỗi năm có khoảng bảy mươi ngàn lượt khách đến thăm khu lưu niệm, chưa kể dân địa phương tới đây hàng ngày. Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt là khu di tích văn hóa lưu giữ những kỷ vật sinh thời, những tài liệu và hiện vật gốc về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng. Ông Nguyễn Văn Tâm, một người dân ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm cho biết, ông thường đến thăm khu lưu niệm vì ngưỡng mộ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và luôn cảm thấy rất tự hào vì là người dân Vũng Liêm, là con dân nước Việt.
      Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn mong muốn làm được nhiều việc để đất nước phát triển, để người dân cả nước được sống yên vui, hạnh phúc. Nay Thủ tướng đã đi xa, hẳn lòng ông đã thanh thản khi quê hương Vũng Liêm của ông đang cùng cả nước phát triển từng ngày; các thế hệ đi sau ngày càng giỏi giang, tiến bộ, khuôn mặt luôn tự tin, rạng ngời mỗi khi họ vào viếng khu lưu niệm mang tên ông! Theo dấu chân Võ Văn Kiệt, các thế hệ tiếp nối ở đồng bằng đang ngày đêm ra sức thực hiện ước mơ còn dang dở của ông – đưa vùng đất hào phóng, nghĩa tình, thủy chung, giàu tiềm năng này phát triển giàu đẹp, đi lên thịnh vượng!

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 164
  • Khách viếng thăm: 162
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 47776
  • Tháng hiện tại: 2547162
  • Tổng lượt truy cập: 48921289