Người nặng nợ những chuyến đò

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:29
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)
“Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu”
Trích bài “Người phương Nam” của nhà thơ Vũ Hồng
 

Hàng năm, cứ vào mùa báo Tết, tôi lại dậy lên nỗi nhớ về người bạn vong niên “đặc biệt” của mình. Dẫu cho chúng tôi ở cùng thành phố và thường gặp nhau mỗi tuần, nhưng nỗi nhớ vẫn cứ cồn cào rất lạ! Tôi nhớ ông bằng sự hình dung. Giờ này, khi gió vừa trở ngọn, có một nhà văn gầy gò bảy mươi ba tuổi, đang vật lộn với những ý tưởng thực thực hư hư. Chúng bày đầy trước mắt, chật ních cả căn gác nhỏ chứa đầy sách báo. Trong cái không gian đụng đâu cũng là chữ ấy, ông như đứa trẻ tò mò, chiêm nghiệm và tưởng tượng ra một không gian khác, vừa quen - vừa lạ. Bước vào, ông ngồi trò chuyện với từng nhân vật. Lặng lẽ, lượm lặt chi tiết này, tưởng tượng lắp ghép vào chi tiết kia, ông tạo tác nên một thế giới của chữ, thổi vào đó hơi thở và sức sống!

Nhưng có lúc, người bạn của tôi cũng khắc khổ như chính cái chi tiết vừa bắt được, hốc hác gầy gò. Có lúc, khi đã cày chúng trên trang viết đen kính nhiều tầng chữ, ông hả hê gọi điện cho tôi: “Ê, tao mới viết được cái truyện, đã lắm”. Nhưng cũng có khi bên kia máy, giọng ông buồn chùng xuống như đứa trẻ mất đồ chơi, hịch hạc bảo rằng: “Ê, cỡ này tao viết không được, buồn quá trời buồn, mậy!”.

Tôi không biết nỗi buồn và sự trăn trở này đã có trong ông tự bao giờ, nhưng chắc rằng nó như một cơn sóng ở trong lòng, lâu lâu lại dậy lên kiểu vậy. Cơn sóng làm ông cồn cào, nhưng cơn sóng cũng đem đến nguồn năng lượng mới. Ông thường hay nói, văn chương như con đò cuối cùng và duy nhất mình không rời đi, và “nếu không có chữ nghĩa, chắc tao không sống được đến bây giờ”. Không biết nhận định ấy đúng hay sai, nhưng bao chuyến đò “khắc nhập – khắc xuất” của đời ông, đã trở thành những câu chuyện khóc cười ra nước mắt. Để khi nhắc đến văn chương miền Tây Nam bộ hồn hậu, nghĩa tình, người ta không thể không nhắc đến ông!

***

Trong làng văn, thường truyền tai nhau những chuyện nửa hư nửa thực về người bạn vong niên của tôi, thành ra huyền thoại về một nhà văn mà trang viết và trang đời đều chứa đựng biết bao điều “hay – lạ”, có thể nói là “đặc sản” của miệt đồng bằng châu thổ. Chuyện rằng, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn là cậu học trò cấp ba ở một ngôi trường danh giá thị xã Long Xuyên; hàng ngày thấy cảnh trai tráng bị bắt lính, chiến tranh ly loạn, ông bạn của tôi đâm ra nổi nóng, cùng vài người bạn học, tự phát đóng một chiếc bè chuối; cài lựu đạn khắc gỗ và chi chít cờ nheo, biểu ngữ: “Đã đảo đế quốc Mỹ”, “Vietnam for the Vietnamese. USA empire get the hell out of Vietnam!” (dịch: Nước Việt Nam của người Việt Nam. Đế quốc Mỹ hãy cút khỏi Việt Nam!). Đợi đêm khuya, lúc con nước đổ ra sông lớn thì lén xuống bến kinh thả chiếc bè. Hừng đông, bè theo con nước ra đến gần chợ, bị mắc kẹt lại ở chân cầu Hoàng Diệu. Cảnh sát tức tối, lăng xăng chạy tới chạy lui; cố vấn Mỹ giận dữ dậm chân trong sự rì rầm nhỏ to của dân chúng: “Mấy ông Việt Cộng đã về tới!”. 

Những năm đó, phong trào chống chiến tranh, tự phát “đùa nhưng thật” kiểu vậy thường xảy ra. Tỷ như ít lâu sau trận thả bè, lại có chuyện xe đò tuyến Sài Gòn - Châu Đốc bị tắc lại tại cầu Cái Sắn (Long Xuyên) suốt mấy giờ liền, bởi có một mô đất được đắp chắn ngang đường, lộ lên mấy trái lựu đạn kề bên ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày đó thường có chuyện cách mạng hay đắp mô giữa đường để chặn xe nhà binh, nên xe cộ thấy đắp mô thì rất sợ, phải dừng lại né xa. Chờ cảnh sát tới rà mìn và phá mô đất ra thì mới dám chạy tiếp. Ít ai biết, ông bạn của tôi đã “đắp lên” sự náo động thị xã như thế nào?

Trong số những học sinh tham gia thả bè và đắp mô năm đó, có một vài người là cơ sở của cách mạng. Họ thấy ông hay đọc sách, nên lén đưa sách báo của cách mạng cho đọc, rồi rủ tham gia làm báo tường, viết truyện phản chiến, tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”… hoạt động nào ông cũng nhiệt tình tham gia. Thấy cảm tình viên này thật sự gan dạ, có khuynh hướng đấu tranh, nên ít lâu sau người của cơ sở cách mạng đến ngỏ lời rủ ông vào căn cứ theo kháng chiến. Nghe vậy, ông nhận lời ngay! Một tuần sau, đúng ngày hẹn, tổ chức cho vỏ lãi ra đón, nhưng ngay mùa nước ngược, tàu ra trễ hơn giờ hẹn. Trong lúc hồi hộp và chờ đợi, lâu quá không kìm được sự chán, bạn đứng dậy ra về. Lòng nghĩ rằng không kịp chuyến này thì mai mốt đi chuyến khác. Nhưng sau đó thì bị mất liên lạc với bên trong. Ông nói, mỗi khi suy nghĩ lại, lòng  cảm thấy ray rứt khôn nguôi. Nhớ chuyện cổ tích cây tre trăm đốt, khắc nhập, khắc xuất; nghiệm thấy mình cũng giống vậy. Rất dễ hòa nhập nhưng cũng dễ “tách bầy”. Gần hết đời người, ông bạn vong niên của tôi cũng không hiểu được vì sao như vậy?

Trên đường rời bến đò về nhà, ông bị lính bắt. Thấy anh chàng này có trình độ, mắt lại bị cận thị nặng, nên họ giao về làm lính văn phòng ở một đơn vị địa phương quân. Ngồi bàn giấy, ông ôn luyện, cố chí thi đậu tú tài 1. Đơn vị thấy vậy, liền tiến cử đi học trường sĩ quan. Nhận lời, nhưng ít hôm sau ông lại đổi ý, không đi.

Bấy giờ chiến sự đang nổ ra ngày một ác liệt. Một bữa nghe cách mạng pháo kích đơn vị, ông bạn tôi không xuống hầm, mà lóng ngóng, coi có bạn bè nào của mình bên phía cách mạng không? Súng đạn vô tình quẹt ngang, để lại ông với vết sẹo dài. Nằm viện suốt những ngày cuối tháng 4/1975, ông len lén mở radio, vừa nghe Đài Phát thanh Giải phóng, nhưng cũng vừa nghe Đài Phát thanh Sài Gòn và BBC. Trưa ngày 30/4/1975, đơn vị rã ngũ, người người tháo chạy xuống tàu để vượt biên, ông cũng khăn gối đi theo. Xuống tàu cố chen được một chỗ ngồi, ngó lên bến thấy lao xao người ra đi, kẻ ở lại, khóc cười xen lẫn nỗi hoang mang, ly biệt. Chợt trong tâm trí hiện lên mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ, mà ông lén nghe được từ Buổi phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam:

“… Bờ sông trắng hoa dương
Chia ly buồn đứt ruột
Dậm chân hát mà từ biệt
Đường thì vằng vặc…”

Bồn chồn trong bụng, ông bỏ va li, nhảy lên bờ khi chiếc tàu di tản ngồn ngộn người ly hương vừa de ra khỏi bến.

Về địa phương không lâu sau, các bạn bè trong kháng chiến ra tiếp quản chính quyền, trở thành cán bộ nòng cốt của tỉnh; họ tìm đến ông. Nhờ tình nghĩa ngày nào, và chính sách trọng dụng nhân tài, ông được cho đi học trường trung học sư phạm hai năm. Đến khi ra trường, ông lại xin xung phong vào tận vùng sâu nhất của Tứ giác Long Xuyên để dạy. Ngồi tàu đò về trường nhận nhiệm sở, nhìn cảnh vật thiên nhiên hoang sơ vậy mà ông bạn tôi lại cảm thấy như tìm được chính bản thân mình. 

 Hồi ấy vùng Ba Thê dậy lên phong trào dân đi bòn vàng trên cánh đồng di chỉ nền văn hoá Óc Eo. Ông giáo gầy gò cũng tranh thủ những lúc rảnh rang đi bòn. “Mua khoán” một đìa nước đọng, hì hụp bòn suốt ba ngày, không được chút vàng nào nên ông buồn tình bỏ về. Chiều đó người ta bòn được gần cả lượng vàng cám, từ đám đất ông giáo vừa bỏ lại trên bờ đìa... Nghe tin ông không buồn, không tủi, chỉ xin cho coi thử vàng Phù Nam mặt mũi ra sao, rồi cười mừng vui, mắt sáng rực như vừa tìm được một chi tiết đắt giá để thai nghén cho một ý tưởng văn chương nào đó, về miền đất ông đã sống và gắn bó máu thịt suốt mấy năm qua.

Lúc bấy giờ chính sách ngăn sông cấm chợ làm cho dân cư vùng sâu, vùng xa bỏ ruộng ra đi, đất đai hoang hóa. Nhà nước thấy vậy mới lấy những phần đất chủ bỏ ấy chia cho các cơ quan, trường học. Với chức hiệu phó, ông bạn tôi được cấp mấy chục công ruộng cỏ mọc cao hơn đầu, phèn chua nhiễm mặn. Ông ra sức thao chua rửa mặn, cày cấy, hy vọng mình sẽ cắm dùi và có một cuộc sống mới ở nơi này. Ít năm sau, nhà nước có chính sách cởi mở hơn, dân cư ly hương dần trở về. Nhìn cảnh những người chủ đất quay về trắng tay, phải làm thuê mướn trên chính mảnh đất mình từng làm chủ, ông chạnh lòng, trắc ẩn nên chủ động trả hết số đất mà ông được cấp, về chủ cũ. Không nhận bất cứ một huê lợi nào, ông chỉ nhận lại từ họ những câu chuyện gần như bất tận về cuộc ly nông ly hương, về những hẩm hiu và sức sống mãnh liệt của kiếp người. Trải nhân vật mình lên trang giấy, ông thấy chữ như một cánh đồng vàng bông trĩu hạt mênh mông!

Tứ giác Long Xuyên đồng không mông quạnh, không làm ruộng, đi dạy xong về căn phòng tập thể ngó con thằn lằn tặc lưỡi, ông giáo làng buồn quá nên tập tành viết văn. Viết vô tư như trút nỗi niềm chất chứa đầy trong đầu, dẫu rằng có lúc ông đã nghĩ rằng chuyến đò văn chương không biết sẽ ra sao, khi biển chữ thì mờ mịt quá. Tỉ mẩn chăm sóc những trang bản thảo, ông cặm cụi vẽ chim cò minh hoạ bay dập dờn trên những trang viết thấm mồ hôi trưa hè vắng lặng. Rồi liều lĩnh gửi đi như thả dây neo, mong đậu lại một chuyến đò! Và nhiều nơi đã chọn in những truyện ngắn đầu tay ấy, trong đó có các báo, tạp chí như Văn, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Tác phẩm mới… trình làng một giọng điệu văn chương mới lạ, phóng túng mà lại chất chứa đầy chất liệu đời sống. Từ chuyện đi bòn vàng, chuyện mùa lúa xạ, chuyện cá rô về sân… truyện nào của ông cũng thổi vào đó có hơi thở và sức sống mới của miền đất chín rồng, mà ai từng trong cảnh ấy cũng thấy như ông đang tả chính họ!

Ít lâu sau, trả phấn bảng lại trường, ông giáo làng theo tiếng gọi của văn chương. Phóng đò dọc về Long Xuyên mà vẫn không khỏi hồi hộp rằng mình có nhảy giữa chừng, lội về bòn vàng hay cắt cỏ nuôi dê bên sườn núi Sập hay không?

Dập dờn cái ý nghĩ, mình là người bỏ lỡ những chuyến đò, ông dấn thân vào văn chương như con cá bao năm hạn mặn nay mới hoà vào được dòng nước phù sa mát ngọt. Được nhận về làm biên tập viên ở Hội Văn nghệ tỉnh, nhưng cái máu me ham vui, và nỗi băn khoăn “lỡ những chuyến đò” vẫn không nguôi trong ông. May sao, những con chữ trong lòng như một sợi dây vô hình níu ông lại chốn “trường văn trận bút” này; để rồi chữ nuôi nhà văn, nhà văn nuôi lấy chữ, thủ thỉ tri kỷ suốt bao năm thăng trầm biến đổi…

Người ta đồn rằng, năm nọ, người bạn vong niên của tôi trúng giải Nhất một cuộc thi truyện ngắn danh giá, mà số tiền giải thưởng lúc đó với ông như “nắng hạn gặp mưa rào”, đủ để có thể sửa lại căn nhà ọp ẹp, sập xệ, mưa dột sắp ướt hết cả sách. Trước khi lên đường đi nhận giải, vợ ông dặn rằng, phải cất giữ kỹ tiền, để thôi ngủ quên trên xe đò, trộm rạch túi lấy hết. Ông gật gù lên đường. Bữa nhận giải, ông nghe được câu chuyện về vợ của một người bạn văn bị ung thư, không có tiền chạy chữa. Thế là ông đem gần hết tiền giải thưởng tặng cho. Về nhà với tâm thế vừa mừng mà lại vừa lo. Nằm võng gác tay lên trán nghĩ suy, chiều nay vợ đi làm về, bà ấy sẽ cho mình “ăn” gì? Lúc rối bời ấy lại có đứa quá quắt, vừa rao vé số ế như hét, lại vừa tru khóc não nề. Quá bực mình, ông liền bước ra bảo:

- Đưa đây tao mua, rồi mầy đi khuất mắt cho tao ngủ.

Khi đứa nhỏ đi không lâu, ông vừa chìm vào giấc ngủ, chập chờn hình ảnh bà vợ réo tên, “tiền thưởng đâu già dịch ơi”, thì thằng nhỏ bán vé số quay lại, nhảy cà tưng báo cho ông hay, tờ vé số ấy trúng giải độc đắc. 50 triệu đồng trúng số, gấp gần cả chục lần tiền giải thưởng ông vừa mới cho đi!

Lãnh giải, trả nợ nần, đắp đất nền nhà, mua một tủ sách, một chiếc xe Dream. Phần còn lại, đi thăm bà con cô bác, viện dưỡng lão; nơi nào khổ, ông lại móc tiền ra cho. Còn một ít hộ thân, thì bỗng nghe tin con gái người bạn văn đồng nghiệp, bị bệnh nặng mà không có tiền chở đi Sài Gòn chữa trị. Ông lại dốc tiền ra cho. Sau lần trúng số độc đắc, điều còn lại với ông là chiếc xe Dream, tủ sách quý và quý hơn cả là cái tình người, sự yêu thương cho đi không hề đoái hoài, toan tính.

Có lẽ cũng chính vì sự thật thà và đa mang cuộc sống quanh mình nên có lần người ta nhảy cẫng lên bảo ông nhà văn bạn tôi “khùng”. Bởi khi đang đi trong lề đường ngắm hoàng hôn, ông bất ngờ bị xe đụng gãy răng, trầy trụa, máu me đầy mặt mà vẫn trơ trơ, xui người ta “chạy đi, chạy lẹ đi”. Phải ứng lương của hai vợ chồng mới đủ trả tiền thuốc men và trồng lại hàm răng. Nhưng ông bảo, “bà ấy (người gây tai nạn) tuy có lỗi, phía bả không thiệt hại gì, nhưng thấy con cái bả nheo nhóc trên xe, mà mình thì mặt mày máu me, sợ tụi nhỏ sau này bị ám ảnh, nên mới kêu bả chạy lẹ đi, tâm trí đâu nghĩ tới chuyện đòi tiền!”. Người xóm kể về ông, không khỏi “tức dùm”, đập tay lên đùi hỏi, “vậy mà không khùng sao được?”.

***

Hai mươi năm trước, người dân xóm ông không hề biết (thậm chí không thể tin được) người đàn ông gầy gò, quần áo đơn sơ chẳng khác nào dân lao động nghèo, hay thẩn thơ ngắm đời trôi qua đôi mắt kính, chính là một nhà văn! Bởi có lần, nhà văn Sơn Nam đến đầu con hẻm, đang lơ ngơ không nhớ nhà người bạn văn ở đâu, “ông già Nam Bộ” đành hỏi thăm quanh xóm. Nhưng hỏi ba bốn người về “nhà văn nổi tiếng mà ốm nhom, đạt nhiều giải thưởng mà bận áo vá”. Ai nấy đều lắc đầu:

- Xóm nghèo này làm gì có nhà văn.

Lúc ấy, bỗng có đứa trẻ lên tiếng:

- Cháu biết nè! Ông đi theo cháu, lối này là nhà ổng.

Lúc đó người xóm hỏi với theo đứa nhỏ, lớn giọng la rầy:

- Nhà văn nào mậy?

Đứa nhỏ toét miệng cười:

- Là ông Chín “khùng” á mà.

Người xóm ngớ ra, có ai đó cằn nhằn:

- Chín “khùng” thì hỏi Chín “khùng” mẹ đi cho rồi. Bày đặt hỏi nhà văn nhà vẻ.

Người xóm không tin ông Chín “khùng” của xóm mình là một nhà văn. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người, nhà văn thì phải đạo mạo, thâm trầm, trí thức và không… nghèo. Còn ông bạn tôi, mỗi mùa lũ lên, nhà nhà chạy đôn chạy đáo cơm gạo, thì ông cũng đói meo râu, cũng xắn quần lội nước, đào trùng câu cá, vớt rau nhút mà ăn như bao người nghèo trong xóm nhỏ!

Có một mùa lũ dữ, trong chuyến công tác vào Nam, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đã ghé lại Long Xuyên, quyết đi tìm thăm một hội viên “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” của mình. Ngay lúc đỉnh lũ, nhà ông bạn tôi phải kê mọi thứ lên cao. Có hai chiếc giường ráo nước, thì một chiếc đã dành để chất sách vở. Chiếc còn lại là chỗ ăn ngủ của vợ con. Mắc cái võng tòn ten, nhà văn của xóm nghèo ngồi xếp bằng, kê tấm ván lên đùi mà viết! Đứa con trai 2 tuổi ngồi trên giường thọc tay xuống vọc nước, mặc kệ cha mình thơ thẩn gò chữ trong tiếng người vợ réo, hũ gạo đã cạn rồi. Nhưng điều làm cho Tổng Thư ký ngạc nhiên nhất không phải cảnh lũ khó khăn, mà là sự điềm nhiên, dấn thân với chữ của hội viên. Hồ hởi đón khách, hai vợ chồng nhà văn miền Tây lội nước lủm chủm tìm than nướng khô rắn, quơ tay ra cửa sổ hái mớ bông điên điển. Cái lợp đặt ngay sau nhà, ông kéo lên mớ cá linh ánh bạc nhảy soi sói, vậy là có mấy món đồng quê. Ông và khách phương xa ngồi nhậu ngay trên chiếc giường chật chội sách vở, nước líu ríu dưới tấm vạc mỏng te, mà thấy sao mênh mông lòng người, bát ngát!

Sau đó không lâu, khi con nước vẫn chưa lui, Hội Nhà văn Việt Nam gửi ngay vào cho người hội viên đang sống chung với lũ một khoảng hỗ trợ sáng tác. Vừa đủ để nâng nền và lót gạch tàu cho căn nhà thoát cảnh mỗi năm bị lũ nuốt vài ba tháng. Vợ ông nói, từ đó yên tâm không còn sợ đứa nhỏ té nước như trong phim Cánh đồng hoang; ông thì bảo, sau đó thoát được nỗi ám ảnh lật từng trang sách ướt nhẹp, mà đôi mắt khổ chủ thì tèm lem!

 Nhà cửa dần ổn định từ những đồng nhuận bút ít ỏi, và phần nhiều nhờ vào lương của… vợ. Cứ nghĩ nhà văn “an cư” thì sẽ ở nhà ngày ngày chăm viết kiếm cơm. Nhưng cái máu me xê dịch đâu dừng lại được. Nhảy vào, cọ xát với hiện thực sống động của đời sống, của văn chương; ông như một trong số những nhân vật của tác phẩm, chứ không chỉ là một người sáng tạo! Ông đi, đọc và viết theo kiểu “giang hồ đâu bận lo tiền túi, ngày đi ta chỉ có tay không, vợ con chẳng kịp chào xin lỗi, mây trắng trời xa trắng cả lòng”*. Miễn nghe được ở đâu có chuyện gì vui, điều gì hay hay, lạ lạ, là ông tìm tới.

Có một thời, không khí văn chương miền Tây Nam Bộ sôi động hẳn lên, bởi hàng loạt những cây bút sung sức trình làng. Họ đến với nhau vô tư, hồ hỡi đầy nghĩa khí; chuyện sách vở, văn chương, chuyện nghề và cả thế sự, đời sống được bày ra sôi nổi, tạo nên một từ trường hấp dẫn cho sáng tạo. Thời điểm ấy, ông bạn tôi như cá bơi vào biển rộng, phấn khởi, cháy hết mình, bất kể nắng mưa hay gian khó! Trong một lần cao hứng, ông rủ một số bạn văn miền Tây lập ra “Hội Chí cốt”, in thẻ hội viên và “cắt máu ăn thề” quy ước: “Cầm thẻ này đến nhà bất kỳ hội viên nào khác, thì sẽ được hội viên ấy lo cơm nước ăn ở, nhậu nhẹt, dắt đi chơi trong suốt ba ngày”.

Cầm tấm thẻ hội viên, ông đi được nhiều nơi, và cũng đón không ít hội viên Hội Chí cốt đến nhà ăn ở. Trong một ngày đi “giang hồ”, không biết vô tình hay hữu duyên mà ông lạc vào vùng cấm. Bấy giờ chiến tranh biên giới Tây Nam đang nổ ra ác liệt, nên an ninh được siết chặt ở nhiều nơi. Ông bị kiểm soát quân sự giữ chân, trong khi trên người không có giấy tờ tùy thân nào ngoài tấm thẻ hội viên Hội Chí cốt. Có lẽ tình nghi là gián điệp, nên họ giữ ông lại tại đơn vị, cử bộ đội lo cơm nước, sách báo và cả tạp chí Văn nghệ quân đội… chu đáo suốt mấy hôm, mới gửi xe công tác, đưa ông về nhà. Mãi sau này khi người thủ trưởng đơn vị quân sự năm nào gặp lại, mới thú thật. Năm ấy giữ chân ông lại, chẳng qua vì lòng mến mộ và muốn đưa nhà văn an toàn về nhà. Để rồi từ đó, ông trình làng một loạt bút ký, truyện ngắn đặc sắc về chuyến đi “lạ”, mà ít ai biết rằng ông đã “thót tim” trong những ngày xưa ấy ra sao.

Tuy nhiên, dẫu có “thót tim” thì vẫn không sao làm cái máu me “giang hồ” trong ông chìm xuống được. Không thôi rề rà với quê hương, với những điều lạ mà ông thấy loé sáng đâu đó trong dòng chảy cuộc sống, đời thường đầy hối hả và tất bật. Đến với nông dân, thấy điều gì lạ ông cũng hỏi, từ cây lúa ma dài ba thước đến cái trứng nở cặp gà sanh đôi. Không ngại nắng mưa, khi được rủ, ông sẵn sàng ở lại chòi lá giữa đồng của một lão nông, nằm đất lót rơm, ăn cơm với mắm suốt chục ngày ròng. Để rồi khi về, ông làm lay động bao người với chùm truyện ngắn Nhớ khói, Đồng gió, Phố không đèn, Màu nước mắt, Tiếng trống mồ côi, Tro bụi trên sông, Tia nắng cuối ngày**… Mà ít ai biết rằng đằng sau mấy trang viết thấm đẫm hương đồng, mồ hôi nước mắt ấy, ông đã “đi thực tế sáng tác” ra sao! Ngay cả khi tôi dùng cụm từ “đi thực tế sáng tác”, cũng thấy nó hào nhoáng, khác xa với “chất” của người bạn mình. Chắc ông sẽ không hài lòng, bởi cái sự đi ấy, nó là đời, là máu thịt, chứ không phải vì chủ đích đi để viết tác phẩm để đời! Hay như lần ông “làm chim” cũng vậy. Tôi nhớ hôm đó đã sụp chiều trên đỉnh Langbiang, ông bỗng nảy ra ý nghĩ gì đó, khoái chí bảo: “Ê, tụi bây coi tao làm chim nè”. Nói xong, ông “dang cánh” bay xuống đồi. May mà lần đó chỉ trầy trụa sơ sơ! Người ta hỏi, “có hối hận không?”, ông bảo “không!”, ai cũng cười. Chỉ tôi biết rằng sự “không” ấy là thật lòng. Đâu phải chỉ ngồi trong khách sạn hào hoa hay nhà sáng tác sang trọng, là có thể viết thật hay mấy truyện ngắn chân thực, giàu cảm xúc như Khoảng trời chim bay, Bầy chim sổ lòng, Như mơ thấy bướm**! Hay như mấy câu thơ ông viết sau lần bay ấy:

Không gian thức với âm thanh
Tâm đầy xao động… trở thành tịch liêu
Dội về, dội về, đìu hiu
Đang tĩnh lặng… bỗng, tiếng diều chơi vơi
Mong manh cánh mỏng lưng đời
Cách chi bay được giữa trời hư vô…

Cũng như tôi, đâu thể nào biết được trong lần bắt gặp ông cọc cạch chiếc xe đạp, chạy dọc theo đường từ sông ra phố**, đôi mắt ngắm xa xăm, ghi đông có treo tòn ten mấy chùm bông hoa nở muộn**; đó là lúc ông đang nghĩ suy về một tác phẩm nào đó. Mà chút nữa đây, ông sẽ tấp lại bên đường, vừa hút điếu thuốc vừa vội vàng ghi đôi ba chữ vào sổ tay để những ý nghĩ ấy đừng trôi đi, bỏ ông lỡ dở những chuyến đò chở chữ.

Tôi cứ nhớ hoài lần đầu tiên đến nhà ông, tôi choáng ngợp! Bởi sách nơi nào cũng có! Quyển Almanach - Những nền văn minh thế giới xếp ở trang 3179, trong khi quyển Câu chuyện nghệ thuật của E.H Gombrich đang làm gối ở đầu giường. Quyển Linh sơn của Cao Hành Kiện, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Márquez còn úp bên lang cang. Và nơi chiếc võng ông hay ngồi nhìn ra đầu hẻm, chi chít báo Văn nghệ, tạp chí Kiến thức ngày nay và những quyển sách đọc dở dang, có những dòng chữ tay chú thích. Nhưng điều làm tôi ngộp hơn cả, là chi chít sấp bản thảo của ông viết tay, lẫn đã đánh máy với mấy lượt mực đủ màu. Chứng tỏ đã được sửa đi sửa lại rất nhiều lần trước và sau khi đưa chúng ra tiệm nét, thuê người đánh máy.

Sau lần đó, tôi đến với bạn mình nhiều hơn, đôi khi mang đến đôi ba quyển sách mới, và lấy đi những quyển ông đã đọc rồi. Ông huyên thuyên nói về sách, nói về văn chương như cái hồn cốt chữ luôn ngập đầy trong phổi. Có lúc bắt gặp ông “phiêu” trong giao hưởng Kitaro, lúc chăm chú nghe các bản nhạc “hot trend” như Vợ người ta, Lạc trôi, Hai triệu năm… Khi khác, lại thấy ông trong rạp xem phim Bỗng dưng trúng số, Bố già, Tro tàn rực rỡ… Ông hiện lên trong tôi và nhiều người trẻ khác một cách gần gũi và lấp lánh. Bởi sự lắng nghe dòng chảy cuộc sống đa chiều để thanh lọc chất ngọc và không ở lại phía sau. Để rồi có lúc ông thở dài, “xem nhiều mới ngộ ra mình còn thua xa lắm, nên phải cố viết sao cho bức phá hơn nữa” – ý thức làm nghề, sự “kính nghiệp” không bao giờ là cùng tận của một nhà văn hơn 70 tuổi đời và 40 năm rong ruổi trên con đò chữ nghĩa, làm tôi xúc động vô ngần và cúi đầu kính phục!

Trước khi những dòng chữ này trải trên trang giấy, ông hịch hạc gọi cho tôi. Trong câu chuyện gần như bất tận về biển chữ, có đoạn ông kể rằng. Năm nọ, khi còn độc thân, ông cảm thấy cuộc sống có rất nhiều chuyện đáng viết, thời gian trôi chảy không ngừng, mà bản thân thì lại viết quá chậm. Nhận ra giới hạn của mình, nên buồn lòng chán sống. Rất tếu, ông vay tiền của cả cơ quan, rồi đãi mọi người nhậu ba ngày ba đêm. Xong xuôi, ông mua thuốc ngủ tự tử. Lìm lịm chìm vào “giấc mộng huỳnh lương” suốt gần hai hôm. Tỉnh dậy, ông không thấy niết bàn hay địa ngục, mà chỉ nghe người ta réo nợ giục giã trước cửa phòng. Làm lụm viết lách trả nợ suốt 3 năm ròng mới hết. Kết lại câu chuyện trên, ông bảo rằng, “đó, mình vay chất liệu trong đời sống, vay chữ trong sách vở nhiều quá, giờ phải trả, mà trả sao coi được mầy nha, chứ không thể viết dở, bỏ viết được”. Chuyện của ông làm tôi bỗng dưng thấy mình cũng là người mắc nợ. Tôi nợ ông những câu chuyện văn chương, những lời động viên dạy dỗ. Và nợ ông cả những trang sách năm nào, ông đã vô tình dắt tôi đến với văn chương. Biết đâu, cũng như những con đò của ông, nếu không có văn chương, tôi cũng sẽ là kẻ lỡ những chuyến đò. Thế mới thấy, văn chương và đời ông khác chi đâu hai chữ “nợ duyên”. Và chính cái “nợ duyên” ấy đã tạo nên một nhà văn Ngô Khắc Tài mộc mạc, hào sảng, nghĩa tình, mà ngay cả trang đời và trang viết đều chứa đầy hấp dẫn, lấp lánh như chính mảnh đất sông nước miền Tây hồn hậu và tài nghệ!

Lê Quang Trạng
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 308
  • Khách viếng thăm: 304
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 76097
  • Tháng hiện tại: 1717510
  • Tổng lượt truy cập: 48091637