Lý Sơn - Điểm tựa của ký ức vượt thời gian

Đăng lúc: Thứ hai - 14/05/2012 07:52
Ảnh; Duy Anh

Ảnh; Duy Anh

"Một trem bốn mưi tóm…” - Giọng nói xứ Quảng của cô chủ hàng điểm tâm khiến cho vài du khách miền Nam nở nụ cười khi còn bỡ ngỡ nơi bến Sa Kỳ lúc sắp xuống tàu ra hải đảo Lý Sơn.

Từ lâu, đảo Lý Sơn vốn là tâm điểm mà nhiều người ao ước đến, cũng bởi món tỏi Lý Sơn vang danh thiên hạ, hơn nữa nơi đây là địa phương duy nhất mang bóng dáng lịch sử của hải đội hùng binh Hoàng Sa trong
quá khứ.

Chính những điều quyến rũ ấy làm nên chuyến đi để chúng tôi không ngần ngại bước xuống chiếc tàu cao tốc vào một buổi sáng đầu tháng 3 trời quang mây tạnh, điểm đến là hải đảo hỏa sơn từng một thời gầm thét phun trào dung nham cách đây chỉ độ... “vài chục triệu năm”
về trước.

Một cõi quê hương

Cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 30km, huyện đảo Lý Sơn còn có tên xưa Hòn Ré với đặc sản là cây Ré cung cấp vị Sa nhơn trong thuốc Bắc mà nay không còn thấy mọc. Đây là vùng đất cổ với đảo lớn nhất còn dấu vết của 5 miệng núi lửa và trong lòng đất ôm ấp di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh của khoảng vài trăm năm trước Dương lịch, đủ thấy con người có mặt nơi đây đã từ lâu lắm rồi.

Với ba hòn đảo (đảo Lớn, đảo Bé, hòn Mù Cu) diện tích huyện đảo Lý Sơn khoảng gần mười cây số vuông nhưng dân số có đến hơn hai mươi ngàn người. Lý Sơn đã là huyện đảo với 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình.

Tài nguyên chủ yếu ở đây liên quan đến hệ núi đá hỏa sơn trơ trọi, cái nắng, cái gió nơi hải đảo và bốn bề mênh mông biển rộng... vốn là điều kiện thách thức con người.

Độc đáo nhất khi hải đảo Lý Sơn từ xưa còn đảm trách nhiệm vụ  tiền tiêu cho Tổ quốc hướng về biển Đông. Việc người Lý Sơn từng vâng lệnh vua, giong thuyền đến với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc lãnh thổ, thực thi chủ quyền lãnh hải cho đất nước đã là một nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm nhưng vẻ vang, là niềm tự hào của bao thế hệ Lý Sơn.

Góc nhìn về đặc sản

 Buổi sáng băng qua những cánh đồng phong cảnh rất đẹp, trước mắt là bạt ngàn màu xanh lá bắp, lá hành, tỏi. Công việc này gắn với lao động nữ, của những bà mẹ, của người chị, cô em tỉ mỉ chăm sóc vun bón hàng ngày: “Phụ nữ ra đồng, đàn ông ra biển” cụ thể đến thế mà hóa ra hay.

Tên tuổi của tỏi Lý Sơn từ lâu vang danh khắp nước nhưng chưa đến Lý Sơn có thể sẽ chưa nghĩ ra trong đó hàm chứa bao công sức lao động cùng mồ hôi nước mắt của cánh phụ nữ. Ở Lý Sơn nhà nhà làm tỏi, người người sống với tỏi, tỏi hiện diện trên bàn ăn, trước sân, trên vách, trên sạp, trong túi du khách... chính vì cái hương vị và phẩm chất độc đáo của tỏi mà không nơi nào sánh kịp.

Lý Sơn có đến hai loại tỏi rất dễ phân biệt đó là “tỏi thường” và “tỏi mồ côi”. “Tỏi thường” một củ gồm nhiều tép nhỏ là dạng phổ biến ở nhiều nơi, loại nầy được sử dụng bình thường trong ẩm thực nên giá cả cũng phải chăng. Riêng “tỏi mồ côi” (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi một) mỗi củ duy nhất chỉ có một tép nên khá đắt. Loại tỏi nầy chiếm số lượng rất ít trong thu hoạch, hơn nữa chúng là do... thất mùa mà có, con người không thể tác động đến được..

Chính quá trình hình thành của loại tỏi mồ côi có nhiều đặc thù khó hiểu, nên giá trị chúng cũng khác hẳn bởi chúng còn là một vị thuốc. Ngâm với rượu, thuốc nầy sẽ tiêu trừ được nhiều bệnh tật cho người từ rối loạn tiêu hóa đến cảm cúm, bổ thận tráng dương. Đôi khi tỏi mồ côi còn là vật phải mang theo bên mình giúp trừ tà ma, bùa ngãi.

Trồng tỏi ở Lý Sơn không dễ chút nào. Đất trồng tỏi mau bạc màu đến nỗi chỉ sau một vài vụ đã phải thay đất mới. Đất mới ở đây muốn có được cũng nhiêu khê không kém, nó là hỗn hợp của cát lấy lên từ biển, trộn với đất đỏ ở miệng núi lửa và sau cùng thêm nhiều rong biển để làm chất phân xanh, phân ủ cho hoai. Khâu trồng cũng tốn bao công sức cho dù công việc có nhẹ nhàng. Người ta phải cẩn thận ủ thêm lên những cây tỏi giống một lớp cát trắng để che bớt sức nóng mặt trời và giúp nước rút nhanh tránh được bệnh. Trồng xong chẳng phải đã hết lo khi mùa vụ còn trông vào thiên nhiên thường rất khắc nghiệt. Ở những năm mất mùa, là thảm họa khốn đốn cho hầu hết những ai phải tốn công sức đầu tư vào món hàng đặc sản, nhất là khi diện tích trồng tỏi của Lý Sơn đạt đến con số 300 ha, và sản lượng tung ra thị trường hàng năm đến khoảng 2.000 tấn tỏi khô.

 Quá khứ - Bản hùng ca bất tận

Hoàng Sa đi có về không

Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi

Người Lý Sơn am hiểu khá tường tận lịch sử địa phương kể từ thời những bậc tiền hiền lập đảo cho đến việc Lý Sơn là xuất phát điểm của hải đội Hoàng Sa như một dấu son trong lịch sử.

Thời hùng tráng đó khởi nguồn từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi vua cử lực lượng đi đo đạc, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn chính thức thành lập. “Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật người đầu tiên thống lĩnh đoàn thuyền gồm 5-6 chiếc. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ”. 

Vài nét trong sử sách tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế những cuộc ra đi ngày ấy là hành trình không mong trở lại.

Hoàng Sa trời bể mênh mông.

Người đi thì có mà không thấy về”.

Chính vì vậy, những cuộc tiễn đưa luôn đầy bi tráng với bao giọt lệ tuôn tràn trong màu trắng khăn tang. Người đi để tang trước cho ông bà cha mẹ, người ở lại để tang cho người ra đi lần cuối còn thấy mặt. Nhưng tất cả ngẩng cao đầu và những chiếc thuyền đã khẳng khái giong buồm rẽ nước ra khơi theo lệnh của vua.

Một đôi chiếu, bảy nẹp tre, một chiếc thẻ và một lọn dây nằm trong số hành trang của người lên đường phòng khi hữu sự. Biển cả mênh mông trước mặt, mọi hiểm nguy đều có thật với con người và một khi lâm sự chỉ cầu mong thân xác bó tròn trong chiếu của họ sẽ trôi nổi tìm về được với đất liền.

 Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn

Chiếc chiếu bó tròn

                      mấy sợi dây mây...

Âm Linh Tự nơi thờ cúng vong hồn các đội hùng binh bao giờ cũng  khói hương nghi ngút, đình làng An Hải, miếu thờ cá Ông, mộ chiêu hồn (mộ gió), linh vị người đã khuất, Lệ cúng Khao Lề thế lính Hoàng Sa … là những thực thể rành rành từ quá khứ. Quá khứ sống mãi trong tâm trí mỗi người, là niềm tự hào, là khí phách hun đúc tâm hồn bao thế hệ, với Lý Sơn, sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa là điều không gì có thể bàn cãi được.

Vận dụng tiềm năng 

Lý Sơn đang còn nhiều khó khăn, việc trồng trọt đánh bắt của người dân còn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lại thiếu điện nước, đường sá chưa mở mang và vô số điều kiện khác cũng như việc cách trở với đất liền.

Khơi gợi tiềm năng hướng đến tương lai là triển vọng thoát nghèo cho dân, luôn là điều cấp thiết đã được các cấp lãnh đạo, chính quyền  ra sức đầu tư:

- Tuyến du lịch biển đảo hoạt động từ năm 2007 nhằm khai thác các điểm chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, miệng núi lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.

- Hồ chứa nước ngọt trên miệng núi lửa Thới Lới với dung tích hàng triệu mét khối dành cho sinh hoạt và trồng trọt.

- Cầu cảng Lý Sơn, bờ kè bảo vệ, đê chắn sóng... là những công trình với kinh phí đầu tư lớn đang trong quá trình thi công.

Tất cả nhằm vào sự phát triển bền vững cho hải đảo tiền tiêu này, thật là đáng quý.

Ghi nhớ cho một lần đến

 Hai ngày trên đảo Lý Sơn,  những chuyến đi ngao du thâm nhập thực tế, dăm bức ảnh tư liệu cùng một gói san hô nhặt trên bờ biển… là vốn liếng trải nghiệm từ một chuyến đi.

Tôi đã diện kiến một Lý Sơn đáng quý với cái chất nguyên thủy qua vài phút trao đổi về cuộc sống mà dân đi biển từng trải sau nhiều ngày lênh đênh. Chuyện Trung Quốc cướp tàu, đánh đập thuyền viên, giam người đòi tiền chuộc y như học mót của bọn cướp biển Xô-Ma-Li… Đã có người phải tán gia bại sản vì đánh cá ở biển Hoàng Sa, ngư trường vốn từ đời ông cha vẫn khai thác, để rồi sau đó không sợ hãi lại tiếp tục ra khơi. Trường hợp của ông Mai Phụng Lưu là cá biệt khi “được” Trung Quốc làm tán gia bại sản đến bốn lần mà vẫn giữ vững chí khí. Phải chăng tinh thần gan lì nhẫn nhục là tố chất được trui rèn qua bao thế hệ để trở thành tính cách cho đa số người dân hải đảo Lý Sơn?

Một Lý Sơn hiếu khách, giàu truyền thống, họ còn luôn biết gìn giữ trân trọng mọi di sản của dòng họ, tổ tiên mà ngay như việc xây cất mồ mả cũng hết sức chu đáo cho người đã khuất dù rằng trong đó không ít bia mộ xuất hiện từ một vài thế kỷ trước.

Một lần đến, một lần tầm nhìn được mở rộng qua cuộc sống, tinh thần, sức phấn đấu và bao kỳ vọng tương lai của một Lý Sơn tiềm tàng nhiều nguồn năng lực. Ao ước ngày nào trở lại để thấy hải đảo lớn mạnh, chứng thực sự chuyển mình trong thế tất thắng để trọn vẹn mãi mãi với hình ảnh Lý Sơn điểm tựa của nguồn ký ức vượt thời gian.

 

Lê Tư
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 412
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 50096
  • Tháng hiện tại: 1915875
  • Tổng lượt truy cập: 48290002