Đền thờ công chúa Bàn Tranh và Đức Thầy - Nét đẹp tâm linh của người dân đảo Phú Quý

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/12/2014 07:00
Chuyến hải trình 6 giờ đồng hồ, đưa chúng tôi hướng về  Phú Quý, một hòn đảo thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận có hình dáng như con cá Thu khổng lồ giữa biển nên còn gọi là cù lao Thu, cách đất liền trên 100km, diện tích gần 18km2, có 24.000 nhân khẩu, chia làm 3 xã, 9 thôn.

Đảo Phú Quý có khoảng 30 đền chùa, miếu mạo: Chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn, Vạn An Thạnh, đình làng Triều Dương... nhưng miếu thờ công chúa Bàn Tranh và mộ Đức Thầy là 2 truyền thuyết sống động cho giá trị văn hóa tâm linh của người dân đất đảo.

Dư âm thời mở cõi

Ngược về thời xa xưa, khi Phú Quý còn là một đảo hoang (khoảng đầu thế kỷ XVI thời vua Lê Kinh Tôn), chuyện kể rằng: Công chúa xinh đẹp Bàn Tranh, con gái út vua Champa vì phạm luật triều đình nên vua cha đành phải chiếu luật nước đày con mình ra hoang đảo. Thương con, vua cha cho theo đoàn tùy tùng để hầu hạ. Đoàn thuyền của công chúa đã đến đảo Phú Quý, tức thì đảo hoang được khai phá trồng tỉa, sự sống sinh sôi nẩy nở và “bình minh” của cù lao Thu bắt đầu từ đó.

Đảo Phú Quý - Bình Thuận


Công chúa Bàn Tranh đã có công khai hoang lập nên làng xóm và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất hoang giữa trùng khơi cho đến lúc trút hơi thở sau cùng vào ngày mùng 3 tháng giêng (ÂL). Nhớ ơn bà, người còn lại chôn cất theo nghi lễ hoàng tộc và lập miếu thờ bà tại thôn Quý Hải, xã Long Hải (huyện Phú Quý), hàng năm làm lễ giỗ rất lớn.

Chúng tôi đến miếu thờ công chúa giữa cái nắng như nung, theo người dẫn đường cho biết: Miếu đã được tu sửa lại nên không còn nguyên trạng như xưa. Có đại môn hoành tráng và 3 gian thờ đồ sộ sơn son thếp vàng, còn một số di vật linh thiêng như: Bài vị, bệ thờ, liên đối, hoành phi ca ngợi công đức của công chúa. Câu đối bằng chữ Hán gắn ở cột đền thờ được tạm dịch:

Linh thần hiển hách phù trong đảo

Giúp nước thay trời cứu vạn dân

Điều đó cho thấy sự tôn sùng, kính trọng của người dân nơi đây đối với công chúa và miếu thờ của bà là di tích mang nhiều dấu ấn có giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh quá trình giao thoa văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử phát triển của đảo. Ngày nay, trên đảo vẫn còn nhiều vết tích của người Chăm, nhất là những giếng cổ để lấy nước ngọt.

Cách miếu thờ công chúa Bàn Tranh không xa là đền thờ Đức Thầy, người ở đảo cho biết nơi này rất linh thiêng, truyền thuyết lưu lại rằng: Vào thế kỷ XVI, thầy Sài Nại là thương gia người Hoa nên thường cùng nhiều thương gia đi tàu biển đến các nước để trao đổi hàng hóa. Ngoài nghề buôn, ông còn là một thầy thuốc giỏi. Một lần gặp bão, thuyền ông dạt vào cù lao Thu, gặp công chúa Bàn Tranh nên kết nghĩa chị em, thấy đảo trù phú, hữu tình nên ông cùng một nhóm người Hoa ở lại. Thầy Sài Nại bốc thuốc chữa bệnh giúp dân trên đảo. Ông mất ngày mùng 4 tháng 4 năm Nhâm Thìn, được an táng tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (huyện đảo Phú Quý); mộ xây đá gành, hình tròn (ảnh).

Mộ Đức Thầy

Một dị bản khác cho rằng thầy Sài Nại là người Hoa, giỏi về thiên văn, địa lý, ông đi theo tàu buôn đến nhiều nước để hành nghề xem địa lý, thiên văn. Những chuyến hải trình vạn dặm nhiều lần ông dừng chân vào đảo Phú Quý, ông phát hiện ra nơi đây là hòn đảo địa linh, ông muốn khi mất được an táng nơi này. Và sau đó gia đình đã thỏa mãn ước nguyện của ông. Đoàn thuyền mang tro cốt của thầy Sài Nại từ phương Bắc đến đảo vào lúc ban đêm và làm lễ cúng tế ngay nên không ai hay biết. Hôm sau dân đảo mới thấy nhiều hương đăng, hoa quả, trà rượu, heo, gà... và phát hiện ra mộ ông trên đó cho là điềm thiêng nên dân cúng vái nguyện cầu và được như ý nên xây đền thờ ông.

Tục rước sắc thần Thầy - Chúa

Xét công khai hoang lập ấp trên đảo, các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho công chúa Bàn Tranh và Vị thầy Sài Nại 13 điệu sắc phong (vua Minh Mạng 2 sắc phong, vua Thiệu Trị 4 sắc phong, vua Tự Đức 3 sắc phong, vua Đồng Khánh 1 sắc phong, vua Duy Tân 1 sắc phong, vua Khải Định 2 sắc phong) gọi là sắc Thầy Chúa, các sắc phong cuộn tròn đặt vào một chiếc hộp gỗ sơn son.

Hàng năm cứ đến ngày 3 tháng giêng (ngày giỗ công chúa Bàn Tranh) làng nào đang giữ sắc phong thì chuẩn bị hương đăng, hoa quả, trầu cau, trà rượu, heo gà... nam, phụ, lão, ấu mỗi người, mỗi việc tổ chức đưa sắc thần từ thôn mình đến miếu thờ công chúa Bàn Tranh (thôn Quý Hải, xã Long Hải) cúng bái và tiếp tục đem sắc thần đến Dinh Thầy (thôn Phú An, xã Ngũ Phụng) tế lễ xong lại mang sắc thần trở về thôn mình giữ gìn, thờ cúng đến mùng 4 tháng 4 (giỗ thầy Sài Nại) lại tiếp tục sắm sửa lễ vật như trên và tế lễ như lộ trình của mùng 3 tháng giêng; sau đó thôn kế tiếp “thỉnh” sắc thần từ Dinh Thầy rước về thôn mình với chiêng trống, nhạc lễ, cùng kiệu, lọng, cờ... tiếp tục giữ gìn thờ cúng và cứ thế lễ rước sắc thần luân phiên, xoay vòng qua các thôn theo lệ hàng năm.

Mỗi lệ rước sắc Thầy Chúa, hầu như tất cả người dân trên đảo đều có mặt với tinh thần tín ngưỡng và thái độ thành kính tôn nghiêm cho thấy đây là chỗ dựa không thể thiếu về đời sống văn hóa tâm linh của người dân trên đảo. Lễ hội thể hiện nét đẹp của đời sống văn hóa dân gian, mang giá trị nhân văn tốt đẹp qua cách đối nhân xử thế “Uống nước nhớ nguồn” luôn ghi nhớ công ơn người đã dày công khai phá và thể hiện được tình đoàn kết chống chọi với phong ba, ngoại xâm của người dân nơi hải đảo. Bây giờ lệ rước sắc thần Thầy Chúa ở đảo Phú Quý vẫn giữ nguyên phong tục.                      

Ngọc Lệ
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 62)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 408
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 32994
  • Tháng hiện tại: 1781894
  • Tổng lượt truy cập: 48156021