‘Khi tóc thầy bạc trắng’ và ký ức người thầy

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/11/2013 11:10
Tháng 11 gần cạn, học trò phương xa không kịp về thăm thầy lại tìm đến với bài hát này để thấy lòng mình lắng lại, tràn ngập sự biết ơn thành kính dành cho những người đã dạy dỗ mình khi xưa.

Bài hát Khi tóc thầy bạc trắng ra đời trong một cuộc vận động sáng tác về ngành giáo dục năm 1994, như một cách để nhạc sĩ Trần Đức tri ân người thầy giáo cũ của mình. Ông từng chia sẻ trên mặt báo rằng hồi nhỏ, ông có gắn bó với một người thầy hiền từ, giản dị, tên là thầy Ninh.

Bẵng đi bao nhiêu năm, một ngày kia khi ông trưởng thành, tìm về quê hương, gặp lại thầy giáo cũ mới ngậm ngùi nhận ra mái tóc thầy đã bạc trắng. Vị nhạc sĩ xúc động tâm sự: “Ngày tôi học với thầy, tôi chỉ cao đến ngang vai thầy nhưng trong lần gặp gỡ ấy, đứng so với tôi thầy chỉ cao ngang vai tôi”.

Hình ảnh người thầy giáo ngày xưa.

Hình ảnh người thầy giáo và lớp học ngày xưa. Ảnh: st.

Sự kính trọng, thương yêu người thầy cũ của mình đã thôi thúc nhạc sĩ Trần Đức viết nên Khi tóc thầy bạc trắng. Năm 1999, báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học Giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam… phối hợp tổ chức cuộc bình chọn “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”. Trong danh sách đó, nhạc sĩ Trần Đức có hai bài hát được chọn là Khi tóc thầy bạc trắngMơ ước ngày mai. Biết được tin vui này, ông đã tìm đến nhà thầy, đặt bài hát lên án thư, thắp ba nén nhang để “báo tin vui” với thầy.

“… Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi…”

Có lẽ điều ám ảnh nhất đối với người học trò khi gặp lại thầy giáo cũ là mái tóc bạc trắng của thầy. Chẳng thế mà hình ảnh người thầy tóc bạc từ lâu đã được đưa vào bao áng thơ, bao câu hát.

Màu tóc bạc trắng ấy là màu của thời gian trôi qua, của bao dâu bể đổi thay. Đó là màu trắng kết từ bụi phấn, của những đêm trằn trọc bên trang giáo án “đêm hết đen thì tóc bạc trên đầu” (Louis Aragon). Bao nỗi trăn trở, lo âu về học trò đã làm mái đầu thầy điểm bạc. Để từ đó, hình ảnh mái đầu bạc trắng của người thầy đã trở thành một biểu tượng kính yêu của sự tận tụy, sự quên mình vì học sinh.

“…Thời gian trôi mau
Cầu Kiều thầy đưa qua sông
Tuổi ấu thơ như hoa nở giữa mái trường
Một con đò sang ngang
Ôi lòng thầy mênh mang…”

Người ta thường ví người thầy với hình ảnh người lái đò tiễn khách qua sông. Một chặng đường đã hết. Biển rộng trời cao đang đón chờ, những vùng đất chưa qua đang vẫy gọi. Người học trò đi tiếp, khám phá những chân trời mới. Thầy giáo ở lại với phấn trắng, bảng đen.

"Khi tóc thầy bạc trắng" thường được hát vang vào mỗi dịp Hiến chương Nhà giáo Việt Nam hàng năm.

Đôi khi người khách qua đò ngày nào sực nhớ về người lái đò ngày xưa - Liệu người ấy vẫn còn ở bến sông cũ hay đã rời đi nơi khác? Liệu đã da mồi tóc sương hay đã rời nơi cõi tạm?

Cậu bé học trò ngày nào vẫn bao lần nhủ thầm một ngày quay lại thăm thầy giáo cũ vậy mà vẫn bao lần lỡ hẹn. Thầy giáo thấy trò hẹn mãi mà không một lần trở lại cũng chỉ cười xòa, không nỡ trách. Thầy thương học trò còn phải lăn lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, thời bây giờ kiếm sống chẳng dễ dàng. Để đến một ngày, khi học trò cuối cùng cũng sắp xếp thời gian để về thăm thầy thì thấy thầy đã già, tóc đã bạc trắng, mới bất giác thương cảm, sa lệ.

Câu hát “Khi tóc thầy bạc, Tóc em vẫn còn xanh – Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi”, học trò vẫn thường hát đấy. Nhưng chỉ khi thực sự trưởng thành, người ta mới đón nhận câu hát ấy bằng tất cả sự ngậm ngùi, rưng rưng.

Học trò cũ về thăm thầy, được thầy mời nước, đối đãi như khách. Cậu bé học trò ngày nào từng nem nép lo sợ thầy gọi lên bảng kiểm tra bài cũ giờ đã đường hoàng ngồi đối diện với thầy bên chén trà. Bao năm trôi qua đủ để biến cậu bé nghịch ngợm ngày nào thành một người cha đứng đắn, một vị sếp khả kính, một nhà trí thức uyên bác. Nhưng không hề gì, Thầy vẫn là Thầy, Trò vẫn là Trò. Học trò cũ có thể ăn to nói lớn ở đâu đó nhưng đứng trước thầy giáo cũ thì vẫn bé nhỏ, vẫn cảm giác được thầy che chở như thế. Trong cái nắng lạnh cuối tháng 11, học trò cũ yên lặng cúi đầu, lắng nghe những lời thầy dặn dò.

“… Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao
Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan
Và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng…”

Những bài học làm người ngày nào của thầy vẫn luôn được học trò nhớ ghi, khắc sâu trong lòng để tự răn lấy mình. Học sâu biết rộng không phải là để trở thành những trí thức khệnh khạng, hợm hĩnh tự cho mình hơn người. Điều quan trọng nhất của học hành là học cách để yêu thương: yêu cái thiện, cái đẹp, yêu quê hương đất nước, thương cha mẹ, thương người nông dân vất vả… Chỉ có xuất phát từ tình yêu, con người mới có động lực để làm những điều tốt đẹp, trở thành một công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước.

Hình ảnh người thầy cặm cụi, tận tình với học trò. Ảnh: st.

Hình ảnh người thầy cặm cụi, tận tình với học trò. Ảnh: st.

Khi tóc thầy bạc trắng gần gũi với thiếu nhi nhờ những hình ảnh đậm chất dân gian của những câu thành ngữ, ca dao, chuyện cổ tích được vận dụng khéo léo. Hình tượng một “cầu Kiều thầy đưa qua sông” được nhạc sĩ lấy ý từ câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Câu hát “Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan” gợi nhớ đến câu chuyện cổ tích thân thuộc Tấm Cám. “Cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng” được lấy cảm hứng từ câu ca “Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày / Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Là một bài hát gắn với hình ảnh người thầy, Khi tóc thầy bạc trắng chỉ trở nên xúc động nhất khi được biểu diễn bởi chính những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong đồng phục áo trắng giản dị, các em đứng trên sân khấu say sưa hát cho thầy cô mình nghe, bạn bè mình nghe. Sự trong trẻo, hồn nhiên ấy không một bản thu âm hay một ca sĩ chuyên nghiệp nào có thể truyền tải được. Những người yêu ca khúc chỉ có thể tận hưởng trọn vẹn bài hát khi về thăm lại trường cũ, đứng giữa không gian thân thuộc của những hàng xà cừ, phượng vĩ ngày xưa.

Anh Trâm
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 170
  • Khách viếng thăm: 166
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 7023
  • Tháng hiện tại: 2239573
  • Tổng lượt truy cập: 46206806